www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Nơi ấy 65 năm trước cụ Huỳnh Thúc Kháng đã ra đi

Thị trấn Chợ Chùa huyện Nghĩa Hành, nơi cụ Huỳnh từng có những tháng ngày chia bùi sẻ ngọt với những người dân nghèo khó, hiền lành mà giàu lòng yêu nước nay đã khang trang hơn. Nơi đây có một ngôi trường mang tên Huỳnh Thúc Kháng, tượng Cụ đặt trang trọng giữa sân để lớp lớp cháu con hôm nay thêm ngưỡng mộ Cụ, một nhân cách lớn, một nhà nho yêu nước đáng kính của xứ Quảng.

        Ngôi nhà tranh của bà Võ Thị Tuyết ở thôn Phú Bình, thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi những ngày tháng 4 này tấp nập khách tham quan. Nơi đây 65 năm trước, một nhà nho tiến bộ, một nhân sĩ yêu nước của xứ Quảng đã ra đi… Đó là cụ Huỳnh Thúc Kháng, người xã Tiên Cảnh, huỵên Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, nguyên Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà khi Cụ đang gánh vác sứ mệnh đại diện cho Chính phủ và Hồ Chủ tịch vào Khu 5 chỉ đạo kháng chiến chống Pháp.

          Trong ký ức của bà Võ Thị Tuyết, chủ nhân ngôi nhà này thì “hồi đó chỉ nghe gia đình nói cho biết là có vị đại diện Chính phủ cách mạng vào lãnh đạo kháng chiến. Mãi sau mới biết đó là Cụ Huỳnh Thúc Kháng. Những người nhà như tôi khi ấy chỉ giúp việc cơm nước, còn công việc của mấy ông ấy thì chúng tôi không biết”. Nghĩa Hành hồi bấy giờ là an toàn khu, là Thủ phủ của vùng tự do Liên Khu V nên tại đây có nhiều cơ quan chính quyền các cấp, đơn vị bộ đội đóng tại nhà dân. Nhà bà Tuyết được chọn làm nơi đặt trụ sở Uỷ ban kháng chiến Hành chính Nam Trung bộ. Ngôi nhà khuất trong vườn cây sum suê, được che chắn bởi những bờ tre rậm rạp ven sông Phước Giang nên rất an toàn. Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng sống và làm việc tại đây từ tháng 12/1946 đến tháng 4/1947 để chỉ đạo kháng chiến chống Pháp. 65 năm đã đi qua, dẫu cuộc sống có nhiều thay đổi, nhưng hình ảnh một cụ già mảnh khảnh, vầng trán rộng, đôi mắt sáng trong bộ áo dài khăn xếp, đại diện cho chính phủ Cụ Hồ luôn sống trong lòng người dân thôn Phú Bình. Chiếc thau đồng ngày xưa Cụ Huỳnh rửa mặt vẫn được bà con nơi đây trân trọng giữ gìn như một kỷ vật thiêng liêng.

           

                      Đường dẫn vào “Thủ đô kháng chiến” Nam Trung Bộ (12.1946-4.1947)

         Xuất thân trong gia đình nho học ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, 29 tuổi Huỳnh thúc Kháng đỗ Tiến sĩ. Sớm ý thức được nỗi nhục của người dân mất nước, ông tham gia phong trào Duy Tân, bị bắt đày ra Côn Đảo. Được trả tự do, ông ứng cử vào Viện Dân biểu Trung kỳ năm 51 tuổi với hy vọng dùng Nghị vịên để đấu tranh cho độc lập dân tộc. Tuy nhiên sau 2 năm ông đã từ chức. Ngày 10/8/1927, ông sáng lập và làm Chủ bút báo Tiếng Dân phát hành mỗi tuần 2 số. Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, với bầu nhiệt huyết muốn đóng góp sức mình xây dựng nền độc lập non trẻ, dẫu đã 71 tuổi, Cụ Huỳnh vẫn sẵn sàng nhận lời ra giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong nội các của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Hồ Chủ tịch lãnh đạo. Cụ nói: “Trong lúc phục hưng dân tộc, xây dựng nước nhà thì bất kỳ già, trẻ, trai, gái, ai cũng ra sức phụng sự Tổ Quốc". Việc Cụ Huỳnh tham gia chính phủ cách mạng đã góp phần khuyến khích nhiều nhân sĩ trí thức theo về với Cách mạng, đi theo kháng chiến.

         
            Nhà lưu niệm Uỷ ban kháng chiến hành chính Nam Trung bộ, nơi cụ Huỳnh sống và việc những ngày cuối đời

          Khi Hồ Chủ tịch sang Pháp đàm phán, Cụ là Quyền Chủ tịch nước, vào Khu 5 chỉ đạo kháng chiến. Dưới sự lãnh đạo của Cụ và Uỷ ban Kháng chiến hành chính Nam Trung bộ, quân dân Quảng Ngãi và Liên khu 5 trong ngoài thống nhất, trên dưới một lòng quyết tâm tăng gia sản xuất, phát triển lực lượng, xây dựng Liên khu 5 thành hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tháng 3/1947, cụ Huỳnh lâm bệnh nặng, Chính phủ và Bác Hồ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo chăm sóc chu đáo nhưng tuổi cao sức yếu, Cụ Huỳnh từ trần ngày 21/4/1947 tại ngôi nhà mà bây giờ bà Võ Thị Tuyết đang ở. Thể theo ước nguyện của cụ, chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi an táng cụ Huỳnh trên đỉnh núi Thiên Ấn để linh hồn cụ được ngắm nhìn non sông đất nước thân yêu của mình. Cả đời giữ vững tiết tháo của nhà nho, cụ Huỳnh không màng danh lợi, phấn đầu cho dân được tự do, nước được độc lập. Cụ Huỳnh qua đời để lại bao tiếc thương cho người dân xứ Quảng, cho chính quyền cách mạng. Nhiều cụ già kể lại, đám tang cụ Huỳnh, dòng người đi đưa tang dài mấy cây số.

           
                             Bên trong nhà làm việc và bàn thờ cụ Huỳnh

         Từ Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chia buồn với quân dân khu 5. Bác viết: “Cụ Huỳnh là người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà Cụ trước đây bị bọn thực dân làm tội, đày ra Côn Đảo. Mười mấy năm trường gian nan cực khổ, nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của Cụ chẳng những không sờn, mà lại thêm cương quyết. Cụ Huỳnh tạ thế, nhưng cái chí vì nước, vì nhà của Cụ vẫn luôn sống mạnh mẽ trong lòng hai mươi triệu đồng bào chúng ta”.

           Điếu văn “Thương tiếc cụ Huỳnh Thúc Kháng” của Uỷ ban Kháng chiến hành chính Nam Trung bộ đọc trong Lễ tang của Cụ rất xúc động và được kết thúc bằng hai vế đối thật súc tích và đầy ý nghĩa:

         “Làm nghệ sĩ không vinh, tù Côn Lôn không nhục, khí tiết cội Tùng trơ một gốc.

          Lãnh Bộ trưởng trọn tài, quyền Chủ tịch trọn đức, tinh anh sao Vĩ chiếu ngàn thu”.

       Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng và Khu di tích trụ sở Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Trung bộ đã được xếp hạng Di tích Lịch sử văn hoá quốc gia, được ngành Văn hoá thông tin Quảng Ngãi đầu tư tôn tạo, phục dựng như xưa. Giữa vườn là ngôi nhà nhỏ mái tranh, vách đất, bên trong nội thất còn lưu giữ nhiều kỷ vật như án thờ Cụ Huỳnh được đặt trang trọng giữa gian nhà, bộ trường kỷ, bộ phản gỗ, cùng các vật dụng thường dùng hàng ngày; từ ngõ vào là hai hàng cau thẳng tắp, ngôi nhà ẩn sau những cây nhãn sum suê, xanh mát, trước sân còn một giếng xưa, phía sau góc vườn là căn hầm tránh bom đạn còn nguyên vẻ đơn sơ, giản dị như lúc Cụ Huỳnh còn sống. Con đường từ tỉnh lộ 627 vào Khu di tích đã được trải nhựa. Từ thành phố Quảng Ngãi, du khách chỉ mất 15 phút xe máy hoặc ô tô là có thể đến thăm Nhà lưu niệm, thắp một nén nhang tưởng niệm Cụ Huỳnh. Vùng quê bên bờ sông Phước Giang ngày ấy giờ đã khác xưa. Cuộc sống người dân nơi đây đã khá hơn. Điện, đường, trường, trạm khang trang.

         
                                                 Hầm trú bom

       Nước Thạch Nham từ sông Trà về tưới mát vùng quê một thời gian nan khốn khó này. Thị trấn Chợ Chùa, nơi cụ Huỳnh từng có những tháng ngày chia bùi sẻ ngọt với những người dân nghèo khó, hiền lành mà giàu lòng yêu nước nay cũng đã khang trang hơn. Nơi đây có một ngôi trường mang tên Huỳnh Thúc Kháng, tượng Cụ đặt trang trọng giữa sân để lớp lớp cháu con hôm nay thêm ngưỡng mộ Cụ, một nhân cách lớn, một nhà nho yêu nước đáng kính của xứ Quảng.

             

                                         Mộ cụ Huỳnh trên núi Thiên Ấn

 

Nguyễn Vân Thiêng ( Đài TNVN)