www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Làng nghèo giữ nhà cổ trăm năm

 Rất nhiều ngôi nhà trăm năm tuổi ẩn mình trong ngôi làng nghèo vùng núi Tiên Phước, Quảng Nam, bất chấp cơn lốc mua nhà cổ hoành hành vùng lân cận...

             Hiếm có ngôi làng nào lại bình yên như Lộc Yên (Tiên Cảnh, Tiên Phước, Quảng Nam). Điều đặc biệt là trong làng, cho dù là nhà xây hay nhà tranh, thì phía trước đều có những bờ rào đá rêu phủ xanh mờ, bên trên trồng cây xanh ngút mắt, và lối dẫn vào nhà là những ngõ đá rất vững chãi.

            Nơi đây dường như không biết đến những vội vã, cuống cuồng của thế giới bên ngoài. Người Lộc Yên sống bình thản, nụ cười luôn nở trên môi. Cụ Nguyễn Văn Điền, đã ngoài 70 tuổi, tiếp khách lạ mà như thân, kể về làng: “Ngôi làng ni vốn bình yên từ xa xưa vậy rồi. Thời kháng chiến, các nơi súng nổ ầm ầm, nhưng chẳng quả bom, quả pháo nào lọt tới làng. Nhiều người nói nhờ hồi xưa, cha ông trong làng đã dựng nên những ngõ đá vững chãi, nên chẳng có cái gì có thể len vào ngôi làng này để phá vỡ sự yên bình được”.

 
Những chạm khắc tinh xảo của người thợ mộc xưa còn lưu dấu trong căn nhà cổ hơn 160 năm tuổi 

          Điều kỳ lạ trong ngôi làng còn ở những giếng đá, với tuổi đời tròm trèm 150 năm. Những cái giếng được đào sâu, xung quanh cũng được những bức tường đá bao phủ, là nơi cho nguồn nước trong vắt, mát lành cho người dân trong làng. Nước ở những giếng này mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát lạnh và chưa bao giờ cạn.

         Những nét lạ lùng của Lộc Yên chưa dừng lại ở đó. Hầu hết ở những vùng nông thôn Quảng Nam, những căn nhà cổ chỉ 50 hay 100 năm đều bị cơn lốc thu mua cuốn phăng không còn dấu vết. Còn ở Lộc Yên này, người dân đa số làm nông, mọi nhà chỉ đủ ăn, một ngôi nhà cổ bán đi có thể đủ cho họ và con cái ăn cả đời, nhưng họ vẫn quyết tâm gìn giữ như một báu vật của đời mình...

 

Video phóng sự làng cổ Lộc Yên - Tiên Cảnh

 

         Ngôi nhà cổ được coi là quý nhất trong làng là của cụ Nguyễn Huỳnh Anh, tồn tại đã hơn 160 năm. Chị Nguyễn Thị Kim Sương, người về làm dâu và ở trong ngôi nhà cổ này, kể lại cụ Huỳnh Anh từng nói với con cháu căn nhà có từ thời ông cố của cụ là Bá hộ Nguyễn Đình Hoằng, rồi truyền từ đời này sang đời khác. Căn nhà gỗ ba gian hai chái, dựng từ 8 cây nhứt, 16 cột nhì và 12 cột chái... tất cả đều bằng gỗ mít. Những trính, đầu hồi, cuốn thư, hoa cúc, hoa mai, tùng lộc, thú rừng... được chạm khắc vô cùng tinh xảo bởi bàn tay người thợ mộc Vân Hà (vốn ở Tam Kỳ, Quảng Nam nhưng nay đã thất truyền). Căn nhà được làm trong hơn 3 năm trời, chỉ riêng phần chạm khắc đã mất hơn 2 năm dù đội thợ hùng hậu và lành nghề. Trong nhà vẫn còn lưu giữ một bộ phản gỗ lim, 2 trường kỷ kiểu xưa cũng bằng gỗ lim, bức hoành phi...

         Có chuyện kể rằng, năm 1939, ông Ngô Đình Diệm từng đến để thương lượng muốn mua lại căn nhà cổ này với số tiền lớn, nhưng cụ Huỳnh Anh cương quyết không bán. Đến năm 1960, khi lên làm tổng thống, ông Diệm một lần nữa nhờ người đến hỏi mua căn nhà này nhưng vẫn bị từ chối. Thời ấy, bị o ép rất dữ nhưng gia đình cụ Huỳnh Anh vẫn cương quyết không bán.

          Cách nhà cụ Huỳnh Anh không xa là nhà của cụ Nguyễn Đình Mẫn, với tuổi đời tương đương, cũng có cấu trúc nhà rường và nhà ngang, cũng được truyền nhiều đời như một báu vật của gia đình. Có 8 căn nhà cổ như vậy đang tồn tại ở Lộc Yên. Những căn nhà cổ đó dù không mang lại một chút lợi nào về vật chất, nhưng đối với họ, đó là giá trị tinh thần rất lớn. 

                                                                               Diệu Hiền - Báo Thanh Niên

Không gian văn hóa làng cổ Lộc Yên xã Tiên Cảnh

Bảo tồn làng cổ và chuyện người 27 năm "đo vẽ"

Góc nhìn mới về làng cổ Lộc Yên huyện Tiên Phước

Làm du lịch sinh thái phải có tầm nhìn xa rộng...