Thiết thực thi đua
Năm năm qua, nhân dân huyện Tiên Phước đã thực hiện phong trào thi đua yêu nước với nhiều phần việc thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đã xuất hiện nhiều mô hình thi đua sôi nổi, gắn liền với đời sống, mang lại nhiều lợi ích sát thực.
Hiệu quả thi đua
Gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội giai đoạn 2010 - 2014 nên phong trào thi đua yêu nước của Tiên Phước được triển khai sâu rộng trên mọi lĩnh vực, tạo khí thế sôi nổi trong suốt giai đoạn. Nổi lên có thể nhắc đến lĩnh vực nông nghiệp với phong trào “ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất”. Qua phong trào này, đã xuất hiện nhiều mô hình như câu lạc bộ trồng tiêu, “3 giảm 3 tăng”, diệt chuột bằng bả sinh học, chuyển đổi cơ cấu cây trồng… Người nông dân ngày càng biết ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, cho ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng.
Trong 5 năm, toàn huyện đã có hơn 1.400 hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; hơn 2.400ha vườn được cải tạo hiệu quả, 30% trong số diện tích đó cho nguồn thu nhập hằng năm hơn 30 triệu đồng/ha. Giá trị thu được từ kinh tế vườn tăng từ 28 tỷ đồng (năm 2010) lên 65 tỷ đồng (năm 2014), giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 330 tỷ đồng (2010) lên 442 tỷ đồng (2014). Ngành chăn nuôi được đầu tư mạnh, tăng chất lượng, rút ngắn chu kỳ nuôi, đưa giá trị tăng từ 92 tỷ đồng (2010) lên 167 tỷ đồng (2014).
Ông Lê Trí Hiệu - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết: “Trong các phong trào thi đua, xây dựng nông thôn mới là phong trào mới và được thực hiện quyết liệt. Chỉ sau 4 năm phát động, nhân dân tích cực hưởng ứng, xuất hiện nhiều mô hình hay và mang lại kết quả đáng khích lệ, nhất là ở 3 xã điểm Tiên Phong, Tiên Cảnh, Tiên Sơn. Nhiều hộ dân tự nguyện hiến đất đai, cây cối, tham gia xây dựng nông thôn mới với tổng giá trị khoảng 18,5 tỷ đồng.
Chương trình giao thông nông thôn theo cơ chế nhà nước và nhân dân cùng làm đã bê tông hóa 87km đường xã và dân sinh. Phong trào này đã tạo được khí thế mới trong nhân dân, tạo tác phong, ý thức cao cho người dân trên mọi mặt”. Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp - công nghiệp của Tiên Phước cũng đã có chuyển biến tích cực trong 5 năm qua với 610 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh đi vào hoạt động.
Các địa phương, đơn vị của huyện Tiên Phước ký kết giao ước thi đua giai đoạn 2015 - 2020 |
Trong GD-ĐT, Tiên Phước trở thành huyện miền núi đầu tiên của tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi năm 2014. Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong gia đình, dòng tộc, cộng đồng phát triển mạnh mẽ, góp phần giúp con em Tiên Phước thêm động lực học tốt. Hằng năm càng có thêm nhiều xã, thôn văn hóa, khu dân cư, tộc họ, gia đình đạt danh hiệu văn hóa. Đời sống nhân dân Tiên Phước ngày càng được nâng cao, đẩy lùi nghèo khó, nâng cao thu nhập đầu người từ 7,6 triệu đồng năm 2010 lên 14,3 triệu đồng năm 2014.
Những điển hình cơ sở
Qua phong trào thi đua yêu nước, nhãn hiệu tiêu Tiên Phước đã được khôi phục và đưa ra thị trường là công lao của nhân dân Tiên Phước, trong đó không thể thiếu vai trò của Công ty TNHH Sơn Tiến (xã Tiên Sơn). Ra đời từ năm 2009, đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức trong việc xây dựng thế mạnh cho công ty, ông Hồ Viết Ký - Giám đốc công ty đã quyết định phát triển, quảng bá thương hiệu tiêu Tiên Phước. Công ty được Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện tin tưởng giao nhiệm vụ sản xuất lọ tiêu, xây dựng logo cho sản phẩm tiêu Tiên Phước (lúc này tiêu Tiên Phước đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tiêu tập thể).
Công ty Sơn Tiến đã được hỗ trợ 35 triệu đồng để sản xuất 4.000 lọ tiêu có nắp xay nhằm phục vụ cho việc bán, giới thiệu sản phẩm ra thị trường. “Từ sự hỗ trợ ban đầu đó, công ty chúng tôi đã sản xuất ra 20 nghìn lọ có nắp xay và đóng gói hút chân không. Từ năm 2011 đến nay, mỗi năm công ty bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 1 tấn tiêu Tiên Phước. Năm 2014, sản phẩm tiêu Tiên Phước của công ty đã được tặng Huy chương vàng Hàng Việt Nam chất lượng cao” - ông Ký cho hay.
Trong công tác vận động nhân dân tham gia phong trào xây dựng thôn văn hóa, xuất sắc nhất có thể kể đến thôn 5 (xã Tiên Thọ) với thành tích 14 năm liền giữ vững danh hiệu thôn văn hóa. Chia sẻ kinh nghiệm trong vận động nhân dân, ông Trà Viết Sơn - Trưởng ban Công tác mặt trận thôn 5 nói: “Ban vận động thôn luôn tôn trọng quyền dân chủ của nhân dân, có việc quan trọng đều đưa ra cho nhân dân bàn bạc, khi nhân dân đã cùng nhau quyết thì sẽ thực hiện hiệu quả.
Các phong trào như không có tình trạng bỏ học, không sinh con thứ ba, tự ý thức xây dựng các thiết chế văn hóa thôn, đóng góp công sức, tiền của cùng thực hiện phong trào giao thông nông thôn… đã được nhân dân đồng lòng triển khai đạt kết quả. Trong thôn xảy ra việc gì là mặt trận và các đoàn thể phối hợp hòa giải, vì vậy không để xảy ra khiếu nại khiếu kiện đông người, vượt cấp”. Ngoài ra, mỗi năm thôn 5 đều tổ chức cho nhân dân ôn lại quy ước thôn văn hóa, kiểm tra những việc đã làm được, chưa làm được, tìm nguyên nhân và cách khắc phục để năm sau làm tốt hơn. Chính vì vậy mà đến nay, đời sống nhân dân thôn 5 được chăm lo khá chu đáo, nhà cửa người dân khang trang, 100% số dân làm tròn nghĩa vụ với nhà nước.
Diễm Lệ - Kim Oánh , Báo Quảng Nam