www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Diện mạo mới trong mô hình quản lý chất thải rắn ở xã Tiên Phong

 Sau gần 1 năm thực hiện, việc xây dựng mô hình quản lý chất thải rắn nông thôn ở xã Tiên Phong (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) đã mang lại diện mạo môi trường tốt cho nơi này.

 Mô hình cần nhân rộng

Cuối năm 2012, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt đề án Quản lý chất thải rắn các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Theo đó, có 5 xã, thị trấn được triển khai thí điểm, gồm thị trấn Ái Nghĩa, Đại Hiệp (huyện Đại Lộc), các xã Tam Hiệp (huyện Núi Thành), Tiên Phong (huyện Tiên Phước) và Phú Thọ (huyện Quế Sơn). Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, cán bộ và nhân dân trong việc tham gia quản lý, bảo vệ môi trường UBND huyện Tiên Phước đã triển khai mô hình thí điểm quản lý CTR tại xã Tiên Phong (thuộc Đề án quản lý chất thải rắn tại các vùng nông thôn tỉnh Quảng Nam đến năm 2020).

       Ngay sau khi UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án quản lý CTR nông thôn, UBND huyện Tiên Phước đã tập trung chỉ đạo, Phòng TN&MT đã trực tiếp hướng dẫn, cả hệ thống chính trị của xã Tiên Phong đã vào cuộc để tuyên truyền, phổ biến chủ trương của tỉnh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cho các tầng lớp nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ và đăng ký tham gia đạt 80% (400/500 hộ) so với mục tiêu đề ra.

 

                                                              Thu rác

 

        Xã Tiên Phong chỉ đạo thành lập các tổ hợp tác để thu gom rác tại địa phương. Tổ hợp tác gồm 02 công nhân trực tiếp thu gom rác, trong đó bầu 01 tổ trưởng, UBND xã phân công cán bộ Địa chính – Môi trường theo dõi trực tiếp hoạt động của Tổ. Công nhân thu gom rác trực tiếp thu phí rác thải từ các tổ chức, hộ gia đình và nộp về bộ phận Kế toán của UBND xã theo dõi, cân đối thu chi. Tổ hợp tác thu gom rác bắt đầu hoạt động từ ngày 10/5/2013 và đã đi vào nề nếp.

       Đồng thời, xã Tiên Phong vận động lắp đặt 25 thùng rác loại 120 lít tại các điểm tập kết rác thải sinh hoạt; mua 03 xe kéo rác; lắp đặt 12 bể chứa rác thải nguy hại (bao bì, chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật) trên đồng ruộng, chất liệu bằng bê tông cốt thép, kích thước 100x100x100 (cm). Các thành viên trong tổ hợp tác thu gom rác đã đến từng hộ gia đình hướng dẫn người dân phân loại rác hữu cơ, rác vô cơ để mang tới địa điểm tập kết; đồng thời, đặt lịch thu gom cụ thể cho từng loại rác, nhờ vậy việc thu gom rác được thuận lợi hơn.

          Xây dựng môi trường nông thôn bền vững

        Ông Nguyễn Huy Điện - Trưởng phòng TN&MT huyện Tiên Phước cho biết: Từ khi được triển khai, mô hình thu gom và phân loại rác thải nông thôn đã phát huy hiệu quả thiết thực trong việc bảo vệ và xây dựng môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp. Từ chỗ vứt, đổ rác tùy tiện ra đường làng, ngõ xóm, nay người dân đã cho rác vào thùng, tập kết rác đúng giờ quy định. Nhận thức của người dân trong việc chung tay bảo vệ môi trường cộng đồng đã được nâng lên. Kinh phí hỗ trợ các tổ thu gom rác hoạt động được lấy từ nguồn thu trong nhân dân với mức 7.000 - 10.000 đồng/hộ/tháng. Số tiền thu được hàng tháng, ngoài việc chi trả lương cho công nhân từ 1 - 1,5 triệu đồng/người/tháng, số còn lại chi cho công tác quản lý và duy tu, sửa chữa xe đẩy rác. Anh Nguyễn Bá Duy, người dân tại địa phương cho biết: Từ ngày có tổthu gomrác, người dân vui lắm, không còn cảnh rác thải bừa bãi, xóm làng sạch đẹp hơn. Các thành viên trong tổ hợp tác làm việc rất có trách nhiệm. Nếu duy trì được đều đặn như thế này, bà con rất ủng hộ.

       Bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng khi phát động xây dựng nông thôn mới, là nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Qua mô hình quản lý chất thải rắn tại 5 xã điểm của tỉnh, Quảng Nam rút ra nhiều bài học trong hoạt động của các tổ hợp tác thu gom rác thải, cơ chế hoạt động của các tổ hợp tác, kinh phí duy trì hoạt động thu gom rác thải, sự phối hợp giữa các bộ phận liên quan trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải nông thôn. Đến năm 2015, sẽ nhân rộng mô hình quản lý chất thải rắn tại 50 xã điểm nông thôn mới trong tỉnh.

                                              Ni Na - Bộ Tài Nguyên & Môi Trường Việt Nam