www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Doanh nhân Nguyễn Châu: Kinh doanh là phụng sự xã hội

 Đã có nhiều người nói về ông với một chữ "Tài" để thành danh, một chữ "Tâm" để đi đến tận cùng của sự trọn nghĩa vẹn tình. Bất cứ ai, dù chỉ thoáng qua hay được sống và làm việc gần gũi với ông, đều nhận ra rất rõ rằng ông vừa nhân hậu, bao dung nhưng cũng rất quyết liệt, thẳng thắn, vừa rất nghiêm khắc nhưng lại chân tình, nồng ấm. Ông chính là Nguyễn Châu - Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank, Tổng Thư ký kiêm Chủ tịch Ủy ban Tái cấu trúc Sacombank Group.

       Xuân Nhâm Thìn 2012, Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank - Nguyễn Châu bước vào tuổi thất thập (77 tuổi). Theo cách nghĩ cổ xưa trong làng xã Việt cổ truyền, khi người đàn ông vào tuổi năm mươi là "có quyền lên lão", ngồi chiếu trên để dạy bảo thế hệ hậu sinh và khi bảy mươi tuổi, là có thể an nhàn dưỡng lão, vì đã làm xong một số việc quan trọng ở đời... Song, hình như vị Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank không mấy quan tâm đến tuổi tác của chính mình. Bước đi của ông vững chãi, trí nhớ mẫn tiệp, đối thoại sinh động, không ngừng cập nhật tin tức khoa học chuyên ngành ở trong nước và trên thế giới, không hề có ý định ngưng dòng suy tư về tài chính, ngân hàng - ngành khoa học của đời ông.

      Nghĩ về sự nghiệp của ông, đối thoại, trò chuyện với ông, tôi mới thấy ông đúng là thế hệ vàng của ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam, với nền tảng vững chắc được chính thức xây dựng ngay sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1954. 
 

      Ký ức tuổi thơ
    Nguyễn Châu sinh ra và lớn lên trong một gia đình phú nông tiến bộ ở huyện Tiên Phước, Quảng Nam. Từ bao đời nay, đất “Ngũ Phụng Tề Phi” đã nổi tiếng là vùng đất hiếu học, giàu truyền thống cách mạng. Nơi đó là quê hương của cụ Huỳnh Thúc Kháng và cũng là nơi xuất thân của nhiều bậc nhân tài anh kiệt được lưu danh trong sử sách. Trong ký ức của cậu bé Châu, tấm gương hiếu học của cụ Huỳnh luôn hiện hữu trong tâm trí của mình. 

      Sớm thừa hưởng những giá trị truyền thống gia đình, của quê hương, ngay từ khi còn là một cậu bé, Nguyễn Châu nguyện với lòng mình sẽ ra sức phấn đấu góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Điều ấy đã nhen lên trong tâm trí cậu bé Châu một ý thức sớm tự lập, một tinh thần dũng cảm, chắc nịch trong từng hành động, làm tiền đề cho tính quyết đoán trong công việc kinh doanh sau này. 

      Cuộc chiến tranh ác liệt và tàn khốc đã đi qua suốt tuổi học trò của Nguyễn Châu. Vậy mà ông vẫn luôn là người hiếu học, và được thầy Hiệu trưởng đánh giá là học sinh học giỏi nhất trường. Cũng chính vì thế mà ông được cụ Lương Trọng Hối – Phó Chủ tịch UBKCHC Liên khu V ghé thăm và tặng 10 tập vở được mua từ vùng bị chiếm đóng Đà Nẵng.

      Trong ký ức của ông luôn hiện rõ hình ảnh một cậu học trò nhỏ sống xa gia đình đi học và vinh dự được nhà trường phân công ở trọ chung nhà để kèm toán - lý - hóa cho Hà Đức Trọng (nhà thơ Thu Bồn) và Nguyễn Xuân Hy (cận vệ cụ Huỳnh Thúc Kháng), rồi được tiếp xúc với những người giác ngộ cách mạng, các Cụ lão thành cách mạng… Tất cả những điều này là nguồn động lực vô giá tiếp thêm sức mạnh, niềm tin giúp Nguyễn Châu có lòng hăng say học tập và lao động với nền tảng tri thức vững chắc để có được những thành công như hôm nay. 

       Và cũng chính vì ký ức tuổi thơ với những tháng ngày phải sống xa nhà để học tập đã tạo cho cậu học trò này sớm làm quen với phương pháp học tập nhóm, để rồi được anh Nguyễn Xuân Hy (lúc bấy giờ tuy là học sinh cấp III nhưng lại là Phó Bí thư Đảng ủy nhà trường) bí mật giảng dạy về Chủ nghĩa Mác – Lênin, mà theo Nguyễn Châu thì: “Khi lớn khôn, tôi mới nghiệm ra rằng chính tinh thần xã hội hóa được hình thành từ thuở thiếu thời ấy đã định hướng quan điểm sống – học tập – làm việc và định hình cho phương pháp suy nghĩ cũng như hành động vì cộng đồng của tôi sau này”. Đó là những kỷ niệm, là hành trang tinh thần vô giá giúp ông vững bước trong những chặng đường tiếp theo.

     Dấu ấn một thời
      Những tháng ngày cắp sách đi học, cũng là những tháng ngày bom đạn quân thù ném xuống ruộng đồng, xóm làng để đền đáp nghĩa tình quê hương không gì hơn là cố gắng học giỏi để sau này có cơ hội phục vụ Tổ quốc. 

       Với ý chí của người thanh niên trẻ, Nguyễn Châu nguyện ra sức học tập, rèn luyện, nâng cao kiến thức để góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Song, như thể là định mệnh, trong một lần đi tập kết, do hết tàu nên Nguyễn Châu không thực hiện được chuyến đi đó, thế là ông lại ly hương vào Sài Gòn để vừa làm vừa học công chức tại trường Quốc gia Hành chính (năm 1958). Quá trình học tập sau đó, ông đã theo đuổi cùng lúc học 3 trường khác nhau bởi thấy mình cần học nhiều, học nhanh hơn nữa. Ông tâm sự: “Trong khoảng thời gian này, do phải nuôi bầy con nhỏ dại nên tôi phải đi làm công chức chế độ cũ 8 năm, rồi bị Tổng động viên nên phải mất 10 năm trong lính quân nhu chế độ cũ; và chính trong 10 năm này là thời gian tôi vừa đi học, đi làm và đi dạy học tại 4 trường Trung cấp Kế toán ở TP.HCM”.   

       Hỏi về mục đích lớn nhất cho sự học của Nguyễn Châu ngày ấy, ông bảo rằng chưa từng nghĩ sẽ học để sau này thành đạt cho riêng bản thân mình. Trong ông chỉ có niềm thôi thúc được học để hướng tới một lý tưởng tốt đẹp chung của xã hội. “Hiếu học mà đầy tham vọng cá nhân thì không nên, mà phải có tham vọng vì sự phát triển của đất nước, cộng đồng. Từ nhỏ, tôi đã thuộc và trân trọng lý tưởng này của Cha ông: “Cao quý thay hạnh phúc của tha nhân; làm cho người khác hạnh phúc chính là mục đích cao nhất của sự học. đó không phải là quên mình đâu! Phân tích kĩ sẽ thấy rõ "cái tôi" trong đó bởi cái tôi lớn nhất chính là cái tôi được cống hiến” - ông tâm tình. 

      Chính vì tư tưởng này mà từ nhỏ, sự học của ông luôn hướng thiện, là nền tảng cho nỗ lực và mục đích làm việc của ông sau này: Làm việc bằng nhiệt huyết và đam mê vì một sự nghiệp chung, có ích cho cộng đồng, cho đất nước thay vì mục tiêu hẹp hơn là vì sự thịnh vượng riêng tư. 

       Khẳng định giá trị bản thân 
       Là nhà giáo, nhà khoa học xuất sắc, nhưng Nguyễn Châu còn là một nhà quản lý, nhà lãnh đạo tài năng. Những ai ở gần ông từ "thuở hàn vi" đều có thể chứng thực rằng ông không ham muốn, không dự định dấn thân vào nghiệp quản lý, lãnh đạo. Ông muốn dành tất cả thời gian, trí tuệ và tâm huyết cho nghề dạy học, cho các công trình nghiên cứu và những khám phá học thuật. Nhưng chính vì tâm huyết với nghề, với nghiệp mà ông đã bước vào công tác quản lý từ khá sớm một cách tự nhiên. 

      Với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ và vốn kiến thức cơ bản được trang bị, ngay sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, Nguyễn Châu đã chủ động cùng với một số ít bạn bè góp vốn lập ra Hợp tác xã Cơ khí Đồng Tâm - đơn vị nổi tiếng cả nước những năm 1976 – 1992 do ông làm Chủ nhiệm HTX; sau đó là Giám đốc Công ty CP Cơ khí Đồng Tâm. 

       Là một nhà giáo, nhà quản lý có kinh nghiệm, Nguyễn Châu luôn chịu khó học hỏi, gắn giữa lý luận và thực tiễn từ các nhà khoa học, các nhà quản lý để tìm ra hướng kinh doanh hiệu quả nhất. Năm 1989, ông là một trong những thành viên sáng lập Trung tâm Tín dụng Gò Vấp. Tuy nhiên đến năm 1991, các tổ chức Hợp tác xã Tín dụng đang lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính do ảnh hưởng bởi tình trạng lạm phát phi mã, nên ông ủng hộ sáng kiến hợp nhất 4 tổ chức Hợp tác xã Tín dụng thành Ngân hàng Sacombank – một trong những ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên tại TP.HCM; và Nguyễn Châu là một trong những thành viên sáng lập đầu tiên kiêm nhiệm chức vụ trong Ban kiểm soát. 

      Từ năm 1998 đến 2004, trải qua hơn sáu năm phấn đấu không mệt mỏi với nhiệm vụ của một Ủy viên trong HĐQT Sacombank, Nguyễn Châu luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tạo được uy tín với đồng nghiệp trong cơ quan, và ông luôn là người gương mẫu cho tình đoàn kết, cho những cố gắng nỗ lực vươn lên. 

    Tuy nhiên, hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ đầy bất trắc và biến động, đòi hỏi những người theo “nghiệp” này cần có một bản lĩnh và thần kinh thép mới vững vàng vượt qua được khó khăn, thách thức. Thế nhưng, với sự tín nhiệm cao về chuyên môn và tâm huyết với nghề, vào tháng 8/2004, Nguyễn Châu vinh dự đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank. 

    Lại một khó khăn thách thức nữa đang chờ đợi ông !

     Người góp phần làm nên giá trị thương hiệu
       Ngày 16/5/2008, Tập đoàn Sacombank được thành lập trong bối cảnh nền kinh tế nước ta rơi vào tình trạng lạm phát do những yếu kém nội tại và trước tác động nhiều mặt bởi cơn địa chấn tài chính toàn cầu, do vậy những khó khăn ban đầu của Tập đoàn là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, với sứ mệnh là khai thác lợi thế so sánh của các công ty thành viên và phát huy sức mạnh trí tuệ của cả Tập đoàn để hỗ trợ lẫn nhau cùng tồn tại và phát triển bền vững lâu dài, Sacombank Group đã vững vàng vượt qua sóng gió, có được một hình ảnh đặc trưng và một vị thế riêng đầy ấn tượng trên thị trường tài chính – tiền tệ tại 3 nước Đông Dương.

      Cùng với sự thành công đó, vị Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank một lần nữa được tín nhiệm thêm một vị trí cao trong Hội đồng Chủ tịch Tập đoàn, đó là đảm nhận chức Tổng thư ký kiêm Chủ tịch Uỷ ban Tái cấu trúc Sacombank Group. Ông Nguyễn Châu cho biết: “Với quy mô ban đầu gồm 11 công ty thành viên hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ - một lĩnh vực hết sức nhạy cảm, đầy rủi ro và cạnh tranh khốc liệt, Sacombank Group đã phải đối mặt với không ít khó khăn. Thế nhưng, bằng chiến lược tình thế vừa phòng thủ vừa tấn công, phát huy vai trò hạt nhân của Sacombank và lợi thế về uy tín thương hiệu, mạng lưới rộng khắp, sản phẩm phong phú đa dạng cùng khả năng dễ thích ứng của các công ty thành viên, Tập đoàn chúng tôi đã vững vàng vượt qua sóng gió. Không những thế, Sacombank Group đã tham gia tích cực vào quá trình thực thi các giải pháp chống lạm phát và ngăn chặn suy giảm kinh tế của Chính phủ, đồng thời biến thách thức thành cơ hội để nhìn nhận những mặt yếu kém, những điểm bất cập của bản thân, tập trung khắc phục, điều chỉnh và kiện toàn mọi mặt nhằm đảm bảo nền móng vững chắc cho tiến trình hội nhập và phát triển trong thập niên tiếp theo”.

      Sau 2 năm phấn đấu, bằng kế hoạch bán chéo sản phẩm - chương trình tái cấu trúc doanh nghiệp; thông qua các cuộc hội thảo chuyên đề - các buổi tọa đàm trao đổi kinh nghiệm – các lớp đào tạo ngắn ngày để bổ sung kiến thức, rèn luyện kỹ năng – và thông qua phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến quy trình, đổi mới phương pháp tư duy, hành động, Sacombank Group đã phát huy được sức mạnh tổng hợp và tiềm năng sáng tạo từ đội ngũ gần 9.000 cán bộ nhân viên cùng thực hiện mục tiêu tăng trưởng và sứ mệnh tiên phong.
 

      Bài học từ sự khác biệt
      Thương trường là chiến trường, điều này đúng nhất với những người biết vươn mình ra khỏi số phận. Là người luôn trăn trở, doanh nghiệp không chỉ là doanh nghiệp mà còn là nơi phát sinh ra những sáng tạo, những giá trị sống. Vì thế, trong cách làm của Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank có rất nhiều điều thú vị. Suốt hơn 20 năm làm việc tại Sacombank, bên cạnh nguyên tắc đề cao lợi ích của từng cá nhân và cộng đồng, còn là yếu tố sử dụng con người. Ông luôn tâm niệm nguyên tắc biết gợi mở, lắng nghe người khác, đồng thời phải khơi gợi sự sáng tạo và tiếp nhận ý kiến phản biện. Đặc biệt, khi trao đổi, lắng nghe các nhân viên trẻ, ông khẳng định rằng cũng được học hỏi từ họ rất nhiều. “Nói chuyện với nhân viên trẻ cũng là một thang thuốc chống lão hóa vậy!” - ông nói vui về quan điểm làm việc với thế hệ trẻ của mình. 

       Trong một chừng mực nào đó, Sacombank giống như một phần quan trọng trong đời ông và ông là nhân vật không thể thiếu trong lịch sử phát triển của tổ chức này bởi ông là một trong những thành viên sáng lập. Đồng thời, từ xưa đến nay, dù ở chức vụ nào, vai trò của ông với Sacombank cũng không thay đổi. Ông phụ trách về hoạch định chiến lược, tái cấu trúc, tổ chức bộ máy, thể chế hoạt động, đào tạo… 

      “Sacombank ra đời cũng từ một khát vọng lớn nhưng quả thật, khi xây dựng chiến lược phát triển 10 năm đầu tiên cho Ngân hàng, chúng tôi cũng không hình dung hết được thành quả như ngày hôm nay. Không phải do thiếu tầm nhìn, mà là do quá sớm. Sacombank là một mô hình đặc thù, chưa có tiền lệ ở Việt Nam cũng như chưa có cơ chế rõ để tuân theo trong quá trình phát triển. Còn nhớ, trong đại hội cổ đông năm 1995, chúng tôi đưa ra tầm nhìn 2010 sẽ trở thành ngân hàng có vốn sở hữu 100 triệu đô la Mỹ. Nghe thế, cổ đông cười, bảo mình ảo tưởng. Chúng tôi buộc lòng phải điều chỉnh xuống còn 50 triệu đô la”. Ông kể về thời khởi nghiệp của Sacombank bằng giọng hiền hòa nhưng có thể cảm nhận được sự sôi nổi, trăn trở của ngày ấy. 

      Tại Sacombank, rất nhiều người được đào tạo thạc sĩ tại nước ngoài trong bộ máy điều hành. Vì vậy bản thân ông luôn phải tự học, từ mài mò tìm kiếm tư liệu để học, để theo kịp thời đại. Chính điều này đã giúp ích cho ông rất nhiều trong công việc và tham mưu cho Ban Lãnh đạo Sacombank có được những quyết định chính xác trong việc khẳng định vị thế với đối tác, khách hàng.

     Ông vui vẻ cho biết: “Mặt mạnh duy nhất của tôi là khả năng thuyết trình, năng lực viết lách, trình độ tổ chức quản lý các dự án – các công trình nhờ tính hệ thống cao và trình độ khái quát tốt, với bộ nhớ được nhiều người đánh giá là tương tự CPU của chiếc máy tính ở thế kỷ 19, không phải do thiên phú mà chính là do quá trình học hỏi, rèn luyện”.

      Cống hiến là niềm vui lớn
      Từ một tổ chức tín dụng nhỏ đến ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam như đang có hôm nay, có thể hiểu những người đầu tàu như ông đã nỗ lực ra sao. Vì vậy, không quá ngạc nhiên khi nghe ông tâm tình: “Có nhiều thứ trăn trở, mong muốn cho công việc khiến tôi đã phải làm việc từ lúc 3 - 4 giờ sáng”. Đặc biệt, với phương châm “Lấy cần cù bù thông minh”, ông thổ lộ: “Mỗi đêm tôi chỉ ngủ được có 4 giờ kể từ lúc thiếu thời cho đến nay và có lẽ cho đến cuối đời, bởi chống lãng phí, nhất là lãng phí về thời gian lao động có ích đã trở thành quan điểm sống, là trách nhịệm của bản thân đối với gia đình và cộng đồng”.

       Hơn 20 năm gắn bó với ngành ngân hàng, Nguyễn Châu luôn đề cao lợi ích của tập thể lên trên lợi ích của cá nhân. Vì vậy, ông chưa bao giờ lợi dụng chức vụ để tư lợi, làm giàu cho mình. Với ông, chức quyền, vật chất không phải là cái đích để ngắm đến. Một người lãnh đạo cái quan trọng nhất là phải giữ được hai chữ “liêm khiết”, giữ cái tâm trong sáng.

      Và cũng ngần ấy thời gian cống hiến tại Sacombank, Nguyễn Châu đã góp phần đưa ngân hàng của mình đạt được nhiều dấu ấn quan trọng, vượt qua nhiều cột mốc được đặt ra cho chính mình để rồi hôm nay, khát vọng đưa thương hiệu Sacombank dẫn đầu trong hệ thống các ngân hàng thương mại đang dần trở thành hiện thực trong mỗi bước phát triển mạnh mẽ của Sacombank. Hiểu và trân trọng tâm tài của một doanh nhân, nhiều người đã và đang nói về ông - một người với khát vọng dấn thân mãnh liệt như là đã “cháy hết mình” bằng cái tên gọi thân thương “Chú Châu của Sacombank”.

     Bước chân không mỏi
      Nhờ tinh thần hiếu học theo phương châm “Học, học mãi, học suốt đời để tự hoàn thiện và phát triển bản thân”; nhờ biết sống và làm việc vì lợi ích cộng đồng theo lời khuyên “Cao quý thay hạnh phúc của tha nhân”; nhờ niềm đam mê – trí sáng tạo – tính chủ động; và tinh thần tự trọng cao (luôn gương mẫu, vì sĩ diện người con xứ Quảng) theo phương châm “Vì mọi người trước khi mọi người vì mình” nên đến nay mặc dù chuẩn bị bước sang tuổi 77 nhưng ông vẫn được đồng nghiệp tín nhiệm đề bạt tiếp tục tham gia trong HĐQT với nhiệm kỳ đến hết năm 2015; được HĐQT phân công Phó Chủ tịch phụ trách công tác hoạch định, lập quy, đào tạo, quản lý các dự án IT và các công trình XDCB (được biết, hiện ông đang đảm nhiệm quản lý 25 dự án và tiểu dự án của Sacombank).

        Nhìn về hôm qua, ông có sự hài lòng, mãn nguyện của một người đã sống hết mình và sống tốt. Nhìn về ngày mai, cách nói của ông đầy niềm tin và hy vọng. Còn hôm nay, ông vẫn làm việc với khí thế của một người yêu lao động, yêu cuộc sống, vẫn làm việc từ 3 - 4 giờ sáng và đặc biệt, vẫn mê đọc sách, vẫn học tập không ngừng. “Tôi biết như vậy là không khoa học, ảnh hưởng đến sức khỏe tuổi già. Nhưng “số phận” của tôi là nếu thôi lao động và học tập, đồng nghĩa với thôi cần đến sự sống của bản thân” - ông nói. 

      Một điều dễ nhận thấy ở Sacombank là tính cách đột phá của “những người đi mở đường”, là cuộc cách mạng trong lĩnh vực kinh doanh ngân hàng trong thời kỳ chuyển đổi và cũng là sự cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế đất nước. Cán bộ nhân viên  Sacombank có nét văn hóa đặc trưng là đoàn kết, gắn bó, cùng chia sẻ khó khăn gian khổ và đồng hành với khách hàng để phát triển. Nguyễn Châu tự hào khi thành quả lao động miệt mài của mình và của tập thể CB.CNV Sacombank đã được đền đáp. 

      Sống để yêu thương
     Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank quan niệm rằng, làm lãnh đạo mà chỉ có tài năng thôi thì chưa đủ, người lãnh đạo còn cần phải có tâm. Nếu là người có tâm thì sẽ làm mọi việc vì tập thể, đặt quyền lợi của hàng trăm cán bộ công nhân viên, của hàng nghìn cổ đông lên trên hết, rồi mới nghĩ đến mình. Còn người lãnh đạo chỉ nhăm nhe lo cho bản thân, bỏ mặc tất cả thì chắc chắn rằng doanh nghiệp ấy sẽ chẳng thể tồn tại và phát triển được. “Tôi nghĩ rằng không chỉ trong công việc mà ngay cả trong cuộc sống cũng phải đặt chữ tâm lên hàng đầu. Dù là người tài giỏi, trình độ cao đến đâu mà không có tâm thì cũng sẽ khó thành công, khó thuyết phục mọi người, nhất là ở ngành ngân hàng – thành công đều phải dựa vào sức mạnh tập thể”, ông tâm sự.

       Giờ đây, niềm đam mê mà vị Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank có thể gìn giữ cho đến cuối đời là học, học mãi, học suốt đời để tự hoàn thiện và phát triển bản thân. Đặc biệt, với năng lực sở trường là quản trị doanh nghiệp nói chung, quản trị tài chính nói riêng, trong suốt hơn 36 năm qua (tại 2 đơn vị công tác), ông đã thành công trên lĩnh vực Tái cấu trúc, Tái lập Doanh nghiệp và Quản trị Công ty. Và ước nguyện lớn nhất của ông vào cuối đời là mong muốn có điều kiện để tham gia nhiều vào công tác khuyến học; và có thời gian để viết hồi ký, chủ yếu là để đúc kết kinh nghiệm, xem đó như là tài sản để lại cho con cháu và truyền lại cho thế hệ kế thừa.

       Cuộc sống mưu sinh tựa như những con sóng nhỏ không nguôi vỗ vào lòng dạ con người. Giữa cái Tôi và cái Chúng ta, ông chọn con số thuộc về số đông bởi những thành quả mà ông và Sacombank Group đã đạt được, ông muốn sẻ chia tới tất cả mọi người. Là người con của quê hương Quảng Nam, ông cảm thấy mình cần phải có trách nhiệm với quê hương, nhất là với công tác giáo dục, trồng người nơi đây. Bằng chứng là trong những năm qua, tại huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, ông đã ủng hộ xây dựng trường THCS Lê Đình Chinh ở xã Tiên Lộc; trang bị gần 40 máy vi tính cho các trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, THPT Phan Chu Trinh thuộc thị trấn Tiên Kỳ, THCS Lê Đình Chinh thuộc xã Tiên Lộc; cấp học bổng cho sinh viên nghèo hiếu học hằng năm; đóng góp 20 triệu đồng hằng năm và ông cam kết sẽ đóng góp đến cuối đời cho Quỹ khuyến học và Quỹ khen thưởng Huỳnh Thúc Kháng… Ngoài ra, ông còn thường xuyên đóng góp ủng hộ cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bị thiên tai, bão lũ… Chính những hoạt động từ thiện rất đáng trân trọng đó mà ông đã được UBND huyện Tuyên Phước tặng giấy khen, UBND tỉnh Quảng Nam trao tặng bằng khen, và đặc biệt ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Huy chương "Vì sự nghiệp giáo dục"… Mong ước lớn nhất của ông sau này là tiếp tục góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành giáo dục Quảng Nam xứng tầm với tiềm năng vốn có, để không làm hổ thẹn là con cháu của quê hương Ngũ Phụng Tề Phi.

       Ở đời có nhiều vẻ đẹp. Nhưng có một vẻ đẹp không bao giờ thay đổi, một vẻ đẹp bất biến, đó là cái Tâm. Lòng nhân ái, sự sẻ chia đã trở thành cái Tâm lớn; mà đã là “Tâm” thì không giới hạn bởi sự tính toán được - mất, thiệt - hơn và càng không bị chi phối bởi những động cơ tầm thường. Đơn giản, đó là lòng thương người, là sự cảm thông và luôn mong muốn cho xã hội tốt hơn, cuộc sống tốt hơn, không còn những mảnh đời bất hạnh. Nguyễn Châu, quý thay là một người có vẻ đẹp như vậy.

      Có thể nói, Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank trưởng thành và có được những đóng góp nhất định với cộng đồng xã hội không phải do khả năng thiên phú, chẳng phải do học hàm học vị, cũng không phải do giàu tiền giàu của, mà chính là do quan điểm sống vì cộng đồng cùng sự cần cù hiếu học và đam mê lao động của bản thân. Trải qua 36 năm học tập và lao động, hơn 53 năm vào đời, ở tuổi 77, Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank Nguyễn Châu vẫn hăng say làm việc và tham gia công tác xã hội với khí thế của một người yêu lao động, yêu cuộc sống. Âu đó cũng là cách trả nợ với non sông, Tổ quốc (vì nghĩ mình đã có 15 năm đi lệch hướng) để đến cuối đời ông được thanh thản ra đi... 

      Giờ đây, vị Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank vẫn sống bình dị với nụ cười nhân hậu luôn thường trực trên môi. Ông bộc bạch: “Nếu “hy vọng là giấc mơ của người đang thức” thì giấc mơ lớn nhất của tôi không phải là giàu sang phú quý, cũng chẳng phải là nổi danh ở một lĩnh vực nào, mà chính là không làm hổ thẹn người con xứ Quảng, đặc biệt lại là con cháu ở quê hương của các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh”.

Khắc Kiều - Đặc san " Người Quảng Xa Quê"