Cau Tiên Phước ế ẩm
Sau một thời gian rớt giá, cau tươi ở Tiên Phước chín rụng đỏ vườn, trong khi các lò sấy cau gần như đóng cửa…Gần 10 năm trở lại đây, cau Tiên Phước chủ yếu được bán cho các lò sấy tại địa phương để đưa đi xuất khẩu. Được biết trên địa bàn huyện Tiên Phước có khoảng 9 lò cau nhưng hiện chỉ còn 1 lò hoạt động cầm chừng.
Nếu cau tươi được giá, các lò cau hoạt động liên tục từ tháng 8 đến tháng 12 sản xuất hàng trăm tấn cau khô, nhưng năm nay sản phẩm cau không có đầu ra chỉ khiến các lò sấy hoạt động chừng 1 tháng. Tại thôn 4, xã Tiên Cẩm, 2 lò sấy cau đã đóng. Anh Phan Thanh Thương - công nhân của lò sấy cau cho biết: “Tôi làm được 3 năm ở lò cau ông Thế ở Tiên Cẩm. Những năm trước lò cau này hoạt động mạnh, thu mua và sấy khoảng 70 tấn cau khô với khoảng 13 nhân công. Đến năm 2013, lò cau dự định chế biến khoảng 40 đến 50 tấn cau khô thế nhưng chưa làm được 1/3 thì lò cau ngừng hẳn”.
Nhiều lò sấy cau ở Tiên Phước đã đóng cửa |
Cũng rơi vào thực trạng trên, lò cau của ông Nguyễn Mạnh Tình tại thôn 2, xã Tiên Châu cũng đóng cửa vì thua lỗ nặng. Bà Võ Thị Liên, người dân ở Tiên Châu nói: “Lò sấy cau này đã hoạt động được 12 năm, những năm cau tươi có giá cao từ 9.000 đến 15.000 đồng/kg thì rất nhiều xe chuyên chở sản phẩm ra vào. Đến mùa cau năm nay, họ làm được đợt vào tháng 7 rồi bỏ về, sau đó vào tháng 9 do nguồn cau tươi rất rẻ họ hoạt động nhưng chỉ được nửa tháng lại nghỉ làm hẳn do thua lỗ”.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước, toàn huyện có khoảng 600ha diện tích trồng cau, trong đó tập trung nhiều ở Tiên Lãnh, Tiên Ngọc với gần 300ha và hầu như nhà nào cũng có từ vài chục đến hàng nghìn gốc cau. Việc các lò cau ngừng hoạt động cũng khiến các hộ trồng cau lao đao. Ông Nguyễn Đình Tiên, thôn 3 (Tiên Lãnh) cho biết, nhà ông có hơn 1.000 cây cau, khi cau tươi được giá cuối năm thường thu tiền triệu để lo chi phí cho gia đình, năm nay thì bị mất một khoản thu nhập lớn để mua sắm tết. “Thất thu từ cây cau đồng nghĩa với tết năm nay phải tiết kiệm, bớt mua sắm” - ông Tiên buồn rầu.
Còn ông Phan Thiên, thôn 4 (Tiên Cẩm) than vãn: “Với gần 400 cây cau, mỗi năm nhiều thương lái đến thu mua tại chỗ cũng thu được ít nhất 4 triệu đồng, nhưng năm nay thì đành phải đỏ mắt nhìn cau chín rụng đầy vườn. Mất không ít tiền dịp cuối năm để lo chi phí sinh hoạt và đón tết nên ai nấy cũng buồn xo”.
Ông Đinh Thương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước cho hay, thị trường xuất khẩu nhiều nhất là Trung Quốc năm nay có nhiều biến động nên cau không thể tiêu thụ được. Trước kia mỗi năm toàn huyện xuất bán khoảng hơn 1.500 tấn cau mang về gần 10 tỷ đồng. Vụ cau năm nay chỉ một số người bán sớm nhưng giá rất rẻ. “Hiện nay trên địa bàn có nhiều diện tích cau bị phá bỏ do người dân không còn mặn mà, huyện Tiên Phước không khuyến khích bỏ cau nhưng nếu chuyển đổi cây trồng ở những vùng đất phù hợp cho hiệu quả kinh tế cao cũng là một điều cần thiết. Tuy nhiên phải nhìn nhận và đánh giá hiệu quả một cách bền vững chứ không phải cứ mất giá lại phá bỏ cây trồng - ông Thương nói.
Duy Thái - Báo Quảng Nam