Văn hóa Sa Huỳnh ở Tiên Phước
Vào giai đoạn sơ kỳ thời đại đồ sắt của nước ta, đồng thời với văn hóa Đông Sơn ở phía Bắc, ở miền Trung có một nền văn hóa cổ nổi tiếng, đó là văn hóa Sa Huỳnh. Tại Quảng Nam, văn hóa Sa Huỳnh phân bố từ vùng đồng bằng ven biển lên đến miền núi, trong đó Tiên Phước là huyện miền núi đầu tiên phát hiện được di tích văn hóa Sa Huỳnh.
Các di tích Sa Huỳnh ở xã Tiên Hà
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, người dân vùng Tiên Hà đã biết đến những mảnh gốm thô, những đồ sắt, hạt chuỗi nằm dưới lòng đất bị bom Mỹ đánh tung lên; tuy nhiên trong chiến tranh không mấy ai để ý đến điều đó. Mãi đến năm 1977, trong khi sản xuất, người dân nơi đây lại tìm thấy ngay trên vùng Gò Quảng ở hữu ngạn sông Tiên những mảnh gốm cổ và khuyên tai đá; tin tức được báo về phòng Văn hóa-Thông tin huyện Tiên Phước. Năm 1979, Sở Văn hóa-Thông tin Quảng Nam-Đà Nẵng đã cử cán bộ bảo tàng đến tận nơi tìm hiểu, trong thời điểm ấy, Quảng Nam - Đà Nẵng chưa có người chuyên trách về công tác khảo cổ học, nên công việc cũng chỉ dừng lại ở việc đánh dấu một địa điểm khảo cổ học được phát hiện.
Năm 1982, Sở Văn hóa-Thông tin Quảng Nam-Đà Nẵng đã cử cán bộ chuyên môn trở lại Tiên Hà để đào thám sát, nghiên cứu di tích khảo cổ học này. Được sự giúp đỡ của chính quyền và nhân dân địa phương, các nhà khảo cổ đã xác định được vị trí cần đào thám sát. Chỉ với 2m2 ở Gò Quảng, cạnh nơi tìm thấy hiện vật năm 1977, các nhà khảo cổ đã tìm thấy 01 mộ chum với các đồ tùy táng gồm 03 chiếc nồi gốm nhỏ, 02 chiếc thuổng sắt, 01 chiếc rựa sắt, 01 dao sắt, 13 hạt chuỗi mã não, nhiều hạt cườm tấm, trong chum còn có một số mẩu than tro và xương nhỏ li ti chưa cháy hết. Từ kết quả của cuộc đào thám sát, các nhà khảo cổ đã xác định, các di vật phát hiện được tại di tích Gò Quảng thuộc văn hóa Sa Huỳnh, niên đại vào khoảng 200-500 năm trước Công nguyên.
Tháng 3 năm 1983, Sở Văn hóa-Thông tin Quảng Nam-Đà Nẵng đã phối hợp với viện Bảo tàng Lịch Sử Việt Nam và khoa Bảo tàng của trường Đại học Văn hóa Hà Nội tiến hành khai quật vùng đất Tiên Hà. Các nhà khảo cổ đã khai quật hai địa điểm: Gò Quảng và Gò Miếu.
Tại di tích Gò Quảng, các nhà khảo cổ đã đào 3 hố, tổng diện tích khai quật là 150m2, tuy nhiên lần này kém may mắn hơn đợt đào thám sát năm 1982, các nhà khảo cổ chỉ tìm thấy 03 mộ táng, trong đó có một mộ đã bị phá hủy. Nhân dân địa phương cho biết, khu vực phân bố nhiều chum trước đây nằm sát bờ sông Tiên, lũ lụt hàng năm làm sạt lở bờ sông đã kéo theo nhiều mộ chum xuống sông, cùng với sự phá hoại của bom Mỹ trong chiến tranh khiến khu di tích còn lại rất ít di vật. Di vật khai quật được trong năm 1983 gồm có:
- Đồ gốm
+ 02 mộ chum hình trụ có bụng thuôn, đáy tròn, được làm bằng đất sét pha cát thô và bã thức vật, nắp chum hình nón cụt với chân choãi rộng. Chiếc chum thứ 3 đã bị phá hủy nghiêm trọng, không xác định được hình dạng.
+ 05 nồi gốm với miệng loe, bụng phình, đáy tròn; hoa văn trang trí chủ yếu là văn chải và văn thừng, tất cả đều có màu đen ám khói.
+ 01 bát gốm đáy bằng, không có hoa văn trang trí.
+ 04 chiếc đĩa có kích thước khác nhau, bên ngoài thành đĩa trang trí văn thừng mịn.
Ngoài ra còn có nhiều mảnh gốm vỡ với các loại hoa văn khắc vạch sóng nước, tam giác...
- Đồ sắt
+ Thuổng sắt gồm có 04 chiếc, có rìa lưỡi xòe, họng tra cán tròn. Đây là loại di vật khá phổ biến trong các mộ chum Sa Huỳnh, công cụ lao động quen thuộc của những cư dân nông nghiệp.
+ Rựa sắt: 02 chiếc, chúng có hình dạng giống như những chiếc rựa hiện nay vẫn được dùng.
+ Dao nhọn: chỉ có 01 chiếc.
+ 01 công cụ không xác định được loại hình.
- Đồ trang sức: gồm nhiều hạt cườm tấm bằng đá, thủy tinh và hạt chuỗi bằng mã não.
Tại di tích Gò Miếu, một địa điểm cách Gò Quảng khoảng 1,5km về phía Đông, các nhà khảo cổ đã khai quật 02 hố với tổng diện tích 100m2. Các nhà khảo cổ đã xác định địa tầng của di tích Gò Miếu như sau:
- Trên cùng là tầng đất canh tác dày khoảng 20-30cm, chủ yếu là đất phù sa sông, rất ít mảnh gốm và cuội nhỏ lẫn vào.
- Tầng văn hóa dày 60-80cm được cấu tạo bởi đất pha cát và bã thực vật nên có màu nâu nhạt, đất bở và xốp; chứa nhiều di vật.
- Tầng sinh thổ là đất cát màu vàng nhạt. Hiện vật tuy tìm thấy không nhiều, nhưng vẫn đầy đủ những đặc trưng của một bộ sưu tập hiện vật thường có mặt trong một khu cư trú cổ.
+ Đồ gốm: chỉ có 04 chiếc nồi còn tương đối nguyên vẹn, ngoài ra là những mảnh vỡ của các loại nồi, bát.... Những chiếc nồi có miệng loe rộng, bụng phình, trong số đó có 02 chiếc nồi đáy tròn và 02 chiếc có chân đế. Các hiện vật gốm ở Gò Miếu được làm bằng đất sét pha nhiều bã thực vật nên xương gốm màu đen, có một số mảnh gốm có lớp áo bên ngoài màu hồng do được phết thổ hoàng. Hoa văn trên gốm đơn giản, chủ yếu là văn thừng, một số ít là văn chải và văn khắc vạch.
+ Đồ đá: Rìu đá gồm có 02 chiếc rìu tứ giác được làm bằng đá bazan, đã bị gãy, có dấu vết gia công lại để sử dụng; Bàn mài gồm 04 chiếc, trong đó có 03 bàn mài phẳng và 01 bàn mài rãnh, tất cả đều có vết lõm do ma sát với vật được mài; Bàn nghiền là một viên cuội khá lớn được sử dụng để nghiền các loại hạt cây, củ, để lại vết lõm trên mặt viên cuội.
Ngoài ra còn có một vài công cụ được làm từ cuội thạch anh với những nhát ghè đẽo đơn giản, là tàn dư của kỹ thuật thời sơ kỳ đá mới.
+ Đồ đồng: chỉ có 03 mảnh của công cụ đồng thau, trong đó có 01 mảnh rìu đồng.
Trong di chỉ còn có một số viên thổ hoàng, loại đất màu đỏ hồng mà người cổ thường dùng để tô màu trên gốm.
Qua nghiên cứu di vật phát hiện được ở hai địa điểm Gò Miếu và Gò Quảng, các nhà khảo cổ đã nhận xét:
Về tính chất di tích, Gò Quảng là khu mộ táng của người cổ Sa Huỳnh, trong khi đó Gò Miếu là khu cư trú cổ. Nếu so sánh trên bộ công cụ lao động bằng sắt tìm được ở Gò Quảng và những công cụ bằng đá ở Gò Miếu, rõ ràng có sự khác biệt về chất liệu và loại hình; ở Gò Miếu không có công cụ sắt mà chỉ có vài mảnh công cụ đồng thau, như thế về mặt thời gian, di tích Gò Miếu có niên đại sớm hơn di tích Gò Quảng. Tuy nhiên về mặt không gian phân bố, hai di tích này không xa nhau. Căn cứ vào những nét tương đồng về chất liệu và hoa văn trên gốm khiến các nhà khảo cổ nghĩ rằng giữa hai di tích này có mối quan hệ về mặt lịch đại; Gò Miếu nằm trong giai đoạn của các di tích “Tiền Sa Huỳnh”, niên đại khoảng 1000 năm trước Công nguyên, tương đương với di tích Bàu Trám (Núi Thành), Bãi Ông (Cù lao Chàm)...
Di tích khảo cổ học ở xã Tiên Lãnh
Tại thôn 8, xã Tiên Lãnh, dấu vết của một khu mộ táng Sa Huỳnh đã xuất lộ trên một dải dất dài khoảng 500m, rộng trên 40m ở hữu ngạn sông Tranh. Trong khi canh tác nhân dân địa phương đã tìm thấy nhiều mảnh gốm, một số khuyên tai hình vành khăn bằng đá nephrite màu xanh ngọc, nhiều hạt chuỗi mã não, đồ sắt bị han rỉ nặng....
Tháng 9 năm 2001, Bảo tàng Quảng Nam đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Khảo cổ học thành phố Hồ Chí Minh khai quật khu mộ chum Tiên Lãnh. Các nhà khảo cổ đã mở hai hố khai quật.
* Hố I: trong diện tích khai quật 40m2, đã phát hiện được 5 cụm gốm. Di vật thu được gồm có:
- Đồ gốm: 01 bình gốm miệng loe, hơi thắt lại ở cổ, thân choãi lớn dần xuống dưới và cong tròn ở đáy, dưới có chân đế thấp; 01 tô đáy bằng; 01 nắp gốm; 02 dọi xe sợi; 02 nồi gốm; 04 bát bồng có chân đế cao. Ngoài ra còn có nhiều mảnh vỡ của những chiếc nồi có kích thước khá lớn. Đồ gốm ở đây được làm bằng đất sét pha cát và bã thực vật, xương gốm màu nâu đen, trên một số mảnh gốm có trang trí hoa văn thừng mịn và văn khắc vạch....
- Đồ đồng: chỉ có 01 chiếc rìu đồng lưỡi xéo, họng tra cán hình lục giác, ở hai mặt đúc nổi hai đường chỉ đối xứng nhau.
- Đồ trang sức: chỉ có 02 hạt chuỗi mã não.
Các cụm gốm nằm rãi rác, lại không tìm thấy biên mộ rõ ràng, song qua bình diện phân bố của các cụm di vật, các nhà khảo cổ cho rằng có lẽ đây là dấu tích của 03 mộ táng huyệt đất, kích thước của chúng có chiều dài từ 160-180cm, rộng 50-60cm và cùng theo hướng Đông Bắc - Tây Nam. Hiện vật tùy táng có lẽ bị đập vỡ trước khi chôn.
* Cách hố I khoảng 35m về hướng Bắc, các nhà khảo cổ đã khai quật hố II với diện tích 32m2. Kết quả đã khai quật được 03 mộ chum và 02 mộ huyệt đất; mộ huyệt còn khá rõ kết cấu với các di vật phân bố theo hướng Đông - Tây. Di vật trong hố này gồm có:
- Đồ gốm
+ Mộ chum: có 03 chiếc chum, gồm 01 chum hình cầu đã bị vỡ nát, 02 chum hình trụ. Các mộ chum có thành khá dày, được làm bằng đất sét pha cát và bã thực vật, các chum đều có nắp đậy.
+ Nồi: có 02 chiếc, miệng nồi loe, bụng phình, được làm bằng đất sét pha cát và bã thực vật, xương gốm màu đen, áo gốm màu vàng nâu; bên ngoài nồi có vết ám khói do đã được sử dụng để đun nấu.
+ Đĩa: có 02 chiếc, trong đó có 01 chiếc lòng rộng đáy phẳng, 01 chiếc lòng rộng đáy cong. Ngoài ra còn nhiều mảnh vỡ của các loại nồi, vò gốm.
Hoa văn trên gốm chủ yếu là văn chải và văn khắc vạch.
- Đồ sắt: gồm có 03 chiếc đục, 02 dao và 01 kiếm sắt.
- Đồ đồng: có 02 âu đồng thau, cái nhỏ nằm bên trong cái lớn. Miệng âu thẳng, đáy hơi cong; chiếc âu lớn có trang trí 3 vòng tròn đồng tâm ở trong lòng.
- Đồ trang sức: chỉ có 05 hạt mã não hình thoi và 03 hạt chuỗi hình đốt trúc màu xám xanh cùng nằm trong một mộ chum.
Qua nghiên cứu các di vật khai quật được ở Tiên Lãnh, các nhà khảo cổ cho rằng địa điểm này nằm ở giai đoạn muộn của văn hóa Sa Huỳnh, vào khoảng 100 - 200 năm trước Công nguyên. Ngoài những di vật quen thuộc trong văn hóa Sa Huỳnh như đồ gốm, thuổng sắt, rựa sắt..., còn có 02 chiếc âu đồng. Các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy 01 chiếc âu đồng tương tự cùng chậu đồng, gương đồng... ở di tích khảo cổ học Lai Nghi (Điện Bàn) vào năm 2004. Những hiện vật bằng đồng thau nói trên có nhiều khả năng là sản phẩm được du nhập từ bên ngoài hoặc sản phẩm bản địa chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán....
Trong thời gian khai quật các nhà khảo cổ còn khảo sát khu vực tả ngạn sông Tranh thuộc xã Phước Gia (Hiệp Đức), trên dải đất cao trên bờ sông cũng xuất hiện dấu vết của một khu mộ táng Sa Huỳnh, có lẽ cùng nằm trong quần thể mộ táng Tiên Lãnh. Sự đổi dòng, lở bồi của dòng sông đã làm mất đi nhiều cứ liệu quan trọng để nghiên cứu di tích này.
Cho đến nay, mặc dù số lượng di tích văn hóa Sa Huỳnh cũng như các di vật thuộc nền văn hoá này được tìm thấy tại Tiên Phước không nhiều, nhưng cũng đủ để các nhà khảo cổ hình dung được phần nào sự phát triển của xã hội Sa Huỳnh trên đất Tiên Phước vào thời xa xưa.
Những chứng cứ vật chất tìm thấy được ở các di tích khảo cổ tại Tiên Phước càng khẳng định sự phân bố rộng khắp của các di tích Sa Huỳnh, không chỉ ở vùng đồng bằng ven biển mà còn có mặt ở các vùng thượng nguồn sông Thu Bồn và các nhánh sông khác như sông Tiên, sông Tranh, sông Trường.... Tính chất vùng của phức hệ văn hóa Sa Huỳnh miền núi ngày càng xuất lộ rõ hơn qua bộ sưu tập công cụ lao động. Với những công cụ như rựa săt, thuổng sắt, người cổ ở vùng này có thể phát rừng làm rẫy, nền nông nghiệp của họ đã khá phát triển; ngoài ra họ còn khai thác các loại lâm thổ sản quý giá trong rừng để trao đổi với các nơi khác, nhất là vùng đồng bằng. Những dọi xe sợi chứng tỏ người cổ thời bấy giờ đã biết xe sợi dệt vải. Số lượng đồ trang sức tìm được trong các mộ táng Sa Huỳnh ở Tiên Phước không nhiều bằng một số di tích khác như Đại Lãnh, Gò Mùn (Đại Lộc), Gò Mả Vôi, Gò Dừa (Duy Xuyên), Lai Nghi (Điện Bàn)..., qua đó có thể thấy sự giao lưu với bên ngoài của vùng đất này xưa kia không thuận lợi bằng các nơi khác.
Trong mối quan hệ với các di tích khảo cổ học nằm ở lưu vực sông Thu Bồn, các di tích Sa Huỳnh ở Tiên Phước đóng vai trò là vùng khai thác nguyên liệu, cung cấp cho các cư dân cổ vùng đồng bằng các loại sản vật của rừng như trầm hương, quế, hồ tiêu, ngà voi, sừng tê giác, các loại cây thuốc... là những mặt hàng mà các thương nhân vùng Nam Á và Trung Hoa rất ưa chuộng. Từ vùng thượng nguồn, hàng hóa xuôi về đồng bằng qua ngả đường sông, đến vùng hạ lưu của sông Thu Bồn, ở đó có một cảng thị cổ của người Sa Huỳnh.
Những di vật khảo cổ khai quật được ở vùng Lai Nghi (Điện Bàn), Hậu Xá, An Bang (Hội An)... cho thấy nơi đây là cửa ngỏ để người cổ Sa Huỳnh vùng lưu vực sông Thu Bồn giao lưu với cư dân cổ Trung Hoa, Ấn Độ và các nước Nam Á khác. Mặc dù có thể trình độ phát triển của vùng núi và đồng bằng thời bấy giờ không đồng đều, tuy nhiên trong sự phát triển kinh tế của cư dân cổ Sa Huỳnh vùng đồng bằng có đóng góp không nhỏ của cư dân cổ miền núi, góp phần thúc đẩy việc hình thành nhà nước sơ khai ở vùng đồng bằng vào những năm đầu Công nguyên....
Hồ Xuân Tịnh - PGĐ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam