www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Huỳnh tiên sinh về Kẻ Chiêm

 Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, con người không màng lợi lộc, giàu sang, suốt đời chỉ biết tận tụy cống hiến cho Tổ quốc, đồng bào. Trong phẩm cách cao quý của bậc tiền bối này, sáng lên vẻ đẹp của con người giàu tình cảm và ý chí tự học, tự rèn...

 

 

Từ cậu bé mồ côi ở Tiên Cảnh

Tại hội thảo khoa học về Huỳnh Thúc Kháng và Phan Châu Trinh lần đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng cách đây 20 năm (8-9 tháng 9 năm 1992), nhà giáo Nguyễn Tiến, dạy ở trường Trung học Huỳnh Thúc Kháng huyện Tiên Phước đã xúc động kể về gia cảnh và thời niên thiếu của cụ Huỳnh Hanh. “Năm Đinh Hợi (1887) gia đình cụ Huỳnh Văn Phương (cha của Huỳnh Hanh, tức Huỳnh Thúc Kháng) phải dẫn gia đình, gồm vợ, năm con trai và 3 gái chạy vào rừng sâu để tránh sự truy lùng của quân triều đình nhà Nguyễn đàn áp nghĩa quân Nguyễn Duy Hiệu. Do rừng thiêng nước độc, chỉ trong vòng nửa tháng từ 25.8 đến 13.9 âm lịch năm đó, mẹ và các anh em của Hanh lâm bệnh qua đời…”.

Thật là “họa vô đơn chí”. Nhưng Huỳnh Hanh ngay từ nhỏ đã là con người năng động, khí khái. Ông Huỳnh Văn Tòng, người đang coi sóc nhà lưu niệm cụ Huỳnh kể rằng từ nhỏ Huỳnh Hanh đã là người có chí. Chơi cờ, đá banh, bơi lội, bắn chim, câu cá và học… đã làm hay chơi cái gì là đều làm đến nơi đến chốn và… hay nữa. Ông đánh cờ ngang ngửa hoặc hơn người đã dạy mình. Ông đá banh giỏi, lại có sáng kiến hái quả bòng làm banh, nên có tên gọi là trò Bòng. Thầy Nguyễn Tiến kể rằng ông từng bơi dọc sông Đá Giăng để bắn chim và thường nói với các bạn nhỏ: “ Ở đời cái chi cũng phải biết. Không biết bơi làm sao qua được sông suối. Biết nhiều lớn lên đỡ khổ!”.

Ý chí ấy, sau này khi ở tù Côn Đảo, tiến sĩ nho học Huỳnh Hanh đã học giỏi cả tiếng Pháp từ bộ tự điển Pháp - Việt và cuốn dạy “mẹo” của Trương Vĩnh Ký, cụ đã học giỏi tiếng Pháp và được đưa ra làm việc bàn giấy, được đối xử tử tế! (Theo Hoàng Hương Việt, Giai thoại đất Quảng).

Cũng theo thầy giáo Nguyễn Tiến, sau khi mẹ mất, người cậu ruột là Nguyễn Đình Tựu, tế tửu Quốc tử giám lo giúp việc học với một thầy giáo làng. Học lớp Hai nhưng làm bài chung với lớp Bốn, lớp Sáu là thường, vì tư chất thông minh có sẵn…

“Cụ Huỳnh là người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu. Cả đời Cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập, đến ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập Chính phủ ta mời Cụ ra. Tuy đã 71 tuổi, nhưng Cụ vẫn hăng hái nhận lời, Cụ nói: “Trong lúc phục hưng dân tộc, xây dựng nước nhà thì bất kỳ già, trẻ, trai, gái, ai cũng ra sức phụng sự Tổ quốc”. (Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Và sau này, khi học với cụ Tú Chiêu hay với quan Đốc học Trần Đình Phong, tư chất ấy lại rực sáng và khi làm bạn với Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, cụ Huỳnh đã xác định được hướng đi “bôn tẩu việc nước” cho cả cuộc đời mình…

 

Câu đối thăm thầy năm 67 tuổi

Francisco de Pina, những ngày ở dinh trấn Thanh Chiêm (Kẻ Chàm) từng ghi lại trong hồi ký: “Về vấn đề học ngôn ngữ thì luôn luôn ở Kẻ Chàm chính là nơi tốt nhất. Đây là kinh đô của triều đình. Ở đây người ta nói hay. Nhiều người trẻ quy tụ về đây. Họ là sinh viên. Gần họ những người mới bắt đầu học ngôn ngữ có thể được giúp đỡ”. Đại Nam nhất thống chí, quyển 5, ghi nhận: “Trường học tỉnh dựng ở xã Thanh Chiêm, huyện Diên Phước phía nam tỉnh thành. Đầu niên hiệu Gia Long dựng tại xã Câu Nhí, niên hiệu Minh Mạng 16 (1835) dời qua xã Thanh Chiêm”.

Chính tại đây, sau khi giã biệt huyện trung du Tiên Phước, chàng trai Huỳnh Hanh đã đến học tại nhà cụ Tú tài Trần Văn Chiêu trước khi vào trường Đốc ròng rã trong 4 năm của quan Đốc học Trần Đình Phong. Học và ở nhà cụ Tú Chiêu còn có lý do vì Hanh là bạn thân của Trần Văn Phiến, con trai cụ Trần Văn Chiêu, còn gọi là ông Nghè Tịnh, sau làm đến chức Hàn lâm Thị độc. Cách đây mấy năm, tôi có dịp đến thăm cụ Trần Nhu (năm nay 92 tuổi) là cháu nội của Tú tài Trần Văn Chiêu, người đang trông giữ nhà thờ và được chỉ cho bộ liễn của cụ Huỳnh và bạn học cúng nhà thầy từ năm 1943, lúc ông còn là chủ bút của báo Tiếng Dân ở Huế…

Cụ Nhu bị bệnh mù từ nhiều năm nên nhờ cụ Trần Tường ở thôn Đông Khương cùng xã, dịch hộ đôi liễn quý này:

Thu thụ căn lưu thi lễ trạch
Xuân phong tọa mãn tảo cần hương

Bên phải ghi: Bảo Đại thập bát niên xuân (Năm Quý Mùi 1943)

Bên trái ghi: Phước giang học sinh tú tài Trần tiên sinh

Môn sanh: Huỳnh Thúc Kháng, Trần Sách, Trần Huỳnh Mậu, Phạm Hữu Mẫn, Trần Đức. Cuối bên trái: Đồng bái cúng.

Sáu mươi bảy tuổi, cụ Huỳnh khi đó đã từng là Viện trưởng Dân biểu Trung kỳ và Chủ bút báo Tiếng Dân, vẫn coi trọng người thầy cũ và đồng môn thuở trước ở làng quê. Không chỉ thăm viếng thầy trong những ngày lễ tết, mà cả lúc gia đình thầy hữu sự, để tỏ lòng tri ân…Theo cụ Trần Nhu, bức liễn ấy được cụ Huỳnh cùng các đồng môn đi lễ thầy nhân dịp họ Trần xây dựng nhà thờ, mà nay con cháu gìn giữ rất trân trọng. “Lúc ấy cụ Huỳnh từ Huế về thăm và đi đôi liễn này. Tuy đã lớn tuổi nhưng vẫn lễ phép với thầy cũ…” - ông Nhu nhớ lại.

Trương Điện Thắng - Báo Quảng Nam