www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Khi người dân quay lưng với quế

Những ngày đầu tháng 4 này, người dân ở huyện Tiên Phước, Quảng Nam đang vào vụ mùa thu hoạch quế. Điều lạ là năm nay quế được mùa, giá cao nhưng  người dân không còn mặn mà với cây quế.

          Hiện nhiều thương lái tìm đến tận vườn nhà dân để thu mua quế. Giá quế tăng cao, có những hộ khai thác 100kg đến 200kg vỏ quê tươi/ngày đã thu về tiền triệu, đời sống người dân đỡ vất vả hơn.  Hiện nay 1kg quế ống giá 30.000 nghìn/đồng, quế đập 20.000 đồng/kg, quế chòi 3.000 đồng và quế lá 4.000 đồng. Ngoài ra, các thương lái tận dụng thu mua thân của cây quế đã khai thác để làm gỗ bao bì giúp người dân có thêm nguồn thu nhập đáng kể.

     Hằng năm có hai đợt khai thác quế vào tháng 2 đến tháng 4 và đợt cuối vào tháng 8 vì thời gian này quế dễ bóc vỏ và chứa nhiều tinh dầu. Bà Đoàn Thị Vu (60 tuổi) chủ vườn quế thôn 5, xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước cho biết: "Quế năm nay bán giá cao hơn so với mọi năm trước, chênh lệch khoảng 10 đến 20 nghìn đồng/kg. Nếu ai vườn còn quế khai thác thì năm nay cũng kiếm bộn tiền. Thế nhưng lạ một điều diện tích quế giờ đã cạn dần, bà con không còn tha thiết với việc phát triển diện tích quế!”.



Người dân đang bỏ quế ống khô vào bao bán cho thương lái   

       Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Nam có khoảng trên 5.000ha quế. Trong đó ở Nam Trà My có khoảng 800ha với khoảng 2 triệu cây, cho sản lượng hằng năm 60-70 tấn/năm. Còn ở huyện Tiên Phước, cách đây hơn 10 năm  có khoảng 300 ha quế, nhưng nay chỉ còn dưới 200 ha. Ở Bắc Trà My, số quế cây từ 5 năm tuổi trở lên còn khoảng 1.000 ha, bình quân thu 150 tấn/năm. Nhưng những năm gần đây giá cả quá thấp, quế bán không được, thậm chí có năm bán chẳng ai mua, nên nhiều người đã chặt cây quế làm củi để trồng cây khác.

        Được biết, nguyên nhân người dân không mặn mòi với cây quế, ngoài việc trồng từ 15 đến 20 năm mới khai thác được thì do những năm gần đây quế rớt giá liên tục lại còn bị các thương lái ép giá. Bên cạnh đó khí hậu ngày càng khắc nghiệt nên cây quế dễ mắc nhiều loại bệnh dẫn đến chậm phát triển và chết nhanh.

        Ông Nguyễn Văn Quả, Chủ tịch UBND xã Tiên Mỹ cho biết: "Diện tích trồng quế toàn xã chỉ còn khoảng 6 đến 7 ha, nhưng trồng lẻ tẻ, không còn trồng tập trung nhiều so với năm trước. Nguyên dân là do thời gian thu hoạch quế quá lâu, một phần cây quế dễ mắc bệnh dẫn đến cây quế nhanh chết, hơn nữa trồng quế thu lợi nhuận không cao bằng trồng cây tiêu, cây keo,… Vì thế diện tích trồng quế ngày càng thu hẹp”.

                                 Tấn Thành - Chí Đại, Báo Đại Đoàn Kết