www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Vụ thảm sát Cây Cốc xảy ra ngày nào?

Đó là câu hỏi mà bạn đọc Báo Quảng Nam đã hỏi tôi - tác giả bài báo “Ngọn lửa lòng dân” (số ra ngày 29.9.2014), khi cho rằng vụ thảm sát Cây Cốc xảy ra vào khoảng 10 giờ sáng 1.10.1954; còn diễn văn của lãnh đạo huyện Tiên Phước đọc tại Lễ tưởng niệm 60 năm cuộc đấu tranh Cây Cốc tổ chức ngày 29.9.2014 tại xã Tiên Thọ lại nêu rõ vụ thảm sát Cây Cốc xảy ra vào sáng 29.9.1954. Vậy, vụ thảm sát Cây Cốc với hơn 350 cán bộ, đảng viên trung kiên và lương dân vô tội bị giết hại bằng súng đạn, dùi cui, củi khúc, gậy gộc... xảy ra chính xác ngày nào?

      Dẫu không phải là nhà nghiên cứu lịch sử địa phương nhưng tôi rất quan tâm đến sự kiện bi hùng ấy. Cách đây 20 năm tôi đã gặp gỡ trò chuyện với những “nhân chứng sống” để thu thập tư liệu viết bút ký “Nơi ấy, ngày xưa...” (in trong tập bút ký Nóc Ông Bền- NXB Đà Nẵng, 2009) và tiểu thuyết lịch sử “Máu và tội ác” (Hội VH-NT Quảng Nam xuất bản năm 2010). Các “nhân chứng sống” đều khẳng định với tôi rằng, vụ thảm sát Cây Cốc xảy ra vào khoảng 10 giờ sáng 1.10.1954.

      Trong đó có ông Nguyễn Ngõa (nay đã mất) người làng Tân Thượng, xã Tiên Thọ đã cung cấp cho tôi nhiều tư liệu quý về diễn biến cuộc đấu tranh Cây Cốc. Ông bảo, ngày 27.9.1954, một toán lính Liên hiệp Pháp (sau này xác định thuộc phiên chế Tiểu đoàn 601) lên Tiên Thọ nắm tình hình để chuẩn bị cho việc “tiếp quản” vùng trung du miền núi Tiên Phước của chính quyền Ngô Đình Diệm. Bọn chúng đồn trú tại nhà Ngô Ngọc Hường (tên gọi khác là Ngô Minh Vinh) và bắt ông Nguyễn Thông - cán bộ kháng chiến ở địa phương, đem về tra tấn nhằm truy tìm cán bộ của ta đang hoạt động bí mật.

     Ông Nguyễn Ngõa cũng cho tôi biết, chính bà Hai Quế là người phát hiện ông Nguyễn Thông bị địch bắt và chạy khắp làng trên xóm dưới loan báo cho mọi người rõ, khiến bọn chúng hoảng sợ thả ông Nguyễn Thông ra. Ông Phạm Đường người làng Tân Thượng, lúc bấy giờ là Xã đội trưởng du kích Tiên Thọ (bí mật) có anh trai là Phạm Khả làm Thôn đội trưởng du kích (bí mật) bị địch bắt cùng một lần với ông Nguyễn Thông vào sáng hôm sau (28.9.1954) cũng đã xác nhận với tôi, những lời ông Nguyễn Ngõa nói là đúng.

      Ông Phạm Đường còn cho biết thêm, lúc bấy giờ thông tin liên lạc bằng cách truyền miệng với nhau, phương tiện đi lại không ngoài đôi chân nên dân chúng ở các xã phụ cận không thể nhanh chóng kéo về Tiên Thọ đấu tranh rất đông như vậy. Ông còn bảo với tôi, hai ngày sau, khi thấy tình hình bất lợi, Huyện ủy Tiên Phước chỉ đạo cán bộ xã thôn (bí mật) ngăn cản dân chúng đổ về Tiên Thọ.

 

Ông Phạm Đường, người làng Tân Thượng, từng là Xã đội trưởng du kích Tiên Thọ, kể về vụ thảm sát Cây Cốc. Ảnh: PHẠM HOÀNG
Ông Phạm Đường, người làng Tân Thượng, từng là Xã đội trưởng du kích Tiên Thọ, kể về vụ thảm sát Cây Cốc. 

 

      Ngày đó trò chuyện với ông Nguyễn Ngõa, tôi hỏi: “Tại sao bác khẳng định vụ thảm sát Cây Cốc xảy ra ngày 1.10.1954? Bác căn cứ vào đâu?”. Ông Nguyễn Ngõa trả lời: “Suốt đời tôi không bao giờ quên cái ngày mùng 3 tháng 9 âm lịch ấy. Đấy là cái ngày mà trước đó tôi đã nhờ một số bà con trong xóm gặt giùm đám ruộng ba trăng đã chín vàng. Không ngờ ngày ấy lại xảy ra vụ thảm sát. Tôi nhớ ngày âm lịch, truy ra ngày dương lịch là 1.10.1954”. Ông Nguyễn Địch ở thôn Phái Đông, thị trấn Tiên Kỳ, người bị tên Đại úy Lê Văn Bường - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 74, bắt sau đúng một tuần xảy ra vụ thảm sát Cây Cốc, cũng đã khẳng định với tôi rằng, sự kiện bi hùng ấy xảy ra vào khoảng 10 giờ sáng 1.10.1954. Ông Địch bị bọn chúng bắt giam tại Trường Đình ở thôn Phái Nam.

     Đích thân tên Lê Văn Bường để ngửa 5 cây kim bạc trên bàn và bảo với ông: “Tao biết mày là cộng sản thứ thiệt. Tao muốn xem lá gan cộng sản của mày. Một,  mày tự đóng 5 cây kim bạc vào 5 đầu ngón tay. Hai, tao sẽ giúp mày...”. Ông Nguyễn Địch cười bảo hắn: “Vậy thì xem đây!”. Rồi ông tự đóng 5 cây kim bạc vào 5 đầu ngón tay bằng một cú đập 5 ngón tay xuống bàn khiến tên Lê Văn Bường kinh ngạc. Sau đó, hắn “thưởng” cho ông một chầu “tẩm quất” thập tử nhất sinh.

       Trong quá trình đi tìm tư liệu để viết cuốn tiểu thuyết lịch sử “Máu và tội ác”, tôi đã gặp gỡ và trò chuyện với nhiều “nhân chứng sống” khác nữa. Tôi cũng đã đến Chiên Đàn (xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh) hỏi chuyện ông Nguyễn Sĩ Túc - cán bộ kháng chiến, hoạt động bí mật tại địa phương sau Hiệp định Genève - 1954. Ông Nguyễn Sĩ Túc là người chứng kiến vụ thảm sát Chiên Đàn từ đầu đến cuối. Ông bảo với tôi, hạ tuần 9.1954, Tiểu đoàn 601 tràn về khu vực Chiên Đàn, đóng quân trong các nhà dân. Chiều tối 27.9.1954, bọn chúng gây ra vụ thảm sát Chiên Đàn làm chết 79 người.

       Ngày hôm sau (28.9) bọn chúng giết hại thêm 20 người nữa. Lịch sử địa phương cũng ghi như thế. Để xác định ngày xảy ra vụ thảm sát Cây Cốc, tôi hỏi ông Nguyễn Sĩ Túc: “Chiều 28.9, bọn địch vẫn ở Chiên Đàn hay rút đi nơi khác?”. Ông Túc nói: “Bọn chúng ở lại Chiên Đàn cả tuần để phi tang tội ác đã gây ra. Và yểm trợ cho bọn chúng trong quá trình phi tang tội ác là Tiểu đoàn 74 đồn trú tại trung tâm quận lỵ Tam Kỳ. Mấy ngày sau, Tiểu đoàn 601 rải quân ở Tam Kỳ, thế chân để Tiểu đoàn 74 di chuyển lên Tiên Phước và gây ra vụ thảm sát trên đó. Sở dĩ tôi biết vậy là nhờ một người lính có cảm tình với cách mạng ở nhà tôi vô tình tiết lộ...”. Ý kiến của ông Nguyễn Sĩ Túc trùng hợp với ý kiến của các “nhân chứng sống” tại Tiên Phước mà tôi đã gặp gỡ hỏi chuyện.

        Trên cơ sở những tư liệu đã thu thập được, lúc bấy giờ (cuối năm 1994 hay đầu năm 1995, tôi không nhớ rõ) tôi có viết một bài báo nhỏ đăng trên Báo Quảng Nam - Đà Nẵng đề nghị huyện Tiên Phước nên chỉnh sửa lại ngày xảy ra vụ thảm sát ghi trên Tượng đài Cây Cốc. Tuy nhiên, lãnh đạo huyện Tiên Phước không có ý kiến gì. Khi địa phương tổ chức Lễ tưởng niệm 55 năm cuộc đấu tranh Cây Cốc (năm 2009), tôi cũng có bài viết về sự kiện bi hùng này đăng trên Báo Quảng Nam, nêu rõ các “nhân chứng sống” khẳng định vụ thảm sát ngày 1.10.1954. Chính quyền địa phương vẫn không có ý kiến gì.

 

                                            Quang cảnh buổi lễ tưởng niệm 29/09/2014

 

       Vậy, huyện Tiên Phước căn cứ vào đâu mà nêu rõ ngày 29.9.1954 là ngày xảy ra vụ thảm sát Cây Cốc? Tìm hiểu, tôi được biết, trước đây lãnh đạo huyện có làm công văn đề nghị UBND tỉnh xác định ngày xảy ra vụ thảm sát Cây Cốc. UBND tỉnh có văn bản xác nhận vụ thảm sát Cây Cốc là có thật nhưng lại không trả lời xảy ra ngày nào! Vì thế, huyện họp bàn và lấy ngày 29.9.1954 là ngày xảy ra vụ thảm sát Cây Cốc. Điều đó hoàn toàn mang tính chủ quan và áp đặt. Sự thật lịch sử vẫn là sự thật. Không một cá nhân hay tập thể nào có quyền “chọn ngày và quyết định ngày” xảy ra sự kiện bi hùng đã đi vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc.

       Theo tôi nghĩ, huyện Tiên Phước nên sớm tổ chức một cuộc hội thảo, mời các “nhân chứng sống”, các thân nhân của những người đã hy sinh trong cuộc đấu tranh Cây Cốc, các nhà nghiên cứu lịch sử địa phương... để qua đó làm sáng tỏ ngày xảy ra vụ thảm sát Cây Cốc là 29.9.1954 hay 1.10.1954? Điều đó không khó, nếu những người có trách nhiệm ở địa phương biết trân trọng quá khứ...

                                                      Nguyễn Tam Mỹ - Báo Quảng Nam