Sản phẩm làng nghề truyền thống: Khó tiêu thụ trong dịp tết
Dịp tết, trong khi các làng hoa, trái, bánh mứt xôn xao thì một số một số sản phẩm tâm linh ở các làng nghề truyền thống nhấp nhỏm vì đầu ra khó khăn.
Khác với những sản phẩm mùa tết như hoa, trái, bánh, mứt…, các mặt hàng thờ cúng, tâm linh dù được tiêu thụ quanh năm nhưng vào mỗi dịp tết mới thật sự nhộn nhịp. Thị trấn Tiên Kỳ (Tiên Phước) - địa phương nổi tiếng với các sản phẩm được làm từ trầm hương, như trầm cảnh, trầm miếng, các loại hương…, dù tết đã cận kề nhưng nhìn chung việc tiêu thụ sản phẩm nơi đây, nhất là hương trầm vẫn chưa có nhiều khởi sắc. Nhiều chủ cơ sở trầm hương Tiên Phước cho biết, chưa năm nào sản phẩm tiêu thụ chậm như hiện nay. Hàng tồn đọng mỗi ngày một nhiều hơn trong khi các cơ sở vẫn loay hoay chưa tìm ra hướng giải quyết.
Bà Phạm Thị Sanh - Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ trầm hương Lương Hậu (Tiên Kỳ, Tiên Phước) cho biết, 3 năm trở lại đây doanh số bán hàng của cơ sở sụt giảm, thương lái ít tới mua hơn vì thị trường Trung Quốc tiêu thụ chậm. Thị trường nội địa cũng không khá hơn, một trong những nguyên nhân là giá sản phẩm cao, rất khó cho khách hàng người địa phương. “Trầm nhân tạo tuy rẻ nhưng do ngày công đắt nên giá thành cũng đội lên, đơn cử như hương trầm loại một đã 1 triệu đồng/kg, loại hai 500 nghìn đồng, loại 3 là 400 nghìn đồng… nên người dân khó mua, còn bán thấp thì không có lời nên hàng tồn cứ nhiều lên. Bây giờ tôi chủ yếu bán cho khách vãng lai và khách quen từ Tam Kỳ, Đà Nẵng” - bà Sanh nói. Để giải quyết đầu ra cho sản phẩm, những ngày qua chồng bà Sanh đã phải lặn lội vào TP.Hồ Chí Minh tìm mối tiêu thụ sản phẩm nhưng xem ra vẫn chưa như ý muốn.
Bà Phạm Thị Sanh đang lo lắng khi sản phẩm hương trầm phục vụ tết tiêu thụ chậm. Ảnh: K.L |
Theo ông Dương Văn Thủ, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Tiên Phước, không phải đến bây giờ các sản phẩm trầm hương Tiên Phước mới đối diện với tình trạng tiêu thụ kém mà từ vài năm nay, đầu ra cho sản phẩm đã trở nên khó khăn hơn do thị trường Trung Quốc ngưng tiêu thụ, không ít cơ sở phải hoạt động cầm chừng, thậm chí đóng cửa.
Với các loại sản phẩm khác như hương, trầm miếng, trầm vòng dù có đầu ra là thị trường nội địa nhưng nhìn chung cũng nhỏ lẻ, dịp tết này càng khó khăn hơn. “Chúng tôi đang hướng dẫn các cơ sở chuẩn bị hàng hóa để tham gia hội chợ xuân dưới tỉnh, hy vọng qua đó sản phẩm được nhiều người biết đến và có thể tiêu thụ nhiều hơn chứ như hiện tại thì thấy chưa khởi sắc lắm” - ông Thủ chia sẻ.
Khánh Linh - Báo Quảng Nam