Trẻ hóa đội ngũ cán bộ kế cận
Từ sau ngày quê hương giải phóng đến nay, đặc biệt là trong những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, Tiên Phước đã đạt được nhiều thành tựu về mọi mặt. Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, đồng chí Phạm Văn Đốc - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tiên Phước cho biết:
Đảng bộ huyện Tiên Phước có 53 tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) trực thuộc với gần 2.000 đảng viên. Đó là những hạt nhân tích cực góp phần không nhỏ lãnh đạo các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Điều đó thể hiện qua công việc của các cơ quan, đơn vị đã đạt được, qua phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, qua số đảng viên được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ và số chi, đảng bộ cơ sở được công nhận danh hiệu trong sạch vững mạnh. Cũng cần nói thêm, năm 2014, đảng bộ huyện có 4 TCCSĐ nhận cờ thi đua dẫn đầu khu vực miền núi Quảng Nam là Ban Tuyên giáo, Ban Tổ chức, Ban Dân vận và Văn phòng Huyện ủy.
- PV: Đồng chí có thể nói rõ hơn về kết quả lãnh đạo phát triển kinh tế ở địa phương?
- Trong những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Tiên Phước đã có Chương trình hành động 12/CTHĐ-HU về chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, con vật nuôi; Chương trình hành động 27/CTHĐ-HU về tam nông (nông nghiệp, nông dân và nông thôn). Hai chương trình này được UBND huyện triển khai thực hiện với những kết quả khả quan. Chăn nuôi, cụ thể là chăn nuôi heo, bò, các hộ dân được vay vốn ưu đãi, được tập huấn kỹ thuật nên tổng đàn heo, bò phát triển tốt, ít bị dịch bệnh. Điển hình là xã Tiên Cẩm, nhiều hộ chăn nuôi bò đàn, có thu nhập cao. Chương trình hành động 27 thật sự là một cú hích đối với bà con nông dân. Họ được hỗ trợ giống cây trồng, được hỗ trợ lãi suất vốn vay để cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Diện tích hồ tiêu ở Tiên Phước được khôi phục cũng là nhờ có chương trình này. Chỉ tính riêng thôn 1 xã Tiên Thọ đã có hơn 7.000 choái tiêu. Ngoài ra, huyện cũng đã quy hoạch các vùng chuyên canh lòn bon, thanh trà, hồ tiêu, cây keo nguyên liệu…
Một góc trung tâm huyện Tiên Phước hôm nay. |
- PV: Để phát huy vai trò nòng cốt của các TCCSĐ, vấn đề nhân sự của các chi bộ, đảng bộ khi tổ chức đại hội cấp cơ sở đã được chuẩn bị như thế nào?
- Đến nay, công tác nhân sự chuẩn bị cho đại hội cấp cơ sở đã thực hiện xong. Tất cả đều đạt chuẩn, nghĩa là tốt nghiệp THPT, có bằng trung cấp chuyên nghiệp và có bằng trung cấp chính trị. Hầu hết nhân sự cấp xã đều trẻ, đã kinh qua thực tiễn công tác nên tích lũy được những kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, điều hành… Tháng 3 này, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo đại hội điểm Đảng bộ xã Tiên Châu và Đảng bộ xã Tiên Phong để rút kinh nghiệm chỉ đạo các TCCSĐ khác tổ chức đại hội.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tiên Phước - Phạm Văn Đốc. |
- PV: Đó là cấp xã, còn cấp huyện, thưa đồng chí?
- Công tác nhân sự cấp huyện cũng đã chuẩn bị xong, 100% đều tốt nghiệp đại học và có bằng cao cấp lý luận chính trị. Điều đáng mừng là nhân sự Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI đã đạt được mục tiêu đề ra là trẻ hóa đội ngũ cán bộ kế cận. Chỉ có 8 - 10 người ở độ tuổi 50, còn lại bình quân là tuổi 35.
- PV: Đồng chí kỳ vọng gì ở những cán bộ trẻ được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa mới khi tổ chức Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI vào tháng 8 năm nay?
- Những cán bộ được quy hoạch, khi làm công tác nhân sự cho nhiệm kỳ tới đều có sự tín nhiệm cao. Họ còn trẻ, được học hành, đào tạo bài bản, lại năng động sáng tạo trong công việc. Bên cạnh họ, còn có một số cán bộ ở tuổi 50 có nhiều kinh nghiệm đã tạo nên sự liên tục mang tính kế thừa. Đó là điều rất đáng mừng. Nền kinh tế - xã hội huyện trong những năm qua đã có bước phát triển khá toàn diện, tạo nền móng vững chắc. Vì vậy, tôi tin rằng, với nền móng ấy, đội ngũ cán bộ kế cận đảm nhận việc lãnh đạo điều hành ở huyện, nhất định vùng quê Tiên Phước sẽ có nhiều khởi sắc hơn trong tương lai không xa…
- PV: Xin cám ơn đồng chí!
Cuộc tổng tiến công giải phóng Tiên Phước ngày 10.3.1975 Đầu tháng 3.1975, để phối hợp với chiến trường Buôn Ma Thuột - Tây Nguyên, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 mở chiến dịch tiến công quận lỵ Tiên Phước và Hậu Đức. Sư đoàn 2, Trung đoàn pháo binh 572, Trung đoàn cao xạ 573 và Lữ đoàn 52 được giao nhiệm vụ điều nghiên và đánh chiếm quận lỵ Hậu Đức và quận lỵ Tiên Phước. Đúng vào lúc 4 giờ 30 ngày 10.3.1975, từ Sở chỉ huy mặt trận đóng dưới chân Dương Côn, hai phát pháo lệnh được bắn lên mở màn cuộc tổng tiến công giải phóng Hậu Đức và Tiên Phước. Các đơn vị trực thuộc Trung đoàn 31, 36, 38 (Sư đoàn 2) và Lữ đoàn 52 đồng loạt tiến công Chi khu Quân sự Tiên Phước, đồi cao Phước Mỹ (cao điểm 211) và các đồn bót trên địa bàn. Đúng 16 giờ 30 ngày 10.3.1975, quận lỵ Tiên Phước được giải phóng. Còn tại quận lỵ Hậu Đức, bọn địch thấy các đồn bót Cửa Rừng, Đèo Liêu, Hòn Ghềnh… bị thất thủ nên tự động tan rã, bỏ chạy hoặc đầu hàng. Cuộc tổng tiến công giải phóng Tiên Phước giành thắng lợi vang dội có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với khu vực Trung Trung Bộ và cả miền Nam, tạo bàn đạp cho quân ta tiến về đồng bằng giải phóng Tam Kỳ vào trưa 24.3 và các huyện khác, tiến đến giải phóng Đà Nẵng vào trưa 29.3.1975. Quảng Nam - Đà Nẵng được giải phóng, buộc quân ngụy ở Vùng I chiến thuật phải co cụm lại rồi tháo chạy ra biển qua cửa Thuận An - Huế và Đà Nẵng, sinh lực địch tiêu hao và phân rã khá lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta giải phóng Nam Trung Bộ rồi Đông Nam Bộ và mở chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam vào trưa 30.4, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử. |
Nguyễn Tam Mỹ - Báo Quảng Nam