Cử nhân nuôi chim trĩ
Một quyết định khác biệt để tự tìm hướng đi cho tương lai của một chàng trai đã thành công hơn mong đợi...Đó là Trần Minh Thiệp (27 tuổi, trú thôn Cẩm Lãnh, xã Tiên Cẩm, H.Tiên Phước, Quảng Nam). Tốt nghiệp đại học với tấm bằng chuyên ngành Việt Nam học, nhưng chàng trai trẻ đã rẽ sang lối khác bằng một quyết định táo bạo: về quê nuôi chim trĩ...
Trại nuôi chim trĩ đầu tiên ở Quảng Nam của Thiệp được nhiều người tìm đến, người thì đặt hàng, người thì tìm hiểu. Thiệp nói: “Trại chim của tôi được mở vào giữa năm 2012 với 50 con giống và mới bắt đầu đẻ trứng, cho nên hiện tôi chỉ mới thu hồi được 3/4 số vốn. Nhưng chắc chắn trong vài tuần nữa thôi, tôi không chỉ thu đủ 20 triệu đồng tiền vốn mà còn thu lãi không dưới 50 triệu đồng”.
|
Quê Thiệp nghèo, địa hình vùng trung du vốn không bằng phẳng nên gia đình anh không có nhiều diện tích để canh tác lúa nước. Vì thế, Thiệp luôn suy nghĩ tìm cách làm ăn mới vừa phù hợp với điều kiện của địa phương lại vừa gần gũi với bà con nông dân. Tình cờ một lần lên mạng, Thiệp đọc được một tài liệu liên quan đến nuôi chim trĩ. Thấy cách nuôi đơn giản, phù hợp với khí hậu nóng ấm của miền Trung lại cho giá trị kinh tế cao, Thiệp không khỏi vui mừng vì biết rằng đây chính là mô hình chăn nuôi anh cần tìm.
Tốt nghiệp về quê trong khi chưa có việc làm, ước mơ mở trại nuôi chim trĩ ngày nào lại thôi thúc anh. Nghĩ là làm, anh vay mượn chừng 10 triệu đồng rồi bắt xe ra tận Thanh Hóa để học hỏi cách nuôi của một hộ dân nơi đây. Thiệp cho biết: “Mặc dù đã nắm khá vững kỹ thuật nuôi loài chim này nhưng trăm nghe không bằng một thấy, mình phải thấy cụ thể mới thả nuôi tốt được. Sau khi “giắt lưng” thêm ít kinh nghiệm, tôi quyết định mở trang trại với 50 con giống”.
|
Tính từ khi thả nuôi đến nay đã gần 10 tháng, đàn chim trĩ của Thiệp đã đẻ và ấp nở được hơn 100 con giống. Với mức giá bán ra 150 ngàn đồng/con, anh đã thu được 15 triệu đồng. Theo Thiệp, nếu được chăm sóc tốt, một con chim trĩ mái có thể đẻ được 120 trứng/năm. Tính xác suất trứng nở thành công khoảng 100 trứng, thì mỗi năm, một con chim trĩ sẽ mang lại cho người nuôi 15 triệu đồng tiền bán con giống.
“Nuôi chim trĩ không khó vì chuồng trại dễ làm, nguồn thức ăn lại dễ kiếm. Nói chung, nuôi chim trĩ không khác nuôi gà là mấy. Nhưng chim trĩ lại có nhiều ưu điểm hơn nuôi gà ở chỗ chúng đề kháng tốt hơn với dịch bệnh”, Thiệp tiếp lời. “Ngoài việc bán chim trĩ giống cho những người có nhu cầu. Người nuôi còn có thể bán chim thương phẩm với giá từ 300.000 - 400.000 đồng/kg sau 4 tháng thả nuôi. Là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao nên hiện tại tôi đã nhận được nhiều đơn đặt hàng kể cả trong và ngoài tỉnh”.
Theo tính toán của Thiệp, một chim trĩ mái có năng suất đẻ trứng gấp 5 lần so với một con gà công nghiệp. Trong khi đó, lượng thức ăn tiêu hao trong một ngày cho chim trĩ chỉ khoảng 5 kg thóc/100 con. Do vậy, mô hình nuôi giống chim này rất gần gũi với người nông dân, đặc biệt phù hợp với những thanh niên vùng nông thôn. Ngoài ra, với sự tiến bộ của khoa học hiện nay, người dân sẽ thu lãi cao nếu sử dụng máy ấp trứng chim (giá khoảng 4 - 6 triệu đồng/máy) để cho con giống đồng đều và tỷ lệ nở cao hơn.
“Trước khi bắt tay xây dựng trại nuôi chim, tôi cũng đã tính việc tiêu thụ sản phẩm. Tôi cũng biết rằng ban đầu, để chim trĩ thương phẩm có thể ra tiệm ăn, nhà hàng sẽ hơi khó khăn do thói quen của thực khách. Nhưng cứ e ngại mà không làm thì biết khi nào thành công mới đến. Điều đáng mừng là hiện tại, đã có nhiều người đến đặt hàng, những kệ trứng đang được ấp đã có người đặt mua...”, anh Thiệp chia sẻ.
Chia sẻ kinh nghiệm cho thanh niên
Trần Minh Thiệp cho biết anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi chim trĩ cho những thanh niên có nhu cầu. Ngoài ra, khi mua con giống tại trại của anh, thanh niên muốn lập nghiệp bằng nghề này sẽ được hỗ trợ bằng cách chỉ trả trước 70% tiền mua giống. 30% số tiền còn lại, anh Thiệp sẽ thu sau khi trại giống của người mua phát triển.
|
Hoàng Sơn - Báo Thanh Niên
Khởi nghiệp làm giàu với nghề nuôi bồ câu
Chàng sinh viên Tiên Phước mê gà rừng
Trồng dó kiểng làm giàu ở Tiên Phước
Hiệu quả nuôi heo rừng lai ở Tiên Phước
Công nghệ sản xuất phân vi sinh của Bùi Ngọc Châu
Trồng keo thành tỷ phú ở Tiên Lãnh