www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Người thầy không đứng trên bục giảng

Bác bảo vệ trường tôi năm nay đã ngoài 70 tuổi. Dù tuổi đã xế chiều, nhưng mỗi mùa 20.11, bác đều về thăm trường. Dáng người nhỏ nhắn, nét mặt hiền từ ấy đã từng gắn bó mấy chục thế hệ học sinh và giáo viên trường tôi. 

Mỗi lần nghĩ về bác, trong tôi dấy lên niềm thương yêu và kính trọng. Như một người cha. Như một người thầy. Trong xôn xao niềm vui của ngày 20.11, tôi nghĩ rằng, bác chính là một dấu lặng, hay một nốt trầm rất đẹp trong bản hòa ca về nghề dạy học.

Thuở chúng tôi còn đi học, đứa nào đi học trễ, lỡ leo rào mà thoáng thấy bóng bác dướn dướn mắt sau cặp kính có dây đeo vào cổ, là lo “cao chạy xa bay”. Vì bác theo dõi chúng tôi như một giám thị. Học trò Tiên Cảnh hồi ấy là chúa đi trễ, đặc biệt vào mùa mưa. Bởi quãng đường năm cây số, mà biết bao là gian nan. Nhất là đoạn đi đò qua sông Tiên. Mấy tốp học sinh đứng bên bờ ngập lụt, phải kiên nhẫn chờ bác lái đò dùng sào “khua” lên, sau khi ưu tiên mấy chuyến cho các bà các chị bán chuối với điệp khúc: “Học sinh khoan đã!”.

Hồi ấy nào có ai ngồi trên chiếc đò mong manh bé xíu, ngang qua sông mênh mang nước, không một chiếc áo phao bảo hiểm, mà sợ siếc gì đâu! Vậy nên nhiều lúc ướt lếch thếch kéo nhau đến trường với chiếc cặp sờn bọc kỹ bằng ni lông, đám học trò bên kia thị trấn đến trường lúc đã vào tiết hai.

Vừa run rẩy vì lạnh, vừa sợ bác bảo vệ trừng mắt nhốt cả bọn vào văn phòng. Thế nhưng, bác đã ân cần an ủi và cho học sinh Tiên Cảnh vào lớp. Dễ dàng đến bất ngờ. Những trận lụt ngập cầu sông Tiên bỗng trở thành “giấy phép” đi học trễ của lũ học trò nhà quê xuống huyện. Trong lòng chúng tôi những lúc ấy, dâng lên niềm bất ngờ, cảm kích không kể xiết. Thì ra, bác bảo vệ mình rất nghiêm mà cũng rất độ lượng.

Khi sân trường vang lên tiếng trống, tôi thường nhớ đến tiếng âm thanh diệu kỳ giòn giã vang lên từ cánh tay nhỏ bé của bác. Hồi trống đi. Hồi trống bãi. Trống ra vào tiết. Tôi cứ nghĩ rằng, phần hồn sâu lắng của ngôi trường chính là giai điệu tiếng trống. Tiếng trống reo vui giục học sinh đến trường, rộn vang mỗi lần ra vào tiết. Tiếng trống bồi hồi ngày học sinh giã từ cành phượng vĩ. Tiếng trống hồi hộp lo lắng mỗi mùa thi…

Ký ức tuổi học trò và những năm tháng chập chững vào nghề của tôi gắn liền với tiếng trống vang lên từ tay bác. Và riêng với bác, cái trống trường tôi tuy im tiếng mỗi độ hè về, nhưng nó không hề cô đơn. Vì mỗi ngày bác vẫn đến trường quét dọn khu hiệu bộ, tưới cây, chăm chút ngôi trường Huỳnh Thúc Kháng như ngôi nhà thứ hai của mình.

Một người bảo vệ, với đồng lương khiêm tốn, nhưng chưa bao giờ lên tiếng đòi hỏi thêm quyền lợi, mà miệt mài, tận tụy với công việc, quả thật đáng kính trọng. Nhỏ bé, nhưng không hề tầm thường. Trái lại, trong miền ký ức của bao thế hệ học trò và giáo viên, bác thường hiện diện trong những hàn huyên ngày hội ngộ.

Tiếng trống trường xôn xao đưa tôi về một miền tuổi trẻ. Những âm vang của ký ức khiến “thân nhẹ nhàng như mây”, khiến tôi không nguôi nhớ bác bảo vệ trường kính yêu - người thầy không đứng trên bục giảng.    

(Kính tặng bác Nguyễn Liên).

                                               Nguyễn Thị Diệu Hiền - Báo Quảng Nam