Người "trợ lý" đặc biệt của Phan Châu Trinh
Trải 14 năm trên đất Pháp (1911 - 1925) để thực hiện cuộc đấu tranh cho độc lập và sự tiến bộ của dân tộc, Phan Châu Trinh được sự giúp đỡ của nhiều người trong đó nổi bật là của người con trai ông: Phan Châu Dật.
Phan Châu Dật trên đất Pháp
Phan Châu Trinh là người “hào hoa” nhưng lại không “đào hoa”. Dù từng có những phút “xao lòng” trước “mỹ nhân” nhưng rồi ông kịp thời “gò cương” khi nghĩ đến người vợ suốt đời tảo tần, chung thủy nơi quê nhà. Vì vậy Phan Châu Trinh chỉ có một người vợ duy nhất và ba người con, một trai hai gái.
Vợ Phan Châu Trinh là bà Lê Thị Tỵ, sinh năm 1877 (nhỏ hơn Phan 5 tuổi), là con gái của một gia đình giàu có ở làng An Sơn (nay là thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước). Bà về với ông năm 16 tuổi (1896) và sinh người con trai đầu lòng Phan Châu Dật ngay trong năm này. Năm 1901, ông bà sinh người con gái Phan Thị Châu Liên (tục danh cô Đậu), năm 1904, sinh Phan Thị Châu Lan (tục danh cô Mè).
Năm 1910, khi Phan Châu Trinh được thả khỏi Côn Đảo đưa về an trí ở Mỹ Tho, bà Tỵ và người con trai được một đồng chí của Phan Châu Trinh là Trần Đình Phiên đưa vào thăm. Sau đó Phan Châu Dật ở lại với cha và theo cha sang Pháp vào tháng 4.1911. Còn bà trở về, từ đó cho đến khi qua đời bà không được gặp lại người chồng khả kính và người con trai duy nhất thân yêu của mình.
Bà Lê Thị Tỵ bị bệnh mất ngày 12.5.1914, khi mới 37 tuổi, lúc Phan Châu Trinh và người con trai đang ở Pháp (Phan đang ở tù tại ngục Santé).
Khi mới sang Pháp, Phan Châu Dật cùng cha được bố trí ở ký túc xá đại học ở số 32 đường Vouillé, quận 15 Paris, sau đó chuyển đến trọ tại số 78 đường Assas và theo học tại trường làng Montparnasse.
Là người thông minh, chăm chỉ lại được một đồng chí thân tín và tài năng của cha là luật sư Phan Văn Trường tận tình bồi dưỡng về tiếng Pháp và phương pháp học tập nên Phan Châu Dật từ một cậu bé quê mùa ở làng Tây Lộc đã đạt được những kết quả học tập kỳ diệu, làm cho tất cả thầy giáo đến các quan chức thuộc địa đều khen ngợi.
Tác giả Thu Trang trong cuốn Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp (NXB Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh, 2000, trang 50) dẫn lại 2 thư của Chủ sự giáo dục Đông Dương là Fourès viết gửi Toàn quyền Albert Sarraut vào hai ngày 30.12.1911 và 23.3.1912: “Dật chăm chỉ ngoan ngoãn và vui vẻ được sự thiện cảm của thầy và bạn… Khi trao bảng điểm cho thấy 6 tháng qua Dật liên tục đứng đầu một lớp 46 học sinh. Hiệu trưởng của trường nhận xét: Cậu bé này có nhiều đức tính tốt, đặc biệt được mến yêu và trên mọi khía cạnh thật sự đáng được quan tâm chăm sóc. Chỉ sau 6 tháng cậu đã bắt đầu dạy cho cha học tiếng Pháp và dịch những vấn đề thông thường cho ông”.
Thời kỳ học trung học, Phan Châu Dật phải lo học hành, thi cử rất căng thẳng, phải làm thêm để kiếm sống, lại mỗi tuần 2 lần vượt mấy chục cây số đến thăm cha, kể cả những ngày đông giá rét. Phan Châu Dật lại còn phải dịch các đơn thư kêu kiện và đem đến tận nơi cho các nhân vật có khả năng cứu Phan Châu Trinh (khi ông bị giam ở ngục Santé).
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng trong tác phẩm Quảng Nam - Đất nước và Nhân vật (Nxb Văn hóa - Thông tin, 2001) thì Phan Châu Dật đã hoàn thành chương trình trung học và lấy bằng Tú tài phần hai (nhưng không rõ vào năm nào).
Cuộc sống kham khổ, mùa đông khắc nghiệt lại phải làm việc quá sức nên Phan Châu Dật bị bệnh lao. Sau một thời gian chữa không khỏi, ông phải về nước vào ngày 27.9.1919. Gần hai năm sau, ngày 14.2.1921 người con trai duy nhất của nhà cách mạng Phan Châu Trinh qua đời tại Huế, hưởng dương 30 tuổi, thi hài được đưa về an táng bên mộ mẹ và ông bà nội tại làng Tây Lộc (nay là xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh).
Những lá thư Paris
Trong thời gian Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường bị bắt giam, từ tháng 9.1914 đến tháng 7.1915 (Phan Châu Trinh ở ngục Santé và Phan Văn Trường ở ngục Cherche-Midi), Phan Văn Dật là người đã “ngược xuôi” khắp chốn để cứu cha và chú.
Đọc một vài đoạn trích trong các lá thư trao đổi giữa Phan Châu Trinh và con trai trong thời gian ông bị giam (được Phan Châu Trinh mang về năm 1925, được gia đình lưu trữ tại Nhà thờ Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng) để thấy vai trò quan trọng của Phan Châu Dật:
“…Cậu có viết một cái thơ cho con để con dịch lại chữ Tây cho rõ ràng, viết cho tử tế. Con ký tên rồi con lấy commendeé, con gửi cho ông Hội chủ Hội Des Droits de L’hommes... Con nói cái gươm của kẻ thù nghịch định liếm cái đầu của cha tôi; nhờ những người Pháp Lang sa và quan trọng là quý hội lẹ tay mà đỡ kịp nên những người thù nghịch của cha tôi người ta không bằng lòng, đến bây giờ càng thêm thù nghịch. Lần này cha tôi chẳng dám làm phiền quý hội. Nay có tý việc, cần phải cho quan lớn biết, nên cha tôi mới bảo viết cái thơ này…”.
“Lại còn đây nữa con dịch hết cái thơ này. Chỗ nào chữ cậu viết, con dịch cả, con viết cho tử tế, rồi con lấy cái thơ Quốc ngữ của cậu con lồng với bản chữ Tây, rồi con lấy commendeé, con gửi cho quan Hạ nghị viện Monsier Moutet… Còn bản Quốc ngữ con cũng nên sao một bản để dành. Bản chữ Tây, con đem tới nhà đánh máy vài ngàn bản (hết sẽ đánh thêm). Con đi đâu con cầm theo đó cho nhiều. Ai hỏi cha con sao ở tù 8 tháng nay, con trao cho người ta xem. Khi nào con về Paris thăm cậu, con chịu cực khổ khó nhọc mang theo 5 - 6 trăm bản, đến chỗ nào đông người thì con phát cho người ta như cách họ phát giấy cáo bạch dọc đường Paris…” (Thư ngày 2.5.1915).
“…Bốn là được cái thơ này của cậu, con viết ngay cho ông Moutet một cái thơ rằng ngày 17 đây cậu có viết cho ông một cái thơ recommendeé quan hệ lắm; ngày nào ông ấy tiếp được, xin viết thư trả lời cho cậu biết kẻo cậu trông lắm. Ông ấy có hỏi thăm cậu, con cứ theo lời cậu trên đó mà thuật lại cho ông ấy nghe… (Thư đề ngày 3.7.1915).
Phan Châu Dật đã thực hiện một cách đầy đủ những điều mà Phan Châu Trinh hướng dẫn và trông cậy. Tiến sĩ Thu Trang trong tác phẩm đã dẫn cho rằng Phan Châu Dật đã thực sự góp phần quan trọng vào việc đưa cha ra khỏi lao tù để tiếp tục con đường cách mạng của mình. Vì thế khi nói về cuộc đời đấu tranh cách mạng của Phan Châu Trinh, nhất là trong suốt 14 năm trên đất Pháp mà không nhắc đến người con trai của ông là một thiếu sót lớn.
Lê Thí - Báo Quảng Nam