Mỗi sáng sớm, đoạn đường dài hơn 20 cây số từ thị trấn Tiên Kỳ, huyện TP đến thị trấn Trà My (TM), huyện BTM có hơn 10 phụ nữ trung niên chạy những chiếc xe gắn máy cũ đèo theo hàng chục bao bì đựng rau, củ, quả, tôm, cá, bánh trái… dừng lại ven đường. Như đã ngầm chia nhau thời gian, địa điểm họp “chợ”. Người dừng xe “chợ” ở thôn 2, người dừng ở thôn 5, xã Tiên Hiệp (TH). Như có hẹn trước, mấy bà nội trợ lũ lượt kéo tới. Ai nấy tự chọn hàng. Người ký cá, kẻ bó rau đưa người bán cân đếm rồi ra giá. Rẹt rẹt, có cô trả tiền mặt, có chị khất nợ. Tiếng cười nói rổn rảng, vui nhộn. Có người đặt hàng cá này, thịt nọ, rau kia nhắc người bán mai đem lên.
Phải nói “chợ” lưu động bán nhiều thứ từ cái bánh, cây kẹo cho trẻ em đến mớ rau, con cá, miếng thịt… cho bà nội trợ. Từ 3 giờ sáng, người bán đã thức dậy ra chợ thị trấn mua gom hàng, vô bao bì. Trời sáng hẳn, tất tả lên đường. Cứ “họp chợ” dọc ven đường. Mươi, mười lăm phút là chuyển đến nơi khác. Chị Nguyễn Thị Thành (43 tuổi), nhà ở thôn 5, xã TH, thâm niên nghề trên 10 năm vừa chạy xe bán hàng vừa có 3 điểm dừng đỗ, bày hàng trên cái bàn gỗ kê sẵn. Bán chừng một tiếng đồng hồ là lên xe sang điểm khác. Chị Lê Thị Trọng, nhà ven đường, đến mua cá, nói: “Xã chưa có chợ. Muốn đi phải xuống thị trấn 15 cây số. Nhờ cái “chợ” xe lưu động của chị Thành mà bà con đỡ vất vả”.
Chị Nguyễn Thị Phương (51 tuổi), ở thôn 7A, xã Tiên Cảnh nói vốn hàng cả xe chừng hơn một triệu đồng. Bán tới trưa về. Tiền lời chừng 150 nghìn đến 200 nghìn đồng thôi. Chiều ở nhà lo việc heo quéo, trồng trọt. Bảy năm qua, chiếc xe máy cà tàng đèo hàng không kể nắng mưa đã giúp chị cùng phụ với chồng làm nông, nuôi bốn đứa con ăn học, trong đó có hai cô gái đang dạy học ở Sài Gòn, một cô làm kế toán cho một công ty ở huyện Nam Giang, QN, một cậu út đang học lớp 12. Chị Nguyễn Thị Thu Ba (42 tuổi), ở thôn 5, xã TH, thâm niên nghề 11 năm kể, từ sáng sớm chạy xe bán đến đứng trưa, kiếm được khoảng 200 nghìn đồng. Có bà bạn hàng nói nhờ chiếc xe “chợ” này mà chị có tiền xây cái nhà to. Hỏi có người mắc nợ không, chị Ba cho biết, bà con nợ chỉ vài chục nghìn đồng thì ít hôm trả. Có vài người đóng hàng mang lên cho phu làm vàng trên núi nợ cả ba, bốn chục triệu đồng dồn cuối năm mới trả. Kể ra bán dọc đường hoặc có lúc lên đồi, xuống dốc vào trong thôn xóm, thu nhập cũng hơn 200 nghìn đồng/buổi nhưng so với số thanh niên trai tráng mang hàng từ BTM lên NTM, đến các thôn, nóc xa xôi thấy các bà các chị khỏe hơn nhiều!
Hôm cuối tháng 10.2017, sáng sớm, từ thị trấn Trà Mai, huyện NTM về Đà Nẵng, dọc đường thấy ba thanh niên dựng xe cạnh chân một con suối, bao bì hàng chất, móc kín quanh xe môtô. Tôi ghé lại, bắt chuyện. Cả nhóm đang ăn mì Quảng, bánh bèo đựng trong hộp xốp. Khởi hành từ thị trấn Trà My (TM) lúc 4 giờ 30 sáng, họ vượt đèo dốc dài gần 50 cây số đến trạm dừng. Lúc ấy 6 giờ, các bạn dừng ăn sáng. Đường còn dài những 30 đến 40 cây số nữa, mới đến nơi… họp “chợ”.
Trong nhóm, đều ở thị trấn TM, có anh thợ mộc Đỗ Viết Diệp (24 tuổi), ít tuổi, nhỏ con nhất, tuổi nghề ít nhất mới… hai tuần! Huỳnh Văn Tâm (26 tuổi), vốn là thợ hớt tóc nhưng thích tự do, xuôi ngược núi đồi nên chọn nghề… đem “chợ” lên núi cao đã hơn hai tháng. Đặng Hoàng Vũ (29 tuổi), từng là công nhân nhưng lương không đủ sống nuôi vợ con nên đã… thử sức với nghề được hơn 4 tháng. Vũ chỉ tay: “Chú ngó cái lốp xe của con kìa! Mới thay hai tháng mất gần 300 nghìn, mà đã mòn láng”. Xe của Vũ chất đầy hàng, vốn hơn 2 triệu đồng. Hàng móc quanh xe, treo cả trên hai tay cầm lái. Cả ba môtô này đều trang bị “tủ lạnh” là thùng xốp đựng cá, tôm... ướp nước đá cục. Ba xe đều thuộc loại “chiến” tải hàng, leo đồi, vượt suối vào tận thôn, nóc của các xã Trà Cang, Trà Don, Trà Vân, Trà Linh xa tít! Có nơi từ trung tâm xã đến nóc có dân, có trường học nếu đi bộ phải mất 5 tiếng đồng hồ. Đến nơi có khi còn phải xách hàng đi dạo quanh thôn, nóc rao bán. Có bà con dân (người dân tộc thiểu số Ca Dong) hoặc thầy cô giáo cũng đặt hàng trước. Hầu hết là “tiền trao, cháo múc” hoặc đổi hàng (thường là tôm, cá, mỳ Quảng, sữa đậu nành…), lấy lúa, gà… Bán hàng hết sớm lo về sớm. Đi về trong ngày hơn 160 cây số đường đèo núi.
Trong số gần 10 người đi tuyến đường xa, dốc suối khó khăn, ít người chọn đến như các bạn trẻ trên thì nữ chỉ có cô Nguyễn Thị Mỹ Xuyên (27 tuổi) nhà ở thị trấn TM. Trước khi sinh 10 ngày cô mới chịu nghỉ để chồng đi thay. Chồng cô Xuyên, anh thợ hồ Bùi Quốc Nhạc (34 tuổi) hiện “đóng thế” hơn một tháng kể: “Cũng vì cuộc sống khó khăn chứ chọn cái nghề đem “chợ” lên núi cao vất vả lắm chú ơi! Vợ con làm cái nghề này đã hai năm rồi. Cái bụng thè lè rứa mà không bỏ ngày mô… Hàng của con toàn là la-gim (rau, củ, quả) có thêm ít cá diếc, cá cơm…”.
Không phải cứ thong dong, bon bon trên đường mãi. Có lúc gặp rủi thì le lưỡi như xe thủng ruột, nổ lốp phải xuống hết hàng gửi nhà dân. Nếu đi cùng đoàn thì anh em “chia lửa” chở giùm hàng đến trước. Người gặp xui “nằm đường” gọi thợ đến vá ruột, thay lốp. Nếu rủi “tập hai” như thợ không tới được thì đành… hy sinh lốp, ruột chạy rà rà tìm quán thay, sửa rồi tiếp tục hành trình. “Nhông, sên, dĩa thay lịa tưng chú ơi!” Tâm cười cười. Diệp chen vô: “Sắp tới phải mua cái bơm đem theo thôi mấy ông ơi!”.
Tấm lòng người bán đối với người mua
Người tiêu dùng, các bà nội trợ nhà xa chợ có được thức ăn, thực phẩm tươi sống nấu nướng trong ngày từ những người đem “chợ” đến gần mình thì rất khỏe. Dù có mua mắc thêm năm ba nghìn đồng một món hàng tính ra vẫn còn quá rẻ bởi vì được phục vụ đến tận… cửa bếp! Những chị trung niên chịu khó, những chàng trai trẻ cần cù, lặn lội vượt đường xa, đèo cao mang hàng, đem “chợ” đến tận nơi phục vụ bà con có thêm thu nhập vài ba trăm nghìn đồng trong ngày, cải thiện cuộc sống thật đáng quý.
Điều hay hơn nữa, nó gắn kết tình cảm giữa người bán với người mua, cùng xã cùng huyện; người trên rẻo cao với người nơi thị trấn. Chị Phương cười vui: “Anh coi cuốn sổ nợ của tôi nè! Từ từ rồi bà con trả hết. Chưa bán được trái mít, con gà thì mình cũng thông cảm cho họ thôi”. Nghe kể chị Thành không những bán chịu mà còn cho người gặp cảnh éo le, khó khăn hoặc hoạn nạn mượn tiền. Tôi thật sự xúc động khi Vũ trả lời về chuyện bán không hết cá, tôm trong ngày: “Hàng nào khô thì để lại chứ còn tôm, cá nếu không bán vốn thì gửi lại cho mấy quán tạp hóa ở xã bán giùm. Ở đó họ có tủ lạnh, tủ đông… Mình tiếc của, mang về ươn hết, mà nếu mai đem bán đồ ươn, thiu cho bà con thì còn mặt mũi mô vác lên nữa chú!” Hay như Bùi Quốc Nhạc chia sẻ: “Lúc cá mắc thì mình bán giá cao một chút. Giá cá hạ thì mình bán rẻ hơn chớ không thẳng băng lúc nào cũng bán giá cao thu lời”. Lãi không nhiều, tính toán trừ chi phí xăng, hao mòn xe nên phải kết hợp “hai chiều”.
Sau khi “tan chợ” lúc quay về lại tìm mua cau, chuối, quýt, cam… cũng là giúp bà con dân có đồng ra đồng vào. Nói chung đụng chi mua nấy về dưới thị trấn bán lại kiếm thêm. Thu nhập của những người đem “chợ” lên núi cao trong ngày, lúc “trúng mánh” cũng ba, bốn trăm nghìn đồng.
Bất kể nắng, mưa “chợ” lúc nào cũng có mặt trên từng cây số vùng trung du đến vùng sâu, vùng xa phía tây của quê hương đất Quảng.
Lê Kim Dũng - Báo Lao Động