www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

“Xứ Tiên” huyền thoại

 “Đường về Tiên Phước quanh quanh/ Có con cò trắng đậu cành thương thương…”. Huyện núi Tiên Phước nằm về phía tây thành phố Tam Kỳ, và cách phố xá sầm uất này chưa đầy 30 cây số quanh quanh, đếm lên từ ngã ba Nam Ngãi tại trung tâm thành phố.

 

Buổi lập đông, hay mỗi sáng tinh mơ, sông Tiên mờ ảo sương rừng một dòng trắng. Sương quấn quanh bốn nhịp cầu hiện đại. Sương mỏng ôm tựa lan can thành cầu 132 mét bắc qua Tiên Kỳ - Tiên Cảnh non bồng.

Tiên Phước được người dân Quảng Nam nói chung và huyện miền núi này nói riêng, gọi với mỹ danh “Xứ Tiên”, bởi nơi đây có con sông Tiên huyền bí ngược dòng; có địa danh Tiên Lãnh với núi chót vót 1.000 mét vút cao đỉnh Hòn Che, Cửa Rừng; thung lũng Tiên Cảnh chứa đầy truyền thuyết dị nhân khổng lồ đắp núi, khơi nguồn nước sông Đá Giăng - Lò Thung. Bờ sông muôn thuở in dấu chân ông khổng lồ, ngàn năm “trơ gan cùng tuế nguyệt” những vật dụng mà “ông khổng lồ” đã dùng, như cối, chày giã gạo, bát, chén ăn cơm, lò nấu v.v.. Dòng xoáy lũ lụt thiên niên kỷ đã đẽo gọt, bào mòn vách đá, sức mãnh liệt vô tình kỳ thú tạo dựng nên một “tiên giới giữa trần gian” sơn dã. Âm vang lời bài hát Sông Tiên một khúc tình ca của Phan Ngọc phối hưởng từ thơ Ngân Vịnh: “Anh đưa em đi qua đèo Eo Gió, qua suối Cà Đong, núi Tùng Lâm xanh xanh miết miết sương mờ…” dịu dàng hắt lên từ dòng chảy ngược, dội vào vách nắng sớm miên man, tan trong khói sương chiều bảng lảng…

                          

                                                        Cầu chìm sông Tiên

Buổi lập đông, hay mỗi sáng tinh mơ, sông Tiên mờ ảo sương rừng một dòng trắng. Sương quấn quanh bốn nhịp cầu hiện đại. Sương mỏng ôm tựa lan can  thành cầu 132 mét bắc qua Tiên Kỳ - Tiên Cảnh non bồng. Người lội bộ, vai quảy buồng chuối miệt vườn, xuống chợ huyện. Lập hạ, nắng đánh đu vắt vẻo ngọn tre, trải vàng núi xanh lớp lớp, tầng tầng, gợi nhớ âm ngữ vùng cao qua dáng dấp sông Chang lên thác, dòng Ta Nao xuống ghềnh, nhánh Cà Đong đỏ quạch phù sa lặng lờ trôi ngược… Làng cổ Lộc Yên (thôn 4 xã Tiên Cảnh) thanh bình những ngôi nhà 100 năm tuổi. Lòng nhà gác cây trính lận cong cong dáng mỹ thuật. Các hệ thống liên hoàn trỏng quả, gia thu được  điêu chạm tinh xảo qua bàn tay thợ mộc lành nghề làng Kim Bồng (Hội An) thuở trước. Hàng cây cột mít to đùng tròn nhẵn trong những ngôi nhà cổ và ngoài vườn, chuối tiêu cay xé chùm trái xanh. Cây mít lâu năm treo lúc lỉu những quả xanh đợi chín. Cây quế thơm ngăn ngọn gió độc thượng ngàn. Rồi vườn chè xôn xao lá nắng trung du…

                           

                                                             Thắng cảnh Lò Thung

Đường về thôn Một, “nhà rường cột mít” của cụ ông Huỳnh Tấn Hữu (thân sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng) được dựng lên từ năm 1869. Đến nay, ngôi nhà đã xấp xỉ 150 mùa chè Mính Viên (tên tự của cụ Huỳnh) thay lộc. Năm 1990, ngôi nhà cổ kính ấy đã vinh dự được Bộ Văn hoá và Thông tin công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia với tên gọi “Nhà lưu niệm cụ Huỳnh”. Hai hàng chè tàu vuông vức được liền dòng bàn tay cắt tỉa chăm chuyên từ thời ông cha mở đất, dẫn vào nơi tôn kính. Ngôi mộ cụ ông  Huỳnh Tấn Hữu yên ấm nằm kề bên trái Nhà lưu niệm. Tại gian giữa của ngôi nhà, đặt cẩn trọng bàn thờ gia tiên được chạm hoa văn cách điệu hình con dơi ngậm chuỗi vòng, đôi rồng khắc bằng gỗ mít, và tượng cụ Huỳnh khắc gỗ. Ngoài ra, còn có nhiều hiện vật liên quan đến cuộc đời hoạt động của nhà chí sĩ yêu nước được trưng bày trong không gian thanh nhã, nghiêm tịnh. Tất cả nói lên một thời thơ ấu của cậu bé Huỳnh Thước (tên lúc nhỏ) và người học trò thông minh Huỳnh Hanh (trước khi đổi thành Huỳnh Thúc Kháng) trong những năm sách đèn “nấu sử sôi kinh”.

                               

                                                        Nhà lưu niệm cụ Huỳnh

Vào mùa “lá thu rơi xào xạc”, không đợi chi phải về xã Tiên Châu để thưởng thức hương vị “trái lòn bon trong tròn ngoài méo”, mà ngay tại thôn Đại Trung xã Tiên Cảnh, chúng ta cũng được chủ nhà ân cần đãi đằng trái quý hiếm này. Trái lòn bon gợi nhớ về truyền tích chúa Nguyễn Ánh lưu dấu bấm tay trong ruột trái quý hiếm, trên chặng đường Chúa bôn tẩu, trong lúc bị quân Tây Sơn rượt đuổi. Truyền thuyết đã gắn liền với tên chữ, gọi là trái nam trân, hoặc trái trung quân. 

Khép lại vòng tròn trục ngoạn du thú vị, mời khách thưởng thức món “cá giếc sông Tiên, cá niêng Tiên Lãnh”, giải nhiệt qua tô canh ngọt cá giếc nấu rau răm, cá niêng chưng cách thuỷ, để “hồi sức” thăm chợ huyện núi Tiên Phước soi bóng bên dòng Tiên huyền thoại, trước khi quay gót. Trên chuyến trở nguồn, nghiêng mình trước tượng đài Liệt sĩ Cây Cốc (xã Tiên Thọ), thắp nén nhang tưởng niệm 300 người dân vô tội đã gục ngã trước họng súng điên cuồng say máu của lính Ngô Đình Diệm tại chợ Cây Cốc vào đầu tháng 10-1954. Đường về gói hẹn, nắng trải miên man…

Võ Khoa Châu- Báo Quảng Ninh