Mong có một ngày...
Chiến tranh đã đi qua gần 4 thập kỷ, song vẫn còn đâu đó những nỗi đau không thể nào nguôi của những người có người thân hy sinh nhưng đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Trường hợp của thân nhân liệt sĩ Hồ Hanh - nguyên Bí thư Chi bộ xã Tiên Mỹ (Tiên Phước) là một nỗi đau như thế.
Nhân kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh liệt sĩ, chúng tôi về Tiên Mỹ, đến thăm gia đình bà Hồ Thị Đăng - con gái duy nhất của liệt sĩ Hồ Hanh. Bà Đăng ngậm ngùi kể với chúng tôi về những giờ phút cuối cùng của người cha thân yêu...
Tối 20.10.1954, lúc bấy giờ nhà bà Đăng ở thôn Tiên Phú Đông (nay là thôn 3, xã Tiên Mỹ), mọi người trong xóm đến nhà giúp gia đình bà làm cau sấy; khi bà con ra về, gia đình đóng cửa đi ngủ thì nghe có tiếng chó sủa và nhiều tiếng bước chân xung quanh nhà. Gia đình cứ nghĩ bà con làm cau bỏ quên vật gì và trở lại lấy. Bất ngờ, một tiếng đập mạnh và cánh cửa trước bật ra, 2 tên Quốc dân đảng mặc áo đen xông vào với hai ánh đèn pin làm lóa mắt. Một trong hai tên gọi: “Hồ Hanh”, rồi xông tới trói gấp khuỷu tay ông ra phía sau, lôi ra sân và dẫn đi. Tuy mới hơn mười tuổi nhưng vì thương cha, bà Đăng cố bám theo phía sau toán lính. Khi đi qua trước nhà nội, bà vào gọi bà nội cùng đi.
Ông Hồ Hanh bị bọn Quốc dân đảng giam tại nhà ông T. ở thôn Mỹ Thượng (nay là thôn 5, xã Tiên Mỹ). Khi bà Đăng đến nơi thì lính gác không cho gặp mặt. Một tên nói: “Về đem cơm nước và quần áo vào”. Khoảng một giờ sau, hai bà cháu tất bật mang cơm gói và quần áo đến nhưng bọn lính gác vẫn không cho vào. Bọn chúng nói ở đây không bắt giam ai là Hồ Hanh và đuổi hai bà cháu về. Tối hôm đó cũng là buổi tối cuối cùng bà được nhìn thấy cha. Từ đó đến nay gần 50 năm trôi qua gia đình chưa nhận một tin tức gì về ông Hồ Hanh.
Bà Hồ Thị Đăng hàng ngày vẫn đau đáu về người cha thân yêu
Sau ngày quê hương giải phóng, gia đình cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức tìm kiếm song vẫn “biệt vô âm tín”. Ông Hồ Hanh đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Liệt sĩ (ngày 4.5.1985) và Huân chương Kháng chiến hạng Ba (ngày 26.12.1992). Bà Hồ Thị Đăng cho biết thêm: “Trước khi bị Quốc dân đảng bắt, trong một lần hai cha con đi cắt cau, cha tôi nói, “nếu sau này cha có bị địch bắt thì con nhớ đem hủy toàn bộ tài liệu của cha nghe con”!” Nhớ lời cha dặn, ngay trong đêm đó tôi đã lấy toàn bộ tài liệu cha giấu ngoài chuồng heo đốt hết”.
Bà Đăng hiện sống cùng chồng là ông Phan Hanh (đã ngoài 70 tuổi), gia đình thuộc diện hộ nghèo, nhà ở còn hết sức tạm bợ. Cuộc sống còn khó khăn nên bà Đăng không có điều kiện để tiếp tục tìm kiếm hài cốt cha mình. Đây là nỗi trăn trở, ray rứt nhất trong cuộc đời bà. Chia tay chúng tôi, bà nói trong nước mắt: “Điều mong muốn lớn nhất của tôi là tìm được hài cốt của cha để đưa ông về yên nghỉ cùng đồng đội tại nghĩa trang liệt sĩ xã, bởi tuổi tôi cũng đã cao, không biết sống chết ngày nào. Mỗi năm vào dịp 27.7, nhìn những ngọn nến tri ân của tuổi trẻ xã nhà lung linh trên các ngôi mộ tại nghĩa trang liệt sĩ xã, tôi thầm ước ao có một ngày được thắp ngọn nến tri ân lên mộ của cha mình!”.
Nguyễn Văn Bút - Báo Quảng Nam