Phùng Văn Thới cố ý hay vô ý gây thương tích cho người khác?
Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Nam là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tư pháp Quảng Nam, có chức năng tham gia tố tụng trong các vụ án (hình sự, dân sự, hành chính ...) để cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho các đối tượng theo Luật trợ giúp pháp lý. Trong những năm qua Trung tâm đã cử Trợ giúp viên pháp lý của mình tham gia hàng trăm vụ việc để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho rất nhiều đối tượng thuộc phạm vi trách nhiệm của mình. Trong đó có nhiều vụ việc để lại dấu ấn đậm nét về tinh thần vô tư và trách nhiệm đến cùng của người Trợ giúp viên pháp lý dành cho đối tượng phục vụ của mình. Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu cùng quý bạn đọc bài viết của bạn Lê Hằng Vân về một trong nhiều vụ việc như vậy.
1. Việc quy kết tội danh của cơ quan tiến hành tố tụng
Theo Bản án số 02/2019/HSST ngày 22/02/2019 của Tòa án Nhân dân huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam), thì Phùng Văn Thới (tên gọi khác là Út, SN 1983, cư trú thôn 9, xã Tiên lãnh, huyện Tiên Phước) bị kết án 5 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”, theo điểm c khoản 3 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.
Cũng theo Bản án nêu trên, Phùng Văn Thới bị Tòa án cấp sơ thẩm quy kết việc thực hiện hành vi phạm tội như sau: Vào trưa ngày 07/6/2018, Phùng Văn Thới mượn xe máy của Võ Tấn Thuật (cư trú cùng thôn với Thới) để đi dự tiệc về nhà mới tại thôn 6 xã Tiên Lãnh. Nhưng do Thới về quá trễ khiến Thuật không có xe sử dụng trong lúc lo vợ sắp sinh, nên đến 16h, Thuật gọi điện cho Thới yêu cầu đem xe về và có nói nặng lời. Sau đó, giữa Phùng Văn Thới và Võ Tấn Thuật có sự cãi vả với nhau tại nhà Phùng Văn Thới.
Do bực tức nên Phùng Văn Thới cầm rựa đến nhà Võ Tấn Thuật với mục đích tìm Thuật để đánh. Nhưng khi đến nhà Thuật, Thới không tìm thấy Thuật mà chỉ gặp chị Nguyễn Thị Nhị và cháu Võ Tấn Phát là vợ và con của Thuật ở nhà. Khi nghe chị Nguyễn Thị Nhị nói: “Cậu chặt người mà không sợ đi tù hả?” thì Phùng Văn Thới bực tức nên ném con rựa về phía chị Nhị (đang mang thai khoảng 38 tuần), gây thương tích cho chị này với tỉ lệ thương tích được xác định là 35%.
Thế nhưng, trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa ngày 22/2/2019, Phùng Văn Thới vẫn một mực kiên quyết không thừa nhận hành vi ném trực tiếp con rựa về phía người bị hại (chị Nguyễn Thị Nhị) mà chỉ khai là do quá bực tức nên đã ném mạnh con rựa lên đầu tường xi măng mái hiên bên trái (trong nhìn ra) khiến con rựa bật trở ra và không may rơi trúng vào bụng của chị Nguyễn Thị Nhị đang mang bầu và gây ra thương tích.
Qua diễn biến vụ án như trên, cho thấy có một tình tiết rất quan trọng bị nhìn nhận trái ngược nhau giữa một bên là các cơ quan chấp pháp (Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án Nhân dân huyện Tiên Phước), đều xác định rằng Phùng Văn Thới ném trực tiếp con rựa vào người bị hại (sau đó con rựa mới thối ra trúng vào tường nhà bên trái (trong nhìn ra), gây ra dấu vết trầy xướt trên tường); với một bên là bị cáo Phùng Văn Thới, một mực cho rằng mình không ném con rựa về phía bị hại mà chỉ ném lên tường xi măng (không may con rựa bay thối ra trúng vào bụng của bị hại và gây thương tích).
Chúng tôi cho rằng cần phải làm rõ đâu là sự thật khách quan của tình tiết nêu trên, bởi đây là tình tiết mang tính mấu chốt để xác định đúng tội danh và mức hình phạt dành cho bị cáo.
2. Đâu là sự thật?
Là người bào chữa cho bị cáo theo Luật Trợ giúp pháp lý, chúng tôi đã thâm nhập nghiên cứu hồ sơ, gặp bị cáo, người bị hại và các nhân chứng có liên quan trong vụ án này thì thấy rằng:
a) Về phía các cơ quan tiến hành tố tụng: Để củng cố cho việc quy kết Phùng Văn Thới đã trực tiếp ném con rựa vào chị Nguyễn Thị Nhị, Cơ quan Điều tra đã tiến hành thực nghiệm điều tra theo hướng tổ chức cho Phùng Văn Thới cầm con rựa có kích thước tương đương với con rựa đã gây án và ném 07 lần vào vị trí (được khoanh vòng nhỏ), mà Thới khai là đã ném vào đó, để xem Thới ném có trúng hay không. Do cả 7 lần Thới ném đều không trúng, nên Cơ quan Điều tra cho rằng lời khai của Thới là không đúng, từ đó đi đến kết luận là Thới đã trực tiếp ném con rựa vào chị Nguyễn Thị Nhị, gây thương tích.
Với việc tổ chức “thực nghiệm điều tra” mang tính võ đoán như vậy, chúng tôi cho là “có vấn đề”, dẫn đến chệch hướng trong kết quả điều tra sau này, bởi:
Thứ nhất, về mục đích của việc thực nghiệm điều tra trong trường hợp của vụ án này là để đánh giá xem con rựa bị ném mạnh vào tường, có khả năng bật trở ra và có thể gây thương tích cho người khác hay không; chứ không phải là để kiểm tra lại khả năng ném rựa của bị cáo có đúng vị trí cũ hay không? Như vậy, cũng có thể nói việc bị cáo ném rựa có đúng vị trí cũ hay không là không quan trọng, mà điều quan trọng chính là con rựa sau khi bị ném vào tường, nó có khả năng bật trở ra xa đến vị trí mà người bị hại trước đó đã đứng hay không?
Thứ hai, đối với cơ thể con người là vật mềm, có tính đàn hồi thấp. Bởi vậy, nếu ném mạnh con rựa vào cơ thể người thì liệu nó có khả năng bị bật ra mạnh đến mức văng lên và gây ra vết trầy xướt trên tường bê tông hay không? Tại sao Cơ quan Điều tra không tiến hành thực nghiệm điều tra theo hướng này; bằng cách có thể cho ném con rựa vào một số vật khác có đặc tính tương đương cơ thể người, như một bao trấu, một bao cát, hay tốt hơn là một bao đựng thịt chẳng hạn, để xem khả năng bật dội của con rựa như thế nào? Thiết nghĩ, chẳng cần phải thực nghiệm điều tra, một người bình thường cũng rất khó để hình dung rằng, một con rựa đem ném thẳng vào vùng bụng một người đang đứng dưới mặt đất mà lại có thể bật ngược lên và gây ra dấu vết trầy xướt tường nhà được.
Qua việc tổ chức “thực nghiệm điều tra” một cách võ đoán như vậy cùng với cách suy luận thiếu logic của kết luận điều tra, nhưng không hiểu vì sao Tòa án lại coi đó là “cơ sở pháp lý” để khẳng định Phùng Văn Thới đã cầm rựa ném thẳng vào người bị hại Nguyễn Thị Nhị?
b) Về phía Trợ giúp viên pháp lý:
Trước hết chúng tôi thấy rằng hành vi gây thương tích của Phùng Văn Thới đối với chị Nguyễn Thị Nhị là hành vi thuộc trường hợp vô ý, bởi các lý lẽ sau:
Một là, theo lời khai đầu tiên của bị hại Nguyễn Thị Nhị với Cơ quan Điều tra Công an huyện Tiên Phước tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam thì chị Nhị khai bị người khác ném con rựa vào cửa dội lại trúng vào bụng của chị gây thương tích (BL: 34). Lời khai này phù hợp với lời kể của chị Nguyễn Thị Nhị trước đó (trong khoảng thời gian chờ xe đưa đi cấp cứu), cho nhiều người địa phương cùng nghe gồm anh Ngô Văn Tập, chị Ngô Thị Kim Cúc, anh Lưu Hoàng Dũng và anh Lưu Hoàng Duy, rằng: “Em bị ông Út (Phùng Văn Thới) dùng con rựa ném vào tường làm con rựa bay ra trúng vào bụng em ri đây” (BL: 253, 254, 255). Ngoài ra, còn có lời xác nhận của một nhân chứng đặc biệt, đó là bà Nguyễn Thị Thủy mẹ chồng của người bị hại Nguyễn Thị Nhị, khẳng định lời kể của bị hại cho mọi người nghe lúc ban đầu trong khi chờ xe cấp cứu là đúng. Rõ ràng đây lời khai có độ khách quan cao và có cơ sở đáng để tin cậy.
Hai là, bị cáo Phùng Văn Thới từ khi bắt đầu làm việc với Cơ quan Điều tra cho đến tại phiên tòa sơ thẩm đều chỉ một lời khai là Thới cầm con rựa trên tay phải đưa ra sau rồi ném mạnh về hướng mái hiên bên trái, sau đó bật ra trúng vào phần bụng của Nhị, rồi rơi xuống đất…
Ba là, trở lại vấn đề thực nghiệm điều tra. Tuy thấy cách tiến hành của Cơ quan Điều tra có tính võ đoán, nhưng chúng tôi cũng đã yêu cầu thực nghiệm bổ sung theo cách đã làm trước đó, thì trong 3 lần ném, bị cáo đã ném trúng 01 lần vào vị trí xác định; và cả 3 lần ném vào các vị trí khác nhau, con rựa đều văng ra 02 lần về phía nền hiên nhà gần chỗ hình nộm để sẵn (BL 265, 266).
Qua những phân tích như trên, có thể đưa ra nhận định khách quan là trong lúc nóng giận, Phùng Văn Thới cầm rựa đi tìm Võ Tấn Thuật để đánh, nhưng không tìm thấy Thuật nên Thới đã ném mạnh con rựa lên tường nhà (trước) cho hả giận, nhưng không may con rựa bật ra trúng vào bụng của bị hại (sau) và gây nên thương tích. Có thể nói, khi hành động tuy Thới không thấy trước hành vi ném con rựa của mình có thể gây ra hậu quả thương tích cho chị Nguyễn Thị Nhị, mặc dù anh ta buộc phải thấy trước hậu quả đó.
3. Phùng Văn Thới phạm tội với lỗi cố ý hay vô ý?
Theo hồ sơ vụ án cho thấy mục đích của Phùng Văn Thới là đi tìm Võ Tấn thuật để đánh với động cơ nhằm thỏa mãn cơn bực tức cao độ đối với Thuật. Còn đối với bị hại Nguyễn Thị Nhị, thì bị cáo Phùng Văn Thới khi đối diện hoàn toàn không có biểu hiện bực tức nào cả. Qua diễn biến vụ việc, khi vào nhà bị hại Nguyễn Thị Nhị, Thới đã thấy chị Nhị đứng ở trước hiên nhà, nhưng Thới không có hành động gì và chỉ đi vào bên trong nhà để tìm Thuật. Rồi sau đó trở ra, do không tìm thấy Thuật, nên Thới đã trút cơn giận bằng cú ném mạnh rựa lên tường, sau đó con rựa bật ra văng trúng bụng chị Nguyễn Thị Nhị. Diễn biến này hoàn toàn phù hợp với lời khai ban đầu của người bị hại, lời khai của các nhân chứng và chính kết quả thực nghiệm điều tra bổ sung do Cơ quan Điều tra tiến hành. Rõ ràng đây là hành vi vô ý của Phùng Văn Thới (do cẩu thả mà không thấy trước hậu quả có thể xảy ra) đã gây ra thương tích đối với chị Nguyễn Thị Nhị (mà lẽ ra Thới phải thấy trước được hậu quả này).
Cũng cần nói thêm, trong các lời khai sau này của bị hại Nguyễn Thị Nhị với Cơ quan Điều tra và cả biên bản đối chất điều tra bổ sung ngày 24/12/2018, bị hại đều khai là “Thới đứng đối diện, ném thẳng rựa vào bụng của chị”. Điều gì sẽ xảy ra nếu lời khai này là đúng? Với khoảng cách chỉ có 5 mét, nếu Thới ném thẳng con rựa vào bụng của người bị hại thì chắc chắn sẽ không chỉ là gây thương tích, mà có thể gây hậu quả chết người ngay tức khắc. Điều rất phi lý trong nhận định của Bản án là ở chỗ, với cú ném con rựa mạnh như vậy mà vùng bụng của bị hại chỉ bị rách da bên ngoài, còn con rựa sau đó lại bật lên cao gây ra dấu vết trầy xướt trên tường xi măng!? Về tỉ lệ thương tích, trong tổng cộng tỉ lệ thương tích 35% của bị hại thì phần thương tích ban đầu do Thới vô ý gây ra là 5%, còn 30% còn lại là do kết quả mổ lấy thai nhi ra ngoài. Như vậy, nếu bị hại không thuộc trường hợp đang mang thai thì thương tích chỉ có thể ở mức 5%.
Nhận định về lỗi của bị cáo, Bản án sơ thẩm cho rằng Thới phạm tội do lỗi cố ý gián tiếp. Đây là một nhận định hoàn toàn không chính xác. Bởi vì một khi đã quy kết rằng bị cáo đứng đối diện và ném con rựa trực tiếp vào bị hại, thì không thể nói là gián tiếp được.
Từ những tài liệu, chứng cứ, lời khai, thực nghiệm điều tra đều cho thấy lời khai của Phùng Văn Thới là phù hợp với thực tế khách quan của vụ án, thể hiện hành vi của bị cáo là vô ý gây thương tích. Tội phạm và hình phạt dành cho Phùng Văn Thới cần được áp dụng theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự 2015 (SĐBS năm 2017).
4. Đôi điều muốn nói:
Bản án số 02/2019/HS-ST ngày 22/02/2019 của TAND huyện Tiên Phước đã tuyên Phùng Văn Thới tội cố ý gây thương tích theo điểm c khoản 3 Điều 134 của BLHS với mức án là 5 năm tù (mức hình phạt thấp nhất của khung này).
Tuy nhiên, theo chúng tôi, nếu vụ án đã được điều tra, đánh giá, xem xét một cách khách quan thì Phùng Văn Thới chỉ có thể bị kết tội vô ý gây thương tích. Và theo đó, mức hình phạt dành cho Phùng Văn Thới đối với tội này (khoản 1 Điều 138 của BLHS 2015), chỉ là cảnh cáo và nếu cao nhất cũng chỉ phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Rõ ràng có sự khác biệt quá lớn khi so sánh hai trường hợp trên với nhau. Quan trọng hơn là nhiều khả năng cho thấy bị cáo đang bị án oan do bị quy kết sai tội danh. Hiện bị cáo đang chống án kêu oan, chờ TAND tỉnh Quảng Nam xét xử phúc thẩm. Mong rằng, cấp phúc thẩm sẽ xem xét đánh giá một cách thấu đáo và toàn diện các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, để đưa ra một phán quyết khách quan đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đảm bảo công bằng cho bị cáo.
Lê Hằng Vân - Trung Tâm TGPL Quảng Nam