Quay lại ngôi làng từng xảy ra vụ thảm sát chấn động dư luận
Về địa phương, hỏi cái tên Lê Văn Lâm (SN 1983, thôn 5, Tiên Hiệp, Tiên Phước, Quảng Nam) ngay lập tức sẽ được nghe về một thảm án kinh hoàng cách đây 5 năm. Thế nhưng, tại sao lại xảy ra thảm án và hậu quả để lại đến bây giờ ra sao, nhiều người còn chưa biết...
Ký ức kinh hoàng
Sau 5 năm, chúng tôi lại tìm về ngôi làng giữa núi rừng xanh ngát. Phong cảnh vẫn hữu tình như ngày nào nhưng yên ắng, vắng vẻ. Những nạn nhân ngày xưa, người đã mất vì vết thương do kẻ sát nhân gây ra, người không chịu đựng được nỗi đau quá lớn phải tự kết liễu đời mình, nhiều người bị ám ảnh bởi thảm án nên bỏ làng ra đi...
Nhà đầu tiên chúng tôi đến là nhà chị Trần Thị Sáu (SN 1967), người bị Lâm chém trọng thương ngày 19/11/2007. Bà Phạm Thị Bổn (SN 1935), mẹ chồng của chị Sáu kể rằng, khi thấy Lâm và cha cãi vã nhau, dân làng biết là có chuyện chẳng lành nhưng nghĩ rằng, có qua can ngăn cũng sẽ không giải quyết được mà còn bị vạ lây, nên không ai dám sang. Chừng một lúc sau, thấy Lâm cầm dao chém chết em ngay hiên nhà rồi đuổi theo cha ra ngoài ruộng và tiếp tục chém chết thì mọi người dân trong thôn cùng hô hoán nhau bỏ chạy vào rừng.
Chị Sáu cứ nghĩ rằng mình là phận đàn bà thì Lâm sẽ không ra tay. Ai ngờ, khi nhìn thấy chị Sáu đang quét sân, Lâm như con thú say mồi, vung dao. Phản xạ tự nhiên, chị Sáu giơ tay ôm đầu. Kết cục, nhát dao của tên sát thủ cướp đi của chị Sáu nguyên bàn tay trái, ba ngón tay phải và một vết thương sâu trên đầu. Bấy giờ, bà Bổn đứng nấp trong bụi cây cách đó chừng 5m, tận mắt nhìn thấy cảnh Lâm chém con dâu mình nhưng quá sợ hãi mà bà không thốt nên lời. Vả lại, nếu lúc đó để Lâm phát hiện, không những không cứu được con dâu mà bà cũng sẽ bị tên sát thủ chém chết.
Ngay sau khi tên Lâm bị bắt, dân làng đưa chị Sáu vào Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Vì vết thương quá nặng, chị Sáu được chuyển ra Bệnh viện Đà Nẵng. Nhưng chị cũng chỉ sống thêm 10 tháng nữa thì ra đi vĩnh viễn. Mất vợ, anh Cao Văn Lanh (SN 1963) như cái cây bị chặt đứt gốc. Đàn con 6 đứa trong phút chốc thành mồ côi mẹ, trong đó, đứa út mới vừa tròn một tuổi. Từ khi chị Sáu mất đi, gia đình rơi vào hoàn cảnh túng bấn. Ngôi nhà của anh chị giờ đây trống hoác và không còn tài sản nào đáng giá. Bao nhiêu tiền của đã chữa chạy cho chị Sáu. Đã thế, mất đi một người lao động chính, kinh tế càng kiệt quệ. Buồn đau, thêm vào bệnh tật, anh Lanh như người chờ chết. Căn bệnh lao phổi kèm lao hồi manh tràng đã làm anh bị tắc ruột. Nhìn dáng người nhỏ thó, xanh xao mang hậu môn giả bên hông, khách đến thăm khó có thể kìm được lòng.
Kể đến nạn nhân thứ hai, không ai có thể cầm được nước mắt. Nỗi đau này thật sự quá lớn, tên sát nhân cướp mất mạng của bà Trần Thị Tuấn (SN 1932), là bà nội thím của hắn, trong khi bà đang ngồi giặt quần áo bên giếng. Người đàn bà tội nghiệp, tảo tần chưa kịp thực hiện xong công việc của mình, cũng chưa kịp hiểu chuyện gì thì đã bị hắn dùng dao chém chết ngay tại chỗ. Chồng của bà, sau đó vì đã quá đau buồn mà thắt cổ tự vẫn. Khi chúng tôi đến, ngôi nhà đóng cửa. Chỉ vào khoảng tối bên trong nhà, mọi người bảo, 6 năm trước, họ là cặp vợ chồng hạnh phúc, còn chuyện trò, chăm sóc cho nhau...
Chúng tôi tìm về thị trấn Tiên Kỳ để gặp Nguyễn Thị Bích Hồng (SN 1987), vợ của tên sát thủ. Có thể nói, đây là người đau khổ nhất. Ngoài nỗi đau mất chồng, người đàn bà này còn chịu một nỗi đau mặc cảm, tội lỗi do chồng mình gây ra. Nào ngờ khi đến nhà chị mới biết được chị đã mất cách đây hơn 2 năm. Bà Nguyễn Thị Sửu (SN 1958) nghe chúng tôi hỏi thăm, không kìm được lòng, khóc tức tưởi. Từ lúc lên 6 tuổi, bà đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Bà lớn lên leo lắt, nay ở người này, mai ở người khác. Ngày kết hôn, tưởng đâu bà có một gia đình hạnh phúc. Thế nhưng người chồng bà hết mực thương yêu lại bỏ bà ra đi theo nhân tình, để lại cho bà tài sản duy nhất là đứa con gái nhỏ. Bà lại sống một mình, tự bươn chải như sinh ra bà đã vậy.
Khám nghiệm tử thi ông Lê Minh
Khi Hồng kết hôn với Lê Văn Lâm, bà cầu mong cho cô con gái duy nhất và cũng là người thân duy nhất trên đời của mình được ấm yên. Nào ngờ đâu, tên con rể máu lạnh đã giáng cho mẹ con bà một vết thương nhức nhối. Hôm đó, khi thấy cha chồng và chồng gây gổ nhau, đang rửa chén bát, Hồng chạy vào can ngăn chồng. Tên Lâm không những không nghe lời vợ mà còn xô Hồng khiến chị trật khớp và bị động thai. Chứng kiến chồng giết cha, giết em, giết bà, giết hàng xóm, Hồng gần như điên loạn.
Bà Sửu phải đưa con gái về bên nhà bà. 7 tháng sau Hồng sinh cô con gái thứ hai. Đứa con sau này, Hồng lấy họ mình, hòng mong cắt đứt nguồn gốc của kẻ sát nhân ra khỏi đời con gái. Hồng cũng dự tính đổi họ cho đứa con đầu nhưng chưa kịp làm thì cô đã về thế giới bên kia. Dù hận chồng hành động vô nhân tính, nhưng một ngày cũng nghĩa vợ chồng, nên Hồng vẫn hương khói cho Lê Văn Lâm. Ngày 24/8/2010, vừa thắp hương trên mộ chồng xong, quay về chưa được 1 km, Hồng bị tai nạn giao thông chết ngay tại chỗ. Khi chúng tôi đến, 2 đứa con Hồng, đứa lớn 7 tuổi, đứa nhỏ 4 tuổi đang bi bô cười đùa. Chúng vẫn nghĩ cha mẹ đi đâu đó chưa về, mà chưa thấm nỗi đau do người cha tàn độc gây ra và nỗi buồn tủi phải mồ côi mẹ...
Hỏi thăm qua nhiều người, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được nhà anh Lê Hòe (SN 1962), là người tên sát thủ gọi bằng chú. Hôm ấy, khi thấy bên nhà Lâm có chuyện, anh Hòe chạy sang xem sao. Anh Hòe chưa kịp hiểu việc gì, chưa kịp có câu gì thì Lâm đã vung dao lên. Sợ quá, anh Hòe chạy vào rừng vừa trốn vừa tìm đường đến báo chính quyền xã. Lâm chạy theo nhưng anh Hòe chạy nhanh nên Lâm không đuổi kịp, và quay trở ra. Khi quay trở ra thì Lâm bắt gặp mẹ anh Hòe là bà Trần Thị Tuấn và cướp mạng của người đàn bà này.
Ngay sau chôn cất mẹ xong, vợ chồng anh Hòe chuyển nhà đi nơi khác. Mặc dù ở Tiên Hiệp có ruộng, có rẫy, có trâu bò, nhưng anh chị bỏ tất cả, dắt díu con cái về Tiên Kỳ làm thuê sinh sống. Sau vợ chồng anh Hòe, ba gia đình khác cũng bỏ làng ra đi...
Giải mã tội phạm
Vụ án đã lùi vào quá khứ 5 năm nhưng nỗi đau vẫn còn hiện hữu trên gương mặt của những người còn sống và nỗi lo sợ vẫn chưa thể nguôi ngoai. Qua tìm hiểu được biết, vợ chồng ông Lê Minh và bà Phan Thị Toản (SN 1952) có 7 người con, 4 trai và 3 gái. Các cô con gái thì hiền lành, riêng 4 người con trai là những người có "số má" tại địa phương. Những đứa con của ông Lê Minh lớn lên như con thú hoang trong rừng, không có sự giáo dục của gia đình cũng như của nhà trường, vì hầu hết chúng không đến lớp. Riêng Lê Văn Lâm hoàn toàn không biết chữ. Chửi tục, đánh nhau đã ngấm vào máu thịt anh em Lâm từ thuở lên ba. Đã thế, cứ mỗi lần các cậu quý tử này gây gổ hay đánh nhau với trẻ con trong làng, thay vì can ngăn, dạy bảo thì vợ chồng ông Lê Minh lại xúi con "đánh thêm cho chết". Thế là, hễ có chuyện gì bực mình, chúng lại hạ cẳng tay, thượng cẳng chân với người khác. Có một lần trong đám giỗ gia tộc, vì bực mình, Lâm còn hất tung bát cơm ông nội chú của hắn đang ăn. Già chẳng kính, mà trẻ chúng cũng chẳng nhường. Trong gia đình Lâm, việc cha mẹ, anh em, cha con cầm dao rựa đuổi đánh nhau là chuyện thường ngày.
Ngoài tính côn đồ sẵn có trong người, những gã đàn ông trong gia đình này lại còn mê cờ bạc và ham rượu chè. Ngay sự kiện thôi nôi (sinh nhật một tuổi) đứa con gái của Lâm thôi cũng đã tổ chức uống rượu từ ngày hôm trước cho đến ngày hôm sau. Nhận thức thấp vì không được giáo dục, bản tính hung hăng, côn đồ, cộng thêm men rượu, tên Lâm đã ra tay tước đoạt mạng sống của 4 người, mà toàn là những người ruột thịt của mình.
Khi ông Lê Minh, Lê Văn Lâm và Lê Văn Đức mất rồi, đáng ra những người còn sống phải lấy đó là bài học cho mình. Nhưng, hai người con trai còn lại vẫn thường xuyên cầm dao đuổi đánh mẹ chạy lên núi.
Sau khi vụ án xảy ra, Tòa án đã tuyên tên Lê Văn Lâm với hình phạt cao nhất là tử hình và buộc gia đình Lâm phải bồi thường tổn thất tinh thần và tiền mai táng cho gia đình các nạn nhân. Thế nhưng gia đình chị Trần Thị Sáu chỉ nhận được 12 triệu đồng tiền viện phí chữa bệnh cho chị Sáu. Còn gia đình bà Trần Thị Tuấn thì không nhận được một khoản tiền nào, kể cả một lời xin lỗi hay một nén nhang từ bà Phan Thị Toản. Dù biết mình thiệt thòi, nhưng gia đình các nạn nhân đều im lặng, bởi họ sợ tai họa lại xảy ra với mình...
Gia đình là môi trường văn hóa đầu tiên mà mỗi cá nhân tiếp nhận. Có nhiều người cứ quan niệm rằng "cha mẹ sinh con, trời sinh tính" mà quên mất, "tính" ấy được hình thành từ nền tảng gia đình, từ sự giáo dục và quản lý con ngay từ thơ ấu.
Theo Cảnh Sát Toàn Cầu
Gia cảnh khó khăn của người chồng có vợ bị thảm sát ở Tiên Hiệp