www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

50 năm vượt khó, xây dựng Tiên Phước thành miền quê đáng sống

Tiên Phước - huyện trung du nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Quảng Nam, là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Nơi đây còn được ví như vùng “Tiên Cảnh phước lộc” của một Việt Nam thu nhỏ, với ruộng bậc thang của núi rừng Tây Bắc, bãi bồi phù sa của làng quê Bắc Bộ và cây trái ngọt thơm của miền Nam Bộ. Tháng 11 năm Bính Thìn 1916, triều đình nhà Nguyễn (vua Khải Định) cho phép thiết lập thêm huyện Tiên Phúc (Phước) ở Quảng Nam”, đặt nền móng cho việc thành lập huyện Tiên Phước như ngày nay.

 

Khởi đầu gian khó

Dù thành lập sau các địa phương khác trong tỉnh nhưng vùng đất và con người Tiên Phước đã đi vào lịch sử dân tộc với những dấu ấn đầy tự hào. Khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, nhân dân Tiên Phước đã tập trung dưới cờ đề đốc Phạm Gia Vĩnh đứng lên kháng Pháp và cũng từ đó nhiều phong trào yêu nước dấy lên mạnh mẽ tại Tiên Phước với những bậc Danh nhân ưu tú đức độ đầy uy tín trong các phong trào Cần Vương, Duy Tân. Đây cũng là vùng đất đã sinh ra và tụ hội các bậc đại khoa, các nhà chiến sĩ yêu nước hết lòng vì nước vì dân như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Lê Vĩnh Khanh, Lê Cơ,... đã từ chối con đường vinh thân vì gia như bao kẻ sĩ lúc bấy giờ để dấn thân vào con đường cứu nước khởi xướng nhiều hoạt động nhằm: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.

Chiến dịch Tiên Phước - Phước Lâm.
Chiến dịch Tiên Phước - Phước Lâm.

Ngày 10/3/1975, cùng với Buôn Ma Thuột, quân và dân Tiên Phước đã phối hợp với các lực lượng vũ trang mở màn cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn Quảng Nam - Đà Nẵng, các tỉnh duyên hải miền Trung, tạo tiền đề cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng. Tiên Phước trở thành huyện đầu tiên của Quảng Nam và cả miền Nam được giải phóng trong năm 1975. Với những đóng góp to lớn Tiên Phước được Khu ủy khu V tặng danh hiệu “mảnh đất thánh” của cách mạng khu V.

Sau ngày giải phóng, Tiên Phước phải gánh chịu hậu quả chiến tranh hết sức nặng nề, được xem như huyện “bảy không” với không gạo, không tiền, không đường, không điện, không trường, không trạm, không nhà ở; 4/5 đất đai bị hoang hóa, 60 thôn bị địch hủy diệt, nhiều thôn trắng dân, 7.893 người chết do chiến tranh, 2.031 người bị thương tật; nạn đói hoành hành; dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi;… 50 năm qua, phát huy truyền thống anh hùng, cần cù, sáng tạo, Nhân dân toàn huyện đã chung lưng, đấu cật, đoàn kết một lòng đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn. Đến nay trên mảnh đất anh hùng năm xưa đã hiện hữu cuộc sống mới; các công trình điện, đường, trường, trạm, thủy lợi và thông tin liên lạc đã phủ khắp; bước đầu đã hình thành cơ sở hạ tầng phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Đó là minh chứng cho tính kiên định, mạnh mẽ trong xây dựng, kiến thiết quê hương của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiên Phước; tất cả cùng chung tay, đưa Tiên Phước đổi mới, vượt mọi gian khó để đi lên...

434479511_440833804963005_2513147732612892755_n.jpg

Diện mạo nông thôn mới khởi sắc

Là địa phương có điểm xuất phát thấp ngay từ đầu khi triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới; tuy nhiên, Tiên Phước xác định không vội vã chạy theo thành tích mà chú trọng xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất, hiệu quả và bền vững; người dân thực sự thụ hưởng thành quả từ nông thôn mới. Sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân đã góp phần tạo dựng nên những miền quê đáng sống, đổi mới, tiến bộ cả trong nếp nghĩ, cách làm. Tính đến nay, toàn huyện có 14/14 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, thị trấn Tiên Kỳ đạt chuẩn văn minh đô thị, 02 xã Tiên Phong, Tiên Cảnh được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; huyện cơ bản đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới và đang lập hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2024. Kinh tế tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô không ngừng được nâng lên; cơ cấu kinh tế, tỷ lệ lao động chuyển dịch theo hướng tích cực; đến cuối năm 2024 tỷ trọng nông - lâm nghiệp đạt 11,82%; công nghiệp - xây dựng đạt 31,92%; thương mại - dịch vụ đạt 56,26%. Tỷ lệ đường ĐT, ĐH, ĐX được nhựa hóa, bê tông hóa toàn huyện đạt 100%, đường dân sinh được bê tông hóa đạt trên 88%. 100% hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn; huyện không còn khu vực lõm điện. 45/45 trường học được công nhận đạt chuẩn Quốc gia; 15/15 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế và có các thiết chế về văn hóa, thể thao được đầu tư đảm bảo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,25%; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao; thu nhập bình quân đầu người đạt 53,2 triệu đồng/người/năm (năm 2025). Những con đường với hàng rào chè tàu thẳng tắp, hoa khoe sắc rực rỡ; những con đường bê tông trải dài, sạch sẽ, khang trang; nhiều công trình công cộng mang ý nghĩa chiến lược được quan tâm đầu tư như: Đường Quốc lộ 40B, Đường liên kết vùng miền Trung, Trạm biến áp 110KV và đấu nối, các Hồ chứa nước Hố Khế, Đá Vách, Suối Thỏ; Kè chống sạt lỡ sông Tiên, Nhà Văn hóa huyện, Trung tâm Thi đấu huyện,… đã góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, thay đổi diện mạo quê hương, đồng thời tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện phát triển toàn diện.

Kinh tế vườn, du lịch sinh thái được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn

Là một huyện trung du, kinh phí hằng năm phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách cấp trên; Tiên Phước không có lợi thế để phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ như các huyện đồng bằng, cũng không được tập trung nguồn lực đầu tư lớn như huyện miền núi cao; bù lại Tiên Phước lại là địa phương có tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, cây trồng, vật nuôi bản địa để phát triển nông nghiệp sinh thái, kinh tế vườn, kinh tế trang trại; là vùng đất hội tụ của các giá trị bản sắc văn hóa vật thể, phi vật thể, truyền thống tiêu biểu đặc trưng của làng quê Quảng Nam. Do đó, nhiều thế hệ lãnh đạo huyện Tiên Phước luôn trăn trở, đau đáu tìm hướng đi để phát triển huyện nhà, làm sao để vừa phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, vừa giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống cốt lõi của quê hương. Sau nhiều năm thai nghén, được sự đồng ý chủ trương của UBND tỉnh tại Thông báo số 548/TB-UBND ngày 27/11/2015; ngày 26/10/2017, UBND huyện chính thức ban hành Đề án số 02/ĐA-UBND về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại (viết tắt là KTV-KTTT) mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017-2025 (gọi tắt là Đề án 548); Đề án sau đó đã được tỉnh Quảng Nam nhân rộng thành Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND ngày 29/9/2021 của HĐND tỉnh để triển khai trên toàn tỉnh. Nghị quyết đã tạo bệ phóng cho nhiều nông dân huyện đầu tư phát triển KTV-KTTT hiệu quả, nâng cao thu nhập, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

anh-3-1-.jpg

Những năm qua, phong trào chỉnh trang, cải tạo vườn đồi và chuyển đổi ruộng lúa một vụ, đất trồng keo lai sang trồng các loại cây ăn quả phát triển mạnh; đến nay diện tích vườn toàn huyện đã tăng lên đáng kể với 6.825 ha; trong đó diện tích vườn chủ động nước tưới đạt gần 45%; giá trị thu nhập từ KTV-KTTT đem lại ước đạt 172 triệu đồng/ha. Diện tích các loại cây trồng chủ lực tăng lên đáng kể; trong đó Cây Măng cụt 595,8ha, cây Sầu riêng đạt 134,7ha, Bưởi da xanh 143ha; cây Cau 1.055,9 ha. Tiên Phước được ví như một miền Tây thu nhỏ của tỉnh Quảng Nam với nhiều loại trái cây đặc sản; đặc biệt các loại cây đặc sản Tiên Phước như Tiêu, Sầu riêng, Bòn bon, Măng cụt,… luôn mang hương vị riêng, đậm đà, quyến rũ, không nơi nào sánh được. Bên cạnh phát triển kinh tế vườn, nhiều hộ gia đình còn đầu tư chỉnh trang khuôn viên vườn nhà, cổng ngõ, chất bờ đá, đào ao thả cá,... theo hướng xanh, sạch, đẹp, hiệu quả. Tiên Phước hiện có trên 500 vườn xanh - sạch - đẹp - hiệu quả, 364 vườn được công nhận đạt tiêu chí vườn mẫu cấp huyện, 50 vườn đủ điều kiện đón khách du lịch; 1.528 vườn tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chiếm tỷ lệ 18,96% tổng số vườn hiện có; 05 trang trại nông nghiệp ứng dụng hệ thống tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm; 157 trang trại có quy mô vừa và nhỏ được đầu tư bài bản, trong đó có 41 trang trại đạt tiêu chí theo quy định, tỷ lệ 82%. Kinh tế vườn, kinh tế trang trại cũng đã tạo ra các vùng nguyên liệu tại chỗ để thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với 15 sản phẩm xếp hạng 4 sao và 26 sản phẩm xếp hạng 3 sao. Điểm nổi bật của nhiều khu vườn ở Tiên Phước là khi vào vụ thu hoạch, rất đông khách du lịch đến tham quan, mua trái cây đem về làm quà nên gia đình không phải chở đi bán ở chợ huyện, hay bán cho thương lái.

Bên cạnh đó, Tiên Phước cũng chú trọng phát triển du lịch sinh thái gắn với xây dựng bản sắc văn hóa thuần Việt. Tích cực khai thác quảng bá sản phẩm cộng đồng Làng văn hóa du lịch Làng cổ Lộc Yên gắn với giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, danh thắng như: Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, danh thắng Lò Thung, Thác Ồ Ồ, Hang Dơi,... làm tiền đề để tăng cường các hoạt động đầu tư, khai thác và tổ chức các hoạt động phát triển du lịch tại vùng lõi Lộc Yên. Chủ động tổ chức Tọa đàm phát triển du lịch xanh; làm việc với các công ty du lịch, đơn vị lữ hành uy tín như Tập đoàn Thiên Minh, Hội An Express, Công ty du lịch Sao biển xanh,... để kết nối tour, tuyến du lịch đến với Tiên Phước. Đã hình thành Hợp tác xã du lịch Lộc Yên với nhiều hoạt động phong phú: trại đêm, đạp xe, ẩm thực, cooking class,… Từ năm 2020 đến nay, huyện đã thu hút trên 110.000 lượt khách đến tham quan với doanh thu ước đạt trên 10,5 tỷ đồng. Tăng cường phát huy hiệu quả tuyên truyền của website Du lịch Tiên Phước, Làng văn hóa du lịch Lộc Yên; phát hành 1000 tập gấp quảng bá du lịch Tiên Phước, 1000 catollogue du lịch Tiên Phước; 3000 tờ rơi tại 6 điểm dịch vụ, nhà cổ Làng cổ Lộc Yên, 1000 bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch; tổ chức Hội làng Lộc Yên; Phiên chợ Lộc Yên, Lễ hội Kỳ Yên…để tăng cường quảng bá, giới thiệu các điểm đến của huyện Tiên Phước đến du khách trong, ngoài Tỉnh. Tiếp tục khơi dậy và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống như dân ca, bài chòi, hát tuồng,.... thành lập 15 câu lạc bộ dân ca bài chòi tại 14 xã, thị trấn; các câu lạc bộ duy trì, tổ chức tốt việc hoạt động phục vụ công chúng trong các dịp lễ, tết, các sự kiện chính trị của địa phương. Quan tâm tổ chức, phục dựng các lễ hội truyền thống có giá trị như Hội làng Lộc Yên, phục dựng nghi lễ cúng Tiền hiền - Hậu hiền, lễ hội Kỳ Yên, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa địa phương, phục vụ khai thác, phát triển du lịch.

Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá

Tập trung khai thác triệt để lợi thế, tiềm năng gắn với vận dụng hiệu quả các cơ chế chính sách của Trung ương, Tỉnh về nông nghiệp, nông thôn để nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế nông nghiệp địa phương. Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp theo giá so sánh tăng từ 677 tỷ đồng (năm 2020) lên 867 tỷ đồng (năm 2024), tỷ lệ tăng bình quân hằng năm 6,38%. Cùng với thực hiện mạnh mẽ nhiệm vụ đột phá về kinh tế vườn kinh tế trang trại gắn với du lịch sinh thái, huyện còn quan tâm triển khai các dự án chăn nuôi, trồng rừng kinh tế. Cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực (năm 2024): trồng trọt 50%, chăn nuôi 20,91%, lâm nghiệp 18,17%, thủy sản 10,92%. Tổng diện tích gieo trồng bình quân hằng năm 5.942 ha, năng suất bình quân 20.221 tấn. Tiếp tục quy hoạch 3 khu chăn nuôi tập trung quy mô lớn tại Tiên Lãnh, Tiên Ngọc và Tiên Sơn, tạo điều kiện phát triển ngành chăn nuôi, nâng giá trị sản xuất nông nghiệp. Toàn huyện hiện có trên 110 trang trại chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Tổng đàn gia súc 37.742 con; tổng đàn gia cầm bình quân hằng năm 829.000 con; tập trung hỗ trợ cải tạo chất lượng đàn bò bằng phương pháp nhân tạo. Tỷ lệ tiêm phòng hằng năm đạt trên 80% tổng đàn.

Chú trọng phát triển lâm nghiệp, trồng mới và thay thế 3.000 ha hằng năm; mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn, đến nay đạt 5.800 ha, chiếm tỷ lệ 27,5%. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng bình quân hằng năm đạt 311,750 tấn với giá trị trên 300 tỷ đồng/năm. Thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, triển khai thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng đảm bảo diện tích 4.298 ha rừng tự nhiên trên địa bàn huyện có chủ quản lý bảo vệ. Tỷ lệ bao phủ rừng hằng năm đạt trên 61%.

Cụm công nghiệp Tài Đa, Tiên Phong
Cụm công nghiệp Tài Đa, Tiên Phong

Chú trọng đầu tư phát triển kết cầu hạ tầng, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư tại Cụm công nghiệp trên địa bàn huyện. Tiên Phước hiện đã thành lập 02 Cụm công nghiệp Tài Đa - Tiên Phong và số 1 - Tiên Cảnh với tổng diện tích 25,49ha, tỷ lệ lấp đầy cụm công nghiệp đạt trên 90%; hiện đang quy hoạch thêm Cụm công nghiệp Rừng Cấm - Tiên Cẩm. Một số doanh nghiệp lớn như Công Ty TNHH nguyên liệu giấy Bình An Phú, Công ty TNHH Phú Hào Tiên Phước, Công ty TNHH Tuấn Đạt II, Công ty TNHH Sporttech Garment,… và cùng với các ngành nghề thủ công, tiểu thủ công nghiệp truyền thống như chế tác trầm hương, cơ khí, mộc dân dụng,… đã tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp lớn cho địa phương. Giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng từ 217 tỷ đồng (năm 2015) lên 2.598 tỷ đồng (năm 2024) với tốc độ tăng bình quân hằng năm đạt trên 20% ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân. Huyện đang nỗ lực kêu gọi thu hút đầu tư và ưu đãi đầu tư cho các ngành nghề: may mặc, giày gia, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến nông - lâm sản.

Các hoạt động thương mại, dịch vụ như ngân hàng, vận tải, viễn thông, may mặc, vật liệu xây dựng và các loại hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng,… được khuyến khích mở rộng và phát triển. Giá trị Thương mại - Dịch vụ tăng từ 2.453 tỷ đồng (năm 2020) lên 4.315 tỷ đồng (năm 2024), tỷ lệ tăng bình quân hằng năm đạt 15,17%. Tích cực đẩy mạnh các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hợp tác xã, chủ thể OCOP tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện trong ngoài tỉnh, tham gia các sàn thương mại điện tử, ký gửi sản phẩm trong các siêu thị, trung tâm thương mại,…Hoạt động khuyến công được chú trọng, đã hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn cải tiến máy móc, dây chuyền, thiết bị, mẫu mã, bao bì sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất và tham gia các Hội chợ giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng Chợ quê Tiên Phước, phát huy hiệu quả hoạt động các chợ Tiên Phong, Tiên Lãnh, Tiên Cẩm, Tiên An, Tiên Thọ. Rà soát, thu hút đầu tư các điểm cửa hàng xăng dầu tại Tiên Phong, đưa vào hoạt động cửa hàng xăng dầu tại Tiên Cẩm. Dịch vụ vận tải phát triển mạnh, tạo điều kiện cho việc đi lại, trao đổi hàng hóa giữa huyện với các tỉnh, thành trong cả nước. Dịch vụ tài chính - ngân hàng, Bưu chính viễn thông tiếp tục phát triển đáp ứng nhu cầu vay vốn của Nhân dân; điện thoại, internet phủ khắp 100% thôn, xóm.

Văn hóa - Xã hội phát triển khá toàn diện, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng lên

Tập trung phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử đấu tranh hào hùng và khoa bảng của người Tiên Phước; lưu giữ và bảo tồn giá trị làng mang đặc trưng bản địa, thuần Việt; chú trọng văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội; xây dựng hình mẫu con người Tiên Phước đoàn kết, cần cù, năng động, sáng tạo, trách nhiệm, hiếu khách; tổ chức nghiên cứu, sưu tầm và lưu trữ trên 500 hiện vật lịch sử có giá trị; xuất bản nhiều ấn phẩm có giá trị giáo dục cao như Địa chí Tiên Phước, Trường ca Người của đất,…; nỗ lực phục dựng các lễ hội truyền thống của địa phương (Hội làng Lộc Yên, Lễ hội Kỳ Yên); các hoạt động văn hóa truyền thống: dân ca, bài chòi tiếp tục được bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị. Tăng cường giáo dục lịch sử địa phương góp phần phát huy truyền thống khoa bảng cho thế hệ trẻ.

Loc Yen

Công tác bảo tồn, tôn tạo, khai thác, phát huy hiệu quả các giá trị di tích văn hóa, lịch sử, danh thắng địa phương, bản sắc văn hóa thuần Việt của người Tiên Phước được quan tâm. Toàn huyện có 04 di tích cấp quốc gia, 16 di tích cấp tỉnh và 29 di tích văn hóa, lịch sử, danh thắng được tỉnh đưa vào danh mục đăng ký bảo vệ. Từ năm 2020 đến nay, huyện đã thực hiện trùng tu, tôn tạo 04 di tích cấp Quốc gia, 05 di tích cấp tỉnh với kinh phí trên 99 tỷ đồng.

Công tác thông tin, tuyên truyền từng bước được nâng cao cả về nội dung và hình thức; trong đó chú trọng tuyên truyền trên không gian mạng thông qua các Cổng Thông tin điện tử, các trang mạng xã hội Zalo, Facebook; 15/15 xã, thị trấn được đầu tư và đưa vào sử dụng có hiệu quả hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông IP. Hệ thống mạng lưới, hạ tầng viễn thông phát triển rộng khắp; toàn huyện có trên 75% hộ gia đình có kết nối Internet; trên 72% người dân trong độ tuổi lao động trở lên sử dụng điện thoại thông minh. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành được quan tâm đầu tư; xây dựng và đưa vào khai thác, vận hành có hiệu quả Trung tâm điều hành thông minh IOC huyện.

Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức thường xuyên, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia góp phần hình thành lực lượng nòng cốt tham gia và đạt giải cao tại các hội thi do cấp trên tổ chức. Toàn huyện hiện có 15 câu lạc bộ dân ca, 55 câu lạc bộ thể thao; tỷ lệ người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 40%. Các thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm đầu tư và từng bước phát huy hiệu quả; đầu tư và đưa vào sử dụng hiệu quả Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình huyện, Sân Vận động huyện, Nhà thi đấu thể thao huyện, Thư viện – Bảo tàng huyện, Khu vui chơi cho trẻ em.; 15/15 xã, thị trấn đều có Trung tâm Văn hóa - Thể thao, sân thể thao đạt chuẩn và được đầu tư các khu vui chơi, tập luyện TDTT; 84/85 thôn, khối phố có Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn đạt chuẩn, được đầu tư đầy đủ trang thiết bị, wifi phục vụ nhân dân.

Giáo dục - Đào tạo tiếp tục được quan tâm đầu tư đúng mức, toàn diện; chất lượng giáo dục Tiên Phước ngày càng được nâng cao, ngang bằng với các huyện đồng bằng. Mạng lưới trường lớp được đầu tư khang trang với 45/45 trường học đạt chuẩn Quốc gia và bố trí đều khắp, tạo điều kiện thuận lợi cho con em trong độ tuổi được huy động đến trường đạt 100%. Các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm, giáo dục lịch sử địa phương, câu lạc bộ, hội thi được tổ chức thường xuyên giúp học sinh phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi, học sinh lên lớp thẳng, hoàn thành chương trình tiểu học, tốt nghiệp THCS, tốt nghiệp THPT, thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng năm sau cao hơn năm trước; chất lượng, kết quả tham gia các hội thi, kỳ thi cấp tỉnh ngày càng được nâng lên. Đồng thời huyện cũng chủ động làm việc, phối hợp với Trường Cao đẳng Thacao Trường Hải, Trường Cao đẳng Quảng Nam để tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT. Chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được nâng cao. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, nhân viên cơ bản đạt chuẩn và trên chuẩn, phục vụ tốt yêu cầu về đổi mới công tác quản lý giáo dục và dạy học. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được quan tâm thực hiện tốt; tiếp tục nâng cao chất lượng giải thưởng Huỳnh Thúc Kháng, đến nay đã vinh danh 1.427 cá nhân có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu, học tập.

Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân được quan tâm; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế không ngừng được đầu tư, nâng cấp; đội ngũ cán bộ y tế từ huyện đến cơ sở được củng cố, kiện toàn; công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và khám chữa bệnh được quan tâm, triển khai mô hình khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắp chíp điện tử và ứng dụng VneID,… đã đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Toàn huyện hiện có 02 bệnh viện cấp huyện, 01 Phòng khám đa khoa, 15 Trạm Y tế và nhiều phòng khám chuyên khoa với tổng số 23 bác sỹ, 181 giường bệnh, tỷ lệ 8,43 bác sĩ/26,78 giường/01 vạn dân; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân 3,58%, thể thấp còi 3,7% (năm 2023), thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung toàn tỉnh. Các chương trình y tế Quốc gia và phòng chống dịch bệnh được triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Hoạt động dân số, kế hoạch hóa gia đình được quan tâm, duy trì mức sinh hợp lý. Tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phát triển số người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đạt trên 98%.

Các chế độ, chính sách đối với người có công cách mạng, chế độ an sinh xã hội được triển khai đảm bảo. Từ năm 2020 đến nay, đã quan tâm đầu tư, nâng cấp các công trình tưởng niệm, các nghĩa trang liệt sĩ với tổng kinh phí trên 9,292 tỷ đồng; hỗ trợ sửa chữa, xây mới 660 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hỗ trợ 16.860 triệu đồng. Huy động toàn xã hội tham gia các phong trào đền ơn đáp nghĩa; cùng với Nhà nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn; chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ VNAH; vận động quỹ đền ơn đáp nghĩa; hỗ trợ Nhân dân các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, mất mùa đã trở thành nét đẹp truyền thống, việc làm thường xuyên. Đến nay 100% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt; đến năm 2025, toàn huyện còn 544 hộ nghèo, tỷ lệ 2,86%, 309 hộ cận nghèo, tỷ lệ 1,62%. Đặc biệt, công tác giảm nghèo cho đồng bào Cor được chú trọng triển khai tích cực, hiệu quả cao; đến nay toàn huyện còn 15/68 hộ đồng bào nghèo và 02/68 hộ cận nghèo. Từ năm 2020 đến nay đã hỗ trợ 120 hộ gia đình xây dựng chòi/phòng tránh bão với tổng kinh phí 1.200 triệu đồng; hỗ trợ 13 nhà ở theo Nghị quyết 13/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và 05 nhà tình nghĩa cho hộ nghèo, cận nghèo với kinh phí 810 triệu đồng; tổ chức 25 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp với 910 học viên; đưa 397 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,7%; tổ chức các sàn giao dịch việc làm với trên 4.000 lượt người tham gia, tạo việc làm mới cho 11.500 lao động. Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được quan tâm đúng mức; 15/15 xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em.

Hoạt động xây dựng chính quyền, cải cách hành chính được thực hiện đồng bộ, quyết liệt, mãnh mẽ gắn với chuyển đổi số; quốc phòng an ninh được đảm bảo

Bộ máy chính quyền không ngừng được củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực quản lý nhà nước theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân, từng bước khắc phục tình trạng sách nhiễu, phiền hà cho Nhân dân. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được quan tâm; xây dựng đội ngũ đạt chuẩn, có phẩm chất chính trị và đạo đức trong sáng, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Công tác cải cách hành chính được tăng cường, kỷ luật, kỷ cương hành chính được giữ lực, hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước ngày càng được nâng cao. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông được triển khai thực hiện đồng bộ; Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện, xã từng bước được đầu tư, củng cố kịp thời, đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, công dân. Tập trung bố trí, thực hiện có hiệu quả Đề án việc làm tại các cơ quan, đơn vị hành chính cấp huyện và đơn vị sự nghiệp công lập. Công tác thi đua, khen thưởng có nhiều đổi mới, được chỉ đạo ngày càng sâu sát, chất lượng được nâng lên. Các phong trào thi đua được triển khai rộng khắp, xuất hiện nhiều mô hình mới hiệu quả, cách làm hay đã tạo động lực mạnh mẽ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, toàn diện. Tập trung triển khai Đề án sát nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số 02 xã Tiên Sơn, Tiên Cẩm thành đơn vị hành chính mới lấy tên xã Tiên Sơn trong giai đoạn 2023-2025 đảm bảo quy định. Công tác tiếp công dân, thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên; quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy góp phần phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi phạm pháp trong quản lý kinh tế, xã hội.

Lực lượng vũ trang huyện duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu từ huyện đến cơ sở. Công an, Quân sự thực hiện quy chế phối hợp theo Nghị định 03, Nghị định 02 của Chính phủ. Hoàn thành 100% chỉ tiêu xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ bảo đảm về số lượng, có cơ cấu thành phần, tỷ lệ phù hợp, chất lượng và độ tin cậy ngày càng được nâng lên. Lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên được biên chế chặt chẽ, huấn luyện thường xuyên; tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ đúng quy trình, giao quân đạt 100% chỉ tiêu. Việc triển khai Đề án công an xã, thị trấn chính quy và ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở đã góp phần lớn làm giảm tệ nạn xã hội tại địa phương, an ninh chính trị được đảm bảo. Tiếp tục xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững mạnh; bảo vệ vững chắc khu vực phòng thủ. Kiên quyết đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; kịp thời giải quyết các vụ việc nổi cộm, bức xúc ngay từ cơ sở; không để tồn đọng kéo dài. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được phát triển sâu rộng. Công tác điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện đảm bảo.

5-dia-diem-du-lich-tien-phuoc-quang-nam-noi-tieng-nhat-202308032332163555.jpg

Tiên Phước - miền quê đáng sống

Như vậy, sau 50 năm giải phóng, Tiên Phước đã có bước chuyển mình vượt bậc. Chất lượng cuộc sống của Nhân dân ngày càng được nâng cao. Làng quê Tiên Phước đang dần thay da đổi thịt nhờ biết khai thác lợi thế tài nguyên bản địa và sức mạnh của sự đồng thuận trong nhân dân. Xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp truyền thống đang được địa phương lựa chọn và từng bước hình thành điểm đến tham quan mới mẻ, thu hút nhiều du khách. Những thành quả đạt được đã tạo thế và lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tiên Phước nỗ lực xây dựng quê hương, quyết tâm xây dựng thành công huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2030, hướng đến danh hiệu huyện Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; là một trong những trung tâm du lịch sinh thái, vùng quê đáng sống của tỉnh Quảng Nam. Tiên Phước quả thực là một miền quê đáng sống, một điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích cuộc sống thanh bình, gần gũi với thiên nhiên và muốn tìm về cội nguồn văn hóa. Nếu có dịp đến với Quảng Nam, mời bạn ghé thăm Tiên Phước, dạo quanh làng cổ, tham quan những vườn cây ăn quả đẹp như phim và cảm nhận hương vị xứ Tiên.

Trầm Quế Hương - Chủ Tịch UBND huyện Tiên Phước