Tiên Phước bứt phá về giảm nghèo
Kế hoạch giảm nghèo bền vững huyện Tiên Phước giai đoạn 2011-2015 đã phát huy tác dụng ngay từ khi bắt đầu thực hiện: năm 2012 vừa qua, giảm được 8,5% (từ 30,7% còn 22,2%), dẫn đầu toàn tỉnh về tỷ lệ giảm nghèo.
Đồng bộ về chính sách
Đầu năm 2012, HĐND huyện Tiên Phước ban hành Nghị quyết số 14 phê duyệt Đề án thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm giai đoạn 2011-2015 và đến năm 2020; Đề án hỗ trợ xây dựng nhà ở người có công 2011-2015; Đề án xây dựng, nâng cấp các hạng mục nghĩa trang liệt sĩ 2011-2015; Kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo 2011-2015, Kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm giai đoạn 2011-2015, Kế hoạch kết nghĩa với thôn khó khăn, trẻ em nghèo giai đoạn 2012-2015. Bên cạnh đó, Tiên Phước cũng ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại và đề án về hỗ trợ phát triển chăn nuôi. Kết quả bước đầu rất đáng phấn khởi. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2012 đã giảm 8,5% so với cuối năm 2011. Trong đó, một số xã có tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh như xã Tiên Hà (giảm 17,66%), Tiên Lập (giảm 17,57%), Tiên Sơn (giảm 15,23%)...
Ông Phùng Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, tỷ lệ hộ nghèo của huyện năm 2012 giảm mạnh nhờ chính quyền các cấp đã nắm bắt và triển khai đồng bộ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Trung ương và tỉnh. Khi Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai, huyện đã lồng ghép với các chương trình hành động của địa phương để thực hiện đạt hiệu quả. Người lao động có được cái nghề trong tay thì việc làm sẽ bền vững hơn, ổn định được kinh tế gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ khi Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai, toàn huyện Tiên Phước có 2.608 lao động tham gia học các nghề như thú y, điện, gò hàn, may công nghiệp, chăn nuôi.
Chương trình phát triển vùng huyện Tiên Phước, chương trình xây dựng nông thôn mới cũng tham gia đào tạo nghề cho người lao động. Số lao động sau khi tham gia học nghề đã tự tạo việc làm, tăng thu nhập cho mình trên chính mảnh vườn, thửa ruộng, hoặc tìm việc ở các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, vươn lên thoát nghèo. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tiên Phước phân bổ nguồn vốn vay cho các dự án, giải quyết việc làm cho gần 2.160 lao động nông thôn.
Phát triển kinh tế vườn - rừng, trong đó trồng cây keo giúp nhiều hộ dân ở Tiên Phước thoát nghèo
Xóa tư tưởng “xin vào hộ nghèo”
Chủ trương của huyện Tiên Phước là ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất từ nguồn vốn của các chương trình đối với những hộ tự giác thoát nghèo và có ý chí vươn lên làm giàu chính đáng đã phát huy hiệu quả trong thực tế. Các hộ đã có ý thức vươn lên, không còn tư tưởng “xin vào hộ nghèo” để được hưởng các cơ chế ưu đãi của Nhà nước. Vì thế công tác điều tra, rà soát, bình xét hộ nghèo năm 2013 ở cơ sở được thực hiện khá khoa học, gắn với thực tế đời sống nhân dân; người bình xét không còn sợ “làm mất lòng” hàng xóm. Các tổ bình xét đã kiên quyết loại bỏ những đối tượng thuộc diện tách cha mẹ già để được hưởng diện hộ nghèo, đồng thời giải thích để họ hiểu nên thực hiện đạo hiếu nghĩa đối với cha mẹ, không nên tách hộ đối với cha mẹ già để họ vào hộ nghèo. Những đối tượng chây ì lao động, có sức lao động hoặc có đất đai nhưng không chịu làm việc, không có thu nhập cũng không được bình xét vào hộ nghèo.
Người dân ở nhiều xã như Tiên Hà, Tiên Sơn, Tiên Châu, Tiên Hiệp, Tiên Lãnh... đã phát huy tối đa lợi thế từ rừng để trồng cây keo, phát triển kinh tế vườn – rừng, kết hợp với các nguồn vốn từ chương trình nông thôn mới, các chương trình mục tiêu của Trung ương và tỉnh để phát triển kinh tế hộ, trang trại. Việc phát triển cây keo không chỉ giúp chủ rừng nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho rất nhiều người dân làm công việc khai thác keo. Tổng diện tích rừng trồng mới năm 2012 của địa phương là 1.761ha, trong đó việc khai thác gỗ keo nguyên liệu giấy đạt 158.411 tấn, giá trị đạt 130 tỷ đồng, tăng 31.000 tấn so với năm 2011.
Bà Nguyễn Thị Thu (thôn 3, xã Tiên Sơn) nói: “Trước đây tôi thuộc hộ nghèo, nhưng năm nay thoát nghèo qua cận nghèo rồi. Công việc của tôi chủ yếu là làm công cho các chủ trang trại hoặc làm ở các đội khai thác keo. Mỗi ngày công được 130 nghìn đồng, đủ để trang trải cho cuộc sống của gia đình. Tôi mới đăng ký học lớp may công nghiệp do huyện mở ở xã Tiên Sơn, hy vọng sau học nghề sẽ tìm được việc làm phù hợp. Có nguồn thu nhập thì chẳng ai mong muốn vào hộ nghèo làm chi nữa, tôi cũng mong sẽ được vay vốn để phát triển kinh tế”.
Các xã đang thực hiện điểm về nông thôn mới gồm Tiên Phong, Tiên Cảnh, Tiên Sơn đều có tỷ lệ hộ nghèo vượt chỉ tiêu đề ra hàng năm. Ở các địa phương này, nhiều mô hình nuôi heo nái sinh sản, phát triển cây thanh trà, cây tiêu và thí điểm áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đều được triển khai. Các công trình cơ sở hạ tầng như đường giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi (đập, kênh, mương nội đồng)... được xây dựng từ nguồn vốn chương trình nông thôn mới, giúp người dân có điều kiện sản xuất, giao thương buôn bán tốt hơn.
Diễm Lệ - Báo Quảng Nam