Ngang nhiên phá rừng Hóc Độ xã Tiên Phong
Nhận tin từ bạn đọc, vượt trời mưa tầm tã, chúng tôi lội vào rừng Hóc Độ (thuộc thôn 4, xã Tiên Phong, huyện Tiên Phước) - nơi mà cánh rừng gỗ bạch đàn vừa bị đốn hạ nằm la liệt. Khi chúng tôi có mặt tại hiện trường cũng là lúc đoàn kiểm tra của xã Tiên Phong đang thuê ô tô vận chuyển toàn bộ số gỗ đã bị khai thác trái phép về trụ sở UBND xã chờ xử lý.
Thời điểm năm 1993-1994, khu vực núi Hóc Độ được Nhà nước triển khai dự án trồng rừng PAM 2780. Cây đến tuổi thu hoạch, địa phương đã khai thác bán lần đầu, bây giờ rừng cây tái sinh có đường kính từ 30cm trở lên, nằm phân tán nhiều khu vực.
Ngày 27.10, người dân thôn 4 phát hiện ông Bùi Văn Thanh, cán bộ phụ trách văn hóa xã Tiên Phong dẫn theo một nhóm người vào khai thác rừng ở Hóc Độ. Nghi ngờ nhóm người khai thác trái phép, người dân điện báo chính quyền địa phương. Ngay lập tức, đoàn cán bộ xã đến làm việc, lập biên bản hiện trường. Ông L.V.T, nhà ở cạnh rừng nên nắm bắt tường tận vụ phá rừng trái phép ở Hóc Độ. “Cách đây khoảng 5 ngày, tôi thấy ông Thanh dẫn theo một nhóm 4 - 5 người vào rừng khai thác. Rừng của Nhà nước mà người ta phá như chốn không người, dân ở đây ai cũng biết có cán bộ xã tham gia triệt hạ cây rừng” - ông Tri nói.
Gỗ khai thác trái phép ở rừng Hóc Độ vận chuyển về trụ sở UBND xã Tiên Phong chờ xử lý.
Theo nhiều người dân thôn 4, Hóc Độ là rừng phòng hộ tái sinh. Trong nhiều cuộc họp với đại biểu HĐND các cấp, người dân mong muốn được nhận giao khoán, trồng và phát triển rừng để rừng được bảo vệ tốt hơn. Tuy nhiên, lãnh đạo xã khẳng định, rừng phòng hộ đầu nguồn Tiên Phong do Nhà nước quản lý, cần được bảo vệ nghiêm ngặt nên không thể giao khoán.
Ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Phong cho biết, rừng cây tái sinh từ dự án 2780 có 3 khoảnh khác nhau và không liền kề nhau. Chỉ có khoảnh nằm ở giữa là còn nhiều cây trồng tập trung với diện tích 2,5ha, là khu vực có 3 nhóm hộ (mỗi nhóm từ 7 - 9 hộ) có hợp đồng giao khoán, bảo vệ rừng. Khi khai thác người dân hưởng lợi 60% và trích 40% nộp cho ngân sách xã. Ngày 16.10, chính quyền địa phương mở thầu bán đấu giá cây rừng trên diện tích 2,5ha. Ông Huỳnh Văn Nam, quê ở xã Tam Lãnh (Phú Ninh) đã trúng thầu với giá hơn 158 triệu đồng. Trong thời gian 1 tháng, ông Nam có trách nhiệm khai thác xong, bàn giao mặt bằng cho địa phương.
Theo lãnh đạo xã Tiên Phong, hiện số gỗ khai thác trái phép nằm ngoài phạm vi bán đấu giá đang được tiếp tục kiểm kê, đo đếm, lập biên bản hiện trường, chuyển về địa phương niêm yết chờ xử lý. Bước đầu ông Thanh khai, đã mua lại số gỗ trên của ông Nam. “Chúng tôi đang làm rõ đâu là số gỗ nằm trong diện tích 2,5ha, đâu là số gỗ khai thác trái phép nằm ngoài khu vực đã bán. Vì trong giai đoạn điều tra, xác minh, nên chưa thể cung cấp thông tin và chưa thể khẳng định ông Bùi Văn Thanh có phá rừng không?”. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, khu vực rừng ở Hóc Độ nằm cách xa khu vực rừng mà UBND xã đã bán đấu giá. Thêm nữa, diện tích rừng này đã được ông Huỳnh Văn Nam khai thác xong cách đây hơn một tuần.
Có hay không một cán bộ xã Tiên Phong tham gia phá rừng Hóc Độ? Các cơ quan chức năng của huyện Tiên Phước cần sớm vào cuộc điều tra làm rõ.
Theo Hữu Phúc - Báo Quảng Nam