www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Về bộ dật sử Hoàng Thị Tòng

Lời BBT: Về nhân vật nữ kiệt Hoàng Thị Tòng, chúng tôi có đăng bài giới thiệu và nhiều tờ báo, tạp chí có bài viết về nhân vật này. Tuy nhiên vẫn có những điểm chưa nhất thống mang tính sử học về nhân vật Hoàng Thị Tòng. Xin giới thiệu bài trao đổi trên báo Quảng Nam của PGS-TS. Ngô Văn Minh một người con của Tiên Phước, người tiếp cận từ rất sớm và đã bỏ công xác minh sử liệu về Hoàng Thị Tòng, trong đó đặt ra một số vấn đề liên quan về bộ dật sử này.

  Những thông tin vàng

Thời gian qua, trên báo giấy, tạp chí cũng như trên các trang web xuất hiện bài viết của một số tác giả về nhân vật Hoàng Thị Tòng, khiến cho không ít độc giả và cả các nhà nghiên cứu lịch sử không khỏi bất ngờ trước tiểu sử của một vị nữ kiệt quê Quảng Nam. Đã có người tin ngay đấy là những thông tin “vàng”!

Trước hết, xin khẳng định rằng, những thông tin về tiểu sử của bà Hoàng Thị Tòng đã đăng tải không phải do các tác giả tự đặt ra. Họ đều lấy từ một tập bản thảo đánh máy gồm nhiều quyển (có viết tay phần chữ Hán) có tựa: Việt Nam chống xâm lăng sử mà là dật sử. Cô: Hoàng Thị Tòng. Biệt hiệu Tùng Thoại. Nữ anh hùng Việt Nam cận đại. 

Tôi phát hiện bộ dật sử trên vào năm 1987 khi đang đi tìm tài liệu để viết đề tài tốt nghiệp đại học. Bấy giờ tôi chỉ mới đọc được mỗi quyển 11 thôi, nhưng đã hết sức bất ngờ trước những thông tin trong đó. Đến năm 1990, khi nhận công tác tại Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tiên Phước, tôi đã đến gặp ông Hoàng Đình Long, chủ nhân của bộ tài liệu để mượn ông xin sao chụp toàn bộ và được ông vui lòng đồng ý. Nay xin nói rõ hơn về bộ dật sử Hoàng Thị Tòng như sau:

Bộ tài liệu này gồm 12 tập, do ông Hoàng Đình Long (người gọi bà Hoàng Thị Tòng bằng cô ruột) đánh máy và viết “Thay lời tựa” tại Tam Kỳ ngày 20.6.1969. Về tác giả bộ tài liệu, ông Long cho biết: Ở phần “Lời nói đầu và gia thế” là do cụ tú tài Phồn Xương Nguyễn Lượng (làng Đông Yên, tổng Mậu Hòa, phủ Duy Xuyên) và cụ tú tài Kim Hùng Nguyễn Thường (làng Cẩm La, tổng An Thái, phủ Thăng Bình) viết xong vào ngày 20 tháng Bảy năm Bính Dần 1926. Sau đó các ông gửi cho giáo sư Đỗ Liệp (em con bà cô, đồng thời học trò của bà Tòng) ở làng Tiên Giang, tổng Tiên Giang, huyện Tiên Phước, bảo giao lại cho ông Hoàng Đình Long ở làng Thanh Lâm, tổng Phước Lợi, phủ Tam Kỳ (nay thuộc xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước).

Nội dung thể hiện của bộ dật sử gồm nhiều thông tin. Ở quyển 1 có di tự của bà Hoàng Thị Tòng viết bằng Hán văn, có dịch Việt văn ngay dưới mỗi dòng chữ Hán, lại có thêm các trang dịch sang Anh văn và Pháp văn. Tiếp đến có Lời tựa của Hy Nghiêu và các bài viết cảm tưởng khi đọc bộ tài liệu này của ông Vũ Khắc Đạt (tức Vũ Đàn Sơn, cựu học sinh trường Đông Kinh Nghĩa thục tại Hà Nội) và của ông Kỳ Sơn, bà Nguyễn Thị Phương Hạnh. Tiếp đến là những dật sử về bà Hoàng Thị Tòng khi bà từ 7 đến 12 tuổi; rồi tới năm bà lên 13, 14, 15 tuổi; các chuyện vui về bà; những chuyện về quá trình hoạt động chính trị của bà như dự thành lập Duy tân hội, liên lạc với hiệu buôn Nam Đồng Hưng, với Lý Tuệ, đi diễn thuyết, họp bàn kháng thuế khất sưu, đi cổ động cho Hội Duy tân cứu quốc, vào tù chuộc tội cho cha và anh, xuất dương sang Nhật... Xen kẽ là những thông tin về Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh xuất dương, những bài thơ cổ động phong trào Duy tân, kháng thuế. Bộ tài liệu này cũng dành phần lớn dung lượng viết về tiểu sử của gần một trăm nhân vật lịch sử đương thời. Đặc biệt, còn kể khá chi tiết về các tổ chức yêu nước lúc bấy giờ với tên tuổi, quê quán, cả năm sinh của rất nhiều nhân vật tham gia, khiến cho người đọc đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Với tôi, khi đọc bộ tài liệu trên, lúc đầu khá dè dặt và luôn tự đặt ra câu hỏi: các tác giả viết vậy liệu có đúng không? Chẳng hạn với danh sách của 20 người (ghi rõ quê quán) tham gia thành lập Duy tân hội, rồi cả chương trình hoạt động, những người dự hội nghị lần hai tại nhà Tiểu La Nguyễn Thành, có ghi cả tên của 152 người không dự họp (cũng ghi rõ quê quán của những vị này), phân công phân nhiệm cụ thể cho từng người. Điều mà chính cụ Phan Bội Châu khẳng định là với những vấn đề cơ yếu như vậy chỉ có cụ và Tiểu La Nguyễn Thành biết mà thôi! Cũng như thế, các tác giả còn liệt kê danh sách họ tên, quê quán của 138 người xuất dương tại Nhật cùng với bà Hoàng Thị Tòng do cụ Phan Bội Châu lãnh đạo! Hoặc làm sao có thể tin được bản danh sách cũng ghi đầy đủ tên tuổi, quê quán, chức trách của 46 nhân vật trọng yếu trong vụ mưu khởi nghĩa năm 1916 tại Huế?... 

Tôi đã tìm đến làng Đông Yên (nay thuộc xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên) để tìm hỏi thông tin về ông tú tài Phồn Xương Nguyễn Lượng và hỏi thăm về ông tú tài Kim Hùng Nguyễn Thường ở làng Hà Lam (nay thuộc xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình) với hy vọng con cháu quý cụ còn giữ được di cảo của cha ông, nhưng vẫn không tìm được manh mối nào. Tuy nhiên, cũng qua đọc bộ tài liệu đánh máy, tôi phát hiện ra nó đã được viết lại, vì có nhiều thông tin đến những năm 1950 mới được công bố trong sách của các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu... (tức là sau khi hai cụ tú tài trên đã qua đời). Tôi đem điều này ra hỏi, ông Hoàng Đình Long đã phải công nhận đúng là bộ tài liệu (đánh máy) đã được ông viết lại. Hỏi về bộ sách chữ Hán của hai ông tú tài họ Nguyễn thì ông Hoàng Đình Long cho biết nó đã được ông gửi cho Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên của chính quyền Sài Gòn trước năm 1975. Hỏi về cuốn nhật ký của bà Hoàng Thị Tòng mà ông cho là một trong những nguồn tư liệu để viết, ông bảo là sau khi bà mất gia đình lo sợ đem đốt đi (!?).

Tôi lấy làm băn khoăn, vì với một người hoạt động chính trị như bà Tòng thì sao lại có thể ghi tất cả những điều cơ yếu của tổ chức mình vào trong nhật ký? Còn nếu nộp cho chính quyền Sài Gòn thì sao ông Hoàng Đình Long lại không gửi bản dịch để giữ lại bản chữ Hán quý giá cho gia đình? Tại sao với một nhân vật như bà Hoàng Thị Tòng mà lại không có một tài liệu nào khác - ngoài bộ tài liệu đánh máy của ông Hoàng Đình Long viết về bà? Cũng xin khẳng định rằng, tuy có tác giả khi viết bài giới thiệu về bà Hoàng Thị Tòng có dẫn ra một số đơn vị tài liệu tham khảo, nhưng sự thật thì chỉ có  bộ “Dật sử Hoàng Thị Tòng” viết về tiểu sử của bà và tập 21 của Tổng tập văn học Việt Nam,   xuất bản năm 1996 là có đưa vào chỉ một, hai bài thơ vịnh về bà, còn lại các tài liệu khác mà họ dẫn thêm ra thì không hề nhắc đến nhân vật Hoàng Thị Tòng. Các bài thơ vịnh bà trong bộ dật sử đều ghi của những nhân vật tên tuổi đầu thế kỷ XX, nhưng tại sao trong các tuyển tập thơ văn của họ đều không có? Tại sao bộ dật sử viết bà thường xuyên liên lạc với hai cụ Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng là những người cùng quê (cùng phủ Thăng Bình, sau là phủ Tam Kỳ). Riêng với cụ Huỳnh lại cùng quê làng Thạnh Bình với chồng của bà Tòng, cùng ngồi tù Côn Đảo nhưng trong các trước tác của họ để lại không hề nhắc đến tên bà? Và nữa, tại sao bà là một người xuất dương sang Nhật, là người cộng tác đắc lực cho cụ Phan Bội Châu, kể cả có lúc hiến kế cho cụ nữa mà cụ cũng không hề nhắc đến tên bà trong Niên biểu hay Tự phán của mình? Cụ sợ lộ thân phận của bà chăng? Thế thì tại sao sau khi bà mất vào năm 1926 cụ lại không công khai công trạng của bà, như cụ đã viết về bà Ấu Triệu Lê Thị Đàn để hậu thế tưởng nhớ, suy tôn ?

Chắc lọc "sỏi đá"

Phát hiện được một tư liệu mới là niềm vui của người làm công tác sưu tầm, nghiên cứu. Nhưng thấy tư liệu mới mà đã sử dụng, công bố ngay trên các phương tiện thông tin đại chúng thì sẽ là tắc trách. Nghĩ vậy nên khi bàn giao tài liệu sưu tầm được trong thời gian làm việc ở Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tiên Phước trước khi đi nhận công tác nơi khác, riêng với bộ dật sử Hoàng Thị Tòng, tôi đã viết hẳn ý kiến của mình lên trang bìa quyển 1 (vì sợ viết trên một trang giấy riêng có thể bị thất lạc) về nhận xét của mình đối với tài liệu và đề nghị lãnh đạo huyện thận trọng trong việc cho người khác sử dụng. Dần dần, qua nghiên cứu các sách của cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu và các tài liệu liên quan đến phong trào Duy tân, phong trào chống thuế Trung kỳ, tôi phát hiện ra có quá nhiều điều bất hợp lý trong bộ dật sử này. Xin đưa ra một vài dẫn chứng:

- Khi viết về tiểu sử Trương Bá Huy, bộ dật sử dẫn ra đoạn áng văn như sau: “… Nguyễn Thành thấy y (tức Phan Bội Châu) tới nhà, bèn củ dụ Trương Bá Huy, Phan Thúc Duyện, Dương Đình Thạc, Lê Bá Trinh, Hoàng Thị Tòng, do Trương Bá Huy đề xướng kết lập Hội thương để ngấm ngầm tư trợ bọn vong quốc Phan Bội Châu”, xem đây như một bằng chứng về sự có mặt của bà Hoàng Thị Tòng trong phong trào Duy tân, chống thuế và bị đày Côn Đảo. Kỳ thực, đây là một đoạn áng văn mà cụ Huỳnh Thúc Kháng đã ghi lại trong tác phẩm Thi tù tùng thoại. Về sau, ông Nguyễn Thế Anh dịch các châu bản triều Duy Tân về phong trào chống thuế và in thành sách có toàn văn nội dung áng văn này (Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên xuất bản, Sài Gòn, 1973). Nhưng cả bản của cụ Huỳnh và bản của ông Nguyễn Thế Anh đều không có tên bà Hoàng Thị Tòng, thế mà bộ dật sử lại chèn thêm tên của bà vào sau tên của Lê Bá Trinh!

- Dật sử ghi bà Hoàng Thị Tòng bị lính trói tay chung với Dương Đình Thạc đưa lên tàu, đi từ Hội An ra Đà Nẵng rồi đưa xuống tàu thủy để đày ra Côn Đảo. Trong Thi tù tùng thoại cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng ghi chuyến đi đày Côn Đảo của cụ cùng với Dương Đình Thạc và 6 người nữa, có ghi tên từng người nhưng không có tên Hoàng Thị Tòng. Cũng trong tác phẩm này, cụ Huỳnh dành hẳn một phần viết về “tù đàn bà” ngoài Côn Đảo gồm trên 10 người, nhưng số tù nhân này đều có tội danh “kẻ giết chồng, người giết ông gia bà gia cùng trộm cắp...” chứ không có ai là nữ chính trị phạm.

- Dật sử cho biết khi ở Trung Quốc bà Tòng có tên là Thiếu Lâm Quảng Đông. Đọc Tự phán của Phan Bội Châu không thấy ai có tên như vậy cả. Cụ chỉ nhắc đến một người Quảng Đông tên là Tô Thiếu Lâu mà thôi. Với chồng của bà là ông Lê Quý Liên, bộ dật sử cho biết, ông có biệt hiệu Kim Tổ. Sau đổi tên là Trương Quốc Uy, biệt hiệu Sâm Uy. Khi sang Trung Hoa vẫn dùng tên Trương Quốc Uy, nhưng lấy biệt hiệu là Cao Điền. Xem Phan Bội Châu toàn tập, chỉ thấy cụ Phan nói đến một người tên là Nguyễn Điển ở làng Cao Điền mà cụ gọi ghép là Cao Điền Nguyễn Điển, chứ không nhắc gì đến Cao Điền quê làng Thạnh Bình, phủ Tam Kỳ, Quảng Nam. Riêng với tên gọi Trương Quốc Uy, cụ có nói tới sự việc vào năm 1910 có 2 thanh niên Bắc kỳ đến Quảng Đông. Trong đó, một người là con cụ cử Lương Văn Can, người kia là Dư Tất Đạt, sau đổi tên là Trương Quốc Uy, học ở Bắc Kinh sĩ quan học hiệu. Như vậy, ông này người Bắc kỳ, vả lại sang Quảng Đông vào năm 1910 chứ không phải ông Trương Quốc Uy sang Nhật vào ngày 28 tháng Bảy năm Ất Tỵ 1905 như đã viết trong dật sử.

- Tác giả bộ dật sử đã lấy khá nhiều thơ và câu đối của các sĩ phu bị ngồi tù Côn Đảo mà cụ Huỳnh Thúc Kháng đã ghi lại trong tác phẩm Thi tù tùng thoại để đưa vào và ghi đó là của bà Hoàng Thị Tòng. Ví như câu “Tích niên kim nhật đáo Côn Lôn/ Trù nẳng hiên ngang khí thượng tồn…” của My Sanh Phan Thúc Duyện, bị sửa thành “Tích niên kim nhật đáo Côn Lôn/ Bồ liễu hiên ngang chí thượng tồn…”; hoặc bài thơ khóc Dương Đình Thạc: “Non xanh nước biếc nấm mồ côi/ Mưa gió thương ai một góc trời/ Chưa dám hết lòng tuôn nước mắt/ Ngoảnh về nước cũ vẫn chơi vơi” của Phan Châu Trinh, được sửa lại thành “Trời cao nước biếc nấm mồ côi/ Mưa gió thương anh ở góc trời/ Mai em về anh còn lưu lại/ Đau lòng thay giọt lụy tuôn rơi”. Hai câu đối điếu Dương Đình Thạc của Lê Văn Huân và Trần Kỳ Phong; câu đối điếu Trần Quý Cáp “Đàn anh phái tân học, bỗng mất một tay, muôn dặm mây mù, bạn trẻ trông sau rầu rỉ khóc/ Đời thọ với danh thơm, khó toàn hai ngả, một quan nhỏ bé, mẹ già dựa cửa xót xa đau”, cụ Huỳnh ghi là của đồng nhân, thì trong bộ  dật sử ghi là của Tùng Thoại Hoàng Thị Tòng. Hay như bài thơ khóc Nam Xương Thái Phiên: “Âu học không đem rút của người/ Chả thành đời sống vứt như chơi…”  trong số 10 bài cụ Huỳnh ghi là của bạn vô danh, đều được đưa vào bộ dật sử với tên tác giả Hoàng Thị Tòng. Cả như bài Nói tấm bản đồ Việt Nam bị rách: “Kìa bản địa đồ nước Việt Nam/ Dưới sông, trên núi, giữa đồng không/ Xưa tốn biết bao công họa sĩ/ Con cháu bây giờ nỡ lãng xao/ Nguyên nghiệp tiền nhân lưu để lại/ Vì sau không giữ điểm tô bồi/ Ngày nay rách nát ra ba đoạn/ Thôi để rồi em sẽ liệu bồi” được ghi là của Hoàng Thị Tòng, đọc lên nghe có khác gì bài thơ Vịnh bức địa đồ rách của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu: “Nọ bức dư đồ thử đứng coi/ Sông sông núi núi khéo bia cười/ Biết bao lúc mới công vờn vẽ/ Sao đến bây giờ rách tả tơi?/ Ấy trước ông cha mua để lại/ Mà sau con cháu lấy làm chơi/ Thôi thôi có trách chi đàn trẻ/ Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi” in lần đầu ở tập Còn Chơi vào năm 1921, được tác giả bộ dật sử “độ” lại! 

Tôi đưa ra những dẫn chứng có phần quá cụ thể, dài dòng như vậy để nói rằng đó chỉ mới là một số điều mà đến nay tôi có thể đối chiếu được, chứ còn rất nhiều chi tiết ly kỳ, thú vị mà lại “mới rợi” trong bộ dật sử này không thể nào xác minh hết. 

Hoàng Thị Tòng là một nhân vật có thật. Tôi đã đến làng Thạnh Bình (nay thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước) để viếng mộ bà và hai người con của bà. Tuy nhiên, những gì đã dẫn ra ở trên cho thấy, việc tham khảo thông tin trong bộ dật sử đòi hỏi phải chừng mực, thận trọng, nhất là không thể tin ngay những điều viết về tiểu sử Hoàng Thị Tòng khi mà đã phát hiện quá nhiều điều được tác giả bộ dật sử gán ghép vào cho bà. Càng không nên chỉ mới đọc qua đã giới thiệu ngay lên trên các báo, tạp chí như là một sự khẳng định, bởi sẽ khiến cho người đọc không biết thực hư thế nào.

Theo PGS - TS Ngô Văn Minh - Báo Quảng Nam