Tiên Cảnh về đích đúng hạn...
Sau 5 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), xã miền núi Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước (Quảng Nam) cán đích đúng thời gian đề ra....
Chính quyền và người dân trong xã đang ra sức giữ vững các tiêu chí đã đạt được. Tiên Cảnh là xã miền núi, với diện tích tự nhiên 3.725ha, dân số 2.326 hộ với 10.579 khẩu, được phân bố ở 8 khu dân cư. Thực hiện bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM, xã Tiên Cảnh được chọn làm 1 trong 3 xã điểm của huyện thực hiện chương trình NTM giai đoạn 2011 - 2015.
Ngày đầu phát động, cả hệ thống chính trị xã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng và xuyên suốt trong quá trình thực hiện. Xã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng, tạo sự đồng thuận cao. Ngoài ra, công tác phát triển SX, ngành nghề nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân được xã quan tâm. Cụ thể về nông nghiệp tập trung đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giống vật nuôi và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào SX.
Mô hình 100 trụ tiêu của ông Nguyễn Huệ, thôn 3, xã Tiên Cảnh
Hàng năm, xã Tiên Cảnh đều xây dựng phương án hỗ trợ SX nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn từ nguồn vốn hỗ trợ của trên với các mô hình phát triển kinh tế vườn kết hợp chăn nuôi và chuyển giao khoa học công nghệ mới. Hiện nay trên địa bàn xã có 7 cơ sở SX nghề mộc, 18 sửa chữa xe, 8 tiệm hớt tóc, 2 cơ sở cơ khí, 9 cơ sở may mặc, 2 cửa hàng điện tử, 6 xưởng cưa, 5 cơ sở SX cửa sắt… Ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ phát triển góp phần không nhỏ thay đổi bộ mặt kinh tế xã.
Mức thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2011 đạt 7,2 triệu đồng/người/năm đến nay đã tăng lên 23,1 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 là 30,3% hiện đã giảm xuống còn 4,5%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt khá cao; giá trị nông - lâm nghiệp - thủy sản đạt 70,5 tỷ đồng, trong đó giá trị ngành chăn nuôi chiếm 40%, trồng trọt chiếm 60%. Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xã quan tâm và mở rộng với nhiều ngành nghề theo phương châm “cần gì học nấy”, đã nâng số lượng lao động qua đào tạo và lao động được truyền nghề lên 2.453 người, đạt tỷ lệ 41,39%.
Đặc biệt, tại địa bàn xã có doanh nghiệp vào đầu tư đã thu hút và giải quyết việc làm cho hơn 400 lao động địa phương. Xã đã thành lập 1 HTX Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Nhật Linh bước đầu hoạt động có hiệu quả. Trong phát triển kinh tế vườn - trang trại và chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đã có 9 hộ trồng tiêu, nhiều hộ trồng thanh trà, măng cụt… Nhiều gia trại chăn nuôi heo với quy mô từ 20 - 100 con. Ở các thôn, ngưởi dân tự thành lập các câu lạc bộ, các nhóm hộ chăn nuôi, làm vườn để chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ nhau phát triển kinh tế.
Đắc Thành - Báo Nông Nghiệp VN