www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Mùa chạp mả ở quê tôi

 Nhớ ngày còn nhỏ, ba đi vắng, má hay bảo anh em tôi vác cuốc đi dẫy mả. Xứ vườn đồi, sống chủ yếu nghề nông. Gần như là tự cung tự cấp. Ruộng làm đủ gạo ăn, heo trong chuồng, cá dưới sông, rau trên rừng... Nên chi mồ mả thường ở loanh quanh theo vườn ở.

            Phía ngoại tôi họ Nguyễn trong Chỉ Từ. Dẫy và cúng chạp mả mùng mười. Ngoại của ba họ Trần nhánh ông Bổ cúng chạp ngày mười bốn. Phía nội tộc Lê của tôi lại là mười lăm. Rồi thông sui gia, bạn bè quen biết, các dòng họ Phan, Hồ, Phạm, Võ, Mai, Trương...của gia đình cũng bắt đầu mùa chạp mả từ mùng một, hai của tháng Chạp cho đến ông Táo về trời.

        Ở quê có câu " Chín đời vẫn chưa phải người dưng ". Dịp Chạp mả là cơ hội để con cháu biết nhau về quan hệ dòng tộc, tổ tiên, nguồn cội...Nội tôi hay bảo: Anh em phải biết măt nhau! Ra đường không lẽ " quýnh nhau bể đầu mới biết bà con". Có nhiều trai, gái ở quê đi làm xa. Quen biết, yêu đương nếu không hỏi kỹ thì dễ đụng bà con. 

 


     Ngày xưa, cúng quẩy, giỗ chạp thường có đất ruộng hương hỏa và thừa tự. Phần nhiều trai trưởng, Tộc trưởng đứng ra lo. Ngày nay, cuộc sống tiến bộ. Đa phần nhà thờ, nhà tộc, mồ mả được bê tông hóa, vững chắc, đẹp. Việc dẫy dọn có bề nhẹ nhàng cho con cháu hơn.


      Nhớ đến tổ tiên, cội nguồn là hiếu nghĩa của con người. Cây nhang, bát nước cũng thể hiện đời sống tâm linh giữa nhiều thể hệ huyết thống. Mùa Chạp mả sẽ ý nghĩa. " Khi con người gần nhau để sẻ chia"...

                                                    Lê Nhật Ánh - xã Tiên Cẩm