www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Ghi nhận đôi nét ở trường Trần Quốc Toản xã Tiên Ngọc

 Nhân chuyến công tác kiểm tra về nề nếp chấm bài của cấp Trung học cơ sở (THCS) tại Trường TH&THCS Trần Quốc Toản vào cuối tháng 10/2013, tôi mới có dịp chứng kiến những hoạt động dạy và học rất thật tại nơi này. Tôi đã làm công tác chuyên môn THCS nhiều năm tại Phòng GD&ĐT Tiên Phước, lẽ ra tôi chia sẻ những cảm nhận về cấp THCS. Nhưng không, tôi muốn nói đến những thầy, cô giáo và các em học sinh ở cấp Tiểu học!

         Thật tình cờ, trong lúc giải lao tôi tranh thủ rảo bước quanh trường, rồi đi trên hành lang của dãy phòng học để tìm hiểu về điều kiện cơ sở vật chất với mong muốn được tư vấn thêm cho Ban giám hiệu nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy - học của trường, vì đây là ngôi trường đầu tiên có hai cấp học của huyện. Khung cảnh ngôi trường thật tĩnh lặng tưởng như không có lớp đang học. Bất chợt tôi nghe giọng nói của một thầy giáo từ trong phòng học, say sưa với bài giảng. Như có ai nhắn nhủ mình, tôi cố gắng đi thật nhẹ và chậm lại để không làm ảnh hưởng đến các lớp học. Có lẽ vì nề nếp học tập quá tốt mà mới gần đến phòng học thứ hai, tôi nghe khá rõ câu hỏi của một cô giáo còn rất trẻ:

- Em nào có thể trả lời được câu hỏi của cô?

Câu hỏi được nêu ra với một ngữ điệu thật thân thiết, tình cảm như lời của một người mẹ hiền hỏi đứa con yêu quí của mình.

Cả lớp im phắc, rồi nhiều cánh tay đưa lên. Cô trìu mến đưa tay về một học sinh, nhỏ nhẻ nói:

- Cô mời em trả lời!

...

Đến lớp học khác, cô giáo đang kể một mẩu chuyện, mà tôi có cảm giác như cô đang thôi miên học trò. Cả lớp há miệng lắng nghe. Dường như cô giáo và cả học sinh không hề hay biết sự hiện diện của tôi. Rồi cô giáo lại hỏi học trò:

- Qua câu chuyện cô vừa kể, đã gợi lại cho các em những kỉ niệm gì?

Giọng của cô vừa đủ nghe nhưng đầy cảm xúc đã làm lay động bao trái tim của trẻ thơ. Các em lặng yên suy nghĩ, lại có những em cúi đầu. Sau khoảng lặng ấy, các em lại sôi nổi hẳn lên. Một, hai ... rồi mấy chục cánh tay giơ lên xin phát biểu.

Cô nhắc lại câu hỏi một lần nữa để các em trả lời nhé! - Cô giáo nói.

...

Đứng trên bục giảng, cô giáo khuyên cả lớp:

- Các em hãy giữ yên lặng để nghe bạn trả lời câu hỏi vừa rồi nhé!

Liền sau đó, cô hướng mắt và đưa tay về phía một học sinh nữ như muốn dìu em đứng dậy.

Cô mời em phát biểu! - Cô giáo nói.

...

Tiết dạy đã cuốn hút tôi thật sự, không phải ở sự hấp dẫn của câu chuyện vì tôi đâu có nghe được đầy đủ, cũng không phải vì cô giảng, trò trật tự ngồi nghe mà ở khoảng lặng thật đáng quí sau khi cô giáo đặt câu hỏi ấy, ở hình ảnh những học sinh lặng im, suy nghĩ, cúi đầu mà cô giáo đã truyền cảm xúc đến từng em học trò thân thương của mình. 

Những k‎í ức đẹp về những năm đầu đứng trên bục giảng cách đây 30 năm lại hiện về ... Tôi lặng người, rồi chậm rãi bước. Tôi ao ước hành lang của trường dài vô tận để tôi tiếp tục được nghe những lời dạy bảo ân cần của nhiều thầy cô giáo khác, để lại được nhìn thấy những đứa học trò ngoan ngoãn, ham học, chăm chú nghe giảng, sôi nổi phát biểu xây dựng bài.

Thời gian không cho phép để tôi đeo đuổi những suy nghĩ về người thầy, về học trò thân yêu, tôi phải trở lại phòng làm việc với trách nhiệm của mình...

Rời Tiên Ngọc, kết thúc một ngày công tác nhưng tôi cứ miên man suy nghĩ. Những hình ảnh đẹp về người thầy tôi đã được thấy nhiều trên các phương tiện thông tin, những lời nói truyền cảm của người thầy tôi cũng đã được nghe nhiều lần ở các tiết thao giảng, tiết dạy của giáo viên có người dự trong các đợt thanh, kiểm tra hoặc trong những tiết có sự chuẩn bị kỹ càng của giáo viên. Nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên tôi đã tình cờ chứng kiến những tiết dạy hết sức bình thường nhưng rất thực, rất hiệu quả của các thầy cô giáo trường Tiểu học & Trung học cơ sở Trần Quốc Toản, một ngôi trường ở vùng xa xôi, đặc biệt khó khăn của huyện.

Đó là điều đáng quí, đáng trân trọng biết bao!

                                                            Bùi Xuân Tam - Phòng GD &ĐT Tiên Phước