www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Người phụ nữ làm giàu từ "lá quế"

Huyện Tiên Phước là một trong những vùng đất trồng quế nổi tiếng tại Quảng Nam với giống quế bản địa có mùi thơm đặc trưng nổi tiếng. Nếu trước đây, lá quế chỉ được coi là “rác” thì nay người dân ở đây đã biết thu gom lại để biến thành sản phẩm tinh bột cung cấp cho các cơ sở làm nhang. Người tạo lên sự thay đổi đó chính là chị Võ Thị Chút ở xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước tỉnh Quảng Nam.

        Đến thăm cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm bột quế của gia đình chị Chút những ngày đầu năm, chúng tôi được chị phấn khởi cho biết vừa xuất đi 3 tấn bột quế “mở hàng” đầu năm vào thị trường thành phố Hồ Chí Minh. Trong mùi thơm tỏa ra từ những bao lá quế lớn vừa mới được thu gom về xưởng, chị Võ Thị Chút không thể nào quên được những năm tháng khởi nghiệp đầy khó khăn từ hai bàn tay trắng. Cách đây hơn 10 năm, chị Chút nhận thấy lợi thế của quê hương có nguồn nguyên liệu cây quế dồi dào nhưng các cơ sở sản xuất tại đây mới chỉ dừng lại chế biến vỏ quế để làm bột còn lá quế vẫn chưa được tận dụng.

       Trăn trở với điều này chị Chút đã tự mày mò vào mạng internet tìm hiểu thông tin về cách chế biến cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm bột quế nói chung và bột quế làm từ lá của cây quế nói riêng. Đối với chị Chút khó khăn lớn nhất ở thời điểm lúc bấy giờ chính là vấn đề kỹ năng kinh doanh vì bản thân chị trước đây chỉ biết làm nông nghiệp, chăn nuôi nhỏ lẻ chưa hề có kiến thức kinh doanh. Để bù đắp sự thiếu hụt này, chị Chút đã mạnh dạn xin đăng ký tham gia các lớp tập huấn kỹ năng phát triển kinh tế do các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ tổ chức. Chính sự ham học hỏi đó đã tạo lên sự may mắn cho chị, khi tình cờ trong một lớp tập huấn chị Chút đã gặp một số chị phụ nữ là chủ của các cơ sở sản xuất nhang lớn đang có nhu cầu tìm nguồn nguyên liệu từ bột lá cây quế. Sau đó, chị đã bàn với gia đình mở xưởng chế biến bột lá quế. Từ những kỹ năng kinh doanh có được qua các lớp tập huấn, chị Chút đã tự xây dựng phương án sản xuất kinh doanh và được Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý cho vay vốn để phát triển sản xuất.

 

Chị Võ Thị Chút đang phân loại lá quế chuẩn bị say thành bột
Chị Võ Thị Chút đang phân loại lá quế chuẩn bị say thành bột

 

       Lá quế bản địa ở Tiên Phước rất thơm khi say thành bột cho chất lượng tốt, giá cả lại phải chăng so với bột làm từ vỏ cây quế nên được các cơ sở làm nhang trong và ngoài tỉnh biết đến và dần dần tạo được thương hiệu. Chỉ sau 2 năm, gia đình chị Chút đã hoàn trả được hơn 400 triệu đồng vốn vay ban đầu từ các ngân hàng và của người thân trong gia đình. Từ chỗ mỗi ngày xưởng chỉ sản xuất khoảng 3 tạ bột lá quế đến nay đã nâng công suất lên hơn 1,5 tấn qua đó giải quyết việc làm cho 6 lao động trực tiếp, hàng chục lao động thời vụ tại xưởng và hàng trăm chị em phụ nữ làm công việc thu gom lá quế ngay trên mảnh vườn của mình mà trước đây thường bỏ đi.

        Hiện nay, mỗi năm xưởng sản xuất của gia đình chị Chút đưa ra thị trường khoảng 500 tấn bột lá quế, sau khi trừ chi phí thu về hơn 400 triệu đồng mỗi năm. Năm 2014, được sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tiên Mỹ, chị Chút còn đứng ra thành lập Tổ hợp tác kinh doanh các sản phẩm từ quế với 5 thành viên nhằm hỗ trợ nhau về nguyên liệu và mở rộng thị trường tiêu thụ.

        Chị Bành Thị Bình, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tiên Mỹ cho biết: Việc thu gom lá quế diễn ra từ tháng 2 đến tháng 9, công việc này tạo thu nhập thêm cho nhiều chị em phụ nữ lúc nông nhàn với mức thu nhập mỗi ngày hơn 150.000 đồng/ người. Những chị em phụ nữ làm việc trực tiếp tại cơ sở bột lá quế của chị Chút trước đây đa phần thuộc diện hộ nghèo nhưng hiện nay với mức lương ổn định tại xưởng gần 5 triệu đồng/ người/ tháng nhiều chị em đã vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, nhiều năm nay chị Chút còn giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn luân phiên canh tác trên diện tích hơn 2.500 m2 đất trồng lúa và 1.500 m2 đất đồi của gia đình mình mà không hề nhận một đồng tiền thuê.

        Làm công việc đứng máy xay lá quế tại xưởng được 3 năm, chị Hồ Thị Loan ở thôn 5, xã Tiên Mỹ cho biết: nhờ có công việc ở gần nhà ổn định nên chị không còn phải đi xa làm thuê như trước đây nữa. Chị Chút còn giúp tạo vốn cho gia đình chị mua hai con bò cái hiện đang cho sinh sản nên thu nhập của gia đình hiện nay được cải thiện nhiều đảm bảo nuôi cho 3 con ăn học. Cuối năm 2014, gia đình chị cũng vừa xin ra diện hộ nghèo.

           Mặc dù cây quế là cây bản địa ở Tiên Phước nhưng loại cây này đang phải đối mặt với sự thu hẹp diện tích do người dân tự ý chặt bỏ để trồng cây khác. Lý do là khi cây quế đến tuổi cho thu hoạch người dân thường bán trắng cho các thương lái mà chưa chú trọng đến khâu chế biến thành phẩm để cung cấp ra thị trường. Chính vì vậy, khi mô hình sản xuất bột lá quế của chị Chút hoạt động hiệu quả đã làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người dân nơi đây về giá trị của cây quế và việc cần bảo tồn, phát triển giống quế quý đặc trưng của vùng đất xứ Tiên. 

                                  Lan Anh - Báo Tài Nguyên & Môi Trường