Đất kiên trung hồi sinh
Mảnh đất Tiên Phước kiên trung vẫn từng ngày thay da đổi thịt trong suốt 40 năm qua. Bằng nghị lực vượt khó, ý chí kiên cường, những người con vùng đất cách mạng đã làm hồi sinh mảnh đất quê hương từ những hố bom hoang hóa. Sức sống mới bền bỉ, mãnh liệt được dựng xây từng ngày.
Phát triển cơ sở hạ tầng
Đến với thị trấn bên bờ sông Tiên hôm nay, mỗi người đều thấy được sự đổi thay trên từng cung đường, góc phố vùng trung du. Với nguồn lực hạn hẹp, thị trấn Tiên Kỳ từng bước được đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng để trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Tiên Phước, đã nên hình hài một đô thị vùng trung du với những khu phố mới được mở rộng. Đặc biệt, những tuyến đường nội thị được nâng cấp và 20 tuyến đường vừa mới đặt tên, cùng với hệ thống chiếu sáng được đầu tư đã giúp cho thị trấn Tiên Kỳ thêm lung linh sắc màu.
Ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết: “Trong phát triển kinh tế, Tiên Phước tập trung thực hiện tốt việc xây dựng cơ sở hạ tầng, xem đây là khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống nhân dân. Cùng với nguồn lực tại chỗ, huyện đã lập các dự án, xác định công trình trọng điểm bứt phá, tích cực tranh thủ nguồn đầu tư hỗ trợ bằng các cơ chế, chính sách, chương trình từ trung ương và tỉnh. Nhờ đó mà đến nay, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, kinh tế, xã hội, nhất là hệ thống điện, giao thông, thủy lợi, phòng chống thiên tai, nước sạch, y tế, giáo dục, văn hóa - thể thao, chỉnh trang thị trấn được tăng cường đáng kể, góp phần giúp cho bộ mặt cơ sở hạ tầng của huyện ngày càng khang trang”.
Thị trấn Tiên Kỳ hôm nay. |
Từ trung tâm huyện lỵ đến 14 xã còn lại của Tiên Phước đều đã được kết nối thông suốt bằng những tuyến ĐT, ĐH, ĐX được đầu tư mạnh trong nhiều năm qua. Trong giai đoạn 2001 - 2009, Tiên Phước bê tông hóa được 72km đường, kinh phí khoảng 18 tỷ đồng, đến giai đoạn 2010 - 2014 sự đầu tư mạnh hơn với 130 tỷ đồng cho 82km đường, trong đó sự đóng góp của nhân dân đến 15 tỷ đồng. Giao thông phát triển là mấu chốt giúp cho việc thông thương giữa các vùng, miền trong và ngoài huyện thuận lợi hơn. Từ đó giúp sự vận chuyển hàng hóa, giao lưu, đi lại của nhân dân thông suốt, thúc đẩy sản xuất phát triển, mang đến cơ hội thoát nghèo cho người dân, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của huyện.
Định hình nền kinh tế
Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân Tiên Phước được chăm lo chu toàn hơn. Hiện nay, toàn huyện người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 85%; thu nhập bình quân đầu người đạt 14,2 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm 6,5%, còn 13,02% vào cuối năm 2014. Từ 2010 đến nay, địa phương đã hỗ trợ cải tạo, xây mới 2.500 nhà ở cho người nghèo với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng. Việc chăm lo đời sống cho người có công, tôn tạo, xây dựng các nhà bia, nghĩa trang liệt sĩ, khu di tích được quan tâm thực hiện, trong đó chú trọng kêu gọi nguồn lực xã hội hóa. |
“Tư duy kinh tế, nếp nghĩ, cách làm đã được thay đổi đáng kể trong nhận thức của cả hệ thống chính quyền và nhân dân Tiên Phước. Chính sự đổi mới đã tạo ra ý chí quyết tâm và nguồn sức mạnh to lớn trong cán bộ và nhân dân, qua đó tập trung chuyển đổi nền kinh tế vốn mang nặng yếu tố tự cung tự cấp lạc hậu sang nền kinh tế hàng hóa thị trường” - ông Hường Văn Minh chia sẻ.
Là một huyện thuần nông, có địa thế hiểm trở, khó khăn trong phát triển cả nông nghiệp lẫn công nghiệp, Tiên Phước phải xác định một hướng đi, đó là lấy nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế, từ nông nghiệp phục vụ cho tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp và du lịch dịch vụ. Nền nông nghiệp Tiên Phước chú trọng thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi sang những giống cây, con có chất lượng và giá trị kinh tế cao. Trong nông nghiệp, kinh tế vườn - rừng, kinh tế trang trại, được xem là mũi nhọn. Và Tiên Phước cũng được tỉnh xác định sẽ xây dựng thành vùng trọng điểm về kinh tế vườn, kinh tế trang trại.
Trong nông nghiệp, kinh tế vườn - rừng, kinh tế trang trại được Tiên Phước xác định là mũi nhọn phát triển: Vườn ươm lươn tiêu của ông Nguyễn Hữu Phước ở thôn Thanh Khê xã Tiên Châu. |
Trong suốt những năm qua, theo định hướng của huyện, nhân dân Tiên Phước đã trồng và tạo nên những vùng chuyên canh đặc trưng như vùng thanh trà, vùng lòn bon, vùng tiêu, vùng trồng cây nguyên liệu phục vụ chế biến gỗ, giấy… Những loại cây có giá trị kinh tế cao như dó, măng cụt, sầu riêng được trồng thành công tại Tiên Phước. Cây dó còn giúp người dân sản xuất, chế tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ trầm hương và trầm cảnh, mang lại nguồn thu nhập cao cho 216 cơ sở chế tác trầm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 1.500 lao động. Cây keo nguyên liệu phát triển rất mạnh, bình quân mỗi năm trồng khoảng 1.000ha, đưa diện tích rừng trồng toàn huyện Tiên Phước đến nay đạt 16.800ha, nâng độ che phủ rừng lên 52%.
Giá trị khai thác rừng trồng của Tiên Phước mỗi năm khoảng 200 tỷ đồng, góp phần lớn trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo vượt mức đề ra, phủ xanh đất trống đồi trọc. Từ nguồn keo nguyên liệu dồi dào, hiện nay Tiên Phước đã thu hút được 2 công ty Bình An Phú và Phú Hào (Cụm công nghiệp Tài Đa, xã Tiên Phong) đầu tư nhà máy chế biến dăm gỗ, thu mua nguyên liệu và chế biến tại chỗ. Sản xuất nông - lâm nghiệp của Tiên Phước năm 2014 đạt 550 tỷ đồng, chiếm 68% tỷ trọng nền kinh tế.
Kinh tế vườn, kinh tế trang trại phát triển đã phục vụ cho việc phát triển du lịch miệt vườn sinh thái của Tiên Phước. Cùng với những di tích lịch sử như Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, làng cổ Lộc Yên với những ngôi nhà cổ rêu phong, các danh thắng tự nhiên sẵn có cùng với những vườn cây trù phú, xanh tươi ẩn mình trong những ngôi làng cổ trầm mặc, tự thân nó đã làm đắm lòng lữ khách.
Diễm Lệ - Báo Quảng Nam