www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Những triệu phú chân đất ở Tiên Phước

 Nhờ tiếp cận nhiều nguồn vốn vay ưu đãi và các tiến bộ của khoa học - kỹ thuật, thời gian qua nông dân Tiên Phước tập trung đầu tư phát triển mạnh kinh tế vườn, trang trại. Từ hướng đi này, không ít gia đình đã làm nên những cuộc đổi đời...  Đến thôn 5 (xã Tiên Hiệp) hỏi nhà ông Cao Văn Thanh không ai không biết bởi ông đang sở hữu một vườn thanh trà... hái ra tiền. Ông Thanh có gần 1ha đất vườn, cách đây khoảng 6 năm ông khai hoang rồi mua hơn 200 cây thanh trà giống về trồng. Nhờ điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp, lại được tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh do cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức nên vườn thanh trà của ông sinh trưởng rất tốt.

          Ông Thanh cho biết, để cây thanh trà phát triển mạnh và ra nhiều quả, bên cạnh việc thường xuyên tỉa cành, tạo tán, bón phân hợp lý, nhất thiết phải đảm bảo nguồn nước tưới lúc khô hạn. Đặc biệt, muốn không bị mất sản lượng phải dùng chế phẩm sinh học và bã độc để dẫn dụ, tiêu diệt côn trùng, sâu đục quả… Ông Thanh phấn khởi: “Hai năm trở lại đây vườn thanh trà này có 32 cây cho quả ổn định và hơn 40 cây đang ra quả bói. Bình quân mỗi vụ 1 cây thu nhập khoảng 1,3 triệu đồng. Năm tới, chắc chắn tất cả sẽ đồng loạt ra quả rộ, lúc ấy mỗi vụ có thể thu về hơn 300 triệu đồng”.Tiên Phước có nhiều lợi thế cho việc phát triển các loại cây trồng đặc sản bản địa như tiêu, quế, lòn bon, thanh trà, dó bầu. 7 năm trở lại đây, nhờ được vay ưu đãi nhiều nguồn vốn, được ngành nông nghiệp huyện tích cực hỗ trợ khâu kỹ thuật, hàng nghìn hộ dân địa phương tập trung khai hoang, cải tạo đất để xây dựng nhiều mô hình kinh tế vườn cho giá trị kinh tế cao. Bây giờ, về Tiên Phước không khó để tìm gặp những triệu phú chân đất.

 

Nhiều mô hình trồng tiêu ở xã Tiên Châu cho hiệu quả kinh tế rất cao

Theo ông Đinh Thương - Trưởng phòng NN&PTNT Tiên Phước, ngoài những mô hình tiêu biểu, hiện nay toàn huyện còn có 50 mô hình hoạt động sản xuất - kinh doanh khác (chủ yếu lĩnh vực nông - lâm nghiệp) đem lại hiệu quả rất thiết thực với mức doanh thu bình quân 300 - 500 triệu đồng/mô hình/năm.

Qua thống kê, chỉ tính riêng từ năm 2006 đến nay các cơ quan tín dụng trên địa bàn Tiên Phước đã giải ngân hơn 160 tỷ đồng vốn vay ưu đãi cho hàng nghìn hộ dân đầu tư phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại...

     Chúng tôi đến thăm mô hình trồng cây lòn bon xen với các loại cây ăn quả khác như măng cụt, thanh trà, chuối lùn với tổng diện tích 0,5ha của gia đình ông Phạm Văn Tuyết (thôn 2, xã Tiên Châu). Như nhiều nông dân khác, ông Tuyết gắn bó với đất đai, ruộng vườn từ nhỏ. Bởi vậy, trong ông luôn sẵn sự cần cù, miệt mài. Các loại cây trồng vừa nêu được ông đầu tư chăm sóc, bón phân, tưới nước chu đáo và bài bản nên vụ nào cũng cho rất nhiều quả. Ông Tuyết cho biết: “Những năm gần đây, trong khi nhiều vườn cây khác trong vùng không cho quả thì vườn lòn bon, măng cụt, chuối, thanh trà của tôi lại rất sai trái. Bình quân mỗi năm gia đình thu không dưới 100 triệu đồng từ 4 loại cây đặc sản này”.

     Tiên Phước là địa phương trồng nhiều dó bầu. Thời gian qua, nhiều khu vườn trồng loại cây này đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, trong đó điển hình là hộ ông Trần Vũ Linh (thôn 5, xã Tiên Mỹ) với mô hình trồng cây dó bầu. Ngoài ra, ông còn tìm hiểu kỹ thuật gieo ươm một số loại cây trồng bản địa để cung cấp cho nhân dân trong vùng như măng cụt, sầu riêng... Với cách làm như vậy, hằng năm ông thu về hơn 100 triệu đồng.

      Ngoài các mô hình chuyên canh cây đặc sản bản địa cho giá trị kinh tế cao, những năm gần đây ở Tiên Phước có rất nhiều hộ dân vươn lên làm giàu nhờ nuôi heo, nuôi gà thả vườn kết hợp với trồng cây ăn quả. Ông Phan Trọng Vinh (thôn 6, xã Tiên An) là một ví dụ. Với diện tích đất vườn rộng chừng 2ha, đầu năm 2011 ông đầu tư nuôi hơn 400 con gà mái đẻ giống địa phương. Gần 5 nghìn quả trứng do đàn gà này đẻ ra mỗi lứa, ông sử dụng máy ấp cho nở con rồi tiến hành nuôi gà thịt bán. Ngoài gà, ông kết hợp nuôi cá, thỏ và trồng bưởi, quế, dó bầu. Cạnh đó, ông Vinh còn mở dịch vụ cung ứng phân bón, thức ăn chăn nuôi cho nông dân trong vùng. Hằng năm, gia đình ông Vinh có doanh thu xấp xỉ 1 tỷ đồng, lãi ròng hơn 300 triệu đồng…

VINH ANH - MAI LINH, Báo Quảng Nam