www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Phó Tổng vây phủ

 Một thời, các yếu nhân của phong trào yêu nước tại Quảng Nam đã tập trung chung quanh Thái Phiên để vận động cho cuộc khởi nghĩa Duy Tân nhằm đánh đổ thực dân Pháp. Phong trào này phát triển rất mạnh ở hầu hết các tổng trong tỉnh, đặc biệt là ở tổng Phước Lợi mà Trần Huỳnh là người tham gia tích cực nhất cho cuộc vận động tại tổng này.

             Trần Huỳnh, thường được gọi là Phó Bẻn (Phó là chức Phó tổng, còn Bẻn là tên người con trai đầu của ông), sinh năm Mậu Ngọ (1858), tại làng Tân An Tây, tổng Đức Hòa Trung, huyện Hà Đông; sau đổi thành tổng Phước Lợi, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ; nay thuộc xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.

        Trong các năm 1905-1908, ông cùng với các chí sĩ Lê Cơ ở Phú Lâm, Lê Vĩnh Huy ở Thạnh Bình, Phan Quang ở Cẩm Y, đứng ra tiến hành cải cách làng quê mình bằng việc lập trường Tân Xuân dạy chữ Quốc ngữ, trường Dục Thanh dạy võ dân tộc cho thanh niên trai tráng địa phương nhằm mưu việc nước về sau…

         Tháng 8-1915, hưởng ứng lời kêu gọi khởi nghĩa do vua Duy Tân và hai chí sĩ xứ Quảng là Thái Phiên và Trần Cao Vân chủ trương, Ban chỉ huy khởi nghĩa tổng Phước Lợi chính thức được thành lập, Trần Huỳnh làm Tổng lãnh binh và Trần Tùy Vân làm Phó lãnh binh. Một tháng sau, Đội phục quốc quân được thành lập tại nhà Trần Huỳnh với khoảng 30 người tham gia ban đầu, đến cuối năm lên gấp đôi. Ngoài ra, Đội còn vận động thành lập được 22 đội dân binh ở các xã, thôn gồm khoảng 350 người; tất cả lấy rừng dương gò Chùa làm địa điểm tập luyện quân.

          Đến đầu năm 1916, công việc tổ chức, chuẩn bị các mặt càng khẩn trương hơn, đội viên và nhân dân tự nguyện đóng góp lương thực, tài chính. Với danh nghĩa Phó tổng Phước Lợi, Trần Huỳnh mượn đình làng làm kho chứa lương thực dưới hình thức là số lúa gạo của ông để chia cho người nghèo.

           Chiều ngày 3-5-1916, theo kế hoạch của cuộc Khởi nghĩa Duy Tân, gần 1.000 dân binh tập trung về căn cứ Gò Chùa (còn gọi là Gò Đỏ) để làm lễ tế cờ xuất quân. Lễ khao quân được tiến hành tại nhà Trần Huỳnh, mỗi người uống một chung rượu hòa với huyết bò gọi là “rượu thề phục quốc”. Đến tối, đoàn nghĩa binh xuất phát, do Trần Huỳnh và Trần Tùy Vân chỉ huy, trong sự hưởng ứng nhiệt liệt của nhân dân, bừng bừng khí thế, cờ xí, gươm mác rợp trời, ào ạt tiến về phía phủ đường Tam Kỳ.

          Tuy nhiên, do kế hoạch của cuộc Khởi nghĩa Duy Tân đã bị bại lộ ở kinh thành Huế nên sếp đồn Đại lý Pháp ở Tam Kỳ và Tri phủ Tam Kỳ đã “tương kế tựu kế” đối phó với nghĩa binh. Khi nghĩa binh tiến đánh đồn Đại lý đã không gặp bất cứ một sự chống cự nào, tuy dễ dàng chiếm đồn, phá kho nhưng chỉ thu được một số đạn dược, quần áo và vài khẩu súng hỏng.

           Ngay đêm đó, nghĩa binh kéo đến bao vây Phủ đường Tam Kỳ, lại gặp cảnh bốn bề lặng lẽ và có vẻ như nơi đây chưa hay biết gì. Thế nhưng, khi Trịnh Uyên leo lên cột cờ định treo lá cờ nghĩa binh thì bị một loạt đạn làm tử thương. Ngay lập tức, súng ống từ các nơi ẩn nấp trong phủ đường bắn xối xả vào nghĩa binh. Bị đánh bất ngờ, nghĩa binh vẫn bình tĩnh củng cố lại đội hình rồi dựa vào địa hình, địa vật phản kích lại quyết liệt. Tuy nhiên, vũ khí thô sơ tự tạo không thể nào địch nổi với súng đạn tối tân nên nhiều nghĩa binh đã ngã xuống, hết lớp này đến lớp khác xông lên, gây cho địch những tổn thất đáng kể. Sau vài giờ cầm cự và anh dũng chiến đấu, nghĩa binh đành rút lui để bảo toàn lực lượng...

           Nhận được tin khởi nghĩa ở Tam Kỳ, Công sứ Pháp và Tổng đốc Quảng Nam liền phái một trung đội lính Âu-Phi với vũ khí tối tân cấp tốc hành quân vào Tam Kỳ. Chiều ngày 4-5-1916, Trần Huỳnh và nhiều chỉ huy nghĩa binh khác bị giặc bắt đưa ra nhà lao tỉnh ở Hội An. Trong lao tù, mặc dù bị tra tấn, dụ dỗ nhưng Trần Huỳnh vẫn tỏ ra khẳng khái nhận hết trách nhiệm về mình và luôn an ủi, động viên các bạn chiến đấu giữ vững ý chí.

         Biết không thể nào mua chuộc, dụ dỗ được Trần Huỳnh nên ngày 27-5-1916, Tòa án Quảng Nam đã mở phiên xét xử riêng ông và các đồng chí tham gia vào vụ bao vây, đánh chiếm Phủ đường Tam Kỳ. Tuy chúng tuyên án đày biệt xứ ông lên Buôn Ma Thuột, nhưng hèn hạ thay, vào ngày 3-6-1916, giặc Pháp đã lén lút đưa ông đi xử chém tại Chợ Củi (bên sông Chợ Củi, huyện Điện Bàn). Mặc dù cận kề cái chết nhưng Trần Huỳnh vẫn hiên ngang bước ra pháp trường với lời hô vang gửi cho hậu thế: “Giòng giống Hồng Lạc thiên thu - Việt Nam vạn tuế”...

          Nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh của ông, ghi lại chuyện này để tưởng nhớ người xưa - một phó tổng cả gan lãnh đạo nhân dân bao vây, đánh chiếm phủ đường. Dòng sông Chợ Củi ngày nào vẫn lưu chuyển tinh thần yêu nước mãnh liệt, ý chí kiên cường bất khuất của người dân xứ Quảng...

            An Trường - Báo Đà Nẵng Cuối Tuần