www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Nước mắt không chảy xuôi

 Từ bỏ hạnh phúc riêng, tạm gác giấc mơ Mỹ mà khối người thèm muốn chỉ để được phụng dưỡng mẹ những ngày cuối đời. Hơn năm nay, người đàn ông Ngô Đình Tuấn (thôn 1, xã Tiên Lập, huyện Tiên Phước) nuốt giọt lệ cay đắng vào trong, vò võ một mình ở non cao mà không lời oán thán. Ai bảo, cuộc đời này nước mắt chỉ toàn chảy xuôi…

            Hy sinh hạnh phúc nhỏ

       “Thế là mẹ đã không còn trên cõi đời này để nhìn đứa thằng cu em – đứa cháu nội mà mẹ đã nhắc biết bao lần trước ngày rời xa trần thế, mà không được gặp mặt. Bốn năm định cư bên Mỹ cùng mẹ, nó đã phổng phao ra dáng thanh niên lắm rồi, mẹ ơi!. Vu lan năm nay, nó bay nửa vòng trái đất về thăm mẹ thì mẹ đã rời xa chúng con. Càng gần đến ngày vu lan, nhìn lên di ảnh mẹ, con mới thấm thía được nỗi cô đơn khi đời con không còn mẹ. Con nhớ ngày xưa, con nhớ sự tảo tần vất vả của mẹ, con thấm thía cái cay đắng ngọt bùi mà mẹ một mình nuôi bốn chị em con khôn lớn. Hơn một năm nay, khi mẹ nằm xuống yên nghỉ ở phương trời xa, con càng thấm những giá trị cuộc sống mà mẹ đã từng dạy con. Mẹ biết không, gần 400 đêm rồi, đêm nào con cũng thao thức trong ngôi nhà vắng lạnh, chỉ còn con và di ảnh mẹ, con thương thân con nhưng vẫn không hề hối hận với quyết định chia ly gia đình nhỏ. Bởi trong tâm khảm, con luôn thầm cảm ơn mẹ đã cho con được một lần được sinh ra, cũng như mẹ đã nâng niu nhẹ nhàng từng bước chân chậm chạp kể từ lúc con cất tiếng khóc chào đời. Và hơn thế nữa, mẹ đã cho con tuổi thơ hồn nhiên, cho con hạt cơm nóng từ những vết xước đầy máu do cây rừng đâm trên những chặng đường đi rẫy. Và một điểm tựa vững chắc để con bắt đầu cuộc sống mới. Mẹ ơi, phải chăng thời gian là dòng chảy vòng tròn và vô tận, khi con đi hết một chặng đường dài để tìm lại con của ngày xưa thì mẹ đã rời xa. Năm nay, con phải cài bông hồng trắng nhưng chúng con biết mỗi bước đi của chúng con đều có bóng dáng mẹ theo cùng…”.

 

Niềm vui của ông Ngô Đình Tuấn bây giờ là chơi với trẻ con nhà hàng xóm.
Niềm vui của ông Ngô Đình Tuấn bây giờ là chơi với trẻ con nhà hàng xóm.

     

      Cùng đứa con trai vừa từ Mỹ về ra viếng mộ bà nội, đôi vai gầy của người đàn ông gần năm mươi tuổi Ngô Đình Tuấn (thôn 1, xã Tiên Lập, huyện Tiên Phước) cứ rung lên bần bật, liên hồi. Dù cố kìm nén cảm xúc nhưng thỉnh thoảng, người đàn ông ấy lại nấc lên nghẹn ngào. Đứa con trai của ông Tuấn, nước mắt tuôn trào và hai tay chắp lạy lia lịa như muốn tỏ lời xin lỗi bà nội vì đã không thực hiện ước nguyện trước lúc mất - ở cạnh bà lúc lìa xa cõi đời. Ngô Quang Tân – con trai ông Tuấn sinh năm 1997, lớn phổng phao, nước mắt ngắn dài ôm chầm lấy ba, xót thương: “Sao bốn năm trước, ba không cho con ở nhà với ba, để anh hai và má đi Mỹ thôi. Nếu lúc đó con đủ lớn để hiểu hết hoàn cảnh, hết câu chuyện của người  ở lại thì con sẽ không đi, chắc chắn như thế. Ba buồn thế sao chẳng bao giờ ba tâm sự cho tụi con hay. Học xong, nhất định con sẽ về với ba”.  

          Mẹ - Dòng sông không trở lại

        Gần như những người sống ở xã Tiên Lập (Tiên Phước) không ai là không biết câu chuyện hiếu tử, chấp nhận hy sinh hạnh phúc nhỏ của ông Ngô Đình Tuấn. Bốn năm về trước, hạnh phúc giản dị và đơn sơ của ông Tuấn là được cùng vợ và hai đứa con trai Ngô Quang Nhật (sinh năm 1988) và Ngô Quang Tân (sinh 1997) làm ăn kiếm sống và chăm sóc mẹ ông – bà Huỳnh Thị Ái (sinh 1930). Khoảng năm 2000, bà Ái bỗng dưng ngã bệnh. Già yếu cùng với căn bệnh phong quái ác hoành hành khiến sức khỏe bà suy kiệt nhanh chóng, phải nằm một chỗ. Trong hơn mười năm ấy, một mình ông Tuấn cần mẫn chăm sóc bà. Do tâm lý cộng đồng chưa hiểu hết về căn bệnh quái ác mà mẹ ông Tuấn mắc phải nên nhiều người đã kỳ thị, lánh xa. Mặc thiên hạ nói gì, miệt thị ra sao, đều đặn mỗi ngày, ông Tuấn vẫn tắm rửa, dọn dẹp vệ sinh cho mẹ. Anh Trần Văn Phúc – hàng xóm với ông Tuấn, nói: “Có tận mắt thấy ông bón cho mẹ từng muỗng cháo, viên thuốc, làm vệ sinh cá nhân cho mẹ mới thấy được trên đời này chưa chắc có người phụ nữ nào lại nhẫn nhịn, dịu dàng và yêu thương mẹ như ông”.

 

Ông Ngô Đình Tuấn bên bàn thờ mẹ.
Ông Ngô Đình Tuấn bên bàn thờ mẹ.

 

        Chuyện đời như thế cũng chẳng buồn phiền gì nếu một ngày, vợ con ông quyết định di cư sang Mỹ sinh sống. “Có ai muốn phải chia lìa hạnh phúc gia đình, cha không được vất vả mưu sinh để nuôi con, nhìn con khôn lớn. Vợ con nói mãi nhưng rồi, đành thôi. Vợ con còn có cơ hội gặp lại, chứ mẹ già thì cơ hội chỉ có duy nhất”, ông Tuấn tâm sự. Thực ra, mẹ ông còn có hai người con gái. Ông cũng đã nghĩ đến chuyện nhờ các chị chăm sóc mẹ. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, các chị còn có gia đình riêng, ai làm con lại mang mẹ đi nhờ người khác chăm sóc, dù đó là chị mình. “Đêm cuối cùng để suy nghĩ đi hay ở, đã ứa nước mắt nghĩ chuyện mai này mẹ già mất đi theo quy luật tự nhiên, mình tui phải thui thủi một mình ở chốn non cao, xót xa kinh khủng, định “thôi đi trớt”. Trong ánh điện mờ ảo, ánh mắt tôi vô tình lướt lên tấm bảng treo trên tường, có ghi “Đừng để ngày mai mẹ mất đi/ Mới giật mình khóc nhưng dòng sông không trở lại bao giờ”. Tôi quyết định: “Ở nhà với mẹ””.

        Sau hơn 10 năm chống chọi với bệnh tật, tuổi già, giữa mùa hè năm 2011, mẹ ông Tuấn ra đi. Đường còn dài, còn dài, chưa thể nói hết được điều gì nhưng chắc chắn người đàn ông hiếu thảo ấy rồi sẽ nhanh chóng nhận được những phần thưởng về lòng hiếu thảo từ đứa con trai thứ hai Ngô Quang Tân. Bởi, cậu bé ấy khi chưa hiểu gì cũng từng níu áo ba đòi ở lại với ba ngày trước. Rồi bốn năm sống ở đất Mỹ nhưng chưa một lần nghĩ sẽ định cư luôn bên ấy. “Khi nào học xong, nhất định con sẽ về với ba”, Quang Tân thầm thì với ông Tuấn.

                                                                            Vương Hằng Sa - Báo Quảng Nam