www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Làm du lịch sinh thái, phải có tầm nhìn xa rộng…

 Du lịch sinh thái đã và đang phát triển mạnh ở vùng đồng bằng sông nước cũng như vùng trung du miền núi có phong cảnh nên thơ hữu tình, có cộng đồng các dân tộc thiểu số làm ăn sinh sống với bản sắc văn hóa được gìn giữ như một báu vật từ bao đời nay. Loại hình du lịch này đang được ngành du lịch Quảng Nam phối hợp với các địa phương khai thác để thu hút du khách gần xa. Là người có dịp đi tham quan nhiều nơi, tôi nghĩ, khi làm du lịch sinh thái, chúng ta cần phải phát huy vai trò của những người trực tiếp được hưởng lợi…

 Ở nơi bản Lác xa xôi…

Với trên 100 hộ dân là người dân tộc Thái sống trong một thung lũng nhỏ hẹp, cách xa thành phố Hòa Bình khoảng 70 cây số, nhưng bản Lác lại trở thành địa điểm du lịch sinh thái nổi tiếng của miền Tây Bắc. Anh Hà Công Thu – người dân ở địa phương, cho tôi hay: “Bản Lác làm du lịch sinh thái cũng đã nhiều năm nay. Vào mùa du lịch, khách ta, khách Tây đến rất nhiều.

Có ngày, trên vài ba trăm người tới ở…”. Tìm hiểu thêm, tôi được biết, nhà nào ở bản Lác cũng đầu tư xây dựng công trình vệ sinh, lắp đặt máy điện thoại, máy vi tính… nhưng vẫn gìn giữ nếp sinh hoạt của dân tộc mình qua nếp nhà sàn, cách ăn mặc, chào hỏi xã giao. Du khách đến bản Lác đều lưu trú vài ba ngày để được xem múa xòe Thái, được ngắm nhìn đèo Thung Khe, đèo Thung Nhuỗi ẩn hiện trong mây trắng bồng bềnh, được tận hưởng bản hòa tấu của chim muông từ núi Pù Pin, Noọng Luông vọng về, được quan chiêm cánh đồng Nà Sản đẹp như tranh vẽ, được thưởng thức những món ăn dân dã của dân tộc Thái… Chị Khà Thị Hòa thật thà nói: “Ở bản Lác này, mọi người mọi nhà cùng chung tay góp sức gìn giữ bảo vệ rừng, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên để làm du lịch sinh thái. Ai cũng phục vụ chu đáo, cố gắng làm vừa lòng khách. Chính vì thế mà tiếng lành đồn xa và bản Lác ngày càng có thêm nhiều người từ khắp các nơi đến với thung lũng nhỏ hẹp này…”.

 

Đội văn nghệ của Bản Lác múa xoè Thái phục vụ khách du lịch.

“Người dân ở đây cố gắng tự làm mọi việc để phát triển du lịch sinh thái. Nhà nước chỉ cho cái chủ trương và làm con đường nhựa từ thị trấn Mai Châu dẫn vào bản Lác mà thôi!”. Ông Hà Công Tím- Trưởng bản, bảo với tôi. Rồi vui chuyện, ông kể thêm nhiều chuyện về nơi mình đang sống. Nếu chỉ làm nông, cả bản không có ai khá giả lên được. Đất đai canh tác ít, 25ha ruộng lúa, mỗi mùa thu hoạch chưa tới 1,5 ta/sào Bắc bộ. Tổng đàn gia súc cỡ vài trăm con. Nhờ sớm làm du lịch sinh thái nên phát triển được các ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, làm hàng mỹ nghệ… bán cho du khách, tạo nguồn thu nhập không nhỏ cho các gia đình.

Đi dạo khắp bản, tôi thấy nhà nào cũng bày bán áo quần, khăn piêu, túi xách, gối thêu, chuỗi cườm, tẩu thuốc, cung nỏ, mõ trâu, dao đi rừng… Trò chuyện với tôi, bà Vi Thị Phón nói: “Ngoài việc thăm thú cảnh đẹp, mua đồ lưu niệm, du khách thích ngủ qua đêm ở nhà sàn người Thái. Giá cả vừa phải, 30.000đồng/ người/ đêm. Ăn uống bình thường với thịt gà nướng, thịt heo luộc, canh măng…, hay muốn thưởng thức các món ăn dân tộc như cá suối nướng, thịt hun khói, lắc lày, nó xổm, nó tổm, pịa… cũng khá rẻ: 30.000- 50.000 đồng/ suất. Còn thích xem văn nghệ cũng được Đội văn nghệ bản Lác đáp ứng với chương trình biểu diễn ca múa nhạc tổng hợp hơn một tiếng đồng hồ với giá 200 ngàn đồng”.

Trông người lại nghĩ đến ta… 

Ngành du lịch Quảng Nam đã phối hợp với huyện Tiên Phước khảo sát thực tế để có kế hoạch khai thác điểm du lịch sinh thái Lộc Yên – Tiên Cảnh. Đấy là ngôi làng sơn cước có nhiều ngôi nhà cổ với nét hoa văn chạm trỗ trên các cột kèo gỗ khá tinh xảo. Đấy là nơi sản sinh ra nhà khoa bảng Lê Vĩnh Khanh và các nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, Lê Vĩnh Huy… Và đấy cũng là nơi có nhiều cảnh đẹp đã đi vào cổ tích và thơ ca nhạc họa như thác Lò Thung, như bãi Đá Giăng… Đời sống văn hóa của làng Lộc Yên – Tiên Cảnh và vùng phụ cận cùng có những nét độc đáo hấp dẫn. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, chỉ với những lợi thế đó mà mở tour du lịch sinh thái Lộc Yên – Tiên Cảnh thì cầm bằng… thất bại là chắc!

Bởi hiện tại, ngoài những ngôi nhà cổ đang ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, ngoài cảnh đẹp thiên nhiên đã và đang bị con người tàn phá một cách vô thức, ở Lộc Yên- Tiên Cảnh chẳng có gì thêm để du khách quan chiêm thưởng ngoạn. Hơn nữa, người dân ở làng sơn cước ấy chưa thấy được những lợi ích thiết thực mà du lịch sinh thái mang lại nên chẳng có mấy ai mặn mà. Tất cả như còn quá lạ lẫm với loại hình kinh doanh lợi kép lợi đơn này. Vợ chồng chị Sương – chủ nhân ngôi nhà cổ mà Tổng thống Ngô Đình Diệm đã từng nhiều lần “gạ gẫm” mua, cười bảo với tôi: “Từ hồi mô tới chừ dân ở đây có mấy ai biết du lịch sinh thái là cái chi chi?”.

 

Một góc thác Lò Thung – thắng cảnh nằm ở ngã ba sông Trạm và sông Tiên, nằm sát bên cạnh làng Lộc Yên – nơi có nhiều ngôi nhà cổ hơn trăm năm tuổi.

Quy hoạch tổng thể để có kế hoạch xây dựng Lộc Yên – Tiên Cảnh thành điểm du lịch sinh thái là một chủ trương đúng đắn, thể hiện một tầm nhìn xa rộng. Song tôi nghĩ, ngành du lịch Quảng Nam và chính quyền huyện Tiên Phước cần sớm thực hiện việc xây dựng cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan làng mạc. Cụ thể là, chỉ đạo cho hai xã Tiên Cảnh và Tiên Lộc giữ gìn vẻ đẹp nguyên sơ của thác Lò Thung và bãi Đá Giăng. Đồng thời giúp người dân nhận thức được lợi ích mà du lịch sinh thái đem lại, cũng cần phải khuyến khích bà con cải tạo nhà vườn mang nét đặc trưng của vùng trung du Tiên Phước bằng cách trồng cau, quế, các loại cây ăn quả, gìn giữ những ngõ đá rêu… nhằm tạo cảnh quan nên thơ hữu tình. Vẻ đẹp bề ngoài ấy sẽ thu hút du khách đến với Lộc Yên – Tiên Cảnh.

Nhưng muốn níu chân du khách ở lại với làng sơn cước thì phải khôi phục lại các nếp sinh hoạt truyền thống của một thời chưa xa như đan lát, xay lúa, giã gạo, làm các mặt hàng thủ công… Bên cạnh đó, cũng cần khôi phục lại các hoạt động văn nghệ dân gian như hát giã gạo dưới trăng, hát hò khoan đối đáp, hát giao duyên… Và theo tôi nghĩ, chính nếp sinh hoạt truyền thống và các hoạt động văn nghệ dân gian sẽ tạo nên mãnh lực lôi cuốn du khách nhập cuộc để được đắm mình với văn hóa làng quê vốn phai nhạt dần theo năm tháng. 

Du khách chụp hình tại làng cổ Lộc Yên

 


Nhiều người dân ở Lộc Yên- Tiên Cảnh cho biết: Việc khôi phục lại nề nếp cũ của một làng quê xưa, tuy khó, nhưng không phải là không làm được. Bởi không ít người già vẫn còn còn nhớ như in tất cả… Cái chính là ai đứng ra tổ chức thực hiện ?. Câu hỏi đó, ngành du lịch Quảng Nam và lãnh đạo huyện Tiên Phước cần lưu tâm, vì muốn làm du lịch sinh thái không phải chạy theo phong trào là được, mà phải có một tầm nhìn xa rộng… Thực tế ở nơi bản Lác xa xôi cho thấy, việc bảo vệ rừng, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc với những hoạt động văn hóa văn nghệ của người dân trực tiếp hưởng lợi mới là yếu tố quyết định việc phát triển loại hình du lịch sinh thái…

 Theo Lâm Thái Bình, thiennhien.net