www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

"Quan tòa" ở xóm

 Công tác hòa giải ở cơ sở (HGCS) góp phần quan trọng trong việc giải quyết mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống hằng ngày ở các khu dân cư. Những người làm công tác HGCS thường có uy tín, được nhân dân tin tưởng...

           Chuyện bụi tre, con đường

       Để con đường liên xóm nối tổ 1, tổ 2 của thôn 4 (xã Tiên Phong, Tiên Phước) được rộng rãi, thông thoáng như bây giờ, tổ hòa giải thôn 4 đã bao lần vất vả thuyết phục người dân nhường đất. Hơn 1 năm trước con đường này rất hẹp, chỉ vừa chiếc xe máy chạy qua. Từ khi có chủ trương mở rộng đường nông thôn, nhiều gia đình đã sẵn lòng nhường bớt phần đất vườn, đất ruộng. Nhưng một vài gia đình, trong đó có ông Võ Văn Hùng không nhường đất vì vườn nhà quá nhỏ. Trước khi làm đường, ông Hùng đã hiến hẳn đám ruộng cho xã làm cầu bắc qua suối, lần này nếu nhường đất nữa thì ông... tiếc. Do đó, đường qua nhà ông vẫn bị ách tắc. Tổ hòa giải biết bao lần lui tới phân tích thiệt hơn, phải trái để vợ chồng ông hiểu. Cuối cùng, với sự nhiệt tâm của những người làm công tác hòa giải của thôn, vợ chồng ông hiểu ra, thấy được lợi ích của việc mở rộng đường nên đồng ý. Ông Hùng nói: “Nhờ mấy chú, mấy anh trong tổ hòa giải của thôn khuyên răn, tôi hiểu ra và nhường đất làm đường. Giờ thì đường đi rộng rãi rồi, tôi chở hàng hóa cũng dễ hơn, thấy con đường đẹp hơn, bà con đi lại thuận tiện hơn tôi cũng mừng vì mình đã kịp làm đúng”.

Vai trò của các tổ HGCS là rất quan trọng, nhưng trong thực tế chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ làm công tác này chưa được quan tâm đúng mức. Theo quy định, trước đây mỗi vụ hòa giải thành công, tổ HGCS nhận được từ 50 - 100 nghìn đồng thù lao, nay tăng lên 150 nghìn đồng. Nhưng một vụ hòa giải thành phải mất đến vài tháng là chuyện thường, có nơi ngân sách khó khăn thì số tiền này cũng không được cấp. Vậy nhưng HGCS vẫn diễn ra hằng ngày ở các khu dân cư, mang lại bình yên cho xóm làng nhờ tinh thần tự nguyện của những người làm công tác này.

       Ở tổ 6 (thôn 3, xã Tiên Phong, Tiên Phước), bà con luôn nhớ chuyện “cái bụi tre”, vì nó suýt làm mất tình làng nghĩa xóm nếu không có vai trò của những người làm công tác HGCS. Gia đình ông Võ Tụng có đến 3 bụi tre nhưng cho ông Đoàn Văn Nghiêu phá 2 bụi để làm lối đi vô nhà. Một hôm, cha con ông Nghiêu không nói một lời, phá nốt bụi tre còn lại để mở rộng đường vô nhà. Ông Tụng tức, sang hỏi sao không nói với chủ mà đã phá bụi tre. Cha con ông Nghiêu không những không phân giải mà còn thách thức, thế là lời qua tiếng lại, suýt dẫn đến ẩu đả nếu không có sự vào cuộc của tổ HGCS. Ông Hồ Vĩnh Phước - Trưởng ban công tác Mặt trận thôn 3 cho biết: “Khi hay chuyện, không để sự việc đi quá mức, chúng tôi mời 2 gia đình lên nhà sinh hoạt thôn làm việc. Do đã tìm hiểu nắm kỹ vụ việc, tổ hòa giải phân tích với hai bên gia đình. Nghe xong, con ông Nghiêu thấy được cái sai và đã đứng lên xin lỗi gia đình ông Tụng ngay tại chỗ. Còn ông Tụng thì sẵn lòng đồng ý cho luôn bụi tre để ông Nghiêu mở rộng đường đi”. Sau đó, con ông Nghiêu cũng đã sang nhà ông Tụng xin lỗi, nhờ đó mà tình làng nghĩa xóm không bị sứt mẻ.

 

Con đường liên xóm ở thôn 4 (xã Tiên Phong, Tiên Phước) được mở rộng nhờ tác động của tổ hòa giải cơ sở.

 

           Vai trò quan trọng

      Toàn tỉnh hiện có gần 2 nghìn tổ HGCS với gần 10 nghìn hòa giải viên ở các thôn bản, khối phố. Ông Đặng Văn Đào - Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: “Các tổ HGCS trên địa bàn tỉnh đến nay đã tương đối ổn định về mặt tổ chức, hoạt động đi vào nền nếp. Mô hình hoạt động chủ yếu mang tính tự quản, tự nguyện nên rất đa dạng, phong phú, tùy thuộc vào thực tiễn ở cộng đồng dân cư. Nhiều vụ việc được hòa giải thành công đã cho thấy vai trò rất lớn của tổ HGCS. Sự thành công đó phụ thuộc rất lớn vào uy tín của các hòa giải viên”. Cũng theo ông Đào, hoạt động hòa giải đã góp phần tích cực vào việc hóa giải mâu thuẫn, tranh chấp, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội tại các khu dân cư. Đồng thời, qua đó tình làng nghĩa xóm giữ được sự bền chặt, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương trợ trong nhân dân.

      Từ năm 2005 - 2011, tổng số vụ việc tiếp nhận hòa giải trong toàn tỉnh là 37.966 vụ, trong đó hòa giải thành công 32.952 vụ. Con số này cho thấy liên tục có vụ việc mâu thuẫn xảy ra trong đời sống hằng ngày. Những mâu thuẫn có thể từ tranh chấp lối đi, cái cây, hoặc vì con gà, con vịt, hay những lời qua tiếng lại trong cuộc sống hôn nhân gia đình... Mâu thuẫn nhỏ tích tụ lâu ngày, khi bùng phát trở thành chuyện lớn. Nếu không có những người làm công tác HGCS can thiệp nhanh, kịp thời thì khó hình dung mâu thuẫn sẽ dẫn đến hậu quả như thế nào.

         Những hòa giải viên như những vị quan tòa ở xóm, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nên phải có cái tâm vì cộng đồng mới làm được. Ngoài cái tâm, tinh thần tự nguyện, họ phải là người có uy tín, nói sao cho người dân nghe. “Là người nhiều năm hoạt động HGCS, tôi thấy ở dưới thôn, xóm mà nói lý suông là không được. Trong cái lý phải có cái tình, phải đặt tình làng nghĩa xóm lên trên trong mỗi vụ hòa giải, để mỗi người thấy được lợi ích thiết thực của mình sao cho hài hòa với lợi ích của cả xóm, cả thôn” - ông Hồ Vĩnh Phước chia sẻ.

                                                                                         Diễm Lệ - Báo Quảng Nam