Đổi thay trên quê hương cụ Huỳnh
Miền quê nghèo Tiên Phước ngày nào nay đã thay da đổi thịt. Cách đây 15 năm, nghề nông là chủ yếu thì nay Tiên Phước phát triển kinh tế theo hướng đa dạng ngành nghề sản xuất, đời sống người dân được nâng cao.
Vượt qua bĩ cực
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, nhân dân Tiên Phước phải gánh chịu những hậu quả chiến tranh hết sức nặng nề. Hàng trăm đồn bót, bãi mìn do chiến tranh để lại khiến làng xóm tiêu điều, những khu vườn hoang hóa, trụi trơ, khô cằn do chất độc hóa học. Nhân dân từ các ấp chiến lược, các khu dồn trở về với hai bàn tay trắng, đói ăn, thiếu mặc. Với sự giúp đỡ của trung ương, của tỉnh cùng với trí tuệ, tâm sức của nhân dân, tinh thần đoàn kết của nhân dân Tiên Phước lần nữa trỗi dậy, quyết khắc phục khó khăn để có cuộc sống ấm no hơn. Màu xanh của cuộc sống lại phủ tràn những ngọn núi trọc và những thửa ruộng khô cằn.
Chú trọng đầu tư hệ thống giao thông nông thôn đã giúp người dân Tiên Phước phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. |
Ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết: “Có thể nói rằng nền kinh tế của Tiên Phước dù còn đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng đã có bước phát triển khá. Nông nghiệp đã thoát khỏi tự cung tự cấp, tiến dần đến sản xuất hàng hóa. Công nghiệp đã có những dấu hiệu tích cực, hạ tầng được đầu tư cơ bản... So với hồi mới tái lập tỉnh, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc”.
Những năm qua, việc hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công, người nghèo được huyện Tiên Phước tập trung đầu tư xây dựng, lồng ghép nhiều chương trình. Đến nay, trên địa bàn huyện đã không còn cảnh nhà ở tạm bợ, dột nát. Hệ thống trường học, trạm y tế, thủy lợi, điện, công trình phục vụ văn hóa thể thao... được đầu tư xây dựng. Người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, không còn cảnh con em phải bỏ học giữa chừng vì thiếu ăn, vì đường xa cách trở. Chất lượng giáo dục của huyện ngày càng cao, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT đạt 99%, có 13 trường đạt chuẩn quốc gia.
Ông Dương Văn Xuân - nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tiên Phước chia sẻ rằng, từ một huyện thuần nông, độc canh khép kín, hiện nay Tiên Phước đã có yếu tố kinh tế hàng hóa, đời sống vật chất tinh thần nâng lên rõ rệt, diện mạo nông thôn thực sự khởi sắc. Không chỉ có kinh tế vườn, rừng, nhiều mô hình kinh tế với sự nỗ lực không ngừng từ người dân đã làm thay đổi dần cuộc sống nơi đây. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay của huyện ước đạt khoảng 15 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5 - 8%/năm, đến nay còn 22,2%.
Phát triển đồng bộ
Thời gian qua, hạ tầng giao thông và các công trình phục vụ dân sinh khác được huyện Tiên Phước tập trung đầu tư đồng bộ. Nhiều công trình lớn của huyện đưa vào sử dụng đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Như trục đường Tiên Châu - Tiên Hà, cầu Tài Thành, cầu Sông Khân, cầu Tiên Giang, cầu Sông Trạm,... giúp người dân ở hai bên bờ sông Tiên không còn cách trở. Hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư theo hình thức “nhà nước và nhân dân cùng làm” tạo cho đường làng ngõ xóm khang trang, sạch đẹp, nhân dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi.
Nhờ hệ thống kênh mương nội đồng được đầu tư, nền nông nghiệp của Tiên Phước trước kia chỉ có 10% diện tích chủ động được nước tưới, nay đã nâng lên 35%, nâng năng suất lúa bình quân lên gần 50 tạ/ha. Các loại cây trồng kinh tế khác như tiêu, lòn bon, thanh trà, măng cụt,... mang về nguồn thu nhập bình quân đến 70 triệu đồng/ha cho người dân. Kinh tế vườn rừng, kinh tế trang trại trở thành thế mạnh của Tiên Phước, góp phần giảm nghèo hiệu quả, số hộ giàu tăng lên. Đặc biệt, cây keo không còn là “cây xóa đói giảm nghèo” nữa mà đã trở thành “cây làm giàu”. Mỗi năm, nhân dân Tiên Phước thu lợi từ việc khai thác keo nguyên liệu khoảng 150 - 200 tỷ đồng. Nhiều hộ nhờ vào cây keo, không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Ông Đỗ Tấn Như - Chủ tịch UBND xã Tiên Hà cho biết: “Từ khi Tiên Hà có cầu Tài Thành, giao thông nối liền với trung tâm huyện, đời sống, kinh tế của người dân thay đổi hẳn. Các hộ nhờ làm vườn, trồng rừng có thu nhập bình quân khoảng 40 - 50 triệu đồng/năm, lo cho con em ăn học chu đáo, có của ăn của để”.
Những vùng căn cứ cách mạng xưa, nay đời sống nhân dân cũng đã có nhiều tiến triển. Theo lãnh đạo huyện Tiên Phước, chính quyền địa phương cũng dành những “ưu ái” nhất định cho những vùng đất này trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển kinh tế. Bên cạnh sự phát triển về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đời sống văn hóa của người dân nơi đây cũng được nâng cao, khi các hội thao, hội diễn văn nghệ diễn ra thường xuyên, vận động được sức dân và dần xã hội hóa các hoạt động phong trào.
Lê Quân - Diễm Lệ, Báo Quảng Nam