www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

50 năm tự hào, tri ân và chung sức xây dựng Tiên Phước giàu đẹp

Thế là chúng ta đã đạt các mục tiêu về đích huyện nông thôn mới, đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng huyện Tiên Phước. Hơn mười mấy năm nỗ lực miệt mài, và nói rộng hơn là 50 năm các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân Tiên Phước, với sự tích lũy, kế thừa những kinh nghiệm quý, cách làm hay, tập trung, ra sức dựng xây, để có một Tiên Phước bề thế, là huyện nông thôn mới thứ 5 của tỉnh, và là huyện miền núi đầu tiên cán đích này.

 

Lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng Tiên Phước năm nay có ý nghĩa rất lớn. Là sự tự hào, tri ân những đóng góp của các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân đã hy sinh xương máu để giải phóng quê hương; cũng vừa là dịp để báo công sau 50 năm xây dựng, các thế hệ nối tiếp nhau đã đồng cam cộng khổ, làm nên một miền quê đáng sống và rất đỗi tự hào.

z5884068651150_f02aae7394c1b538cb5dc9b531d0dcc1.jpg
Tiên Phước cơ bản hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới vào cuối năm 2024

Nhân dịp kỷ niệm 50 giải phóng quê hương, xin ôn lại những nét đầy ấn tượng trong chặng đường đã qua.

1. Thế hệ chúng tôi không được chứng kiến những ngày đầu, và kể cả mười năm đầu mới giải phóng quê hương, nhưng nghe các chú, các anh kể lại tường tận. Chúng ta đã bắt đầu xây dựng quê hương từ con số không gần như tất cả, chỉ có cái hào khí sau chiến thắng và những quả tim đầy nhiệt huyết. Từ trong hoang tàn đổ nát, người Tiên Phước rộn ràng khai hoang phục hóa, tháo gỡ bom mình để kiếm củ khoai, hạt lúa. Cũng từ trong đổ nát, những ngôi trường làng thơm rơm rạ mới được dựng lên với những thầy cô giáo không đủ khoai sắn thay cơm, với lũ học trò quần áo vá chằng vá đụp, những ngọn đèn dầu heo hắt với những lớp bình dân học vụ i tờ. Bằng ý chí, nỗ lực, bằng quyết tâm sắt đá, quê hương dần dần hồi sinh. Ruộng vườn lên xanh, trường làng rộn tiếng đánh vần em thơ, rồi đâu đó những ngôi nhà ngói mới mọc lên sau những vụ mùa no đủ. Đã có những khởi đầu rất ấn tượng, nhưng rất bộn bề những lo toan. Đường sá lầy lội, phần lớn là nhà tranh, vách đất. Đường sá phải khai thông, điện sáng vẫn là ước mơ đau đáu nhất đối với các đồng chí lãnh đạo lúc bây giờ.

image00120241031113205.jpg
Cụm công nghiệp Tài Đa, Tiên Phong

2. Cái khó bó cái khôn, nhưng cái khó là cơ hội để “ló” cái khôn. Đảng bộ huyện tập trung chỉ đạo làm giao thông, phải giải quyết cho được nỗi bức xúc của những tuyến đường lầy lội, khúc khuỷu. Từ 4km làm điểm từ Ngã ba Cụ Huỳnh (Tiên Cảnh) đến Sông Trạm (Tiên An), toàn huyện phát động phong trào quần chúng làm giao thông. Trong một thời gian ngắn, vấn đề ách tắc giao thông cơ bản được giải quyết, ngay cả những đoạn khó khăn nhất như Dốc Nước Nhỉ, Dốc Si, Dốc Xoài, Dốc Bùi, Dốc Tranh … Nhân dân đã vô cùng phấn khởi, tuy mới là bắt đầu, nhưng từ đây việc đi lại, học hành, giao lưu … không còn là trở ngại lớn nữa, câu thơ “Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm” (Hoàng Trung Thông) như là khẩu hiệu hành động từ giao thông lan ra mọi việc. Đồng chí Phạm Đức Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bấy giờ biểu dương “Tiên Phước làm giao thông như đồng bằng làm thuỷ lợi”, rất hay và rất tâm đắc.

Làm được câu chuyện về giao thông, nhưng nỗi đau đáu đó là Điện. Các đồng chí lãnh đạo huyện đi tham quan các huyện bạn về mà thèm thuồng, như chuyện chiêm bao. Đến bao giờ, bao giờ thì người dân Tiên Phước được cấp điện? Với sự thôi thúc trách nhiệm trước dân, và hỗ trợ rất lớn của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, ngành điện than; công trình đường dây điện 15 KV từ trạm điện Phú Ninh về Tiên Phước dài 17km được Ủy ban nhân tỉnh phê duyệt. Niềm vui vỡ òa. Rồi cái ngày lịch sử đáng ghi nhớ ấy đã đến. Ngày 30 tháng 8 năm 1985 đóng điện thử. Ngày 02/ 9/1985 Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Minh Thắng cắt băng khánh thành. Tôi tin chắc rằng lãnh đạo huyện lúc đó ôm nhau mừng đến khóc. Bởi những tháng năm khó khăn ấy mà kéo điện về Tiên Phước là khó như lên mặt trăng chứ không dễ dàng gì. Cũng mới chỉ là bắt đầu của một cuộc sống văn minh, nhưng người dân phấn khởi, tin tưởng bởi có điện là dấu hiệu của một sự đổi thay diệu kỳ trên quê hương Tiên Phước, hướng đến một tương lai ngời sáng.

3. Năm 1986, Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng đường lối đổi mới. Đảng bộ huyện tiếp tục lãnh đạo Nhân dân tiến hành công cuộc đổi mới. Hai mươi năm chật vật với những lo toan, Tiên Phước thay da đổi thịt với những tuyến đường huyết mạch được khai mở, với những ngôi trường mới khang trang như Kim Đồng, Lý Tự Trọng …, với những khu vườn tạp được cải tạo từ dự án phát triển nông nghiệp nông thôn. Đến ngày 19/8/1996, sự kiện chính trị có ý nghĩa vô cùng quan trọng đến với Đảng bộ và Nhân dân Tiên Phước: huyện đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Việc có ý nghĩa dân sinh nhất lúc bây giờ, là để đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, huyện, tỉnh và đơn vị Công ty cầu Thăng Long phải tập trung quyết liệt việc hoàn thành và khánh thành cầu Sông Tiên vào tháng 6 năm 1996. Các dân tộc anh em của huyện Bắc Trà My cùng với Nhân dân Tiên Phước đánh cồng chiêng, nhảy múa trong ngày hội thông xe qua cầu. Chấm dứt thời kỳ đau khổ và đầy bất trắc ở ngầm Sông Tiên cũ qua những mùa mưa lũ. Nhân đây, tôi nói thêm về cái uy tín lãnh đạo. Cây cầu lớn như vậy mà chỉ hơn dăm bảy chuyến đi, là thuyết phục đầu tư. Có được cái uy tín như vậy quả là không hề dễ dàng gì.

431556017_433976185648767_3222216076842103433_n.jpg
Cầu Sông Tiên được khánh thành vào tháng 6 năm 1996

4. Sau hơn mười năm đổi mới, Tiên Phước đã có sự phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Kế thừa những kinh nghiệm quý, phát huy truyền thống đoàn kết chiến đấu của Đảng bộ, truyền thống anh hùng của quê hương, qua các nhiệm kỳ đại hội, Đảng bộ huyện đã vận dụng cụ thể các Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh vào điều kiện cụ thể của huyện và chỉ đạo sát sao. Đến cuối năm 2010, từ một huyện ba không, hai thiếu sau chiến tranh (không nhà cửa, không lương thực, không có công cụ sản xuất, thiếu lao động và thiếu ruộng đất) chúng ta đã đạt những con số ấn tượng với tất cả các tuyến đường từ huyện đến xã đều đường nhựa hóa; đường liên thôn, liên xã đã được bê tông xi măng, hằng mấy chục cây cầu và tuyến đường được nâng cấp, tạo ra những thênh thang trong sinh hoạt và phát triển. Tôi muốn nói “những thênh thang” bởi chúng ta đã vượt qua những ngõ hẹp sau hơn mười năm đổi mới. Hầu hết các hộ dân đều được sử dụng điện. Hệ thống trường học, bệnh viện, trạm xá y tế được xây dựng kiên cố. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và không còn hộ đói. Sau nhiều năm cải tạo, khôi phục, các khu vườn ở Tiên Phước lại trĩu quả, những cánh đồng trĩu bông với những mùa vàng bội thu. Đọc những câu chữ, những con số này thì nghe dễ, nhưng là một quá trình nỗ lực vượt khó hàng bao năm của toàn Đảng bộ và Nhân dân huyện nhà với những quyết sách đúng của Đảng và sự đồng thuận cao của Nhân dân.

5. Những thành quả đáng phấn khởi sau 25 năm đổi mới đã tạo đà, tạo động lực mạnh mẽ để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Tiên Phước tiếp tục xây dựng quê hương. Đảng bộ huyện đã đề ra nhiều quyết sách quan trọng để tập trung tổ chức thực hiện hiệu quả. Trên từng lĩnh vực đều có các nội dung chuyên đề: Chăn nuôi, phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, thương mại du lịch, và các lĩnh vực trọng tâm khác. Các Nghị quyết này đã tạo những đột phá để huyện phát triển nhanh, đạt cho bằng được mục tiêu quan trọng nhất: NÔNG THÔN MỚI.

Sau bao năm miệt mài, nỗ lực, kế thừa và đột phá với những quyết sách đúng hướng, được Nhân dân đồng tình ủng hộ và thực hiện, chúng ta đã xây dựng Tiên Phước thành huyện trọng điểm của Quảng Nam về kinh tế vườn kinh tế, kinh tế trang trại trên cơ sở bảo tồn các loại cây truyền thống, phát triển những loại cây có giá trị kinh tế cao.

457229711_527458486300536_4690572590269401990_n.jpg
Nông thôn mới khởi sắc

Về Tiên Phước là về với miền quê đáng sống với mùa nào thức nấy: Tiêu, lòn bon, thanh trà, bưởi …. và đặc biệt nhất là sầu riêng, măng cụt. Gần 500 ha măng cụt và 150 ha sầu riêng đang độ cho quả. Một con số không dễ dàng gì để có. Và cau; loại trái cây truyền thống này vừa qua đã làm mưa làm gió, giá có lúc lên tới hơn trăm nghìn một ký. Thu nhập từ kinh tế vườn, kinh tế trang trại của người dân Tiên Phước lên đến mấy trăm tỷ. Đó là chưa kể đến Trầm Hương, loại sản phẩm đặc biệt mà chỉ ở Tiên Phước mới có, mỗi năm cho thu nhập hằng trăm tỷ từ các vườn nhà. Có gì sướng hơn khi sống trong một vùng đất mà an ninh trật tự luôn đảm bảo, thu nhập của tất cả người dân đều tăng vùn vụt. Sướng thật! Có điều trùng hợp, ngẫu nhiên mà đầy ấn tượng: 14 xã vừa về đích nông thôn mới, thị trấn Tiên Kỳ đạt đô thị văn minh, huyện hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới cấp huyện, cùng lúc giá cau tăng, lúa được mùa, keo tăng giá, … Thiên nhiên đã ban tặng phần thưởng tuyệt vời cho người dân Tiên Phước khi hoàn thành các tiêu chí NÔNG THÔN MỚI huyện, xã. Về Tiên Phước lúc này, là chơi với thế giới những nông dân giàu có, văn minh.

Trở lại câu chuyện làm nông thôn mới, sau hơn mười mấy năm, chúng ta đã hoàn thiện hồ sơ và trình tỉnh, Trung ương công nhận huyện nông thôn mới. Mười mấy năm với những hoài nghi, chần chừ, tranh luận quyết liệt, mục tiêu đã hoàn thành. Thành tích chăng? Không! Các mục tiêu của chương trình nông thôn mới là mục tiêu hết sức tiên tiến mà khi hoàn thành nó là đã tạo ra sự chuyển biến về chất trên tất cả các lĩnh vực. Chuyển biến ra sao thì thấy rõ rồi. Chưa bao giờ quê hương Tiên Phước đẹp và đáng sống đến vậy. Tôi thường nói vui với tất cả các đồng chí, đồng nghiệp rằng nếu không được công nhận thì trong mỗi người dân Tiên Phước, nông thôn mới cũng đã đến rộn ràng rồi. Đi trên những con đường quê trải bê tông, trải nhựa thênh thang, đẹp ngỡ ngàng với những hàng cau trải dài miên man, xanh mướt và với những hoa thơm bốn mùa khoe sắc. Nông thôn mới là thế, không có điểm kết thúc, các tiêu chí, cấp độ sẽ được nâng cao dần, cùng với đó là cuộc sống bình yên, no đủ và giàu có mà mọi người dân trong cộng đồng đều hưởng lợi.

6. Bằng việc tập trung quyết liệt việc xây dựng nông thôn mới, chúng ta đã được sự hỗ trợ nhiều mặt của Trung ương, tỉnh. Trong những năm gần đây, đã có hàng mấy trăm tỷ đồng từ ngân sách tỉnh và Trung ương hỗ trợ cho Tiên Phước. Các công trình dân sinh huyết mạch được khai mở, đã và sẽ tạo những điều kiện tốt nhất cho phát triển: đập Suối Thỏ (Tiên Phong), đập Hố Khế (Tiên Lãnh) với giá trị đầu tư 150 tỷ mỗi con đập, hiện nay đang được triển khai thi công. Năm 2025 sẽ là đập Mò Ó với giá trị trên 200 tỷ đồng. Những công trình thuỷ lợi lớn này có công năng tưới cho hàng trăm ha vườn, ruộng. Đường Liên kết vùng qua các xã Tiên Phong, Tiên Mỹ, Tiên Kỳ, Tiên Cảnh, Tiên Hiệp với 21km đang triển khai thi công và hoàn thành vào năm 2025. Cùng Quốc lộ 40B, đường Liên kết vùng sẽ là một trong hai tuyến đường băng tuyệt vời để Tiên Phước cất cánh.

Xây dựng chủ nghĩa xã hội là xây dựng một chế độ xã hội phát triển bền vững, đảm bảo tốt công bằng và an sinh xã hội. Nhìn lại suốt chặng đường dài, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Tiên Phước chúng ta đã thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an sinh và công bằng xã hội. Các phong trào đền ơn đáp nghĩa được phát động sôi nổi, rộng khắp với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Đời sống của các đối tượng chính sách luôn được quan tâm, đảm bảo ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư. Phong trào thi đua vì người nghèo “Không để ai bỏ lại phía sau” được quan tâm lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Đến nay, toàn huyện chỉ còn khoảng 600 hộ nghèo, tỷ lệ 2,76%, trong đó 450 hộ là đối tượng bảo trợ xã hội. Nghĩa là, toàn huyện chỉ còn khoảng 150 hộ nghèo cần phải được giúp đỡ. Cách đây 50 năm, hồi mới giải phóng, gần như cả huyện đều nghèo đói. Thế mới thấy các con số đạt được trong giảm nghèo ấn tượng biết chừng nào. Có hạnh phúc nào hơn!

476074047_635290785517305_5465047184105927799_n.jpg
Trên 1.500 cá nhân đã được trao giải thưởng khuyến học Huỳnh Thúc Kháng

Nhân nói chuyện xóa nghèo, nói thêm về sự học ở Tiên Phước. Tuy là miền núi, nhưng người Tiên Phước chịu học. Cụ Huỳnh thì ai cũng biết rồi. Ở vùng quê nghèo khó là thế mà học đến Tiến sĩ đệ tam giáp, không chịu làm quan, không thèm làm giàu, mà chỉ làm Bộ trưởng theo lời mời của Bác Hồ, được Bác Hồ giao quyền Chủ tịch nước khi Người sang Pháp. Cụ Huỳnh nói một câu ngời ngời chất Quảng trên báo Tiếng Dân: “Nếu không cho cái quyền được nói thì chí ít cũng có cái quyền không nói theo ý của người khác”. Cụ Phan Chu Trinh xưa thuộc Tiên Phước, bây giờ thuộc Phú Ninh. Nói một câu nổi tiếng trong suốt đời bôn ba tìm chân lý: “Chi bằng học”. Rồi chuyện các cụ Phan -Trần - Huỳnh (Trần là cụ Trần Quý Cáp) ngồi bên cái hồ cá bể trước nhà Cụ Huỳnh, bàn và khởi xướng học thuyết Duy Tân, để rồi lan tỏa ra cả nước, khơi dậy và lan tỏa làn sóng Tân học “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Rồi cụ Lê Cơ với trường Tân học Phú Lâm (Tiên Sơn), phong trào Tân học nổi tiếng của cả nước. Và còn biết bao nhiêu tấm gương hiếu học nữa. Học trò Tiên Phước không phụ tiền nhân, nhiều người đỗ đạt cao, thành đạt. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XVII khẳng định rằng sự học của Tiên Phước là phải ngang với đồng bằng. Và điều đó, các thầy cô giáo, học sinh Tiên Phước đã làm được. Chất lượng dạy và học của chúng ta luôn ngang mức với các cơ sở giáo dục ở các huyện đồng bằng, thành thị của tỉnh. Vẻ vang thay! Học trò Tiên Phước ngày nay biết nói tiếng Anh từ lớp mẫu giáo, đạt được giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi. Môn nào khó là có học trò Tiên Phước. Doanh nhân trẻ của Tiên Phước tràn ngập các mạng thương mại điện tử, tiếp cận nhanh các thị trường, nói những câu chuyện về Tony buổi sáng và những bài học của Lê Thẩm Dương, về những cuốn sách national bestseller. Tiếp cận các em, các cháu, tôi kỳ vọng về một tương lai gần, rất gần về sự phát triển vượt bậc của Tiên Phước. Năm 2022, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày nhà giáo Việt Nam, cơ chế chính trị huyện đã đã tặng cho ngành giáo dục huyện nhà bức trướng có dòng chữ đầy ý nghĩa: “Noi gương sáng tiền nhân, làm rạng danh đất học. Quyết vượt khó trồng người, mãi vững tiến vươn xa”. Đây là sự đúc kết, kế thừa, và định hướng phương châm phát triển sự học. Ngành giáo dục đã làm và sẽ làm được những kỳ tích lớn, tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của huyện góp phần cùng cả tỉnh và cả nước.

7. Những thành quả chúng ta có được ngày hôm nay là sự kế thừa những kinh nghiệm, những thành quả của nhiều thế hệ. Trong đó có sự khai mở của tiền nhân với những tấm gương yêu nước mãi rạng ngời như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Lê Cơ, Lê Vĩnh Khanh, Lê Vĩnh Huy, Trần Huỳnh, … Bằng những đóng góp của mình, tiền nhân đã khai phóng, tạo nên một vùng đất có truyền thống yêu nước và hiếu học. Truyền thống này là sợi chỉ xuyên suốt trong quá trình đấu tranh giải phóng và xây dựng quê hương. Và hơn tất cả là những tấm gương ngời sáng của những người Cộng sản trung kiên. “Cộng sản là tôi, là cháu bà Hai Thìn… chừng mười mấy năm nữa, bà con ra đường đều thấy những người như tôi cả”. Lời tiên tri đanh thép của Bí thư Chi bộ Tài Đa Nguyễn Huyên khi bị địch bắt (một trong hai Chi bộ đầu tiên của Đảng cộng sản ở Tiên Phước) như vẫn còn vang vọng đến bây giờ và cả ngàn sau. Là Bí thư Huyện ủy Nguyễn Liệu tự mổ bụng hi sinh khi sa vào ổ phục kích của giặc. Là đội trưởng Đội công tác xã Trần Ninh nói với đội viên Hoàng Văn Tập và các đồng chí khi lọt vào vòng vây của kẻ thù: “Nếu địch phát hiện, chúng ta sẽ cùng nhau đánh một một trận cuối cùng của cuộc đời”. Là nữ du kích Nguyễn thị Thanh Diên, lứa tuổi 20, bị trọng thương vẫn một mình một súng, quần nhau với cả trung đội địch, bị trọng thương nhưng quyết không để rơi vào tay giặc. Đối với người Cộng sản, cái chết nhẹ như lông hồng bởi tinh thần yêu nước, lý tưởng cộng sản đã thấm nhuần, không có gì lay chuyển được. Là các thế hệ thanh niên yêu nước nối tiếp nhau như: Phạm Bằng, Nguyễn Thành, Hồ Cột, Lưu Văn Chính, Hường Thanh, Hường Thắng, Ngô Đôi… nằm gai nếm mật, vào sinh ra tử, chịu cảnh tù đày, dành cả thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng quê hương. Là những Anh hùng Trần Ngọc Sương, Nguyễn Có, Lê Duy Đình, Nguyễn Hương, Đào Em với sự mưu trí và dũng cảm, cùng đồng đội làm nên những trận đánh khiến kẻ địch kinh hồn bạt vía, và rạng ngời khí phách trước những đòn tra tấn dã man như thời Trung cổ của kẻ thù. Là rất nhiều những tấm gương các đảng viên cộng sản mà không thể kể hết tên, một lòng một dạ trung kiên với Đảng. Là hàng ngàn đồng chí, đồng bào đã anh dũng hy sinh để quê hương hồi sinh, quê hương phát triển đẹp giàu. Những người cộng sản hiểu một cách kiên định rằng, mỗi lần ra đi là có thể không về, nhưng con cháu phải được sống trong hòa bình, độc lập, ấm no.

Những thành quả có được hôm nay là sự kết tinh công sức của lớp lớp các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên đã luôn đoàn kết đồng lòng, lãnh đạo Nhân dân nỗ lực vượt qua những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua nổi của những ngày đầu giải phóng, và dày công vun đắp, dựng xây để có một quê hương Tiên Phước bình yên, tươi đẹp như bây giờ. Và hơn hết là Nhân dân, chính Nhân dân với sự đùm bọc che chở Đảng, chính Nhân dân với sự đồng thuận, hưởng ứng mọi quyết sách của Đảng đã xây dựng nên quê hương Tiên Phước đẹp giàu.

dsc_9240.jpg

Mùa xuân đang về khắp đất trời. Những giọt nắng vàng lung linh trên những đường hoa, trên những vườn cây xanh mát đầy chồi non lộc biếc, trên những ngôi nhà mới khang trang. Một nông thôn mới đang rộn ràng trên mọi nhà, mọi ngõ và tưng bừng mở hội trong lòng người dân Tiên Phước. Cùng cả tỉnh, cả nước, chúng ta đón mùa xuân mới trong kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đại hội Đảng các cấp đang diễn ra sôi nổi, Đại hội Đảng bộ huyện, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đang gần kề, hứa hẹn nhiều quyết sách để tiếp tục xây dựng quê hương đẹp giàu bền vững, cùng cả nước chào đón Đại hội lần thứ XIV của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh. Tiên Phước đang có rất nhiều cơ hội phát triển, trong đó mục tiêu lớn nhất là giai đoạn 2025-2030 sẽ hoàn thành, chinh phục các mục tiêu nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, là tiền đề vững chắc để xây dựng huyện Anh hùng trong thời kỳ đổi mới. Mục tiêu cao cả và vẻ vang này phải quyết tâm đạt được. Kết thúc bài viết này, xin trích dẫn mấy câu trong bài thơ “Mùa thu mới” của nhà thơ Tố Hữu, để mãi tri ân một thời gian khó nhưng rất đỗi vẻ vang và kiên định con đường chúng ta đi tới:

Yêu biết mấy, những bước đi dáng đứng

Của đời ta chập chững buổi đầu tiên

Tập làm chủ, tập làm người xây dựng

Dám vươn mình cai quản lại thiên nhiên!

Yêu biết mấy, những con người đi tới

Hai cánh tay như hai cánh bay lên 

Ngực dám đón những phong ba dữ dội

Chân đạp bùn không sợ các loài sên!

Phạm Văn Đốc - Bí Thư Huyện Ủy Tiên Phước