www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Giá quế tăng cao sau thời gian dài “lao dốc”

Hiện nay, giá quế trên địa bàn Quảng Nam tăng cao hơn “10 giá” so với cùng kỳ những năm trước. Người dân phấn khởi, thương lái đổ xô đi mua khắp nơi. Tuy nhiên, do trong thời gian dài giá quế quá thấp, người dân đã chặt phá trồng các loại cây khác thay thế nên các vườn quế cũng khan hiếm dần.

Những ngày qua, ông Nguyễn Đình Nhân (55 tuổi, trú thôn 4, xã Tiên Cảnh, H. Tiên Phước, Quảng Nam) chạy khắp nơi ở “thủ phủ quế” của xứ Quảng như Tiên Phước, Trà My để săn tìm những vườn quế may mắn còn sót lại. Tâm sự với chúng tôi, ông Nhân thật thà cho biết: Hiện tại giá quế ống khô bình quân có giá khoảng 38.000 đồng/1 kg, giá tươi thì tùy loại, dao động ở mức 17.000-35.000 đồng/1 kg.

So với năm ngoái thì tăng được 10 giá (tăng được 10.000 đồng/1 kg). Giá cao khiến nhiều chủ vườn rất phấn khởi, thương lái thu mua cũng có lời. Nhưng hiện nay các vườn quế còn rất ít, rải rác khắp nơi, không còn trồng tập trung chuyên canh như trước nữa. Do vậy để có quế thu mua, chúng tôi phải liên hệ, tìm kiếm rất vất vả.

Nhà ông Trương Công Điền (55 tuổi, trú xã Tiên Cảnh, H. Tiên Phước) trước đây có vườn quế hàng trăm cây. Tuy nhiên do giá quế thấp, gia đình ông chặt đốn rồi trồng cây keo thay thế, chỉ để lại vài cây trước sân nhà. Sau Tết, giá quế tăng cao nên ông cũng gọi thương lái đến bán để kiếm thêm thu nhập. “Tiếc lắm chú à. Trước đây giá thấp quá nên chặt đốn hết. Chừ còn mấy cây ni đây mà bán cũng được vài triệu đồng, có nguồn để chi phí cho thằng con học ngoài Đà Nẵng đóng tiền đầu năm”- ông Điền chia sẻ.

May mắn hơn những hộ dân khác, do điều kiện gia đình cũng khá giả, không cần “bán lúa non” nên vườn quế hàng trăm cây nhà ông Nguyễn Phước (TT Tiên Kỳ, H. Tiên Phước) vẫn còn nguyên vẹn. Sau gần 20 năm trồng, chăm sóc, đến nay thấy giá “được” nên gia đình ông Phước quyết định gọi thương lái đến bán. “Lúc trước giá rẻ quá, bán thấy tiếc nên cứ để miết rứa. Chừ với giá ni thì tui bán được để đầu tư trồng mới cây khác, chứ loại này trồng gần 20 năm, nó già rồi”- ông Phước cho biết.

 

                                          Giá quế tăng trở lại khiến người dân rất phấn khởi.

 

Được biết, mỗi cây quế bình quân cho khoảng 20-30 kg quế tươi. Với giá khoảng 20.000 đồng/1 kg thì mỗi cây cho thu hoạch khoảng 500.000 đồng. Sau khi quế bị lột vỏ, thân cây được bán lấy gỗ giống như gỗ cây keo lá tràm, cành, lá cũng được bán tận dụng cho các hộ dân làm hương, nấu lấy dầu... “Nói cao là so với những năm gần đây thôi, chứ so với giai đoạn trước năm 1995 thì thua xa. Thời điểm đó, một cây quế có giá gần 10 triệu đồng. Nhưng sau đó thì giá tuột dốc cho đến năm nay mới bắt đầu tăng lại... Tuy giá thấp nhưng bà con chúng tôi ít nhiều vẫn giữ lại cây quế, vì đây là thương hiệu của người dân xứ này. Nhưng giữ lại nó thì đời sống người dân bấp bênh. Nếu được Nhà nước hỗ trợ, tháo gỡ vấn đề giá cả, thị trường thì người dân chúng tôi rất phấn khởi”- ông Nguyễn Văn Toàn (trú TT Trà My, H. Bắc Trà My) cho biết.

Những năm qua, bên cạnh phát triển một số loài cây trồng mới như keo lá tràm, cao su... nhằm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu giống cây trồng, các địa phương trên đã có chính sách bảo tồn và phát triển cây quế, khuyến khích người dân không chặt đốn cây non. “Hiện nay toàn huyện còn khoảng 850ha quế được trồng rải rác trong dân. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phát triển vùng trồng mới 365ha.

Phương án bảo tồn và phát triển cây quế Trà My đã được huyện phê duyệt, hỗ trợ kinh phí thực hiện. Theo đó, trong các năm 2012, 2013, huyện đã chi gần 500 triệu đồng cấp giống hỗ trợ với số lượng hơn 200.000 cây giống cho nhân dân các xã Trà Dương, Trà Giang, Trà Đốc, Trà Bui, Trà Giác, Trà Giáp và TT Bắc Trà My trồng phục hồi. Năm 2014, huyện cũng đã chi 100 triệu đồng cấp 48.564 cây giống hỗ trợ thêm bà con Trà Giáp trồng mở rộng diện tích...”- một lãnh đạo Phòng NN&PTNT H. Bắc Trà My cho biết.

Như vậy có thể thấy, sau thời gian dài mất giá, hiện nay giá quế đã bắt đầu tăng trở lại. Với những biện pháp bảo tồn, phát triển thương hiệu quế của chính quyền địa phương, kết hợp với giá quế tăng trở lại sẽ là động lực để vùng quế xứ Quảng hồi sinh trở lại.

                                                                 Bão Bình - Báo CA Đà Nẵng