Mấu chốt ở "khâu" cán bộ
“Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về công tác xây dựng Đảng là hướng đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên vững vàng về chính trị tư tưởng, có nhiệt huyết, đạo đức, năng lực, tinh thần trách nhiệm cao đối với các nhiệm vụ được giao” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sỹ khẳng định.
Sâu sát cơ sở
Vào sáng thứ Hai đầu tiên của tháng, cán bộ Đảng ủy, UBND xã Tiên Phong (Tiên Phước) đến trụ sở sớm hơn để chuẩn bị cho lễ chào cờ đầu tháng. Sau nghi lễ chào cờ, lãnh đạo Đảng ủy xã đánh giá lại việc thực hiện các nghị quyết của địa phương, đồng thời triển khai công tác trong tháng. Ông Nguyễn Văn Ty - Phó Bí thư Đảng ủy xã Tiên Phong cho biết: “Cái hay nhất của lễ chào cờ đầu tháng là việc lồng ghép kể các mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên cùng nghe và rút ra bài học để áp dụng vào thực tế”. Dịp này, Đảng ủy xã tổ chức biểu dương, kiểm điểm dưới cờ. Thông qua đó, kịp thời nhắc nhở về tác phong làm việc, các khuyết điểm còn tồn tại, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, hạn chế tình trạng cán bộ thiếu trách nhiệm trong công việc.
Không chỉ Tiên Phong, tất cả các xã, thị trấn, cơ quan ở huyện Tiên Phước đều thực hiện lễ chào cờ đầu tháng. Ông Phạm Văn Đốc - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tiên Phước cho hay, chính việc thẳng thắn góp ý của đảng viên và quần chúng đã giúp Tiên Phước có cái nhìn khách quan hơn về đội ngũ cán bộ, đặc biệt là ở cấp xã. “Tại Tiên Phước, trước đây chuyện góp ý về năng lực cán bộ lãnh đạo còn khá e dè, nhiều lúc chỉ góp ý qua loa. Sau khi triển khai Nghị quyết Trung ương 4, nhiều cơ quan, địa phương đã nghiêm túc thực hiện việc góp ý cán bộ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt và đánh giá năng lực cán bộ. Song song với điều này, Huyện ủy Tiên Phước tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ở cơ sở nhằm nắm chắc tình hình để sắp xếp đội ngũ cán bộ. Hằng tháng, mỗi Huyện ủy viên đều xuống xã đứng điểm để kiểm tra, giám sát công tác thực hiện khắc phục khuyết điểm của cơ sở và báo cáo Thường vụ Huyện ủy” - ông Đốc cho hay. Cũng qua kiểm tra, giám sát, Huyện ủy và Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tiên Phước đã xử lý một số đảng viên vi phạm, chỉ đạo một số cơ quan, ban ngành và nhiều xã giải quyết dứt điểm các vấn đề “nóng”, nhất là tình trạng lấn chiếm đất rừng trái phép để trồng cây keo nguyên liệu.
Xây dựng lực lượng
Tháng 11.2012, khi luân chuyển về tiếp nhận chức danh Bí thư Đảng ủy xã Tam Vinh (Phú Ninh), ông Ngô Mỹ cảm thấy trăn trở khi công tác xây dựng Đảng của địa phương còn nhiều hạn chế: các thôn vẫn chưa có chi ủy, nhiều đơn vị như trạm y tế, trường học chưa có chi bộ độc lập, việc phát triển đảng viên vẫn chưa mạnh mẽ… Với vai trò là người đứng đầu cấp ủy, ông Mỹ nhận thấy cần sự thay đổi nhưng phải có sự vào cuộc của cả tập thể. Do đó, có việc quan trọng ông đều mang ra bàn bạc, vừa tạo sự đoàn kết vừa phát huy trí tuệ tập thể. Sau một năm luân chuyển về cơ sở, ông Mỹ cùng Đảng ủy xã vào cuộc quyết liệt trong việc củng cố tổ chức cơ sở đảng nên đến nay đã có 5 (trong 6) thôn thành lập chi ủy, Trạm Y tế xã cũng đã có chi bộ độc lập. Nếu như giai đoạn 2010 - 2012 Tam Vinh chỉ phát triển được 14 đảng viên mới thì trong năm 2013 đã kết nạp được 13 người vào Đảng. Hay như ông Trương Văn Trung, từ tháng 2.2013 được luân chuyển làm Chủ tịch UBND xã Tam Anh Bắc (Núi Thành), luôn cố gắng thay đổi mình để có thể đảm đương nhiệm vụ mới. Việc tăng cường tiếp xúc với người dân địa phương đã giúp vị tân chủ tịch này có thêm nhiều kinh nghiệm trong xử lý công việc. Ông Trung chia sẻ: “Bản thân tôi giờ năng động hơn nhờ môi trường làm việc tại cơ sở luôn có áp lực lớn. Áp lực đó chính là trách nhiệm đối với nhân dân, trách nhiệm với sự phân công của cấp trên”.
Cùng với sự luân chuyển ở cơ sở, ngoài tiếp nhận 30 sinh viên theo Đề án 600 của Chính phủ về làm Phó Chủ tịch UBND các xã thuộc 3 huyện nghèo Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang, tỉnh cũng đã có kế hoạch bố trí 108 cán bộ được đào tạo theo “Đề án 500” (Đề án tạo nguồn cán bộ cơ sở của tỉnh - PV) khóa I về công tác ở các xã, phường, thị trấn. Đồng thời hiện có 162 học viên học khóa II và đang sát hạch, lựa chọn 162 chỉ tiêu cho khóa III để đào tạo, tăng cường đội ngũ cán bộ cho cấp xã. Ở cấp tỉnh, riêng trong năm 2013 đã củng cố, kiện toàn 43 chức danh cán bộ chủ chốt tại các sở, ban, ngành và luân chuyển 9 cán bộ lãnh đạo, quản lý. Về chất lượng, cán bộ giữ chức vụ giám đốc, phó giám đốc sở và tương đương có trình độ sau đại học đạt 33,3%; ở cấp trưởng phòng và tương đương thuộc sở, ngành, đoàn thể của tỉnh, cán bộ có trình độ đại học chiếm 97,4%...
Hiệu quả rõ nét
Công tác cán bộ được thực hiện thời gian qua ở các cấp đã đem lại nhiều hiệu quả khẳng định hướng đi đúng. Ông Nguyễn Văn Trường - Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Phú Ninh nói: “Từ cuối năm 2012 đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy đã luân chuyển 6 đồng chí về cơ sở giữ các chức danh chủ chốt. Thông qua việc nắm chắc tình hình thực tiễn tại các xã, Thường vụ Huyện ủy có kế hoạch luân chuyển kịp thời để giải quyết, đáp ứng tốt về công tác cán bộ, hạn chế tình trạng guồng máy địa phương bị “tắc nghẽn” lâu ngày”. Còn ông Phạm Văn Đốc - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tiên Phước cho hay: “Luân chuyển cán bộ, ngoài đáp ứng tình hình thực tế giúp các xã, thị trấn thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cũng là cơ hội để cán bộ “nguồn” có môi trường rèn luyện. Chính vì vậy, Ban Thường vụ Huyện ủy Tiên Phước luôn có kế hoạch luân chuyển cán bộ từ huyện về xã để tạo thêm nhiều cơ hội cho cán bộ phấn đấu, rèn luyện”.
Báo cáo tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 17 vào cuối tháng 11 vừa qua, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Xuân Thọ cho rằng, việc luân chuyển, bố trí cán bộ đã kịp thời tăng cường cán bộ lãnh đạo chủ chốt cho một số địa phương, và các cơ quan, ban ngành của tỉnh góp phần tích cực giúp các địa phương và các ngành ổn định nội bộ, đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ rèn luyện, thử thách, nhất là cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được cọ xát thực tiễn; khắc phục được tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ. “Các cán bộ được luân chuyển đều phát huy năng lực, trí tuệ, an tâm công tác, có bước trưởng thành, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, có quan điểm nhìn nhận và phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện hơn, sát thực tế hơn. Sau thời gian được đào tạo, rèn luyện, kinh qua thực tiễn ở cơ sở được luân chuyển về tỉnh và bố trí giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý theo quy hoạch, phát huy tốt nhiệm vụ được phân công” - ông Trần Xuân Thọ nói.
Xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) là công việc vừa mang tính cấp bách nhưng đồng thời cũng là chiến lược, được thực hiện thường xuyên, lâu dài. Tuy nhiên, những kết quả mà Quảng Nam đã đạt được sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết là rất đáng phấn khởi. Kết quả đó, đã góp phần củng cố niềm tin với Đảng trong nhân dân.
Lê Vũ - Hàn Giang - Đoàn Đạo, Báo Quảng Nam