
Gắn bó với cây tiêu hơn 10 năm và chứng kiến bao lần giá tiêu rớt thảm hại nhưng chưa khi nào ông Huệ có ý định quay lưng, phá bỏ vườn tiêu để tìm trồng một giống cây có giá trị kinh tế hơn. Trên khu vườn đồi Gành Giang bên bờ sông Đá Giăng có địa hình nhấp nhô, sản xuất nông nghiệp tương đối khó khăn nhưng với khát vọng vươn lên từ chính sức lao động của mình ông Huệ đã san ủi cải tạo, đào múc đất, chất bờ đá tkết hợp với nguồn nước sông đã biến vùng đất khô cằn thành vườn Tiêu Tiên Phước đem lại giá trị kinh tế cao.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn rộng trên 1,5 ha của gia đình, ông Huệ tự hào cho biết vườn của ông được xã Tiên Cảnh được chọn là khu vườn trồng Tiêu kiểu mẫu tại địa phương. “Trước đây khu vườn đồi này chủ yếu cây tạp như dầu trảu, cây xoan, mít, chè… hiệu quả không cao nên gia đình chuyển sang trồng cây quế, nhưng thấy cây quế thời gian sinh trưởng lâu, năng suất thấp. Gần đây thấy hạt tiêu khô Tiên Phước được thị trường ưa chuộng, cho năng suất cao, nên gia đình chuyển sang trồng loại cây này”- ông Huệ nói.

Cách đây khoảng mười năm, hạt tiêu khô Tiên Phước luôn đứng giá ở mức 35 - 50 ngàn đồng/kg nên bà con nông dân chẳng mấy mặn mà với loại cây trồng đặc sản của địa phương. Tuy nhiên, những năm gần đây, mặt hàng nông sản này bất ngờ tăng giá. Từ chỗ 35 - 50 ngàn đồng/kg đã tăng lên 350 ngàn đồng/kg và có lúc duy trì ở mức 400 - 500 ngàn đồng/kg. Bà con nông dân phấn khởi, khôi phục những vườn đã bị bỏ mặc một thời gian dài, nhờ thế diện tích cây tiêu ở Tiên Phước tăng dần. Đặc biệt là Đề án 03 của huyện Tiên Phước về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng của vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025. Đề án này đã được UBND tỉnh đồng ý và hỗ trợ cho Tiên Phước mỗi năm 10 tỷ đồng để triển khai thực hiện. Trồng dưới 100 choái, được hỗ trợ 50 ngàn đồng/choái. Trồng hơn 100 choái được hỗ trợ 10 triệu đồng. Giá cả hạt tiêu khô tăng cao, lại được huyện hỗ trợ tiền, do vậy gia đình ông Huệ đã đầu tư trồng tiêu bài bản. Ông chất bờ đá ngăn đất xói trôi vào mùa mưa lũ, xây bể chứa nước, lắp đặt dây dẫn nước tưới tiêu phục vụ cho cây trồng. Hệ thống tưới nhỏ giọt được ông Huệ lắp đặt chu đáo tận dụng nguồn nước sông Đá Giăng, giúp tiết kiệm nước và đảm bảo cây tiêu được cung cấp độ ẩm đều đặn. Đồng thời, ông Huệ còn tận dụng chất thải từ chăn nuôi để ủ thành phân hữu cơ vi sinh làm phân bón, giúp cây tiêu phát triển xanh tốt mà không cần dùng đến hoá chất độc hại.

Ông Nguyễn Văn Huệ, thôn 3, xã Tiên Cảnh chia sẻ: “Để những vườn tiêu xanh tốt, ngoài công chăm sóc, phân bón thì nước tưới đóng vai trò then chốt, dòng sông Đá Giăng chính là “người bạn” đồng hành giúp tôi có được vườn tiêu phát được vườn cây tươi tốt. Đặc biệt, nước sông Đá Giăng sạch, mát, không bị ô nhiễm rất thích hợp tưới cho cây tiêu mà không sợ lây nhiễm các loại nấm bệnh. Cùng với đó, tôi cũng đầu tư chăn nuôi bò, heo, gà... cung cấp nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng”.
Hiện trên khu đất hơn 1,5 ha, gia đình ông Huệ đã trồng được trên 300 choái tiêu Tiên Phước đang phát triển xanh tốt, trong giai đoạn thu hạch trái. Bên cạnh việc đầu tư trồng giống tiêu Tiên Phước, trên diện tích đất còn lại ông Huệ còn quy hoạch trồng trên 1.000 cây cau, trong đó có khoảng 200 cây đang trong giai đoạn cho quả. Trồng khoảng 300 bụi chuối nai, chuối lùn, 100 cây măng cụt, bưởi da xanh, gừng, nghệ các loại. Riêng đầu ra cho tiêu hạt khô ông Huệ kết nối với các tiểu thương và tham gia liên kết sản xuất với Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ kinh doanh tổng hợp Nhật Linh để tiêu thụ sản phẩm tiêu Tiên Phước. Trong quá trình trồng làm vườn, ông được huyện hỗ trợ gần 30 triệu đồng từ Đề án 03 về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại.
Song song với trồng trọt, gia đình ông Huệ còn đầu tư chăn nuôi heo, mỗi năm xuất bán khoảng trên 50 con heo thịt, nuôi 2 con bò, hơn 100 con gà ta Tiên Phước. Tổng thu nhập từ kinh tế vườn khoảng trên 170 triệu đồng/ năm sau khi trừ chi phí chăm sóc. Với ông Huệ, thành công không phải là đích đến mà là những bước đi vững chắc trong suốt hành trình. Ông vẫn luôn tự nhủ rằng: “Mỗi cây tiêu, mỗi cây cau, cây măng cụt, mỗi mầm xanh đều là thành quả của sức lao động, là hy vọng và là niềm tin vào một tương lai bền vững”.
Ông Huỳnh Tấn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiên Cảnh cho biết: “Không chỉ phấn đấu làm giàu cho gia đình, gia đình ông Huệ còn tích cực tham gia các hoạt động và phong trào Hội Nông dân xã; sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, giúp đỡ các hộ khác trong thôn có thêm việc làm, thu nhập. Với những nỗ lực, đóng góp đó, thời gian qua, ông Nguyễn Văn Huệ đã được công nhận hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp xã, cấp huyện”.
Nguyễn Hưng - Tiên Phước Portal