www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Sản vật xứ Tiên

Tiên Phước không chỉ nổi tiếng với dòng sông Tiên chảy ngược, với ngõ đá, chè tàu, nhà cổ hay những danh lam thắng cảnh như thác Ồ Ồ, thác Lò Thung, mà còn là vùng quê có những sản vật nổi tiếng như tiêu, quế, chè, lòn bon, thanh trà…

 

 

Mùa thu hoạch lòn bon Tiên Phước.
Mùa thu hoạch lòn bon Tiên Phước.

Tiêu Tiên Phước

Hồ tiêu Tiên Phước nổi tiếng từ khi thương cảng Faifo - Hội An sầm uất, tàu buôn nước ngoài vào ra lấy hàng. Đặc sản hồ tiêu Tiên Phước được các thương lái người Hoa gom về xuất bán. Hạt tiêu Tiên Phước có mùi thơm đặc biệt, vị cay nồng đặc trưng, có tác dụng khử mùi tanh của các loại thực phẩm tươi sống... Từ món cá kho, thịt xào, làm nhân một số loại bánh trái... đều thêm chút hạt tiêu xay nhỏ để làm tăng thêm sự thơm ngon, hấp dẫn. Với món mắm cái kho tiêu, chỉ cần nghe mùi mắm mằn mặn lẫn mùi thơm cay nồng của tiêu là  thấy thèm một bát cơm. Phụ nữ trước khi sinh con đều chuẩn bị cho mình một vài lon tiêu để dùng làm gia vị trong bữa ăn suốt thời kỳ ở cữ. Trong y học, tiêu dùng để điều chế các loại thuốc bổ dạ dày, dịch vị, giải nhiệt, làm thông tiểu tiện...

Năm được mùa mỗi cây thanh trà Trà Khân có thể cho hơn 300 quả.
Năm được mùa mỗi cây thanh trà Trà Khân có thể cho hơn 300 quả.

Ở vùng nông thôn Tiên Phước, tiêu được trồng quanh nhà, trước ngõ. Những choái tiêu thẳng tắp, xanh tốt tạo nên một không gian đẹp, khung cảnh hữu tình biểu hiện cho một gia đạo sung túc, yên vui. Mấy năm gần đây, cây tiêu đã trở thành người bạn đồng hành giúp nông dân Tiên Phước xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Những vườn tiêu Tiên Phước là điểm nhấn trong hành trình du lịch sinh thái, khám phá nét văn hóa đặc trưng của làng quê xứ Quảng đối với du khách gần xa. Người trồng tiêu Tiên phước có tục lệ là sau khi thu hoạch lấy hạt tiêu, phần cuống đem rắc trên các đường đi trong thôn xóm. Họ cho rằng, có làm như vậy thì vụ mùa sau tiêu mới ra nhiều chuỗi và sai quả. Tục lệ đó có từ bao giờ, nó bắt đầu từ đâu, cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời chân xác. Điều khiến mọi người, nhất là khách phương xa đến chơi Tiên Phước vào mùa thu hoạch tiêu ((khoảng tháng 4, tháng 5 âm lịch),  đều thích thú với mùi thơm nồng đặc trưng của tiêu Tiên Phước.

Chè xanh Tiên Phước

Chè cũng là cây trồng để nấu nước uống được trồng phổ biến trong các vườn nhà Tiên Phước. Do điều kiện đất đai, khí hậu, chè xanh Tiên Phước có hương vị chát đắng và thơm đậm đà nên được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Hầu như nhà nào ở Tiên Phước không nhiều thì ít cũng trồng chè để hái lá tươi nấu nước uống hàng ngày. Vài năm lại đây, đặc biệt là năm nay, chè đen, chè xào đột ngột tăng giá, dao động 75 - 100 nghìn đồng/kg. Còn chè tươi, một lọn (cỡ nắm tay) cũng có giá 4 - 5 nghìn đồng. Cây chè dần được các nhà vườn ở Tiên Phước khôi phục. Hiện nay, sản phẩm chè (gồm chè đen, chè xào, chè xanh) ở Tiên phước được các thương lái ở Tam Kỳ, Đà Nẵng, Hội An… thu mua với số lượng khá lớn, cung không đủ cầu. Cùng với các loại cây ăn quả khác, hiện chè xanh góp phần tăng thêm nguồn thu nhập, ổn định đời sống cho người dân.

Chè xanh được xem là có nhiều công dụng trong việc chữa trị bệnh. Chất tanin có ở trong chè với khả năng hút chất phóng xạ, ngoài ra chè còn chứa nhiều vitamin, axit amin, các nguyên tố khoáng và các hợp chất khác cần thiết cho sức khỏe con người. Trong dân gian, có nhiều phương thuốc hay chữa bệnh từ chè. Ví dụ chè tươi, kết hợp với hành củ, gừng sống... giã nhỏ, sắc uống lúc còn nóng, chữa được cảm lạnh về mùa đông. Búp chè tươi còn trị được chứng viêm tai chảy mủ. Lúc mệt mỏi, căng thẳng, uống bát nước chè xanh sẽ giúp cho ta cảm thấy sảng khoái, tinh thần minh mẫn. Chính vì thế mà người dân ở vùng quê bán sơn địa trồng chè và có thói quen uống nước chè xanh từ bao đời nay. Ngay cả trẻ con cũng thích uống nước chè xanh pha loãng. Khi lớn lên, dù có đi đâu ở đâu họ cũng luôn nhớ về quê nhà Tiên Phước với câu ca “nhớ bát nước chè, nhớ tộ đường non…”.

Lòn bon

Lòn bon ở xứ Quảng có nhiều ở các huyện Đại Lộc, Nam Giang và Tiên Phước. Với vị ngọt thanh lẫn chút chua nhẹ, lòn bon Tiên Phước được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến và trở thành sản vật của vùng quê bán sơn địa này. Tương truyền, lúc Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, phải trốn lên thượng nguồn Ô Gia, lương thảo cạn kiệt, may có loại trái cây ăn rất ngon ngọt đã cứu giúp qua cơn hoạn nạn. Sau này, khi lên ngôi vua lấy niên hiệu Gia Long, Nguyễn Ánh ban cho loại trái cây rừng đã cứu mình thuở hàn vi là Nam trân - có nghĩa là trái quý ở phương Nam. Hiện, trên trái lòn bon vẫn còn in dấu tay Nguyễn Ánh bấm lựa trái lòn bon.

Hiện, lòn bon đã trở thành một trong những loại cây trồng chính của nông dân Tiên Phước. Hằng năm, cứ vào cuối thu lòn bon lại được bày bán khắp nơi trên địa bàn huyện, cũng như các tỉnh thành lân cận như Đà Nẵng, Quảng Ngãi… Trái lòn bon không những thơm ngon mà còn chứa nhiều chất đạm, chất xơ, và vitamin A  B1, B2, B3, C và các khoáng tố. Vỏ và hạt lòn bon còn được dùng làm thuốc hạ sốt, diệt ký sinh trùng đường ruột, ký sinh trùng sốt rét, trị tiêu chảy, kiết lỵ… Theo số liệu thống kê mới nhất, toàn huyện có 350ha lòn bon, trong đó có 200ha đã cho thu hoạch. Mỗi năm, sản lượng lòn bon Tiên Phước đạt 800 - 1.200 tấn, năm được mùa thu hoạch trên 1.500 tấn, tính ra đem lại nguồn thu hơn 20 tỷ đồng. Mới đây, huyện đã xây dựng Đề án “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái, xây dựng Tiên Phước thành vùng đặc trưng của trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025” đã được UBND tỉnh đồng ý về chủ trương.  Theo đó, lòn bon được ưu tiên đầu tư phát triển và nhân rộng nhằm tạo ra những khu vườn quê xanh, sạch đẹp, hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế, du lịch sinh thái.

Thanh trà Trà Khân

Thanh trà là loại cây ăn quả đặc sản của xứ Tiên. Đặc biệt do thích hợp với thổ nhưỡng và khí hậu Trà Khân (xã Tiên Hiệp) nên cây thanh trà trồng ở vùng quê này có hương vị ngon ngọt đặc biệt và được thị trường ưa chuộng hơn cả. Cây thanh trà dễ trồng, thích nghi với vùng gò đồi, chịu nắng, ít bị sâu hại và ít mất mùa so với các loại cây ăn quả khác. Nhánh thanh trà sau khi chiết khỏi cây mẹ đem trồng khoảng 3 - 4 năm bắt đầu cho quả. Trong điều kiện chăm sóc tốt và thời tiết thuận lợi một cây thanh trà sẽ cho khoảng 300 - 350 quả. Quả thanh trà Trà Khân có vị thanh ngọt, tép màu trắng ngà, ráo nước. Trong điều kiện bảo quản tốt, quả thanh trà có thể để trong vòng một tháng mà không làm suy giảm chất lượng dinh dưỡng.

Cây thanh trà bắt đầu ra hoa vào tháng giêng, đến tháng 7 âm lịch quả bắt đầu chín. Tuy nhiên, khoảng đầu tháng 8 âm lịch là thời điểm thanh trà chín rộ, đúng độ ngon nhất của thanh trà. Lúc còn non thanh trà có màu xanh, khi chín chuyển dần sang màu vàng, mỗi quả nặng khoảng bảy lạng đến một cân. Theo các nhà nghiên cứu, quả thanh trà không độc, tính mát, có tác dụng trị ho, giải rượu, giúp phòng chống bệnh tiểu đường và cao huyết áp. Vỏ ngoài chứa tinh dầu, vị cay, đắng, tính ấm, có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa và trị cảm cúm. Nhiều người còn dùng vỏ ngoài quả thanh trà nấu với các loại cây thảo mộc để tắm, gội đầu làm tóc mềm mại...

Ngoài việc sử dụng như một loại trái cây, thanh trà còn được sử dụng để chế biến thành nhiều món ăn đặc sản như gỏi thanh trà với ong non vò vẽ, nhộng tằm, vừa ngon miệng vừa giải nhiệt cơ thể. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện, mỗi vụ huyện thu hoạch được khoảng 220 tấn quả thanh trà, ước tính thu về hơn 3 tỷ đồng. Riêng xã Tiên Hiệp có khoảng 80ha với khoảng 15 nghìn cây thanh trà, trong đó có hơn 10 nghìn cây cho quả, mỗi năm thu về gần 1,5 tỷ đồng.

                          Phạm Hoàng - Nguyễn Hưng, Báo Quảng Nam