Triển vọng công nghiệp trên vùng đất khó Tiên Phong
Thế mạnh kinh tế của Tiên Phước vẫn là kinh tế vườn rừng kết hợp với du lịch sinh thái. Trong phát triển công nghiệp, Tiên Phước phải tìm ra một hướng đi khác với kiểu phát triển công nghiệp của các huyện do địa hình khó khăn. Chọn xã Tiên Phong để đầu tư phát triển Cụm công nghiệp (CCN) Tài Đa sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn nhưng triển vọng không nhỏ.
Chuyển mình
Nhắc đến Tiên Phong, người ta nghĩ ngay đến vùng đất đầy khó khăn trong chiến tranh lẫn thời bình. Tiên Phong thường xuyên thiếu nước sinh hoạt và nước tưới tiêu cho ruộng đồng, cây cối trong khi nắng hạn ở đây rất khốc liệt. Địa thế khó xây dựng thủy lợi nên việc sản xuất nông nghiệp của Tiên Phong luôn đối mặt với nguy cơ mất mùa. Khó là vậy, nhưng người dân địa phương vẫn cố gắng khai phá đất rừng để phát triển lâm nghiệp. Cuộc sống của người dân chủ yếu nhờ vào lâm nghiệp, chăn nuôi nhỏ lẻ.
Năm 2011, Tiên Phong được chọn triển khai xây dựng xã nông thôn mới; người dân đồng thuận, cùng vào cuộc với chính quyền để thực hiện các mục tiêu. Đến nay, một diện mạo khác dần được hình thành ở vùng đất này. Những tuyến đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, bà con nhân dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện hơn. Hưởng ứng phong trào này, người dân đã đóng góp 180 triệu đồng, 5.700 ngày công, gần 9.000m2 đất, hoa màu và nhiều vật dụng kiến trúc có giá trị…
Hạ tầng nông thôn từng bước được đầu tư, mang lại diện mạo khang trang hơn cho xã. Trung tâm VH-TT xã Tiên Phong được đầu tư xây mới với tổng vồn gần 1,3 tỷ đồng, công trình cầu Đập Nguồn được khởi công xây dựng với kinh phí hơn 800 triệu đồng, trạm y tế đang được xây dựng... Người dân hăng hái sản xuất, xây dựng các mô hình nuôi heo giống chất lượng cao, cơ giới hóa nông nghiệp, phục hồi cây tiêu... để nâng cao thu nhập cho gia đình và góp phần vào sự phát triển của kinh tế - xã hội. Đồng thời, CCN Tài Đa (thôn 4, xã Tiên Phong) bắt đầu được triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng từ đầu năm 2012 đang mở ra một hướng phát triển công nghiệp mới cho địa phương.
Đơn vị thi công san ủi mặt bằng để xây dựng nhà máy băm dăm gỗ đầu tiên của CCN Tài Đa
Triển vọng công nghiệp
Khi Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chọn khu vực giáp ranh giữa Tiên Phong và Tam Vinh (Phú Ninh) làm thao trường tổng hợp E885, người dân phải nhường hơn 150ha đất lâm nghiệp. Lâm nghiệp không còn là nguồn thu chủ yếu của người dân Tiên Phong. “Điều đó đặt ra yêu cầu nếu huyện Tiên Phước phát triển công nghiệp thì phải chọn xã Tiên Phong để giải quyết công ăn việc làm cho người dân mất đất sản xuất. Đồng thời, phát triển công nghiệp ở xã Tiên Phong tuy sẽ gặp thử thách nhưng huyện sẽ cố gắng huy động tối đa mọi nguồn lực để tập trung cho CCN Tài Đa. Đến thời điểm này, đơn vị thi công đang gấp rút san ủi mặt bằng, thi công tuyến đường dẫn vào CCN. Phía huyện đang lo mọi điều kiện để giải phóng mặt bằng, kêu gọi các công ty vào đầu tư tại CCN Tài Đa” - ông Hường Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết.
CCN Tài Đa có công năng sử dụng đất khoảng 13ha, ban đầu đã có Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Bình An Phú hoàn thành mọi thủ tục đầu tư xây dựng nhà máy. Hiện đơn vị thi công sắp hoàn tất khâu san ủi mặt bằng để khởi công xây dựng nhà máy băm dăm gỗ. Theo ông Nguyễn Tấn Binh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Bình An Phú, chậm nhất trong quý I/2013, dây chuyền sản xuất đầu tiên của nhà máy sẽ đi vào hoạt động. Ông Binh nói: “Công ty chọn CCN Tài Đa để đầu tư vì ấn tượng với thái độ kêu gọi đầu tư rất thiện chí từ huyện Tiên Phước. UBND huyện Tiên Phước đã tạo mọi điều kiện cho công ty hoàn thành mọi thủ tục, đền bù giải tỏa để san lấp mặt bằng. Hơn nữa, Tiên Phước là vùng nguyên liệu với lượng gỗ dồi dào, năm nào cũng xuất ra bên ngoài một lượng lớn thì tại sao không đầu tư tại chỗ để mang lại lợi nhuận cho công ty cũng như cho người dân. Tiến độ thực hiện dự án đang diễn ra rất nhanh, tôi hoàn toàn yên tâm khi đầu tư ở huyện Tiên Phước”.
Theo kế hoạch của Công ty Bình An Phú, băm dăm gỗ chỉ là bước đầu tiên của nhà máy, sau đó công ty sẽ đầu tư tăng giá trị sản phẩm cao hơn từ nguyên liệu gỗ. Lãnh đạo công ty này cam kết thời gian đầu sẽ giải quyết việc làm cho 50 lao động địa phương, sau đó tùy vào điều kiện mở rộng sẽ thu hút thêm lao động. Về lâu dài, công ty sẽ tài trợ, đảm bảo các chính sách xã hội cho địa phương.
Ngoài ra, UBND huyện Tiên Phước đang xúc tiến mọi thủ tục đền bù giải tỏa, khi có mặt bằng sẽ có một nhà máy gạch vào sản xuất tại CCN Tài Đa, giải quyết việc làm cho khoảng 100 lao động, cùng với một doanh nghiệp may sẽ vào đây hoạt động. Khó khăn về nguồn nước sinh hoạt đã có lối thoát khi UBND tỉnh đồng ý chủ trương xây dựng nhà máy cung cấp nước sinh hoạt cho toàn khu vực. Tuyến đường chính rộng 9m từ Tam Kỳ lên đến CCN Tài Đa, kéo dài lên trung tâm huyện Tiên Phước được đầu tư trên cơ sở mở rộng tuyến đường cũ sẽ giúp cho việc lưu thông hàng hóa, vận chuyển nguyên vật liệu của các doanh nghiệp thuận tiện hơn…
Diễm Lệ - Báo Quảng Nam