Nông thôn mới từ một thế kỷ trước
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) ở nước ta mới chỉ được triển khai thực hiện trong khoảng 5 năm gần đây. Nhưng hơn trăm năm trước, tư tưởng xây dựng NTM đã xuất hiện trên xứ Quảng. Có thể đúc kết nhiều bài học quý giá khi so chiếu giá trị từng có trong lịch sử với thời hiện đại.
“Nông thôn mới” phiên bản Lê Cơ
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân trong tác phẩm “Phong trào Duy tân” từng so sánh: “Nếu Phan Châu Trinh là bộ não thì Lê Cơ là cánh tay”. Thật vậy, dù mới học tới trường Ba nhưng Lê Cơ đã có một tư duy thực hành Duy tân xuất sắc áp dụng vào nông thôn, nông nghiệp khiến bất cứ làng quê nào lúc đó cũng phải khao khát có được người lãnh đạo như ông.
Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng nếu đem những “quy ước” của làng Phú Lâm (xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) thời Lê Cơ so sánh với tiêu chí về NTM ở thời điểm hiện tại vẫn có khá nhiều điểm tương đồng. Cụ thể, so chiếu mới thấy có 10/19 tiêu chí hiện nay thì từ thời Lê Cơ đã triển khai thực hiện, như: quy hoạch và thực hiện quy hoạch; trường học; cơ sở vật chất văn hóa; chợ nông thôn; hộ nghèo; hình thức tổ chức sản xuất; giáo dục; văn hóa; hệ thống tổ chức chính trị và an ninh, trật tự. Trong đó, khá nhiều mảng, Lê Cơ đã tiến hành cải cách quá xuất sắc.
Di tích nền trường Tân học Phú Lâm được xây dựng vào năm 1904 tọa lạc tại xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước ngày nay. |
Ở hai tiêu chí trường học và giáo dục, Lê Cơ hô hào nhân dân xây dựng một trường dạy chữ Quốc ngữ vào năm 1904. Sau đó, do số lượng học sinh quá đông ông lập thêm 4 trường mới và tổ chức dạy cho cả nữ sinh. Một tài liệu cho biết, chỉ sau ba năm, đã có bảy phần mười số người trên 14 tuổi trong làng biết đọc, viết thông thạo chữ Quốc ngữ. Ngoài ra, Lê Cơ còn khuyến khích việc xuất dương du học, chiêu đãi thầy giáo dạy chữ và trao quà khuyến học cho học sinh nghèo.
So sánh với một tiêu chí khác của NTM ngày nay là hình thức tổ chức sản xuất, Lê Cơ cũng đã tạo dấu ấn rõ rệt. Việc thành lập nông đoàn, hợp xã có ban trị sự quản lý, điều hành sản xuất riêng, khuyến khích vỡ hoang trồng cây lâu năm, phát triển kinh tế vườn đồi, trang trại cũng không khác mấy với chủ trương, mục tiêu xây dựng NTM hiện nay. Ruộng do dân hiến, đổi, mua tập hợp thành quỹ đất sản xuất lấy hoa lợi chia cho nông dân theo công, theo người để tránh việc “cha chung không ai khóc”, mua sắm nông cụ, chi tiêu công ích, hỗ trợ cho người già yếu,… Không chỉ tập trung phát triển mảng nông nghiệp, Lê Cơ còn cho lập rò rèn, lò sản xuất gốm, chén, xưởng mộc để chấn hưng tiểu thủ công nghiệp. Tuy chỉ ở quy mô nhỏ nhưng cũng cho thấy tầm nhìn về việc đa dạng hóa cơ cấu sản xuất và chuyển dịch lao động theo ngành nghề.
Dáng dấp nhiều tiêu chí khác của NTM ngày nay cũng đã xuất hiện tại làng Phú Lâm thời bấy giờ như lập chợ, xây dựng văn hóa, giúp hộ nghèo, giữ an ninh trật tự,… đều được tổ chức rất quy củ và xuất sắc. Vùng quê nghèo thuộc huyện Lễ Dương này (Tiên Phước ngày nay) đã nhanh chóng thành hình mẫu Duy tân trong vòng 5 năm (1904-1908), quãng thời gian cũng bằng với nhiều xã chuẩn NTM ngày nay cán đích sớm.
Chuối và măng cụt được xem là loại cây chủ lực ở Phú Lâm. |
Dĩ nhiên ở một số tiêu chí NTM ngày nay như điện, bưu điện, y tế hay giao thông, thì trong bối cảnh của xã hội thời Lê Cơ không thể nào có phương tiện thực hiện, nhưng ở nhiều khía cạnh khác ông đã làm “lột xác” vùng quê nghèo xa xôi cách trở này.
Nhiều giá trị chưa cũ
Mô hình làng Phú Lâm của Lê Cơ được những nhà yêu nước ở trong tỉnh, thậm chí nhiều nơi trong nước, đến tham quan học tập cho thấy vấn đề xây dựng, cải cách nông thôn lúc đó đã đạt những thành tựu đáng kể. Và những giá trị đó vẫn còn có tính thời sự trong nhiều khía cạnh của công cuộc xây dựng NTM ngày nay. Trước tiên, đó là sự nhạy bén với thời cuộc, trong khi các chí sĩ như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng hô hào thực hiện cách mạng ở tầm vĩ mô thì Lê Cơ lại âm thầm cải cách sâu rộng từ chính gốc rễ làng xóm. NTM ngày nay cũng cần những nhà thực hành tâm huyết như Lê Cơ chứ không phải cần những người nói nhiều, nói suông rồi để mặc nông dân rối rắm, tơ vò trong sinh kế.
Một điểm khác đáng khâm phục ở Lê Cơ là dám đi tiên phong để khai phá, đối mặt với những điều tưởng như cấm kỵ lúc bấy giờ. Đó là việc lập trường để dạy cho nữ thanh niên - giới vốn bị ràng buộc trong việc nữ công gia chánh mà không được bình quyền trong cơ hội học tập, tiến thân. Là việc vận động người dân mặc đồ tây, để tóc ngắn theo trào lưu Duy tân. Là việc kiện tri phủ cậy uy quyền nhũng nhiễu ra Tòa Công sứ để đòi lại quyền lợi chính đáng cho người dân. Rõ ràng, công cuộc xây dựng đời sống nông thôn, xưa cũng như nay rất cần những con người chính trực, quyết đoán dám áp dụng tư tưởng mới để cách tân đời sống xã hội; không thờ ơ, đồng lõa với cái lạc hậu, sai trái tổn hại đến lợi ích của người dân.
Thứ nữa, việc cải cách nông nghiệp, nông thôn của Lê Cơ là thực chất, hướng đến quyền lợi thực sự của người dân. Lê Cơ làm cho người dân cảm thấy những công sức bỏ ra đem lại thành quả và họ được tận hưởng. Vì thế, họ tự nguyện làm theo một cách tích cực chứ không cần một sự ép buộc nào. Người dân làng Phú Lâm đã góp công, góp của xây trường, thành lập thương hội, hiến ruộng làm quỹ đất sản xuất,… bởi tin tưởng Lê Cơ giúp họ có một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Ngày nay, chương trình NTM được triển khai với nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ” nhưng thực tế vẫn còn có nơi vì thành tích mà o ép, huy động quá sức dân, thực hiện qua loa các tiêu chí cho đúng hạn, đúng kế hoạch. Việc làm đó chỉ như “bình mới rượu cũ” chẳng thể giúp người nông dân bớt đi cơ cực, nhọc nhằn.
Trên tất cả, từ hơn trăm năm trước, chí sĩ Lê Cơ đã xuất hiện với tư cách một bậc lãnh đạo quyết đoán, tài ba, dám đứng mũi chịu sào tìm cách giúp người dân đổi thay cuộc sống. Trong quá trình triển khai NTM ngày nay, cần lắm những người như ông để tập hợp, đoàn kết nhân dân, phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đến hết năm 2015, Quảng Nam có 54/204 xã đạt chuẩn NTM. Những địa phương xây dựng NTM đều đã có bước tiến mạnh mẽ sau 5 năm tích cực triển khai chương trình, trong đó có quê hương Lê Cơ. Chỉ mong, những địa phương chưa hoàn thành các tiêu chí NTM đừng vì chạy theo hình thức mà hãy nhìn vào tấm gương của bậc tiền bối Lê Cơ để lại, soi chiếu để tìm và xây đắp những giá trị mới cho nông thôn xứ Quảng thêm khởi sắc.
Quốc Tuấn - Báo Quảng Nam