www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Tiên Phước những ngày sôi động

Suốt mấy ngày nay, cả huyện Tiên Phước sống trong bầu không khí sôi động lạ thường. Cái ổ ung nhọt lớn của bọn Thiệu gây nhức nhối bấy lâu trên vùng đất này, đã bị quân và dân ta phá vỡ. Hai chi khu quân sự, 74 chốt điểm địch đã dày công xây dựng bỗng chốc biến thành tro bụi. Sáu tiểu đoàn bảo an, 39 trung đội dân vệ, 32 liên toán phòng vệ dân sự, cùng toàn bộ hệ thống kìm kẹp của bọn Thiệu bị đánh tả tơi. 

 Trong những ngày đầu giải phóng, đi trên những con đường ô tô xuyên huyện hoặc những con đường mòn xuyên xã, tôi gặp nhiều tù binh lếch thếch kéo nhau về trại. Bên bờ sông Tiên, chừng gần trăm tên đang ngồi chờ dẫn lên tuyến trên. Tôi gặp một tù binh tên là Lê Trường Sổ, 17 tuổi, cấp bậc binh nhì, thuộc đại đội 1, tiểu đoàn 135 địa phương quân, đóng ở Dương Bàn Quân. Sổ cho biết trước khi bị tấn công, đơn vị hắn đã nhịn đói hai ngày vì sợ nấu cơm có khói, quân Giải phóng pháo kích. Hôm bị tấn công, ngay từ mấy loạt pháo đầu, cả đơn vị hắn đã bỏ chạy, vậy mà cũng không tránh khỏi những đòn trừng trị. Hẳn kể: Sáng ngày 10-3, đạn pháo của quân Giải phóng nổ trúng ngay giữa đồn, giết chết 20 tên. Tên Truyền, tiểu đoàn trưởng, nói với bọn hắn: "Pháo quá trời, chịu chi thấu, chạy bớ tụi bay". Rồi tên Truyền biến mất. Đơn vị hắn chạy tan tác mỗi đứa một ngả. Hắn mò đến chân núi thì vì mệt và đói, không chạy nổi nữa.

Được biết trong số tù hàng binh có tên thiếu uý Thê, phân chi khu trưởng phân chi khu Phước Lộc, sau khi bị bắt, đã dùng loa kêu gọi đồng bọn ra hàng, tôi liền đến hỏi chuyện. Thê cho biết, tuy đồn hắn chưa bị tấn công, nhưng thấy đồng bọn ở Dương Ươi bị tê liệt trong phút chốc và bị mất liên lạc với chi khu, hoảng sợ quá, đơn vị hắn đã bỏ chạy. Tôi hỏi hắn nghĩ thế nào mà kêu gọi đồng bọn ra hàng,  hắn nói, trước đây hắn bị lừa dối, nay bị bắt, được cách mạng đối xử nhân đạo nên làm việc đó để lấy công chuộc tội, và cũng để đồng ngũ được hưởng lượng khoan hồng như hắn.

Tôi còn hỏi chuyện các tên trung uý Phan, thiếu uý cảnh sát Nguyễn Minh Cứ, thiếu uý Trần Văn Song và nhiều tên khác, tên nào cũng thể hiện sự khiếp sợ của mình trước sức tiến công vũ bão của quân Giải phóng, và oán trách cấp trên của chúng đã cưỡng bức, lừa dối. Họ đều biết ơn cách mạng đã đối xử nhân đạo với binh sĩ Sài Gòn bị bắt.

Rời đám tù binh, tôi đi tới trạm lương thực của huyện. Ở đây, công việc thật nhộn nhịp, xe tới lui, người qua lại chuyển gạo như thoi đưa. Tôi gặp đồng chí Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cách mạng huyện, đẫm mồ hôi, đang vác một bao gạo lớn chất lên xe. Đồng chí Chủ tịch tuy bận việc suốt ngày đêm, nhưng hôm nay cũng tranh thủ ra giúp đội công tác chuyển gạo về vùng mới giải phóng. Vùng giải phóng mở ra rộng, thật phấn khởi, đồng thời cũng thật nhiều công việc phải lo toan. Việc trước mắt là phải thu xếp nơi ăn, chốn ở cho đồng bào từ các khu dồn về, hoặc sơ tán từ những nơi ác liệt đến. Gạo trên đã cấp, huyện phải lo chuyển tới tận tay bà con. Công sức dồn vào đây không phải ít. Hàng chục thanh niên xung phong và cán bộ phía sau của huyện hăng hái làm việc đó.

Với tấm lòng "nhiễu điều phủ lấy giá gương", đồng bào vùng giải phóng cũ đã cùng cán bộ dựng nhà giúp đồng bào mới giải phóng. Những ngày trước đây, bà con đã chuẩn bị sẵn mỗi nhà 10 cây tre, tranh, hom, lạt... Bởi vậy nhà cửa cứ đua nhau mọc lên. Trong khi ấy, đồng bào cũng đua nhau bung về. Từ 10, 20 tăng lên 50, 55 người. Lo cho dân ăn ở, chính quyền cách mạng còn chăm lo sức khoẻ cho dân nữa. Anh Hoàng, phụ trách y tế  huyện, cho biết: huyện đã tổ chức được một nhà thuốc, lập hai đội phẫu, một đội sơ cứu, 10 tổ y tế lưu động đi khắp các xã, thôn chăm nom sức khoẻ cho đồng bào. Tới một khu nhà mới dựng, xung quanh quét dọn sạch sẽ, tôi gặp hai cán bộ y tế đang phun thuốc trừ muỗi. Anh Hoàng cho biết đồng bào ở trong khu đồn sống cơ cực nên sức khoẻ yếu. Vì thế, chính quyền cách mạng đã lo ngăn chặn dịch bệnh cho đồng bào từ đầu. Tất cả bà con mới về đều được uống thuốc phòng sốt rét kèm thuốc bổ để trợ sức.

Đem theo niềm vui của những người dân mới được giải phóng, tôi rảo bước theo con đường tiến về quận lỵ. Nhìn cảnh những chốt điểm, đồn bót địch như Dương Dẽ, Dương Ươi, điểm cao 211 v.v.. tan hoang xơ xác, nằm phủ phục dưới bầu trời trong xanh, nhìn cảnh những xóm làng vừa thoát khỏi ách kìm kẹp của địch đang đổi sắc thay da, lòng người nào chẳng bồi hồi xúc động. Cuộc sống thay đổi nhanh quá. Chỉ vài ngày sau khi bọn địch bị quét sạch, chính quyền cách mạng các thôn, xã đã ra mắt, lãnh đạo nhân dân ổn định đời sống. Cán bộ tỏa đi tìm dân tạm lánh khi xảy ra chiến sự,  đưa về nhà cũ. Cán bộ trông nom, bảo vệ tài sản cho dân. Đồng bào trở về nhà ngày càng nhiều; khắp các xã đều có những cuộc mít tinh chào mừng ngày Giải phóng. Ở xã  Phước Lâm - nơi bọn tề lưu vong của quận Hậu Đức đặt làm quận lỵ - có tới trên 700 người dân dự mít tinh. Mọi công việc nhanh chóng vào nề nếp. Bà con cuốc khoai, xắt khoai, sửa lại bờ xe nước, đào hầm, dựng lại nhà cửa...

Và đây, quận lỵ Tiên Phước đã hiện ra trước mắt tôi với bộ mặt thật rạng rỡ. Đường tấp nập xe, người qua lại. Chợ quận và các cửa hàng tạp hoá, thực phẩm, gạo... người tới lui, mua bán tấp nập. Trên nóc nhà thông tin của địch trước đây, lồng lộng tung bay lá cờ xanh đỏ sao vàng. Nổi bật trên cổng chợ tấm băng đỏ mang dòng chữ lớn: "Kiên quyết đánh bại âm mưu phản kích lấn chiếm của địch, bảo vệ và giữ vững thành quả cách mạng". Tôi được biết băng khẩu hiệu đó do chính tay những thanh niên ở quận lỵ mới giải phóng này căng lên. Những thanh niên ấy giờ đây không còn phải trốn chui trốn lủi nữa. Họ hớn hở tự do đi trên đường phố làm những việc có ích cho quê hương. Họ xoá các dấu tích của địch, viết khẩu hiệu, treo cờ, dán thông báo, mệnh lệnh của cách mạng. Họ nhanh chóng đứng vào các tổ chức cách mạng. Ở đây vừa thành lập bốn chi hội thanh niên giải phóng.Trong buổi lễ, thay mặt cho các bạn, cô Phấn phát biểu: "Em không nói nhiều nhưng những hành động của em và các bạn em sẽ nói lên tình cảm của chúng em đối với cách mạng". Tôi biết, trong mấy ngày qua, Phấn không nề hà một việc gì khi cán bộ phân công: nào viết khẩu hiệu, dán mệnh  lệnh, nào vận động, tổ chức thanh niên vào đội ngũ. Cứ như thế, Phấn và lớp thanh niên ở đây đang mạnh bước tiến theo con đường mà cách mạng mở ra cho họ - con đường của người thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh.

Cùng với thanh niên, các đoàn thể quần chúng khác như thiếu niên, phụ nữ, phụ lão... đã được thành lập. Đội Thiếu nhi giải phóng mới thành lập đã trống dong cờ mở, đi cổ động, mừng cuộc sống mới. Các bậc cha mẹ, anh chị gấp rút tiến hành những công việc góp phần giành giữ quê hương. Bà con nhanh tay đào nhiều hầm hào phòng tránh bom đạn. Bác Lê Tới là người đầu tiên đào hầm phòng tránh và vận động bà con trong phố cùng đào. Từ dãy phố ấy, hầm hố lan ra khắp nơi. Mỗi suy nghĩ, mỗi việc làm của người dân  Tiên Phước đều nói lên lòng tin  tưởng và quyết tâm giữ vững quê hương giải phóng của mình. Khi kể cho tôi nghe những chuyện trước đây về bọn địch, như chuyện một người lính nguỵ tự chọc kim và đổ mủ xương rồng vào mắt để khỏi phải ra trận, chuyện cả đại đội Bảo an góp tiền lo lót cho tên chỉ huy tiểu đoàn để khỏi phải đóng quân ở nơi nguy hiểm, chuyện vừa qua có đơn vị đã bỏ chạy trước khi bị ta tấn công, một công nhân xe thồ kết luận: "Chúng nó nhất định phải thua trước sức mạnh tấn công và nổi dậy của ta".

Tin vào chính sách khoan hồng của cách mạng, những gia đình có người thân cầm súng cho địch đã đi kêu gọi chồng con còn lẩn trốn trở về. Chị Vân ở thôn Bình An gọi về một lúc sáu lính dân vệ. Anh Niệm đã dẫn 7 lính tới đăng ký và nộp vũ khí cho cách mạng. Ở các địa điểm đăng ký, lúc nào cũng có người đến xin được tiếp nhận. Tại nơi đăng ký ở trung tâm quận lỵ, một lính dân vệ xin trở lại nơi lẩn trốn để lấy vũ khí về nộp, sau đó đã về nộp 1 súng M.79 và nhiều đạn. Anh ta được cấp giấy và trở về nhà. Lúc tôi đến, bà mẹ vợ anh ta mừng mừng tủi tủi nói: "Thiệt may phúc, tôi tìm gặp, kêu được hắn về".

Bà con ở đây hiểu rằng, những người đã lầm đường lạc lối theo địch, nay ra đăng ký với cách mạng thật là có phúc lớn, nếu không sẽ chết uổng mạng. Con số người ra đăng ký tăng lên vùn vụt, từ hàng chục lên hàng trăm. Đến nay, toàn huyện đã có gần 600 binh lính, sĩ quan, cảnh sát và nhân viên nguỵ quyền Sài Gòn đem theo nhiều vũ khí, tài liệu ra đăng ký với cách mạng và đã được đối xử tử tế.

Về chiều, quận lỵ Tiên Phước càng đông vui. Mọi người ra đường nghe loa truyền thanh, xem tranh ảnh, áp phích của cách mạng.

Tiên Phước sôi động, náo nức và cảnh giác. Trưa hôm nay 17-3, một máy bay A37 của địch mò đến xâm phạm vùng giải phóng đã bị quân và dân trong vùng quật tan xác, đâm đầu dưới chân núi Sấu. Đòn trừng trị lũ giặc trời, bảo vệ vùng giải phóng càng làm nức lòng quân dân Tiên Phước - động viên họ thừa thắng xốc tới lập những chiến công vang dội hơn nữa.

                                          Việt Long - Hà Nội ( VNTTX 21.03.1975)

 

*. Bài đăng trên bản tin đấu tranh thống nhất, trên báo Cờ Giải Phóng, phát trên Đài Tiếng Nói Việt Nam tháng 3 năm 1975.