Vượt khó làm giàu
Những năm gần đây, ở huyện Tiên Phước có nhiều hộ đã mạnh dạn nuôi heo thâm canh, nuôi gà ta thả vườn mang lại hiệu quả kinh tế cao, thoát nghèo bền vững.
1. Sau nhiều năm làm nghề thợ may, dù có đồng ra đồng vào nhưng cuộc sống vẫn không khấm khá, vì vậy, chị Lê Thị Thu Hương (thôn 4, xã Tiên Phong) bàn với chồng đầu tư vốn liếng chăn nuôi gà thả vườn. Ban đầu, vợ chồng chị nuôi thử nghiệm 20 con gà mái đẻ. Thấy có hiệu quả, chị tiếp tục nhân rộng lên 100 con rồi 200 con. Do nguồn vốn ít, lại chưa có kinh nghiệm, việc chăn nuôi gà thả vườn của vợ chồng chị gặp nhiều khó khăn.
Được sự hỗ trợ của hội phụ nữ xã chị mạnh dạn vay 12 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện, mua 2 máy ấp trứng để chủ động về con giống, đồng thời tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi gà, chịu khó học hỏi kinh nghiệm của các hộ đi trước nên việc chăn nuôi gà thả vườn cũng dần đi vào quy củ. Hiện chị đã mở được 4 trại gà với số lượng lên đến 2.000 con gà thịt và 200 gà mái đẻ.
Từ mô hình chăn nuôi heo hướng nạc, anh Nguyễn Đắc Lực (bên trái) đã có nguồn thu hơn 300 triệu đồng mỗi năm. |
Chị Hương cho biết: “Được hỗ trợ vay vốn, rồi tham gia các lớp tập huấn, nắm chắc quy trình chọn giống, chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh, xử lý môi trường bằng đệm lót sinh học nhằm giảm thiểu mùi hôi ra môi trường xung quanh, vợ chồng tôi cảm thấy tự tin hơn trong việc đầu tư phát triển đàn gà”. Việc nuôi gà theo hướng an toàn sinh học có nhiều ưu điểm là gà được thả tự do trong không gian rộng. Ngoài các loại thức ăn chính là lúa, bắp và cám tổng hợp, gà tự kiếm thêm các loại thức ăn khác như cỏ, côn trùng… để bổ sung thêm dinh dưỡng. Nhờ đó, chất lượng thịt gà cũng ngon hơn. Hiện tại, với đàn gà 2.000 con, mỗi năm mang lại cho gia đình chị khoản lãi ròng gần 100 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị Hương còn giúp đỡ nhiều chị em về vốn, con giống cũng như kinh nghiệm trong chăn nuôi để cùng phát triển kinh tế gia đình.
Bà Trịnh Thị Cường - Chủ tịch Hội LHPN xã Tiên Phong cho biết: “Từ thành công của chị Lê Thị Thanh Hương, chúng tôi đã xây dựng được các câu lạc bộ nuôi gà thả vườn với hàng chục hội viên tham gia sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau. Nhờ đó, mô hình dần được nhân rộng trên địa bàn xã giúp nhiều gia đình chị em phụ nữ nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống”.
2. Gia đình anh Nguyễn Đắc Lực ở thôn 1, xã Tiên Lộc quanh năm chăm chỉ làm ăn nhưng cuộc sống vẫn cứ thiếu trước hụt sau. Với mảnh ruộng, thửa vườn nhỏ lẻ, năm được mùa cũng tạm đủ ăn, nhưng gặp năm thất bát, đến mùa giáp hạt “chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi”. Trong khi đó, con cái ngày càng lớn, việc chi tiêu hằng ngày, trang trải chuyện học hành cho các con… cứ ngày càng tăng thêm. Nhiều đêm anh Lực cứ nằm trăn trở về bài toán thoát nghèo bền vững cho gia đình. Rồi anh quyết định chuyển dần từ làm nông thuần túy sang buôn bán kinh doanh nhỏ, lắp đặt máy xay xát gạo, nghiền thức ăn chăn nuôi phục vụ cho bà con quanh xóm và phục vụ việc chăn nuôi của gia đình.
Là người có ý chí vươn lên, anh Lực luôn tìm tòi, học hỏi những kiến thức và kinh nghiệm của các mô hình làm ăn phát triển kinh tế trong và ngoài địa phương để áp dụng vào việc sản xuất kinh doanh của gia đình. Năm 2010, tận dụng 2ha đất rừng của gia đình ở xa khu dân cư, anh Lực vay mượn, đầu tư hơn 100 triệu đồng mở rộng mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại. Ban đầu anh nuôi 500 con gà thịt và 2 heo nái giống. Khi việc làm ăn dần ổn định, phát huy hiệu quả khá, anh tiếp tục đầu tư mua 1 máy ấp trứng, 15 heo nái giống thuần chủng để tạo con giống tại chỗ phục vụ cho việc chăn nuôi. Bên cạnh đó, tận dụng địa thế có nguồn nước nhỉ, anh đào thêm một cái ao khoảng 1.000m2 để thả nuôi cá trê lai và cá rô phi nhằm tăng thu nhập.
Lập nghiệp muộn, lại thiếu vốn liếng làm ăn, nhưng anh Lực biết tính toán, biết áp dụng phương châm “lấy ngắn nuôi dài” nên khó khăn dần được khắc phục. Bây giờ gia đình anh đã có một gia sản kha khá. Anh Lực chia sẻ: “Sản xuất, kinh doanh không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Có thời điểm giá heo và gà hạ xuống quá thấp, việc chăn nuôi của gia đình tôi tưởng chừng phá sản. Được sự động viên, hỗ trợ kịp thời của hội nông dân các cấp bằng việc cho vay hơn 150 triệu đồng để duy trì và mở rộng mô hình nên gia đình tôi đã trụ được và phát triển đi lên”. Hiện, gia đình anh có đàn gà hàng trăm con với 3 máy ấp trứng công suất hơn 2.500 con/ lứa, 15 con heo nái F1, 20 nái siêu nạc và hàng trăm con heo thịt mỗi lứa. Tổng thu nhập từ trang trại đã đạt hơn 1 tỷ đồng/năm. Trong đó, lãi ròng hơn 300 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Lộc nhận xét: “Anh Lực là một trong những điển hình của nông dân Tiên Lộc về nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu. Không chỉ sản xuất giỏi, anh Lực còn là nông dân sáng tạo trong lao động, tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc phát hiện, điều trị các loại bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm. Điều đáng quý là anh luôn tận tình chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp thức ăn chăn nuôi trả chậm cho bà con nông dân, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương”.
Phạm Hoàng - Báo Quảng Nam