www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Nâng cao chất lượng dân số ở Tiên Phước: Khó!

 Nhìn từ công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản ban đầu ở huyện miền núi Tiên Phước, không ít người e ngại mục tiêu nâng cao chất lượng dân số khó lòng đạt như mong muốn.

              Thiếu kiến thức

        Đã một lần hư thai nhưng khi có mang đứa thứ hai, chị N.T.T.T. (thôn Phái Đông, thị trấn Tiên Kỳ) vẫn không quan tâm đến việc uống thuốc bổ sung sắt, canxi hay bồi bổ để có đủ chất nuôi dưỡng thai nhi. Cộng tác viên dân số thôn Phái Đông cho biết: “Đến nay con đã được 7 tháng tuổi nhưng chị T. vẫn chưa quan tâm chăm sóc con đúng mức. Quần áo em bé được phơi vắt trên giàn củi, ly chén của trẻ cũng không được rửa lại bằng nước sôi trước khi dùng. Vì thế, em bé phải thường xuyên nhập viện vì nhiều bệnh lý khác nhau. Đáng quan tâm hơn là em bé không được mẹ đưa đi tiêm vắc xin theo đúng quy định và đang trong tình trạng suy dinh dưỡng”.

 

Công tác truyền thông, thăm khám cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là việc làm cần thiết và thường xuyên.

             Thực tế tại các vùng nông thôn của huyện miền núi Tiên Phước, tâm lý sinh con nhiều để nhờ đỡ sau này gần như không còn nữa, ngoại trừ suy nghĩ cố sinh con trai để nối dõi tông đường vẫn còn đâu đó. Còn đa số các đôi vợ chồng trẻ đều mong muốn sinh con ít để có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, chăm lo cho con cái tốt hơn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, số cặp vợ chồng có đủ điều kiện và ý thức chăm sóc con đúng mức, khoa học vẫn chưa nhiều. Chị N.T.D. (thôn 5, xã Tiên An) mang thai đứa thứ hai đã được 7 tháng nhưng vẫn đi cuốc ruộng sâu, đốn củi, gánh vác tất cả những việc được xem là nặng nhọc đối với phụ nữ có thai, dù kinh tế gia đình ở mức khá giả. Và từ lúc mang thai đến nay, chị D. chỉ đi siêu âm một lần lúc thai được 3,5 tháng trong khi theo quy chuẩn y tế, trong 9 tháng mang thai phải đi siêu âm ít nhất 3 lần để theo dõi sự phát triển thai nhi. 

             Khó nâng cao chất lượng 

           Theo khảo sát “bỏ túi” đối với 10 chị đang có con nhỏ ở các xã Tiên Thọ, Tiên An, Tiên Kỳ thì chỉ có 2 chị hiểu được tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe khi mang thai. Ngoài ra, gần như các bà mẹ ở vùng nông thôn đều xuề xòa và xem nhẹ những khuyến cáo của ngành y tế. Chị N.T.A.N. (thôn 6, Tiên Thọ) cũng là một trường hợp tương tự. Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, chị N. có 2 lần bị cảm cúm nhưng vẫn không đi siêu âm, thăm khám xem em bé có bị ảnh hưởng gì không. May mắn là thai nhi không có vấn đề gì. Hiện nay, con của chị N. đã được hơn 4 tháng tuổi nhưng cân nặng chỉ có 4,5kg, thường xuyên bị đau ốm lặt vặt như ho, sổ mũi, sốt siêu vi..., và đang trong tình trạng suy dinh dưỡng độ nặng. Thực tế khảo sát “bỏ túi” là vậy, nhưng trong báo cáo sức khỏe và vấn đề suy dinh dưỡng của Trung tâm Y tế huyện Tiên Phước, trên địa bàn huyện có đến hơn 95% phụ nữ được khám thai 3 lần trong thai kỳ.

 

            Thai phụ và em bé cần được quan tâm chăm sóc nhằm nâng cao chất lượng dân số 

          Ông Nguyễn Văn Hiền  - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: “Hằng năm, trung tâm đều phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức thăm khám phụ khoa, truyền thông kiến thức chăm sóc thai phụ và trẻ nhỏ, tổ chức bữa ăn dinh dưỡng... thu hút đông đảo chị em trong độ tuổi sinh đẻ tham gia”. Trái với ý kiến của ông Hiền, một số chị và cộng tác viên dân số mà chúng tôi tiếp xúc lại cho hay: Chương trình chỉ thu hút được chị em khi họ cảm thấy mình được hưởng lợi trực tiếp và trước mắt như khám phụ khoa có cấp phát thuốc, tổ chức bữa ăn dinh dưỡng... Nhưng thời gian gần đây, do kinh phí thấp nên việc cấp phát thuốc cũng hạn chế dần, vì vậy rất ít người thăm khám. Còn đến để nghe hướng dẫn, lấy thông tin nâng cao chăm sóc thai nhi và trẻ nhỏ thì chẳng mấy người tham gia.

           “Mời đến tham gia các chương trình về chăm sóc sức khỏe sinh sản mà chị em còn không đi thì càng không có chuyện tự tìm hiểu qua sách báo, mạng internet, đó là chưa nói ở khu vực nông thôn miền núi không có điều kiện để thực hiện điều đó. Chỉ chăm lo về kinh tế cho con có cuộc sống khá hơn mà không để ý đến thể chất, trí lực của con cũng chưa phải là đã hoàn thành nhiệm vụ của cha mẹ. Hiện nay, mỗi gia đình ở thành thị cũng như nông thôn đã ý thức việc sinh đẻ theo kế hoạch nên hơn bao giờ hết phải chăm sóc con từ lúc mới tượng hình, cho con cái có cuộc sống tốt hơn về thể lực, trí tuệ, tinh thần” - bà Trần Thị Diệu Hồng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tiên Phước nói.

                                              Chiêu Thục Anh - Báo Quảng Nam