Bàn giải pháp phát triển măng cụt thành sản phẩm hàng hóa
Chiều ngày 21/12/2022, UBND huyện Tiên Phước tổ chức hội thảo bàn giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và định hướng phát triển cây măng cụt trên địa bàn huyện Tiên Phước trong thời gian tới. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu dự hội thảo.
Theo ông Trầm Quế Hương - Chủ tịch UBND huyện, Tiên Phước là huyện trung du có lợi thế lớn về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại và du lịch sinh thái làng quê. Để phát huy tài nguyên, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện các nhiệm kỳ, từ Đại hội lần thứ XII (năm 1996) đến nay luôn khẳng định phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái là một chương trình đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Đặc biệt trong giai đoạn 2020 - 2025, Tiên Phước tập trung xây dựng thành huyện trung du miền núi Vùng duyên hải miền Trung đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu và tập trung phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái gắn với xây dựng bản sắc văn hóa thuần Việt giai đoạn 2021 - 2025.
Cùng với việc huy động nguồn lực lớn từ nhân dân, doanh nghiệp, hợp tác xã…, nhân dân Tiên Phước đã ưu tiên phát triển cây măng cụt theo hướng hình thành vùng trồng sản xuất tập trung, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật để đẩy mạnh sản xuất, tăng diện tích, sản lượng, chất lượng sản phẩm.
Đến nay toàn huyện có tổng diện tích vườn 6.329ha, với nhiều loại cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm như tiêu Tiên Phước, sầu riêng, măng cụt, lòn bon, cau ... Giá trị kinh tế vườn tăng bình quân 60 triệu đồng/ha (năm 2015) lên trên 120 triệu đồng/ha (năm 2021), gấp 5-6 lần so với trồng lúa, trồng keo. Nhiều mô hình cây ăn quả đem lại thu nhập cao cho nông dân, trong đó có cây măng cụt.
Đến nay Tiên Phước trồng trên 500ha măng cụt, trong đó có 68ha đang trong thời kỳ cho quả. Trong những năm qua, giá bán quả trung bình 60 - 80 nghìn đồng/kg, đặc biệt có thời điểm giá tăng cao lên 150 - 160 nghìn đồng/kg. Bình quân mỗi héc ta măng cụt thu hoạch từ 300 - 500 triệu đồng/vụ. Sản phẩm trái măng cụt đã được công nhận đạt chuẩn 3 sao cấp tỉnh năm 2021.
Ngoài giá trị kinh tế, cây măng cụt còn mang lại giá trị về môi trường sinh thái, tạo nét đặc trưng gắn với phát triển du lịch xanh. Qua nhiều đợt thiên tai gần đây, cho thấy cây măng cụt là cây có sức chống chịu gió bão rất tốt.
Tuy ban đầu đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng việc phát triển cây măng cụt của địa phương vẫn chưa tương xứng tiềm năng và lợi thế của huyện; chưa phát huy tối đa giá trị, hiệu quả của sản phẩm. Nhiều thách thức đang đặt ra, cần có dự hỗ trợ, hợp tác, để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và định hướng phát triển cây măng cụt trong thời gian tới.
Huyện Tiên Phước kỳ vọng qua hội thảo sẽ tiếp thu được nhiều ý kiến tâm huyết của đại biểu, tạo cơ hội cho nông dân tiếp cận sản xuất, liên kết, chế biến, đưa sản phẩm măng cụt vươn ra nhiều thị trường trong và ngoài nước, nâng cao giá trị kinh tế, gắn với phát triển văn hóa, du lịch vùng trung du xứ Quảng trong bối cảnh hội nhập.
Diễm Lệ - Báo Quảng Nam