www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Từ Sơn Phòng Dương Yên đến tỉnh thành La Qua

Những năm 1884-1885, triều Nguyễn ngày càng tỏ ra bất lực trước bọn giặc ngoại xâm, đã lần lượt cắt đất dâng cho Pháp, Trung Kỳ trở thành đất “bảo hộ” của thực dân. Mặt khác, một số bọn quan lại Nam triều lại cam tâm làm tay sai cho giặc, quay sang đàn áp các phong trào kháng Pháp của nhân dân ta. Đứng trước tình cảnh ấy, tuy được triều đình tin dùng, nhưng Tiến sĩ Trần Văn Dư vẫn sẵn sàng xả thân vì đại nghĩa cùng nhân dân đứng lên kháng Pháp. 

               Khi vua Hàm Nghi xướng hịch Cần Vương (1885), Tiến sĩ Trần Văn Dư cùng với Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu, Cử nhân Phan Bá Phiến, Ấm sanh Tiểu La Nguyễn Thành... ứng nghĩa thành lập Nghĩa hội. Trước đó, tháng 7 năm 1884, khi đang giữ chức Sơn phòng sứ Quảng Nam, Trần Văn Dư đã dâng sớ xin tu sửa, chỉnh đốn hệ thống các nha Sơn phòng Dương Yên, vốn là tiền đồn án ngữ ở phía Tây tỉnh Quảng Nam của triều đình nhà Nguyễn. Ông đã dựa vào đó để làm đại bản doanh của phong trào Nghĩa hội Quảng Nam trong giai đoạn đầu (1885). Sơn phòng Dương Yên nằm ở một thung lũng rộng, có địa thế khá hiểm trở, phía Nam là núi Đoác, phía Tây là hố Khéo và cánh đồng rộng, phía Đông giáp với những dãy núi cao về phía huyện Tiên Phước, phía Đông Bắc là đèo Ron. Lúc đó, con đường giao thông duy nhất từ Trà My xuống Tiên Phước phải đi qua đèo Ron. Sơn phòng Dương Yên nằm án ngữ tại đây để dễ bề kiểm soát sự đi lại giữa miền ngược và miền xuôi. 

         Lúc này, triều đình Huế nhận thấy vị trí quan trọng của Sơn phòng Dương Yên cũng như uy tín của Trần Văn Dư đối với nhân dân trong vùng có thể gây trở ngại cho mình, bèn dùng kế “Điệu hổ ly sơn” đưa ông đi để chia rẽ nội bộ Nghĩa hội, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đàn áp và chiếm đóng các vùng ở phía Nam. Nguyễn Văn Tường đã mượn chỉ dụ của Từ Dũ Thái hậu, bổ nhiệm Nguyễn Đình Tựu vào thay thế Trần Văn Dư, điều ông vào làm Bố Chánh tỉnh Quảng Ngãi. Trần Văn Dư thấy rõ đây là dã tâm của bọn tay sai Nam triều, bèn từ quan, cùng sĩ phu yêu nước trong tỉnh tập hợp lực lượng quyết tâm đứng lên chống Pháp.

      Tháng 7 năm 1885, ông chấp bút viết cáo thị kêu gọi chống giặc ngoại xâm, được các tầng lớp nhân dân, các sĩ phu yêu nước hưởng ứng, tham gia ngày một đông. Ngày 4-9-1885, Trần Văn Dư chỉ huy một cánh quân khoảng 1.000 người, từ Sơn phòng kéo ra phía Bắc, phối hợp cùng nhiều cánh quân khác tiến công thần tốc đánh thành tỉnh La Qua (trước thuộc tổng Hạ Nông, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn; nay thuộc thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). 

        Sau khi chiếm được thành tỉnh, ông cùng những người lãnh đạo phong trào quyết định mở kho lương thực phát chẩn cho dân nghèo. Đối với binh lính triều đình, ai muốn về quê sinh sống thì Nghĩa hội cho được tự do, những ai muốn cùng Nghĩa hội tham gia chiến đấu chống lại thực dân thì đưa họ vào đội quân của nghĩa binh, hằng ngày luyện tập võ nghệ để tham gia chiến đấu chống Pháp. Ông cho thiết lập bộ máy hành chính từ xã, tổng đến huyện nhằm vãn hồi trật tự xã hội, đẩy lùi các tệ nạn như cờ bạc, rượu chè, trộm cắp; tinh thần đoàn kết được thể hiện rất rõ trong mọi tầng lớp nhân dân. Đây chính là điểm mạnh mà phong trào Nghĩa hội đã làm được cho nhân dân vào thời điểm này, mặc dầu rất ngắn ngủi.

         Ngày 25-9-1885, quân Pháp mở cuộc tấn công theo hai hướng chính: đường thủy từ Huế, Đà Nẵng vào cửa biển Hội An; đường bộ theo hướng quốc lộ vào Bắc Vĩnh Điện, ồ ạt tấn công đánh chiếm thành tỉnh La Qua. Trước tình hình ấy, Trần Văn Dư cùng Nguyễn Duy Hiệu quyết định rút đại bộ phận về căn cứ Sơn phòng Dương Yên để bảo toàn lực lượng, phục vụ cho một cuộc chiến đấu lâu dài.

        Tháng 11 năm 1885 (Ất Dậu), quân Pháp huy động một lực lượng hùng hậu cùng quân Nam triều tiến đánh Sơn phòng Dương Yên. Nghĩa quân dưới sự chỉ huy của Trần Văn Dư đã lập nhiều phòng tuyến chống trả, chặn đường tiến quân của quân Pháp như Lũy Đá Rồng, Truông Mua, Suối Đá... gây cho quân Pháp nhiều tổn thất nặng nề. Thế nhưng, do phải chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn mọi bề, sau một thời gian anh dũng chống trả, cầm cự, nghĩa quân đã bị thất thủ. Trần Văn Dư không may bị giặc Pháp bắt.

        Giặc Pháp tìm mọi cách để khai thác tin tức hoạt động của nghĩa binh, dùng mọi biện pháp mua chuộc dụ dỗ ông đầu hàng và cộng tác với bọn chúng. Nhưng với một người có chính nghĩa và tinh thần kiên định như ông thì không gì có thể lay chuyển nổi. Biết không làm gì được, giặc Pháp ra lệnh cho quan đầu tỉnh đem ông ra xử chém; hôm ấy nhằm ngày mồng 8 tháng 11 năm Ất Dậu (13-12-1885). Trước khi bị chém, ông ứng khẩu đọc một bài thơ nhằm nói lên tâm tư, lời nhắn gửi của ông đối với nhân dân và những người đã sát cánh cùng ông trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, trong đó có hai câu nói lên khí khái của một người con trung kiên, quyết một lòng xả thân vì quê hương, đất nước: “Lòng mưu việc lớn không ranh giới/ Quyết chí chờ chi thuận ý trời...”.

            An Trường - Báo Đà Nẵng