www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Phá rừng lấy đất trồng keo ở xã Tiên Lãnh

 Hàng chục héc ta rừng tự nhiên tại xã Tiên Lãnh (Tiên Phước) đã và đang bị người dân triệt phá để lấy đất trồng cây keo, gây bức xúc trong dư luận địa phương.

               Phá rừng để trồng rừng!

         Tiên Lãnh là một trong ba xã thuộc vùng Lãnh Ngọc Hiệp có diện tích rừng tự nhiên khá lớn. Mấy năm gần đây, cây keo “lên ngôi” trên vùng đất gò đồi, góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân. Vì thế, không ít người chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt nên lén lút phá rừng tự nhiên để trồng keo. Hàng chục héc ta rừng tự nhiên do Nhà nước quản lý đã bị “ai đó” triệt hạ, gây bức xúc trong dư luận địa phương.

        Theo phản ảnh của người dân, chúng tôi về Tiên Lãnh để tìm hiểu thực hư sự việc. Trò chuyện với mọi người, ai cũng khẳng định tình trạng phá rừng tại địa phương đã và đang diễn ra ngày một ngang nhiên, ráo riết như thách thức dư luận. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị dẫn đường vào những “cánh rừng chết” thì ai nấy đều lắc đầu từ chối, bởi lo ngại bị trả thù. Từ những thông tin thu thập được, chúng tôi quyết định lội bộ vào cánh rừng thuộc tiểu khu 551 (thôn 7, xã Tiên Lãnh). Sau một giờ cuốc bộ, trước mắt chúng tôi là những vạt rừng đã bị triệt hạ, đốt cháy nham nhở giống như tấm da beo; nhiều thân cây lớn bị triệt hạ ngã đổ tứ phía, chắn ngang lối đi. Gần bên những vạt keo vừa mới trồng trong mùa mưa năm ngoái nay đã lên xanh ngang đầu gối.

          Ông Nguyễn Thanh Long - Tổ trưởng tổ bảo vệ rừng thôn 7 cho biết, những vạt rừng này đã bị phát đốt để trồng keo cách đây không lâu, nhưng đến nay chính quyền địa phương vẫn không xác định được ai là “tác giả”! Theo kiểm lâm địa phương, ba vạt rừng lớn tại đây bị triệt phá ước tính khoảng 3ha. Ông Long bức xúc: “Tổ của tôi gồm 10 hộ được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ gần 118ha rừng nguyên sinh. Chúng tôi thường xuyên đi kiểm tra, hễ phát hiện nơi đâu xảy ra phá rừng, chúng tôi làm báo cáo gửi ngay cho UBND xã Tiên Lãnh để có hướng xử lý. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa thấy có giải pháp gì để ngăn chặn, chấn chỉnh. Kết cục là các cánh rừng thuộc lâm phận các thôn trên địa bàn xã vẫn liên tiếp bị tàn phá...”.

 

         Những vạt rừng với những thân cây to như thế này đã bị triệt phá để lấy đất trồng rừng

       

          Khó quản lý?

        Ông Trần Trọng Huy - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm địa bàn số 1 đứng chân tại địa bàn Tiên Lãnh, thừa nhận tình trạng phá rừng tự nhiên để lấy đất trồng keo đang trở thành vấn đề bức xúc tại Tiên Lãnh. Theo ông Huy, trong 2 năm 2011 - 2012, tại địa bàn Tiên Lãnh có hơn 30ha rừng tự nhiên bị phá để lấy đất trồng keo. Riêng năm 2013 có khoảng 10ha rừng thuộc khu vực các thôn 5, 7, 8, 6, 12 bị tàn phá, nhưng chưa có vụ phá rừng nào xác định được đối tượng. “Rừng bị phá như vậy, song đến nay, lực lượng chức năng mới chỉ xác định được 1 đối tượng, chuẩn bị hoàn tất hồ sơ xử lý hình sự thì bỗng nhiên đối tượng này được xác định là bị bệnh tâm thần do đó phải tha bổng và đình chỉ vụ việc” - ông Huy cho biết.

            Lý giải nguyên nhân của tình trạng phá rừng diễn ra tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước - ông Lê Trí Hiệu phân tích: “Do giá trị kinh tế của cây keo ngày càng cao trong khi quỹ đất trồng rừng đã hết. Thêm nữa, do bất hợp lý từ việc quy hoạch ba loại rừng theo Quyết định 48/2007/QĐ - UBND ngày 30.10.2007 của UBND tỉnh khiến nhiều diện tích đất phù hợp với rừng sản xuất bị đưa vào loại rừng cần khoanh nuôi, quản lý, bảo vệ, làm cho nhu cầu cần đất trồng keo trở nên bức xúc hơn, gây khó khăn cho công tác quản lý”. Cũng theo ông Hiệu, nhận thấy sự bất hợp lý này, UBND huyện đã có kiến nghị UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh khoảng 780ha rừng tại địa phương để cấp cho các hộ dân trồng rừng sản xuất và được tỉnh thống nhất.

           “Với diện tích rừng được UBND tỉnh đồng ý chuyển đổi sang rừng trồng sản xuất cho nhân dân, chúng tôi sẽ tổ chức họp dân, lấy ý kiến thống nhất bình chọn để xét cấp đất. Quan điểm của huyện là ưu tiên cấp cho hộ khó khăn, thiếu đất sản xuất để giúp các hộ này có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống” - ông Hiệu cho biết.

                               Theo Hàn Giang - Vinh Anh, Báo Quảng Nam