www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Tiên Phước ngày trở lại

Trở lại Tiên Phước lần thứ hai, thật ngẫu nhiên trùng với thời gian tôi đến vùng đất ấy vào tháng 3/2013, vẫn là những cảnh vật thân quen bên đường chạy qua ô cửa ôtô.

Đoàn đi gồm các thành viên: Nhà nghiên cứu, nhà thơ, nhạc sĩ, cán bộ viên chức… vinh dự được anh Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Phước và cán bộ dưới quyền đón tiếp chân tình, chu đáo cộng với sự cởi mở thân thiện của con người vùng đất bán sơn địa, nơi sinh ra Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng, Phó bảng Phan Chu Trinh… Những đồi núi nhấp nhô, ruộng vườn tươi tốt, cây quế, tiêu, mít… xanh ngút mút tầm mắt đẹp đến nao lòng. Tiên Phước là mảnh đất ngàn đời của bà con các dân tộc, sự hình thành và phát triển của thị trấn Tiên Kỳ đã nói lên tất cả.  

 

                                      Khung cảnh làng quê Tiên Phước 

 

Con sông Tiên “dòng sông chảy ngược” chảy ngang qua phố thị như một điểm nhấn vùng đất và con người Tiên Phước. Trong chuyến thăm Tiên Phước lần trước, tôi cùng nhà thơ Hương Đài, nhạc sĩ Duy Vũ đã phải lòng người con gái sông Tiên. Chúng tôi mạn phép ví người con gái sông Tiên như nàng Apsara trong truyền thuyết: “Nước cuộn mình trên đá/ bào mòn đá/ vụn vỡ đá/ hóa thân đá/ thánh thiện Apsara/mang lời ca/ mê hoặc Gandharva…” (thơ Hồ Nghĩa Phương),  “Tháng ba về/ Có gì nhớ không ta/ Lò Thung chang chang ánh nắng/ Mặt sông lấp loáng bóng hình ai? (thơ Hương Đài)… Và lần này cả đoàn Quảng Ngãi lại diện kiến đến hai nàng “Apsara” xinh đẹp bằng xương bằng thịt đó là: Kim Thiện và Thụy Tôn (bạn FB). Không biết có phải hai bạn ấy đại diện cho người con gái sông Tiên? nhưng phải nói thật lòng là hai bạn ấy thật duyên dáng, đáng yêu trong ứng xử giao tiếp lại hát hay nữa. 

                                                    Cầu sông Tiên thơ mộng

Trong bữa ăn trưa cuối xuân do UBND huyện Tiên Phước chiêu đãi, tiếng hát trong veo, rộn ràng cộng với tiếng đàn điêu luyện của nhạc sĩ Duy Vũ, với những món ăn mang dấu ấn đặc sản quê hương đã ấm lòng khách xa. Cả đoàn Quảng Ngãi gồm 07 chàng trai đều ngơ ngẩn, ngẩn ngơ men tình và men bia. Chúng tôi được đưa đi tham quan một số danh lam, thắng cảnh ở Tiên Phước: Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng, ngõ đá cổ, nhà cổ, mộ cổ tộc Lê… Những con đường quanh co, lối mòn vào nhà cổ ẩn mình trên sườn đồi, dốc cao qua những mảnh vườn xanh mát rợp bóng cây mang lại sự dịu êm thanh bình đặc trưng nông thôn làng quê thuần Việt. Dòng sông Tiên trải qua tháng năm đã xói mòn vách đá, sự phong hóa của dòng chảy tạo nên Đá Giăng, Lò Thung một trong những điểm tìm đến của du khách khi đặt chân đến Tiên Phước. 

                                      Ngã 3 cụ Huỳnh xã Tiên Cảnh huyện Tiên Phước

Chia tay các bạn thân cũ và mới quen ở Tiên Phước, tạm biệt con sông Tiên chảy ngược mùa ít nước, thời gian này nó không gầm gào tung bọt trắng xóa như mùa lũ mà hiền hòa ngược nước hòa vào sông Thu Bồn ở tận vùng cao. Khi trở về mang hương vị cay nồng đượm mùi của tiêu, quế còn phảng phất theo bước chân lữ khách. Vẫn còn thiếu chưa thưởng thức: Thanh Trà, Lòn Bon, Chè… là những đặc sản nổi tiếng. Tiên Phước với vẻ đẹp hoang sơ kì vĩ, còn ẩn chứa nền văn hóa lâu đời, những địa danh được thiên nhiên ban tặng phong phú với tiềm năng du lịch. Chúng tôi thiết nghĩ rằng với bề dày lịch sử hình thành và phát triển Tiên Phước sẽ tiếp tục đi lên. Một ngày nào đó tôi và các bạn sẽ trở lại thăm Tiên Phước: “Ngây ngất trời tháng ba/ nụ cười em hiện ra/ Lò Thung nơi anh qua…/ bờ sông Tiên vàng lá (thơ Hồ Nghĩa Phương).

                              Hồ Nghĩa Phương - Hội viên Hội VHNT Quảng Ngãi