Cánh chim đầu đàn của ngành giáo dục huyện Tiên Phước
Trong chuyến công tác về miền núi lần này, tôi có dịp ghé thăm một trường tiểu học rất đặc biệt. Nơi đây cuộc sống còn rất khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm đến 77.84%, giao thông đi lại còn nhiều cách trở, nhiều học sinh phải băng đèo, trèo núi cao và lội qua sông, qua suối để được tới trường, nhưng tỉ lệ học sinh khá giỏi nơi đây chiếm đến gần 70%. Đó là Trường tiểu học Tiên Hiệp, thuộc xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước, Quảng Nam.
Thương trò như thể thương con!
Tiên Hiệp có 4.174 nhân khẩu, người dân nơi đây đa số sống bằng nghề nông. Cơ sở vật chất (CSVC) của cơ sở chính và 4 cơ sở lẻ đều thiếu thốn, xuống cấp. Thế nhưng đây là 1 trong 16 trường tiểu học của huyện có số lượng học sinh đông nhất. Năm cao điểm có đến 25 lớp học với số học sinh gần 1.000 em.
Đất nghèo nhưng phụ huynh rất quan tâm chăm lo “cái chữ” cho con em, dù là ở vùng núi cao nhưng hàng năm tất cả các em học sinh trong độ tuổi đều được đến trường, tỉ lệ bỏ học hầu như không có. Những hôm mưa gió, phụ huynh sẵn sàng bỏ ngày công lao động đưa các em đến trường. Thầy, cô thương trò như thương con, không chỉ chăm lo cái chữ mà có lúc còn chăm lo cả miếng ăn khi các em chưa thể về nhà. Thậm chí còn chung tiền mua áo, quần, sách, vở cho các em...
Những câu chuyện cảm động đó cũng là chuyện thường ngày ở trường. Cô Võ Thị Nhân - người có trên 25 năm công tác tại trường tâm sự: “Nơi đây học sinh thương quý thầy, cô như cha mẹ, chúng tôi cũng yêu quý các em như con mình. Những em có hoàn cảnh khó khăn chúng tôi tìm cách giúp đỡ. Được cái học sinh rất ngoan, hiền, hiếu học”.
Thầy Nguyễn Thanh Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chính quyền xã cùng phòng Giáo dục rất chú trọng đến “sự nghiệp trồng người” tại địa phương và luôn kịp thời giải quyết những kiến nghị cần thiết của nhà trường.
Các em học sinh Trường tiểu học Tiên Hiệp trong một tiết học
Xứng đáng là cánh chim đầu đàn
Ông Nguyễn Đức Cảnh – Chủ tịch Hội phụ huynh học sinh cho biết: “Chúng tôi rất an tâm, bởi nhà trường có đội ngũ thầy cô vừa có trình độ, vừa có tâm, có đức. Tất cả giáo viên đều có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đạt trên chuẩn 100%. Có 100% đạt giáo viên giỏi cấp cơ sở; trên 50% đạt giáo viên cấp huyện và rất nhiều giáo viên giỏi cấp tỉnh”.
Những năm qua ngôi trường này đã gặt hái được những thành tích thật đáng trân trọng. 7 năm liền đạt danh hiệu Liên đội xuất sắc toàn huyện, tỉ lệ học sinh giỏi hàng năm đạt gần 50%; Hội thi viết chữ đẹp cấp huyện, cấp tỉnh nhiều năm liền đạt giải nhất. Ngoài ra nhiều phong trào thi đua khác các em luôn luôn là những ngôi sao sáng. Giám đốc Sở giáo dục đã nhiều lần khen thưởng nhà trường về thành tích xuất sắc trong những năm học. Liên đoàn lao động tỉnh cũng đã tặng nhiều Bằng khen, cờ thi đua cho đơn vị xuất sắc. Bên cạnh đó nhà trường còn nhận được rất nhiều bằng khen của huyện ủy, UBND huyện và Phòng giáo dục cũng như các cơ quan cấp trên.
Không chỉ chăm lo đến chất lượng dạy và học mà nhà trường còn rất chú trọng đến công tác Đảng. Chi bộ nhà trường nhiều năm liền đạt Chi bộ trong sạch vững mạnh. Mới đây chi bộ nhà trường được huyện ủy khen tặng Chi bộ điển hình, 4 năm thực hiện CVĐ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Khó có thể nói hết những kết quả mà ngôi trường này đã đạt được.
Chia tay ngôi trường ở một vùng miền núi xa xôi, điều kiện còn rất khó khăn, nhưng với những gì thầy và trò nơi đây đã làm được khiến tôi vô cùng cảm phục, nhưng tôi cứ trăn trở mang theo câu nói của ông Chủ tịch Hội PHHS: Dạy và học chúng tôi đã làm rất tốt nhưng chưa thể đạt trường chuẩn quốc gia, bởi CSVC chưa đạt chuẩn. Để phong trào dạy tốt, học tốt ở đây có điều kiện được phát huy hơn nữa, thầy và trò nơi đây đang rất mong CSVC của nhà trường sớm được đầu tư nâng cấp.
Tấn Thành - Báo Đại Đoàn Kết